Câu than phiền cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh xưa nay là, “Tôi không có cách nào nói cho con tôi hiểu được. Chúng cứng đầu lắm. Tại sao con cái lại không nghe lời cha mẹ chứ?”.
Các bậc cha mẹ thành công không rơi vào tình cảnh đó, họ có thể khiến con cái nghe lời và hợp tác với mình, bởi vì họ vun đắp được mối quan hệ hiểu biết và cảm thông giữa đôi bên. Chỉ khi nào con bạn cảm thấy chúng có thể TIN TƯỞNG bạn, rằng bạn HIỂU chúng thì chúng mới sẵn sàng lắng nghe và hợp tác với bạn.
Vấn đề lớn nhất mà các bậc cha mẹ thường gặp là họ không xây đắp được mối quan hệ tốt với con cái. Những đứa con cảm thấy cha mẹ không hiểu mình nghĩ gì, muốn gì và đang phải đối diện với những vấn đề gì (thì người lớn có vấn đề của người lớn, người trẻ cũng có những vấn đề của người trẻ chứ). Đồng thời, chúng cũng không đủ tự tin để nghĩ rằng mình có thể chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất với cha mẹ vì nỗi sợ bị chỉ trích, quy tội và trừng phạt.
Đó là lý do tại sao nhiều bạn trẻ khi gặp khó khăn thì “chui vào vỏ ốc” và tự mình giải quyết lấy. Tại sao chúng tránh né hoặc trả lời nhát gừng mỗi khi cha mẹ quan tâm hỏi han. Ở mức độ xấu hơn, chúng có thể bỏ ngoài tai những ý kiến khôn ngoan và lời khuyên bảo tâm huyết của chúng ta. Đơn giản chúng nghĩ, những người không hiểu ta, không biết ta muốn gì thì làm sao có thể cho lời khuyên xác đáng được. Hoặc tệ hơn nữa, chúng có thể công khai phản đối và thách thức những quan điểm và giá trị của cha mẹ.
Mức độ nguy hiểm không dừng lại ở đó. Con người ai cũng có nhu cầu được người khác cảm thông, nhìn nhận và chia sẻ. Khi một đứa trẻ cảm thấy mình không thể có được những điều đó từ cha mẹ, nó có khuynh hướng tìm kiếm những điều đó ở người khác, bất cứ ai khiến nó cảm thấy mình thật sự được lắng nghe và được công nhận. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều thanh thiếu niên trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, bởi vì với những đứa trẻ ấy, làm theo những lời ngon ngọt của bọn người “lười nhác hoặc tệ hại” dễ dàng hơn nhiều so với việc làm theo những lời giáo huấn nghiêm khắc của cha mẹ.
Như vậy, nếu muốn con cái mở lòng với bạn, tự nguyện lắng nghe và làm theo ý bạn, trước hết bạn phải xây dựng mối quan hệ tốt với chúng. Chỉ khi con cái có thể tin tưởng cha mẹ, rằng cha mẹ thật sự hiểu chúng thì bạn mới có thể phát huy ảnh hưởng tích cực đối với con cái trong bất cứ vấn đề gì! Con bạn lúc ấy sẽ trở nên cởi mở và sẵn lòng lắng nghe những ý kiến và lời khuyên khôn ngoan của các “bậc trưởng bối”.
Chỉ có một “bí kíp” để xây dựng mối quan hệ hai chiều tốt đẹp với con cái (hoặc với bất kỳ ai) là “Tôn Trọng Nhận Thức Về Thế Giới Của Chúng”. Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ và sau đó chấp nhận cách nhìn và cảm giác của đối tượng.
Giả sử, nếu con bạn nói những câu sau với bạn. Thường thì bạn sẽ trả lời như thế nào?
“Học hành chỉ tốn thời gian!”
“Con ghét cô giáo ngu xuẩn này!”
Đây là một số phản ứng tiêu biểu của phụ huynh …
Đứa trẻ: Học hành chỉ tốn thời gian!
Cha mẹ: Con điên à? Học hành KHÔNG bao giờ là việc tốn thời gian cả! Mà là đầu tư nghe rõ chưa. Con phải học vì tương lai của mình.
Đứa trẻ: Con ghét cô giáo ngu xuẩn này. Ngày nào cô cũng giao cả đống bài tập về nhà.
Cha mẹ: Sao mày dám ăn nói láo lếu như thế? Người ngu xuẩn là mày biết chưa? Cô giáo giao nhiều bài về nhà là để mày học tốt hơn, có thế mà cũng không hiểu.
Bạn nghĩ con mình sẽ cảm thấy thế nào sau khi bị cha hoặc mẹ “dồn” cho một trận như thế? Liệu nó có vui không? Có cảm thấy mình được lắng nghe không? Lần sau nó có sẵn lòng thổ lộ những suy tư của mình và nghe theo quan điểm và ý kiến của cha mẹ không? Tôi thì tôi không nghĩ thế.
Phản ứng thường tình của cha mẹ là nhảy dựng lên chỉnh đứa con ngay lập tức, áp đặt ý kiến của họ và đưa ra những “lời giáo huấn chỉ có đúng mà thôi”. Nhưng trên phương diện giáo dục, đó là một việc làm phản tác dụng, cho thấy bạn KHÔNG tôn trọng con cái và coi nhẹ cảm giác, quan điểm của chúng. Có thể lúc ấy đứa trẻ không dám cãi lại, nhưng sẽ có một trong những phản ứng sau:
- Không dám phát biểu ý kiến hay tâm sự bất cứ chuyện gì nữa (để khỏi bị mắng)
- Mặc dù không dám cãi lại (vì chưa đủ lý lẽ, vì sợ bị mắng thêm) nhưng nó cũng sẽ KHÔNG cho vào đầu những “lời vàng ngọc” của bạn
- Dần dần đi đến chỗ nghĩ cha mẹ mình độc đoán, phi lý, chỉ muốn áp đặt ý kiến của mình lên người khác
Thế bạn có nghĩ là đứa trẻ còn muốn bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình với cha mẹ trong những lần sau không? Chắc là không. Mối quan hệ hiểu biết và cảm thông giữa hai bên thế là bị phá vỡ.
Hãy Tôn Trọng Cách Nhìn Nhận Của Trẻ Trước Khi Tìm Cách Thay Đổi Chúng
Muốn tác động đến một người nhằm thay đổi quan điểm của họ, để họ sẵn lòng chấp nhận những đề nghị của ta, trước hết ta phải TÔN TRỌNG và thể hiện sự đồng cảm với nhận thức về thế giới của họ.
Ta có thể làm được điều này bằng cách sử dụng những cách nói như sau:
- Tôi đồng ý rằng…
- Tôi hiểu rằng…
- Tôi đánh giá cao…
Dưới đây là một ví dụ về cách phản ứng tích cực hơn, thông qua việc tôn trọng quan điểm và cảm nghĩ của con cái:
Đứa trẻ: Học hành chỉ tốn thời gian!
Cha mẹ: Ừ! Ba mẹ đồng ý rằng việc học có vẻ như tốn thời gian thật.
Đứa trẻ: Con ghét cô giáo ngu xuẩn này. Ngày nào cô cũng giao cả đống bài tập.
Cha mẹ: Ba mẹ hiểu rằng con không thích việc cho quá nhiều bài về nhà. Chắc con cảm thấy buồn bực lắm.
Sau khi thể hiện sự thông cảm với cảm giác và quan điểm của trẻ (để chúng thấy rằng bạn hiểu chúng), bạn có thể thay đổi thái độ của chúng bằng cách đưa ra một quan điểm khác. Sau đây là ví dụ về cách làm:
Đứa trẻ: Học hành chỉ tốn thời gian!
