Trong mười năm qua, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người hăm hở thành lập doanh nghiệp với bao hy vọng và mơ ước tươi đẹp, để rồi chịu cảnh đổ vỡ, thất bại; họ không những mất tiền bạc, công sức, thời gian mà còn mất cả niềm tin vào chính bản thân mình. Điều trớ trêu là hầu như tất cả những người này đều thông minh, chăm chỉ, tràn đầy nhiệt huyết; nhiều người trong số họ còn nắm giữ những bằng cấp đáng nể nữa.

Tại sao những ứng cử viên sáng giá đến thế lại thất bại? Đơn giản là vì trí thông minh, niềm đam mê, sự chăm chỉ và kinh nghiệm… ngần ấy yếu tố vẫn chưa đủ để xây dựng một doanh nghiệp thành công. Sau một thời gian tập trung nghiên cứu về vấn đề này, tôi phát hiện ra rằng, để trở thành một doanh nhân thành đạt, bạn cần được trang bị các phương pháp tư duy và kỹ năng cần thiết. Trong chương hai, tôi sẽ chia sẻ với bạn những phương pháp và kỹ năng đó thực chất là gì và làm thế nào để bạn có thể trang bị cho mình những thứ đó.

Nhiều khi ngẫm nghĩ tôi thấy thật kỳ lạ, cứ như thể nhà trường và xã hội chuẩn bị sẵn cho chúng ta tiền đề để… thất bại trong kinh doanh. Sở dĩ tôi dám nói như vậy là bởi vì những gì chúng ta học được hoặc bị ép buộc phải tin là đúng trong trường học và nơi công sở trái ngược hẳn với những phương pháp tư duy và kỹ năng mà một người cần có để thành công trong kinh doanh.

Thứ nhất, trong nhà trường hay nơi làm việc, mỗi khi có việc gì không ổn xảy ra, hầu như mọi người ai nấy đều “được lập trình sẵn” để viện cớ hoặc đổ lỗi cho “ngoại cảnh”, tức là một cái gì đó hay một ai đó với hy vọng bản thân mình không phải gánh chịu hậu quả, không bị đổ lỗi, bị mất mặt hay bị trách phạt. Trong khi đó, một cách nghĩ như vậy chắc chắn sẽ dựng lên một bức tường mà bạn không thể nào trèo qua để vươn tới thành công. Bởi vì, để trở thành hoặc là một doanh nhân, bạn phải có tinh thần dám chịu trách nhiệm. Thật vậy, nếu không có tinh thần làm chủ và chịu trách nhiệm 100% về bất cứ chuyện gì xảy ra với mình, bạn sẽ không thể xây dựng một doanh nghiệp với mức độ thành công đáng kể.

Thứ hai, từ lúc đi học cho đến khi đi làm và về hưu, chúng ta được dạy rằng thất bại và lỗi lầm là những việc không thể chấp nhận được, nó như một bệnh dịch càng tránh xa càng tốt. Vì vậy, chúng ta thường bị la rầy trách cứ thậm chí bị trừng phạt nếu chúng ta thất bại hoặc phạm lỗi; và đến lượt mình chúng ta cũng thích thú với vai trò trách mắng, trừng phạt những kẻ thất bại, mắc lỗi. Trong khi ấy, dám mắc lỗi và dám thất bại lại chính là những tính cách không thể thiếu để trở thành một doanh nhân thực thụ. Các triệu phú tin rằng không có cái gọi là thất bại, đó chỉ là những bài học kinh nghiệm mà nếu ai không học thì khó có thể thành công. Họ tin rằng trừ khi họ dám hành động, dám mắc lỗi và dám thất bại, họ sẽ không bao giờ nếm được trái ngọt của thành công. Những người sợ mắc lỗi và sợ thất bại thường không tồn tại quá ba tháng sau khi khởi sự kinh doanh!

Thứ ba, chúng ta được trọng thưởng khi tuân thủ các quy định và những giá trị có sẵn. Trong giảng đường, chúng ta được dạy rằng chỉ có duy nhất một câu trả lời đúng và nó có thể được tìm thấy trong sách giáo khoa. Khi đi làm, người ta yêu cầu chúng ta “làm theo chỉ đạo của cấp trên, trong chức trách và phận sự của mình”, “không thắc mắc”, “không lội ngược dòng”, “đừng tỏ ra tài lanh”, “đừng chơi nổi”, v.v…

Thế mà cách duy nhất để bạn về nhất trong các cuộc tranh tài hoặc thành công trong kinh doanh là bạn phải có một cách nghĩ khác với số đông, phải dám thách thức các giới hạn, dám “nổi loạn” (tất nhiên là trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức), tức là dám… không làm theo cách mà ai cũng làm và thậm chí tạo ra những quy luật mới trong kinh doanh.

Trong kinh doanh mà cứ răm rắp làm theo những gì thiên hạ đã làm chán rồi và chạy theo đám đông có khác gì cảnh trâu chậm uống nước đục. Sáng tạo ra một phương thức mới, hiệu quả hơn cách mà người khác vẫn làm chính là ẩn số và yếu tố quan trọng nhất quyết định chỗ đứng và thành công của một doanh nghiệp trong thương trường.

Đó cũng là lý do tại sao vô số những người học rộng tài cao với đủ các loại văn bằng hiển hách về kinh tế vẫn thất bại trong việc kinh doanh; trong khi ấy những người bỏ học giữa chừng như Bill Gates (sáng lập ra tập đoàn Microsoft), Larry Ellison (Tổng giám đốc (CEO) của Oracle), Steve Jobs (CEO của Apple), Richard Branson (CEO của Virgin), Anthony Robbins (Nhà đào tạo số một thế giới) và Michael Dell (CEO của Dell Computers) lại là những doanh nhân thật sự đã tạo dựng lên những đế chế trị giá hàng tỷ đô Mỹ.

Tôi không có ý phản đối chuyện học hành, cũng không cho rằng bằng cấp là vô bổ hoặc bắt đầu vào đời bằng việc đi làm thuê là hạ sách. Tôi thật sự tin rằng môi trường đại học trang bị cho chúng ta những kiến thức nền tảng cần thiết, giúp chúng ta sống và tư duy tốt hơn. Tôi cũng cho rằng khoảng thời gian đi làm thuê cho người khác cho phép chúng ta học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của người khác và đẩy nhanh mức độ tiếp thu kiến thức của chúng ta. Đây cũng là lý do vì sao tôi quyết định hoàn thành chương trình cử nhân kinh doanh của mình tại trường Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS) và luôn cố gắng nằm trong nhóm sinh viên dẫn đầu.

Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nói là bạn không nên để cho trí tuệ của mình bị giới hạn và nằm trong vòng kiểm soát của những cách nghĩ cũ mòn mà một nền giáo dục chính thống có thể mang lại cho bạn. Khi làm việc cho ai đó với tư cách là một người làm công, bạn hãy tránh cách nghĩ, cách phản ứng cũng như cách hành xử của một người đi làm thuê. Thay vì thế, hãy học cách tư duy và hành động như một doanh nhân… như thể bạn là ông chủ thật sự. Suy cho cùng đó chẳng phải là khoảng thời gian tập sự quý báu để chuẩn bị cho việc làm chủ nếu mơ ước của bạn là mở doanh nghiệp riêng hay sao?

[sach_biquyetxaydungconghiepbacty]