Tôi không thể đoán trước được kết quả sau cuộc gặp gỡ đầu tiên này. Thử áp dụng những nguyên tắc mới cho các vấn đề giả định khi chung quanh bạn là những bậc cha mẹ khác đến tham dự hội thảo là một chuyện. Ở nhà một mình tìm cách xoay sở với những đứa con và những vấn đề thật sự lại là một chuyện khác. Vậy mà nhiều bậc cha mẹ đã làm được. Dưới đây là vài câu chuyện của họ, tôi có chỉnh sửa một chút. (Bạn sẽ nhận ra một điều, đa số các câu chuyện này đều được góp nhặt từ những người tích cực phát biểu trong lớp. Tuy vậy, vẫn có những phụ huynh khác tuy ít tham gia thảo luận nhưng họ muốn chia sẻ – bằng cách viết – về việc những kỹ năng mới này đã ó tác động lên mối quan hệ của họ với những đứa con tuổi teen ra sao.)

Chuyện của Joan

Con gái tôi Rachel gần đây có vẻ rất ảo não. Nhưng hễ tôi hỏi có chuyện gì thì y như rằng nó bảo là “Không có gì cả”. Tôi bèn nói, “Con không nói làm sao mẹ giúp được con?”. Nó trả lời “Con không muốn nói về chuyện đó.”  Tôi tiếp tục, “Biết đâu khi nói ra con sẽ thấy dễ chịu hơn.” Rồi nó ném cho tôi một cái nhìn thiếu thiện cảm, và chỉ có thế.

Nhưng sau buổi thảo luận trên lớp tuần trước, tôi quyết định thử “cách tiếp cận” mới. Tôi nói, “Rachel, dạo này trông con buồn quá. Mẹ không biết chuyện gì, nhưng rõ ràng nó khiến con cảm thấy vô cùng tồi tệ.”

Thế là, những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên má con bé, và từng chút một, câu chuyện được phơi bày. Chuyện là hai nhỏ bạn học lâu năm của con tôi, từ thời cấp một cấp hai giờ lại gia nhập một đám bạn mới, đám này rất nổi tiếng ở trường, và chúng cho con bé ra rìa. Chúng không thèm dành chỗ ngồi ăn trưa cho nó như trước nữa, cũng không còn mời con bé tham gia tiệc tùng gì. Thậm chí chúng cũng chẳng buồn chào con tôi khi ba đứa vô tình chạm mặt ở hành lang. Và con gái tôi quả quyết rằng, một trong hai nhỏ bạn kia còn gửi email đến những đứa bạn khác bảo rằng thứ quần áo “dở hơi” con bé khoác lên người khiến nó trông béo ú, và chẳng phải đồ hàng hiệu.

Tôi thật sự choáng váng. Tôi từng nghe nhiều chuyện thế này trong môi trường học đường, và tôi biết nhiều đứa con gái tàn độc đến mức nào, nhưng tôi không lường được những chuyện như thế sẽ xảy ra với con gái mình.

Tất cả những gì tôi muốn làm là xoa dịu nỗi đau của con. Tôi muốn bảo nó hãy quên những con bạn hư hỏng, tồi tệ đó đi. Và nó có thể kết bạn mới. Những người bạn chân thành hơn. Những đứa bạn tin rằng nó là một cô bé tuyệt vời như thế nào. Nhưng tôi không nói bất cứ điều gì như thế cả. Thay vào đó, tôi chỉ nói về cảm xúc của con. Tôi nói, “con của mẹ, thật là khổ cho con, khi phát hiện ra những người mình tin yêu và gọi là bạn, lại hóa ra không phải, thật đau lòng.”

“Làm sao chúng có thể ích kỷ, tầm thường đến thế!” con bé nói và tiếp tục khóc. Rồi nó kể tôi nghe tiếp chuyện một con bé khác cùng lớp cũng bị đám đó “rêu rao” trên mạng là có mùi cơ thể khai như nước tiểu.

Tôi thật không tin nổi vào tai mình. Tôi nói với Rachel rằng, những việc làm như thế chỉ tự nó bộc lộ bản chất của kẻ nói ra những điều tồi tệ đó, chứ những người khác không bị ảnh hưởng gì cả. Rõ ràng, cách duy nhất để các cô nàng đó cảm thấy mình đặc biệt, mình là một phần “của nhóm” chính là làm cho tất cả các cô bé khác ra rìa.

Con bé gật gù, và hai mẹ con tiếp tục trò chuyện một lúc lâu – về những người bạn “thật”, “giả”, và làm sao để phân biệt được. Một lúc sau tôi thấy con bé có vẻ đỡ hơn.

Nhưng tôi thì không cảm thấy vậy. Thế nên ngày hôm sau, khi Rachel đã đi học, tôi liên lạc với giáo viên chủ nhiệm của nó. Tôi nói rằng cuộc gọi này của tôi cần được giữ bí mật, nhưng tôi vẫn cho rằng bà nên biết về những gì diễn ra.

Tôi không biết mình sẽ nhận được phản ứng thế nào, nhưng bà tỏ ra rất tuyệt. Bà cảm ơn tôi đã gọi điện, bởi gần đây bà nghe nhiều chuyện xôn xao chung quanh hiện tượng mà bà gọi là “bắt nạt trên mạng”, và cũng chính vì lý do đó, bà dự định sẽ nói chuyện với hiệu trưởng để xem có thể làm gì giúp cho học sinh của trường nhận thức được mức độ thương tổn mà những hành vi lăng mạ, quấy rối trên mạng kiểu này gây ra.

Sau cuộc điện thoại đó, tôi cảm thấy thật sự thoải mái hơn. Tôi tự nhủ, biết đâu mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.

Chuyện của Jim

Con trai lớn của tôi tìm được việc làm bán thời gian ở một tiệm thức ăn nhanh. Thứ bảy tuần trước, sau khi đi làm về, nó quăng phịch cái ba-lô lên mặt bàn và bắt đầu nguyền rủa ông chủ tiệm. Bất kỳ lời nào nó thốt ra cũng đều cay nghiệt.

Hỏi ra mới biết, khi sếp hỏi nó có muốn làm thêm giờ để kiếm tiền vào cuối tuần không, con trai tôi trả lời, “Có thể.” Nhưng khi nó đi đến tiệm vào sáng thứ bảy để nói với ông chủ rằng nó nhận lời, thì “lão khốn nạn” (từ con tôi dùng) đó đã xếp lịch làm thêm cho đứa khác.

May cho con tôi, vì tôi đã không mất bình tĩnh mà thốt lên những gì tôi thật sự muốn nói: “Có gì lạ đâu? Con nghĩ mọi chuyện sẽ ra sao? Biết nghĩ chút đi! Một doanh nhân làm sao điều hành công việc kinh doanh được khi một đứa nhân viên nói với ông ấy rằng nó ‘có thể’ sẽ đi làm. ‘Có thể’ không có nghĩa là nó sẽ làm.”

Nhưng tôi không mắng nhiếc gì nó. Và lần này – tôi cũng không đề cập gì đến chuyện nó chửi thề. Tôi chỉ nói, “Vậy lúc đầu con không nghĩ mình nên đưa ra câu trả lời dứt khoát cho ông chủ à.” Nó trả lời, “Không, con cần phải suy nghĩ đã chứ.”

Tôi nói, “Ừ.”

Nó nói thêm, “Ngoài chuyện làm việc con còn phải sống nữa.”

Tôi nghĩ, cách này không hiệu nghiệm rồi.

Bỗng dưng nó nói, “Con nghĩ mình đã sai. Lẽ ra con nên gọi cho ông chủ ngay sau khi con về nhà và không để ông ấy chờ lâu đến thế.”

Hay thật. Tôi chỉ thể hiện sự đồng cảm với con mình một chút, và nó tự chịu trách nhiệm về những gì nó nên làm ngay từ đầu!

[sach_noiteenteennghe]