Theo học khoa Tâm lý từ những năm 1960, một người bạn của tôi tham gia vào một cuộc nghiên cứu, trong đó họ chích điện vào lũ chuột thí nghiệm mỗi khi chúng cố lấy thức ăn từ trong khay. Chẳng bao lâu sau, chúng không còn dám xớ rớ đến gần khay thức ăn nữa vì sợ bị điện giật. Sau đó, người ta ngắt nguồn điện và đặt nhiều thức ăn hấp dẫn hơn vào khay. Nhưng lũ chuột tuyệt nhiên không dám đến gần. Thời gian trôi qua, chúng thà chết đói chứ không dám liều mạng đến gần khay kiếm chút thức ăn vì sợ bị chích điện.

Tương tự như vậy, bạn có thể hình dung con người chúng ta, nhìn chung, cũng bị “lập trình” bởi những sự việc trong quá khứ để đi đến chỗ chấp nhận cái đói, thậm chí cái chết chứ không dám đối đầu với nỗi sợ hãi một lần nữa? Đó chính là điều đã xảy ra với những chú chuột ở trên. Bất cứ lúc nào, chúng cũng có thể quay lại khay thức ăn để thưởng thức những món ăn ngon lành, để lại béo tốt và trở về với cuộc sống bình thường. Nhưng mà chúng, thà chết đói, chứ không dám thử lấy một lần. Ghê gớm thay sức mạnh của những chương trình tiêu cực!

Trên đời có biết bao nhiêu người ngừng theo đuổi công việc mơ ước của mình, không phải vì họ thích một công việc khác, mà vì họ nghĩ đó là công việc tốt nhất mà họ làm được, xét trên các yếu tố khả năng, điều kiện và hoàn cảnh. Các cuộc khảo sát cho biết có đến 85% người lao động muốn đổi sang công việc khác hoặc ngành nghề khác nhưng cũng giống như loài chuột, họ không thể thoát khỏi một nơi mà những sự việc trong quá khứ đã “ấn” họ vào đấy.

Tôi hy vọng bạn bắt đầu nhận ra tác hại ghê gớm của sợi dây xích lập trình sẵn sự tầm thường. Nó neo chặt bạn lại, không cho bạn cơ hội giải phóng năng lượng của mình để chạm tới những ước mơ.

Bạn biết đấy, thời trung học, tất cả chúng ta đều bị các thầy cô, huấn luyện viên, cha mẹ, bạn bè và tệ hơn cả là chính bản thân mình đánh giá chỉ với ba tiêu chuẩn đo lường: điểm số, sự nổi tiếng và năng khiếu thể thao. Nếu chúng ta không đạt toàn điểm 10 trong các kỳ thi, không được nhiều người biết đến, không có thành tích thể thao nổi bật thì chúng ta cho rằng mình rốt cuộc cũng chỉ là một kẻ trên dưới mức bình thường. Và từ giây phút đó, chúng ta chấp nhận và tiếp tục dùng thước đo này cho chính mình. Thậm chí chúng ta không dám nghĩ đến những thành quả phi thường. Chúng ta đề ra những mục tiêu thấp kém bởi vì chúng ta nghĩ dù cố mấy mình cũng chỉ làm được đến thế mà thôi.

Bạn thân mến của tôi, đây toàn là những điều giả dối cả. Thế mà chúng ta đã tin vào những điều sai lạc này trong một thời gian dài và cho phép nó lập trình cách nghĩ và cách sống của bản thân mình. Các kỹ sư hàng không Mỹ đều đã nhất trí với nhau rằng không thể chế tạo một chiếc máy bay loại nhỏ với chi phí dưới 100 triệu đô, thế nên họ chẳng bận tâm đến việc thử đi ngược lại “sự thật hiển nhiên” ấy. Vậy mà Bill Lear tạo ra được một mô hình máy bay như vậy chỉ với giá 10 triệu đô, có lẽ vì ông không được lập sẵn chương trình như các kỹ sư thông thái trong các hãng sản xuất máy bay khổng lồ trên thế giới.

Giới nghiên cứu y khoa từng phán một câu rằng bệnh nhiễm khuẩn là căn bệnh “không có thuốc chữa” cho đến khi một bác sĩ tên là Jonas Salk bỏ qua nhận định ấy và đẩy căn bệnh nhiễm khuẩn vào trong quá khứ. Nhờ khám phá của bác sĩ Salk mà giới y khoa rút ra được bài học: “Không bao giờ nói không thể”.

Như tôi đã nói ở phần đầu chương, tất cả chúng ta đều được lập trình sẵn sự tầm thường. Nhưng cũng giống như Bill Lear và Jonas Salk, chúng ta có thể học cách liên tục chặt đứt sợi dây xích đáng sợ về sự tầm thường này mỗi khi nó hiện ra.

[sach_nhungbuocdongiandenuocmo]

SỐNG VÀ KHÁT VỌNG

Một quyển sách về kỹ năng tư duy thành công, nhưng hoàn toàn khác những quyển sách kỹ năng bạn đã từng đọc từ trước đến giờ, bởi nó là câu chuyện về cuộc đời của doanh nhân – diễn giả Trần Đăng Khoa. Bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ đan xen, quyển sách là tập hợp nhiều bài học cuộc sống được tác giả Trần Đăng Khoa đúc kết lại qua những trải nghiệm của anh. Đọc quyển sách này, sẽ có lúc bạn muốn dừng lại để suy ngẫm về cuộc đời mình, sẽ có lúc bạn bất chợt nhận ra một điều gì đó mình cần phải làm khác hơn, cũng có khi chỉ đơn giản là bạn cảm thấy ngạc nhiên, thú vị khi có thêm một số kiến thức mới lạ.

MUA SÁCH