Những người theo quan niệm mới cho rằng làm cha mẹ có nghĩa là giúp con cái vui vẻ và tự nguyện hợp tác với mình trong mọi việc lớn nhỏ. Họ tin rằng thế hệ trẻ có thể làm được nhiều việc hơn nếu cha mẹ có thể mang lại cho con cảm giác được yêu thương, chấp nhận, trở nên quan trọng và tạo cho chúng một không gian độc lập.

Trái ngược với những biện pháp mạnh xuất phát từ lối nghĩ cũ, bạn có thể sử dụng bốn “tuyệt chiêu” sau đây để khiến con cái hợp tác với mình hơn và dễ tiếp thu ý kiến hơn. Đó là 1) Giúp con cái cảm thấy mình quan trọng, 2) Chủ động nói về cảm xúc của bạn, 3) Miêu tả vấn đề và không đổ lỗi, 4) Tạo cho con rộng đường lựa chọn.

1. Giúp Con Cái Cảm Thấy Mình Quan Trọng Và Có Ích

Trong chương trước, chúng tôi đưa ra ví dụ về cách chúng tôi khiến một nhóm nam sinh quậy phá trở nên gương mẫu trong giờ học và cả chuyện một em có thành tích bất hảo trở thành tình nguyện viên đắc lực trong các khóa học của chúng tôi như thế nào. Bí quyết cũng thật đơn giản, chỉ cần “điểm trúng huyệt” của những cu cậu này: mong muốn trở thành người quan trọng và có ích. Nhu cầu tốt đẹp ấy nếu đi đúng hướng, ta sẽ có những anh hùng, những nhân tài xuất chúng, nhưng nếu đi chệch hướng, gia đình và xã hội sẽ có thêm gánh nặng phải giải quyết.

Những ví dụ đó chỉ muốn nói với bạn một điều: Nếu chúng tôi làm được thì bạn cũng dễ dàng làm được. Đứa con cứng đầu của bạn, một cách tự nguyện nhất, sẽ làm theo những gì bạn muốn nếu bạn biết cách mang lại cho chúng cảm giác rằng mình quan trọng và có ích.

Và tất cả trẻ em trên đời (thậm chí cả bố mẹ của chúng nữa) ai cũng có mong muốn khi mơ hồ khi mãnh liệt là được thấy mình quan trọng trong một việc gì đó và với một người nào đó. Thế nên trong khi làm việc với thiếu niên, chúng tôi bao giờ cũng tin tưởng và giao phó trách nhiệm cho chúng, kể cả những nhiệm vụ khó khăn, và bao giờ các em cũng đều gắng sức hoàn thành, đôi khi trên cả mong đợi nữa.

Dưới đây là một số gợi ý về những điều mà bạn có thể nói để nâng cao tầm quan trọng của con cái khi giao việc cho chúng.

Bạn biết không, nếu bạn mở đầu hoặc kết thúc câu nói của mình với con cái bằng những cụm từ như sau, bạn có thể thấy được những hiệu quả thần kỳ. Nếu không tin bạn có thể thử mà!

  • “Ba trông cậy con trong việc…”
  • “Con sẽ giúp được mẹ rất nhiều nếu con có thể…”
  • “….Mẹ biết rằng mẹ có thể tin tưởng con.”
  • “… Ba biết con sẽ không làm ba thất vọng.”

Sẽ còn hiệu nghiệm hơn nếu bạn đưa ra những đánh giá tốt về con cái trước những thành viên khác trong gia đình. Nhưng trên tất cả, bạn bao giờ cũng phải chân thành, không một chút giả dối, vờ vịt. Bọn trẻ không ngu ngốc và nếu chúng cảm thấy rằng đó chỉ là mánh khóe chứ thật lòng bạn không nghĩ như vậy, thì không những bạn chỉ “xôi hỏng bỏng không” mà còn làm xấu đi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng sẽ không tin tưởng bạn mà cho rằng bạn làm như thế là có ý đồ xấu.

2. Chủ Động Nói Ra Cảm Nhận Của Mình

Cho con cái biết cảm nghĩ của bạn đối với những hành vi hoặc kết quả mà chúng đạt được cũng là một cách khơi gợi sự hợp tác và khiến chúng quan tâm đến những vấn đề đặt ra. Nói với con, đặc biệt là những đứa trẻ lớn, về cảm xúc thật sự của mình cũng là một cách dạy chúng biết quan tâm và tôn trọng cuộc sống tình cảm của người khác. Đôi khi trẻ làm một việc sai trái vì chúng chỉ nghĩ đến bản thân mình mà chưa học được cách nhận thức về ảnh hưởng của việc mình làm đối với người khác.

Nhìn chung, hầu như bất cứ đứa trẻ nào, sâu thẳm trong đáy lòng mình cũng đều yêu thương và quan tâm đến cha mẹ. Bạn hãy luôn tin tưởng điều đó vì niềm tin ấy sẽ dẫn dắt bạn trong những nỗ lực xích lại gần với con cái. Bọn trẻ, một khi nhận ra rằng chúng làm cho bạn lo nghĩ và tổn thương như thế nào, sẽ phải nhìn lại bản thân và sau đó có động thái hợp tác với bạn.


3. Miêu Tả Vấn Đề Và Không Đổ Lỗi Hay Quy Kết

Đôi khi bạn không phải nói gì nhiều. Thay vì thuyết giảng một bài dài về đạo lý rồi bảo con cái phải làm thế này, nghĩ thế kia, bạn chỉ cần miêu tả vấn đề theo cách bạn thấy mà thôi.

Bằng việc miêu tả vấn đề (dù có thể nói với một giọng nghiêm túc), bạn không hề ép buộc hay tấn công con cái mà lại cho chúng cơ hội tự suy nghĩ về việc chúng nên làm. Và như vậy, chúng sẽ cảm thấy mình đứng ở vị thế chủ động giải quyết vấn đề chứ không phải bị động làm theo ý cha mẹ.

4. Tạo Cho Con Rộng Đường Lựa Chọn

Bọn trẻ thường có thái độ chống đối khi chúng nghĩ mình đang bị quản chế vì điều đó vi phạm nhu cầu của chúng muốn được độc lập và tự do. Nếu bạn thường nói những câu như “Mẹ muốn con…”, “Con nên…” hay “Làm theo lời ba mau … nếu không…”, bạn sẽ khiến chúng có cảm giác mình chỉ là con rối dưới bàn tay điều khiển của người lớn.

Khi cảm thấy mình không có sự LỰA CHỌN, chúng sẽ có khuynh hướng tỏ ra BẤT CẦN và thậm chí nổi loạn. Là cha mẹ, bạn hãy học cách nói mang lại cho chúng ý thức về TRÁCH NHIỆM và tạo cho chúng cơ hội được LỰA CHỌN. Khi bọn trẻ nghĩ chúng có quyền lựa chọn, chúng sẽ cảm thấy có động lực để làm việc đó. Bạn cũng có thể dùng đến chiêu thức “đánh bài ngửa” nói với con về những kết quả khác nhau cho từng lựa chọn, còn việc đưa ra quyết định là ở chúng. Cách này tỏ ra hữu dụng trong hầu hết các trường hợp. Khi thấy mình được thỏa mãn các nhu cầu quan trọng, trẻ thường đưa ra một lựa chọn hợp lý.

Cô Bé Kelly Hai Tuổi Của Chúng Tôi Cũng Được Quyền Lựa Chọn Như Thế Nào?

Chúng tôi không chỉ sử dụng những phương pháp trên một cách thành công với học trò mà còn cả với đứa con gái nhỏ của mình nữa. Khi bé Kelly hai tuổi, vợ tôi phải viện đủ mọi cách để khiến nó uống hết bình sữa. Nhưng mặc cho vợ tôi la mắng hay năn nỉ thế nào, Kelly lần nào cũng trì hoãn không chịu uống sữa. Đến lúc bực quá vợ tôi đe dọa nó thì mọi việc thường trở nên tồi tệ hơn, Kelly bực bội khóc thét lên và không chịu nghe ai dỗ dành nữa.

Thế là vợ tôi sử dụng biện pháp “tạo điều kiện cho con trẻ lựa chọn” và mọi việc trở nên tốt đẹp hơn, ít nhất thì trong nhà cũng không vang lên tiếng hò hét, khóc lóc nữa. Thay vì la mắng đe dọa như trước đây, vợ tôi thông báo với con bé rằng, “Nếu con uống sữa xong ngay, con có thể đi công viên chơi với ba mẹ (điều mà Kelly rất thích). Nếu uống chưa xong, con sẽ ở nhà còn ba mẹ sẽ đi chơi”. Dĩ nhiên, lần đầu tiên dùng đến biện pháp này, vợ chồng tôi phải ra khỏi nhà thật để chứng tỏ rằng chúng tôi sẽ làm đúng những gì đã nói. Kể từ đó, cô bé ngoan ngoãn uống hết bình sữa vì nó sợ bị bỏ lại ở nhà.

Quyền Lựa Chọn Mang Lại Cho Bạn Ý Thức Làm Chủ

Nhiều năm về trước, khi tổ chức các khóa huấn luyện đầu tiên cho học sinh, chúng tôi nói với các em rằng chúng PHẢI tham gia tích cực và chúng tôi sẽ cứng rắn với những em chểnh mảng. Bạn nên biết là nhiều em trong số những học sinh của chúng tôi bị buộc phải đi học; thế nên chúng có sẵn định kiến là chúng tôi sẽ tìm mọi cách để thay đổi chúng thành một người khác. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều đứa tỏ thái độ nghi kỵ, phòng thủ, thậm chí còn công khai thách thức chống đối nữa, “Hừm, cứ thử thay đổi tôi xem nào!”.

Khi chúng tôi tỏ ra nghiêm khắc với chúng và ép buộc chúng tham gia vào những hoạt động mang tính thực hành chung thì chúng sẽ bắt đầu la ó, nhiều đứa còn đầu têu cho những đứa trẻ bất mãn khác.

Thấy tình thế không ổn, chúng tôi bèn tìm cách thay đổi cách tiếp cận, nhất là khi chúng tôi đã hiểu rõ sức mạnh của việc mang lại những lựa chọn và quyền quyết định cho trẻ. Vậy chúng tôi đã làm như thế nào?

Ngay từ đầu khóa học, chúng tôi nói với các em rằng chúng nhận được lợi ích từ khóa học như thế nào là tùy thuộc vào CHÚNG. Rằng với tư cách những nhà huấn luyện, chúng tôi không thể thay đổi ai và cũng không có ý định đó (nghe thế những đứa trẻ có thái độ chống đối bắt đầu “hạ vũ khí”). Sau đó, chúng tôi nhấn mạnh một thông điệp rằng không ai có thể thay đổi chúng trừ bản thân chúng, và chúng có khả năng cũng như quyền lựa chọn để làm một người thành công hay thất bại trong cuộc sống. “Nếu bạn chọnviệc tham gia nhiệt tình vào khóa học, bạn sẽ tìm được trong mình một người tự tin và có động lực đi lên. Nếu chọn cách đứng ngoài các hoạt động của khóa học, thì bạn cũng vẫn là một người thất bại như cũ, sau khi tiêu phí tiền bạc của cha mẹ và thời gian của bản thân”.

Chúng tôi còn cho phép học sinh quyền lựa chọn để khóa học diễn ra như thế nào nữa. “Chúng tôi có thể tùy theo sự lựa chọn của bạn mà tổ chức khóa học nhẹ nhàng, học ít chơi nhiều, mọi người đều cảm thấy “khỏe re” (cả người học lẫn người đào tạo). Nhưng như thế bạn sẽ chẳng nhận được lợi ích gì nhiều từ khoản tiền và thời gian bỏ ra đầu tư. Hoặc tôi có thể chọn cách làm cho khóa học này trở nên khó khăn hơn với nhiều thử thách hơn. Bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn, nhưng đổi lại sẽ gặt hái nhiều hơn khi nhận thức được tiềm năng vô hạn của mình và có cơ hội thành công hơn so với những bạn khác”.

Thật kỳ diệu, kể từ khi công bố “gói lựa chọn” này ngay từ đầu khóa học, chúng tôi đều nhận được tới 99% sự ủng hộ của học viên cho con đường khó khăn hơn. Bằng việc tôn trọng quyết định của học sinh và cho chúng quyền được chọn lựa, chúng tôi phát hiện ra rằng khi đứng trước thử thách khó khăn, bọn trẻ sẽ cố gắng hết sức mà không ỷ lại hoặc than phiền. Đơn giản thôi, bởi vì trong suy nghĩ của trẻ, chúng mới là người lựa chọn việc thay đổi và học hỏi chứ không phải bị chúng tôi áp đặt.

Nhiều giáo viên qua những lớp đào tạo của chúng tôi đã sử dụng “tuyệt chiêu” này rất tốt. Một cô giáo dạy Toán kể với chúng tôi rằng trước đây mỗi khi cô cho thêm bài tập về nhà, nhiều đứa học trò lên tiếng than phiền cô cho nhiều bài hơn những thầy cô khác. Chúng nghĩ mình không được quyền lựa chọn và khổ … vì hàng đống bài về nhà.

Sau khi nắm được bí quyết của chúng tôi, cô quyết định giao bài tập về nhà theo một cách khác. Vào đầu học kỳ, cô nói “Như các em đã biết, môn Toán rất khó và mục tiêu của cô đề ra là giúp tất cả các em đạt điểm mười vào kỳ thi cuối khóa. Cô có thể cho các em rất ít bài tập về nhà. Như vậy các em đỡ phải làm mà cô cũng đỡ phải chấm bài, thế là dễ cho cả hai bên, đúng không? Bên cạnh đó, làm ít bài tập cũng có nghĩa là các em không được chuẩn bị tốt để giành điểm cao nhất. Hoặc cô có thể cho các em nhiều bài tập hơn những môn khác. Các em sẽ mất thời gian nhiều hơn nhưng sẽ quen với các dạng bài khó và các em sẽ có nhiều khả năng đạt điểm mười môn Toán. Vì thế, cô nhường cho các em quyền quyết định việc này”. Vì cô đã nói rõ ý định của mình và kết quả đi kèm với mỗi lựa chọn, cho nên phần lớn học sinh sẽ chọn làm nhiều bài tập hơn và không còn tâm trạng ngán ngẩm trước những bài khó nữa.