Cha mẹ: Ừ! Ba mẹ đồng ý rằng việc học có vẻ như tốn thời gian thật NẾU con không biết mình học vì cái gì. Nếu con không ngại trở thành kẻ ăn bám và bị bạn bè qua mặt thì đúng là việc học thật vô ích.
Bên cạnh đó, nếu con muốn sau này thành công trong cuộc sống, trở nên giàu có và được nhiều người tôn trọng, thì việc học tập chuyên cần sẽ giúp con đi một đoạn đường ngắn nhất đến thành công, tốn ít thời gian và công sức nhất.
Đứa trẻ: Con ghét cô giáo ngu xuẩn này. Ngày nào cô cũng giao cả đống bài tập.
Cha mẹ: Ba mẹ hiểu rằng con không thích việc cô cho quá nhiều bài về nhà. Chắc con cảm thấy buồn bực lắm. Cùng lúc đó, chắc con cũng biết rõ kỳ thi đang đến gần, nhờ làm nhiều loại bài tập mà con có thể trả lời được tất cả các câu hỏi, hơn hẳn những bạn không bị thầy cô cho nhiều bài tập. Con có nghĩ thật ra cô giáo mà con gọi là “ngu xuẩn” ấy đang giúp con không?
Kỹ thuật thay đổi một cách khéo léo thái độ và nhận thức của đối tượng (mà không áp đặt họ) được gọi là kỹ thuật CHUYỂN HÓA Ý NGHĨA. Bạn sẽ học được cách sử dụng biện pháp hiệu nghiệm này trong các chương sau.
Bước đầu, một số cha mẹ cảm thấy quan niệm này rất khó “nuốt”. “Sao tôi lại phải tôn trọng nhận thức non nớt về thế giới của con trẻ? Tôi đẻ ra chúng kia mà? Trứng mà đòi khôn hơn vịt à?! Chúng phải nhìn nhận sự việc theo cách của tôi mới đúng đạo làm con chứ”.
Chẳng có gì phải nghi ngờ, với tư cách làm cha mẹ, bạn có thể ép buộc con mình ngồi xuống, cúi đầu nghe bạn nói, tất nhiên chỉ khi chúng chưa đủ lớn. Nhưng một sự thật không thể chối cãi là nếu ngay từ đầu bạn đã tỏ thái độ không tôn trọng cách hiểu, cách nghĩ của chúng về thế giới thì tiếng nói của bạn sẽ không còn cùng “ngôn ngữ” với chúng nữa, và sẽ không có cái sức mạnh như nó vốn có của tình thương yêu và cảm hóa đủ để khuyến khích và động viên con trẻ trong mọi việc.
Điều này cũng tương tự như việc tạc tượng gỗ vậy. Con bạn là một miếng gỗ nguyên sơ nhưng có tiềm năng trở thành một kiệt tác dưới bàn tay tỉa tót của bạn. Bạn là một thợ thủ công lành nghề có đầy đủ dụng cụ và phương tiện để biến một thứ bình thường thành phi thường. Bạn có thể chọn cách đẽo ngang thớ gỗ (chỉ khiến cho mọi việc khó khăn hơn và gia tăng khả năng làm miếng gỗ bị gãy), hoặc chọn cách bào dọc theo thớ gỗ để sau mỗi nhát bào, miếng gỗ trở nên trơn tru hơn, ra hình ra dáng hơn.
Gỗ càng già bao nhiêu, thớ gỗ càng phức tạp và việc đẽo gọt càng đòi hỏi công phu bấy nhiêu. Là một thợ mộc có tay nghề, bạn có thể dùng sức buộc miếng gỗ phải có hình dáng như đúng ý bạn muốn, hoặc khéo léo uyển chuyển điều khiển cái bào nương theo các hướng khác nhau của thớ gỗ để đạt được kết quả mỹ mãn. Giao tiếp và tương tác với con cái cũng thế. Bạn có thể chọn cách áp đặt ý kiến và nhận thức của mình cho đứa con mới lớn, hoặc tìm cách nào đó để cả bạn và con bạn cùng hài lòng với kết quả đạt được.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment