Trong gia đình tôi, con cái chủ yếu lớn lên trong nông trại, trong bầu không khí hương đồng cỏ nội. Tôi và con trai Cody thường làm việc cùng nhau. Chúng tôi cùng cưỡi ngựa, gặt cỏ, đóng dấu cho bò, chăn thả đàn bò hay cho chúng ăn. Trên đời này có lẽ không có gì có sức củng cố các mối quan hệ tốt hơn khi người ta lao động cùng nhau. Với cha con chúng tôi, tình phụ tử dựa trên cơ sở tham gia những hoạt động ngoài trời, làm việc cùng nhau, đi bộ đường trường với nhau và chia sẻ với nhau trong những hoạt động tương tự khác.

Thế rồi cả gia đình tôi chuyển lên thành phố, sau khi tôi được nhận vào làm trong một công ty lớn. Sự kiện này là điều khó chấp nhận với con trai tôi. Nó quen sống trong một khoảng không gian bao la thoáng đãng, nơi nhà láng giềng gần nhất cũng cách xa hơn 10 cây số, ngôi trường gần nhất cách nhà 70-80 cây số và là nơi nó có thể phóng tầm mắt đi bốn phương tám hướng. Tôi biết rằng mình đã bứng con trai ra khỏi môi trường mà nó yêu thích và phù hợp với nó. Nhưng tôi tự hào về con trai mình, tôi biết rằng nó có thể xoay xở rất tốt để thích ứng với môi trường mới.

Trong kỳ nghỉ hè trước khi Cody vào đại học, cha con tôi dự định một chuyến dã ngoại dài ngày, chỉ có cha và con trai mà thôi. Chúng tôi quyết định sẽ đi cắm trại ở vùng Wind River Mountains ở bang Wyoming. Khoảng 30 năm về trước, cha tôi và tôi cũng từng đến vùng này, khi ấy tôi cũng trạc tuổi Cody tức là 19, 20 tuổi. Chẳng có gì hợp tình hợp lý hơn việc tôi cùng con trai tham gia chuyến dã ngoại cuối cùng, trước khi nó từ giã gia đình bắt đầu cuộc sống sinh viên đại học. Chúng tôi hình dung chuyến đi sẽ kéo dài năm ngày, một ngày đi, một ngày về, và ba ngày cắm trại. Chúng tôi đã chọn ra hai mốc thời điểm phù hợp với mục đích của mình.

Bởi vì công việc của tôi liên quan đến công tác huấn luyện đào tạo nên mùa hè là cũng mùa bận rộn nhất trong năm. Cần tranh thủ huấn luyện học viên vào những khi họ không phải đi học chính khóa. Vì tôi chỉ được trả lương khi tôi dạy dỗ người khác, nên tôi cố sắp xếp càng nhiều khóa huấn luyện trong dịp hè càng tốt. Thế là mỗi khi có dịp mở khóa mới, tôi chộp ngay lấy và buộc phải lùi lịch đi chơi cùng với con trai.

Rồi một ngày, với cảm giác vừa sốc vừa ghê tởm, tôi nhận ra rằng tôi đã hoàn toàn gạt bỏ chuyến đi ra khỏi lịch làm việc của mình. Chỉ còn bốn kỳ nghỉ cuối tuần trong mùa hè, và tôi đã lên lịch cho một khóa học vào một kỳ nghỉ mất rồi. Bây giờ tôi buộc phải có một sự lựa chọn nghiệt ngã hoặc tôi sẽ làm con trai thất vọng khi nuốt lời hoặc tôi phải gạt bớt một số khóa học. Điều đó có nghĩa là tôi phải kiểm tra lại thứ tự ưu tiên của mình.

Nhìn lại cuộc sống hối hả, ngồn ngộn những công kia việc nọ gần như xóa sạch những kế hoạch không làm ra tiền; và trong cố gắng sắp đặt lại thứ tự những việc quan trọng nhất, tôi chợt bừng tỉnh. Một tiếng nói vang lên trong đầu tôi, “Coi nào. Mình vẫn rao giảng những điều này kia mà. Tại sao mình lại không sống với đúng những điều đó?” Nói tóm lại, tôi rút lui khỏi cuộc chạy đua nước rút với các đồng nghiệp, bố trí lại lịch làm việc và chuẩn bị hậu cần cho chuyến đi dã ngoại của hai cha con tôi [Thói quen 3: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất].

Chúng tôi lên đường và cắm trại ở đúng cái nơi mà tôi và cha tôi đã cắm trại 30 năm về trước. Sáng hôm sau, con trai tôi, sau một ngày đi đường mệt mỏi vào ngày hôm trước đã nói với cha nó, “Bố có muốn chinh phục đỉnh núi trước mắt không?” Thế là hai cha con quyết định trèo lên đỉnh núi cao khoảng 3000 mét. Lên đến đỉnh, chúng tôi bắt gặp một đồng cỏ rộng bằng ba sân bóng gộp lại. Chúng tôi dựng trại ăn trưa ở nơi tuyệt đẹp này. Tung tăng gặm cỏ quanh cha con chúng tôi là một đàn dê núi có tới vài trăm con. Tôi không nghĩ là đàn dê này từng nhìn thấy động vật đi bằng hai chân như chúng tôi, xem ra chúng chẳng có vẻ sợ người gì cả. Suốt đời mình, tôi chưa từng có trải nghiệm nào kỳ thú đến như vậy: ngồi trên một đồng cỏ xanh mướt trên đỉnh một ngọn núi cao ở bang Wyoming với cậu con trai 19 tuổi đang nhồm nhoàm ăn bánh sandwich quết bơ đậu phộng; trong khi cả trăm con dê núi thản nhiên và vô tư gặm cỏ trước mắt chúng tôi, sau lưng chúng tôi, ngay sát bên chúng tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được thời khắc này: bầu trời xanh màu ngọc bích cao vút trên đầu, những dãy núi xanh ngắt, sắc sảo như nét vẽ trập trùng trườn đi như những đàn cừu hai bên chúng tôi, cả Cody con trai tôi và những con dê núi.

Ngày hôm sau ăn điểm tâm xong, Cody lại muốn chinh phục đỉnh núi thứ hai. Bởi vì tôi chẳng còn bao nhiêu sức lực và vì Cody phải giúp tôi rất nhiều trong khi xuống núi ngày hôm qua, nên tôi bảo con trai rằng, tôi chỉ muốn nằm khểnh ngắm trời đất thôi. Tôi gợi ý, có lẽ chúng tôi nên đi câu cá ở một cái hồ trên núi, gần chỗ chúng tôi cắm trại.

Ngày hôm ấy là ngày đẹp nhất trong cuộc hành trình, nó gần như là sự pha trộn tuyệt vời giữa ngọt bùi với một dư vị cay đắng. Tôi không biết mình nên cười hay khóc khi nhớ về nó nữa. Thực ra tôi vừa cười vừa mếu đấy. Bạn biết không, chúng tôi bỏ ra cả một ngày trời chỉ đi vơ vẩn quanh hồ và câu cá. Vào một lúc nào đó trong ngày, Cody bắt đầu lên tiếng thắc mắc về cuộc sống của bố nó trong tuổi vị thành niên. Nó thực sự rất quan tâm đến tôi. Sự quan tâm này khiến tôi cảm động thật sự. Tôi bắt đầu nói về những điều mà tôi chưa bao giờ nói với ai: tuổi thơ của tôi, những ước mơ, những thất vọng tinh thần, những hy vọng mà tôi vẫn thầm nuôi dưỡng trong tim, những nỗi sợ hãi về tương lai, những hy vọng dành cho con cái và cả những ước mơ của tôi về quãng đời phía trước. Ôn lại những kỷ niệm cùng con trai chính phần ngọt ngào nhất đối với tôi. Dư vị cay đắng của nó là ý nghĩ rằng, suýt nữa thì tôi để vuột mất cơ hội này. Tôi gần như đã để cho công việc nuốt chửng bản thân mình. Cay đắng cũng bởi vì tôi đã nói ra những điều này quá muộn. Khoảng thời gian tôi có thể gần gũi với Cody chẳng còn lại bao nhiêu. Tôi ước gì mình có thể nói ra những điều ấy sớm hơn. Bạn chẳng có cách nào nói về những chuyện cần phải nói trong 17 năm mà chỉ gói gọn vào trong 4 giờ cả. Nhưng cuối cùng tôi vẫn là kẻ may mắn vì đã nói ra được.

Cody rời nhà đi học đại học – chỉ hai ngày sau khi chúng tôi trở về nhà…

[sach_songmanhme]