“Không một ai tự thay đổi cho đến khi người ấy cảm thấy buộc phải làm điều đó.” – Socrates

Trong chương trước, chúng ta đã thống nhất với nhau rằng người thành công là người coi thất bại như một sự phản hồi từ cuộc sống, và họ sử dụng những phản hồi này để thay đổi chiến lược cho phù hợp hơn, trước khi bắt đầu lại lần nữa. Họ kiên trì lặp đi lặp lại quá trình này cho đến khi họ đạt được điều mình muốn. Lev Tolstoy, đại văn hào Nga, trong lá thư gửi cho người cô của mình có đoạn đại ý như sau: Cuộc đời cháu không hề là một đại lộ thẳng tắp như mọi người thường nghĩ mà giống như một con đường rừng của một chuỗi sai lầm. Cháu cứ bắt đầu một việc gì đó, nhận thấy sai lầm bèn sửa chữa, rồi lại sai lầm rồi lại sửa, và cứ thế mãi cho đến khi con đường trước mặt sáng dần lên…

Vì thế, có lẽ bây giờ bạn đã hiểu tại sao có quá ít người sẵn lòng thay đổi và kiên trì hành động cho đến khi họ đạt được mục đích, và tại sao có quá nhiều người bỏ cuộc giữa đường. Tệ hơn nữa, vẫn có những người chần chừ mãi chẳng dám bắt tay vào việc gì? Lý do khá đơn giản, mặc dù tất cả mọi người đều mong muốn thành công, nhưng chỉ có một số rất ít người thật sự QUYẾT TÂM hướng đến những mục tiêu to lớn của mình.

Với đại đa số mọi người, việc có nhiều tiền hơn, có cuộc sống thoải mái hơn, bảo đảm hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn bao giờ cũng chỉ là những mơ ước trong cuộc sống. Họ nghĩ thật tuyệt vời khi có được những điều ấy, nhưng rốt cuộc không có chúng, họ vẫn… sống, cho nên hà tất phải nhọc lòng làm chi. Vì thế, dĩ nhiên họ chẳng bao giờ dành thời gian để hành động vì những điều đó, bởi dường như bao giờ cũng có một cái khác “quan trọng” hơn chiếm mất thời gian của họ.

Khi một mục tiêu chẳng là gì ngoài một mong ước mơ hồ, bạn sẽ thấy mình bị những cám dỗ, vật cản, những thất vọng hay thất bại cầm chân. Nhiều người cũng có những mục tiêu to lớn hẳn hoi, nhưng chúng chẳng qua chỉ là những mong muốn vừa tầm với, và họ không cần phải nhọc công gắng sức là bao vẫn đạt được nó. Khi gặp khó khăn vất vả một chút, họ lại tặc lưỡi đưa ra hàng tá lý do tự biện minh cho việc họ không làm gì cả. Kết quả thì bạn đã rõ, với những người ấy thì mong ước vẫn chỉ mãi là ước mong, vì họ chẳng bao giờ chịu cố gắng hết sức để theo đuổi và biến nó thành hiện thực.

5% đặc biệt QUYẾT TÂM PHẢI thành công.

  • Họ biến nó thành việc BUỘC PHẢI LÀM.
  • Họ làm bất cứ điều gì cần làm trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức.

95% còn lại chỉ ƯỚC, MUỐN, HY VỌNG và THÍCH được thành công.

  • Họ chỉ làm khi thấy tiện lợi thoải mái.
  • Họ viện cớ cho việc không làm gì cả.

Một lần nọ, một nhà tư vấn tài chính tìm đến tôi xin lời khuyên. Anh có thâm niên 5 năm làm việc trong ngành. Anh cũng đã tham dự vài cuộc hội thảo, đọc vài quyển sách về bán hàng và bí quyết thành công. Ngay từ đầu anh đã vạch ra cho mình mục tiêu để phấn đấu: đó là giành được danh hiệu Bàn Tròn Triệu Đô – Million Dollar Round Table (MDRT) – danh hiệu của 5% các nhà tư vấn tài chính giỏi nhất thế giới. Tuy vậy, anh vẫn không hiểu sao mình không thể đến gần mục tiêu này bất chấp những cố gắng “vượt bậc” của bản thân. Vì vậy, anh mới nhờ tôi tư vấn xem anh cần phải làm gì để đạt được điều đó. Tôi mời anh ngồi vào bàn, đưa cho anh cả một danh sách dài các bước hành động và chiến lược mà anh phải cân nhắc để nâng cao doanh thu của mình.

Tôi khuyên anh phải gọi 20 cuộc điện thoại mỗi ngày, tham dự hai buổi họp mặt giao lưu mới mỗi tuần, thiết kế các mẫu quảng cáo ấn tượng, dành thời gian tiếp xúc với những công nhân làm ca đêm (họ là một phân khúc thị trường lớn còn chưa được khai phá), còn vào những ngày cuối tuần thì đi dự các buổi hội thảo chất lượng cao và tổ chức những buổi giới thiệu miễn phí. Tôi cũng nhắc nhở anh phải cập nhật và trau dồi những kỹ năng cũng như kiến thức về sản phẩm của mình mỗi tháng một lần.

Trong khi nói, tôi có thể nhận thấy rằng những việc mà tôi yêu cầu anh chàng này làm sẽ lôi anh ra khỏi vòng thoải mái của anh. Người này chưa chuẩn bị tâm lý để từ bỏ những ngày cuối tuần vui vẻ, không sẵn sàng cho những buổi thức thâu đêm suốt sáng tìm kiếm thêm khách hàng, không muốn bỏ tiền sửa đổi và tân trang mẫu quảng cáo cũ kỹ, cũng như không muốn phải cố gắng nâng cấp kỹ năng của mình thông qua các khóa học chất lượng cao (vì cho rằng chi phí đắt).

Anh bắt đầu đưa ra những cái cớ để thoái lui như, “Tôi nghĩ mình không có thời gian cho những chuyện đó.”, “Tôi không có tiền để đầu tư thêm.”, “Tôi chưa từng làm việc này bao giờ.”, “Trời ơi quá nhiều việc như thế thì làm sao cho xuể!” v.v…

Khi chúng tôi chia tay, tôi thật sự nghi ngờ việc anh sẽ dùng những phương pháp mà tôi chia sẻ, kể cả khi anh biết rõ rằng tất cả những điều tôi nói đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao cho nhiều nhà tư vấn tài chính. Mặc dù người đàn ông này thuộc vào loại người biết vạch ra mục tiêu rõ ràng cụ thể cho mình, nhưng anh chưa chuẩn bị tâm thế “nếm mật nằm gai”, làm tất cả những việc cần thiết để đạt được mục tiêu của mình và thành công.

Khi một mục tiêu trở thành điều BUỘC PHẢI ĐẠT ĐƯỢC… chúng ta sẽ hành động với một tâm thế hoàn toàn khác.

Những người đạt được mục đích của mình thường là những người toàn tâm toàn ý vào việc bằng mọi cách có được điều mình muốn. Với họ, mục tiêu trong đời không phải là ước muốn mơ hồ, mà đó thật sự là những việc phải làm và phải đạt được chứ không thể nào khác hơn.

Khi một mục tiêu trở thành một việc bắt buộc phải thực hiện, bạn sẽ thay đổi tâm thế một cách hoàn toàn. Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác, và bạn sẽ làm bất cứ điều gì phải làm để đạt được điều đó (tất nhiên là trong giới hạn đạo lý – luật pháp). Khi một điều gì đó trở thành việc phải làm, bạn sẽ cố gắng hết sức để “lôi” mình ra khỏi “chỗ trú ẩn” thoải mái vốn có, và thay đổi chiến lược của mình liên tục bất kể bao nhiêu lần miễn là cần thiết để đạt được thành công.

Một lần nữa, bạn cần phải nhận ra rằng, những người thành công là những người thật sự chứng tỏ được quyết tâm sắt đá của mình. Thực tế cho tôi niềm tin rằng: thất bại, trở ngại và những điều bất như ý chính là những cách thức khác nhau mà cuộc sống dùng để thử thách quyết tâm thành công của chúng ta. Hầu hết mọi người “rớt” bài kiểm tra này vì bỏ cuộc ngay khi họ gặp khó khăn trở ngại. Còn lại chỉ có một số ít người sẽ làm bất cứ điều gì để “giải đáp” và vượt qua “những bài toán khó” trong cuộc sống cho đến khi họ “đậu” bài kiểm tra. Đó chính là lý do tại sao: thành công không dành cho tất cả mọi người. Và đó cũng là lý do tại sao chúng ta gọi nó là “thành công” chứ không phải là “tầm thường”.

Tôi thật lòng tin vào một điều: khi thành công trở thành bắt buộc đối với bạn, bạn sẽ trong tâm thế sẵn sàng làm bất cứ việc gì cần làm, và khi đó, bạn chắc chắn sẽ tìm ra một cách nào đó để đến gần mục tiêu của mình hơn.

“Bạn sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì to lớn trong đời trừ khi bạn biến nó thành việc PHẢI LÀM” – Adam Khoo

[sach_lamchutuduy]