Vậy bạn có thể áp dụng phương pháp hiệu quả này với con bạn như thế nào? Ngay từ đầu, bạn hãy nói rõ ý định tốt đẹp của bạn, cho chúng biết các cơ hội lựa chọn cùng kết quả đi kèm. Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn nếu bạn thêm vào câu “Ba mẹ biết con đủ trưởng thành để có lựa chọn đúng đắn cho mình”.

Mang Lại Cho Trẻ Sự Lựa Chọn

Làm Thế Nào Để Đưa Ra Những Góp Ý Mang Tính Xây Dựng?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường thấy con cái có hành vi hoặc lời nói chưa đúng và cần đến người lớn chúng ta chỉ bảo để điều chỉnh cho tốt. Có rất nhiều chuyện như thế, từ việc học hành chưa đúng phương pháp đến việc làm những việc vặt trong nhà và ứng xử với người chung quanh. Thế nên, người lớn chúng ta cũng phải học cả cách góp ý thế nào cho con trẻ để chúng cảm thấy dễ tiếp nhận những lời góp ý đó nhất.

Thường thì khi góp ý, nhiều ông bố bà mẹ (và cả giáo viên nữa) có khuynh hướng “phán” ngay một câu như kiểu án quyết, “Vậy là sai!”, “Hỏng, làm như vậy thật ngu xuẩn!”. Mỗi khi gặp một câu phủ nhận sạch trơn như vậy, trẻ sẽ có cảm giác như bị dồn vào chân tường và có khuynh hướng rút về tư thế phòng thủ hoặc đối địch. Bởi vì chúng nghĩ, có vẻ như cha mẹ chỉ muốn bới móc lỗi lầm hoặc sai sót của chúng cho hả giận.

Trong thực tế, khi ta nói độp vào mặt người khác rằng họ sai, họ xấu, họ tệ hại thì phản ứng tức thì của họ sẽ là biện minh cho hành động hoặc giá trị của mình chứ không chịu nghe ra cái lý của người góp ý để mà sửa chữa. Cũng vậy, khi ta dùng những câu như “Con nên làm thế này…” hay “Mẹ muốn con phải ….”, một số đứa trẻ sẽ nảy sinh ý định chống đối vì điều đó phạm vào nhu cầu muốn được độc lập của chúng. Một lần nữa, trẻ không thích bị người khác, đặc biệt là cha mẹ, sai bảo phải làm cái này cái kia.

Thật may là bạn có thể thay đổi điều này chỉ bằng một động tác nhỏ và dễ dàng. Thay vì bắt đầu với việc bảo con cái là chúng làm sai chuyện gì, bạn hãy bắt đầu bằng việc nói đến những khía cạnh tốt của việc làm đó. Sau đó, gợi ý những gì mà chúng có thể làm tốt hơn.

Góp Ý Mang Tính Xây Dựng

Tóm lại, bạn sẽ thấy việc kêu gọi sự hợp tác của con trẻ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu bạn biết cách khiến chúng vui vẻ mà chấp nhận làm những việc cần phải làm. Bằng cách hiểu và liên kết nhu cầu về tình yêu thương, sự chấp nhận, tầm quan trọng, sự công nhận và sự độc lập với việc mà bạn muốn trẻ thực hiện, mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ hơn.

Một lần nữa, bạn cũng nên hiểu rằng không có phương pháp nào màu nhiệm đến mức mang lại hiệu quả tức thì và cho mọi đứa trẻ trên đời. Nhưng bạn sẽ tạo ra sự khác biệt to lớn nếu có đủ kiên nhẫn với từng lời khuyên nhỏ của chúng tôi.

Thế là với những bí quyết mà tôi chia sẻ với bạn từ đầu đến giờ, cùng với những phương pháp mà bạn có sẵn, bạn đã có những điều kiện cần và đủ để thành công hơn trong vai trò làm cha mẹ. Tôi chỉ còn một ít vấn đề nữa để chia sẻ với bạn trong những chương sau. Nhưng trước khi tiếp tục, còn một điều nho nhỏ nữa tôi mong bạn hãy ghi nhớ. Đó là bạn hãy tỏ ra thật linh hoạt trong khi đón nhận thông tin phản hồi từ trẻ và tùy theo từng trường hợp cụ thể mà thay đổi các cách thức cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH