Bây giờ bạn đã hiểu được tầm quan trọng của việc tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và giải quyết tận gốc rễ vấn đề trong hành vi sai trái của con trẻ. Và nguyên nhân sâu xa ấy thường liên quan đến một lợi ích khác mà khi nhìn bên ngoài, chúng ta không thể thấy được. Khi một người quyết định làm một việc gì đó dường như có hại cho bản thân, thì chắc hẳn ở một khía cạnh nào khác, việc ấy phải mang lại cho họ một lợi ích nào đó. Chúng ta có thể gọi đó là lợi ích sâu xa.

Ví dụ, một đứa trẻ cố ý gây ra những rắc rối như chọc ghẹo bạn bè ở trường hay phá phách ở nhà. Thế thì rất có thể nó muốn được cha mẹ quan tâm. Khi cậu học hành chăm chỉ, thái độ ngoan ngoãn, cha mẹ thường không nhận ra việc đó. Vì thế, cậu cảm thấy cần phải quậy lên một chút để cha mẹ nhận ra sự có mặt của mình. Điều này thường xảy ra với những đứa trẻ mà cha mẹ chúng biền biệt suốt ngày đi kiếm tiền, hoặc nó có một ông anh hay bà chị lúc nào cũng được bố mẹ nêu ra làm gương sáng.

Nếu được tạo điều kiện tốt thì các cô cậu tuổi teen luôn làm hết sức mình, nhất là trong những việc mà chúng thích. Là cha mẹ, bạn có thể giúp con bằng cách chia sẻ với chúng những cách thức để tận dụng nguồn sinh lực dồi dào ấy và tạo cơ hội cho chúng có nhiều lựa chọn.

Ngược lại, trẻ sẽ cảm thấy bế tắc khi chúng thấy mình không có quyền lựa chọn. Do trẻ người non dạ, chúng không đủ nhạy bén và kinh nghiệm sống để biết rằng, thật ra con người ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn trong cuộc sống, chỉ có điều chúng ta có nhìn ra được hay không thôi. Việc tự giới hạn những lựa chọn của mình – không chỉ xảy ra với giới trẻ mà với cả người lớn chúng ta nữa – hạn chế khả năng tạo ra những kết quả tốt đẹp cho con người nói chung và những bạn trẻ nói riêng. Vì thế, dạy cho trẻ cách nhận thức và nhìn ra những cơ hội cho mình cũng là dịp bạn tự học cùng với con, một lần nữa.

Trở lại vấn đề khiển trách con cái, chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng bất kể chúng ta nói gì, sử dụng đến biện pháp nào để kỷ luật thì vẫn phải dựa trên cái gốc là tình thương, sự bao dung và việc chấp nhận hoàn toàn một đứa trẻ như nó vốn dĩ như thế, chứ không phải là nó phải là như thế. Có làm được như vậy, ta mới khiến trẻ cảm nhận được đằng sau những lời phê bình, trách mắng ấy luôn lấp lánh tấm lòng vì con, cho con của người làm cha làm mẹ. Chúng cũng sẽ nhận ra rằng chúng ta chỉ không hài lòng, thậm chí bất bình, thất vọng vớihành vi ấy, lời nói ấy của chúng chứ không phải toàn bộ con người chúng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như vậy. Đôi khi trong cơn nóng giận hoặc thất vọng não nề, chúng ta hấp tấp gán cho con cái những cái nhãn nặng nề như “ngu ngốc”, “hư hỏng”, “vô dụng”, “bất hiếu”,… Buồn thay, bản chất con người vốn có xu hướng khắc ghi trong lòng những tính từ mạnh, mang hàm ý xấu gán cho mình hơn là những lời khen. Ví dụ, đứa trẻ sẽ nhớ lâu cái việc bạn gọi nó là “đứa hư đốn” hơn là từ “con ngoan” mà thỉnh thoảng bạn vẫn nói với nó. Như chúng ta đã bàn ở các chương trước, những cái nhãn tiêu cực này có thể bám cứng vào tính cách của một người, và đến một mức nào đó thì nó trở thành bản chất của người ấy. Bạn có muốn con mình suốt đời nghĩ là nó “ngu dốt”, “vô dụng” không? Nếu không thì bạn hãy kiềm chế không vô tình gán cho trẻ những cái “nhãn tiêu cực” ấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Yêu Thương, Chấp Nhận Và Điều Chỉnh Hành Vi

Bạn có bao giờ để ý và tự quan sát cách mà bạn nói chuyện với con không? Bạn có nhận ra ảnh hưởng của mình đối với con mỗi khi bạn tương tác với chúng không? Tất cả những gì bạn nói và làm, với cương vị người làm cha làm mẹ, đều có một ảnh hưởng rất ghê gớm đối với trẻ, lớn hơn rất nhiều so với những người khác như thầy cô giáo, họ hàng, hay bè bạn của chúng. Và như với mọi việc khác trên đời, ảnh hưởng ấy có thể tốt hoặc xấu, tích cực hoặc tiêu cực, lành mạnh hay không lành mạnh, có ích hay có hại. Ví dụ, bạn dạy con mình phải sống thật thà ngay thẳng nhưng trước mặt nó lại nói dối sếp là bạn nghỉ ốm ở nhà để làm việc khác, thì bạn sẽ là một tấm gương xấu cho con cái. Sau này trẻ sẽ dễ dàng nói dối vì chúng thấy cha mẹ mình cũng làm như vậy mà có hề hấn gì đâu.

Vì thế, hãy một mực tin rằng bạn có thể giúp tạo ra một sự khác biệt thật sự trong cuộc đời con mình, chỉ bằng cách chuyện trò với con cái, giúp chúng “nhìn thấy ánh sáng” và động viên chúng hãy nỗ lực tạo ra những kỳ tích cho bản thân, rồi cho gia đình và sau đó là cho cộng đồng. Sau đây là những phương pháp mà bạn có thể linh hoạt sử dụng trong từng trường hợp cụ thể.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH