Chuyện của Laura

Vài ngày sau khi tham dự buổi hội thảo, tôi dắt con gái đi mua quần jean. Một sai lầm to lớn. Chẳng có cái nào nó ướm lên người mà “được” cả. Cái thì không đúng cỡ, cái lại không đúng màu, khi thì không đúng nhãn hiệu nó muốn. Rốt cuộc nó cũng tìm được chiếc quần như ý – cạp trễ, bó chặt đến nỗi khó khăn lắm nó mới kéo được khóa quần, và “khoe ra” mọi đường cong của phần thân dưới con bé.

Tôi không nói một lời. Tôi để mặc nó loay hoay trong phòng thử đồ và bước ra ngoài tìm một chiếc quần có cỡ lớn hơn. Khi tôi quay lại, con bé vẫn đang mải ngắm nghía mình trong gương. Nó ném một cái nhìn vào chiếc quần tôi đang cầm trên tay và bắt đầu la toáng lên, “Con sẽ không tròng cái quần đó vào đâu! Mẹ muốn con nhìn như đứa dở hơi à! Tại mẹ mập nên tưởng ai cũng mặc quần áo rộng thùng thình như mẹ! Không có chuyện con che giấu thân hình giống mẹ đâu!”

Tôi thấy mình tổn thương kinh khủng, giận kinh khủng, suýt chút nữa tôi đã gọi nó là con ranh quỷ quái. Nhưng tôi không làm thế. Tôi chỉ nói, “Mẹ chờ con ở ngoài.” Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được.

Con bé gọi với theo, “Vậy cái quần jean của con thì sao?”

Tôi lặp lại, “Mẹ chờ con ở ngoài,” và bỏ mặc nó một mình trong phòng thử đồ.

Sau cùng, khi con bé bước ra, tôi chẳng muốn “công nhận cảm xúc của con” chút nào, nhưng tôi vẫn làm thế. Tôi nói, “Mẹ biết con thích cái quần jean đó, và mẹ cũng biết con không bằng lòng khi mẹ không thích nó.” Rồi tôi nói cho con bé hiểu những gì tôi đang cảm nhận. “Khi mẹ nghe con nói cái kiểu đó, tự nhiên mẹ mất hết hứng thú. Mẹ không muốn sắm sửa gì nữa, không muốn giúp con nữa, thậm chí không muốn nói nữa.”

Suốt chặng đường về nhà, hai mẹ con chẳng ai nói với ai câu nào. Nhưng trước khi chúng tôi bước vào nhà, con bé lầm bầm trong miệng, “Con xin lỗi.”

Tuy đó chưa hẳn là một lời xin lỗi nhưng tôi vẫn vui khi nghe con bé biết nói ra câu đó. Và tôi cũng vui vì mình đã không lỡ lời nói ra điều gì để rồi phải hối hận.

Chuyện của Linda

Tôi không biết mối quan hệ giữa tôi với con trai có tiến triển chút nào không, nhưng tôi nghĩ mình cũng cải thiện được mối quan hệ với bạn của nó. Chúng là một cặp sinh đôi 13 tuổi, Nick và Justin, cả hai đều sáng dạ, nhưng khó dạy. Chúng hút thuốc (mà tôi tin rằng không chỉ là thuốc lá), quá giang xe người lạ đi chơi, và có lần khi bị cha mẹ cấm túc, chúng còn trèo qua cửa sổ ra khỏi nhà và mò đến trung tâm thương mại.

Con trai tôi cảm thấy rất vui vì hai đứa đó thích chơi với nó, nhưng tôi thì lo lắm. Tôi tin chắc nó đã từng quá giang xe người lạ đi chơi với hai đứa kia, dù nó một mực chối tội. Nếu được, tôi sẽ cấm không cho con tôi gặp hai thằng bé kia ngoài giờ học. Nhưng chồng tôi nói điều đó chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn thôi, và thằng bé sẽ tìm cách khác để đàn đúm với bạn, thậm chí nói dối nữa.

Vì thế, chiến lược của chúng tôi trong suốt một tháng qua là mời cặp sinh đôi kia đến nhà ăn tối mỗi chiều thứ bảy. Chúng tôi tính là nếu giữ chân được bọn nhóc ở nhà thì có thể trông chừng bọn chúng, và lấy xe nhà chở chúng đi đến nơi chúng muốn. Ít nhất đêm đó chúng tôi cũng biết rằng ba thằng con trai không lang thang ở một góc tối nào đó ngoài đường và chìa tay ra vẫy xe, với hy vọng một người lạ bất kỳ sẽ cho chúng đi nhờ.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề là chúng tôi chưa tìm được dịp nào để nói chuyện với cặp sinh đôi. Nhưng sau buổi hội thảo tuần trước, mọi chuyện có tiến triển một chút.

Hai đứa sinh đôi đang huyên thuyên nói xấu về ông thầy dạy môn sinh học và gọi ổng là thằng đần. Bình thường chắc chắn chúng tôi đã lên tiếng bênh vực ông thầy. Nhưng lần này chúng tôi cố gắng công nhận cảm xúc của hai đứa trẻ. Chồng tôi lên tiếng, “Đây là ông thầy mà hai cháu không hề ưa tí nào.” Thế là chúng tiếp tục kể thêm: “Ông ấy chán ngắt! Và luôn la mắng bọn cháu một cách vô lý. Nếu ổng gọi chú đứng lên, chú trả lời không xong, y như rằng chú bị hạ nhục giữa lớp.”

Đến lượt tôi, “Nick, cô nghĩ là nếu cháu và Justin là thầy giáo, hai cháu sẽ không la mắng học trò hay sỉ nhục chúng khi chúng không trả lời được như vậy.”

Cả hai đứa trả lời “Đúng vậy!” gần như cùng một lúc.

Chồng tôi tiếp tục, “Và chẳng đứa nào trong số hai cháu “chán ngắt” cả. Bọn nhóc thật may mắn khi có hai cháu là thầy.”

Chúng nhìn nhau và cười lớn. Con trai tôi ngồi đó, há hốc miệng. Nó không tin nổi những đứa bạn cực cool này lại có thể trò chuyện với ông bố, bà mẹ “chán phèo” của mình.

Chuyện của Karen

Tối qua tôi và Stacy cùng xem lại một album hình cũ. Tôi chỉ vào tấm hình chụp con bé đang ngồi trên chiếc xe đạp lúc nó khoảng sáu tuổi và nói, “Coi con dễ thương chưa kìa!”

“Phải,” con bé tiếp tục, “hồi đó thôi.” Tôi hỏi, “Con nói vậy nghĩa là sao?” Con bé trả lời, “Con chẳng còn dễ thương như vậy nữa.” Tôi nói, “Con đừng có vớ vẩn, con trông rất được mà.” Con bé khăng khăng, “Không, con chả được cái gì hết. Người con béo ị. Tóc thì quá ngắn, ngực chẳng thấy đâu trong khi mông thì ngoại cỡ.”

Những khi con bé nói về mình như thế, tôi đều chạnh lòng. Nó làm tôi nhớ lại cảm giác tự ti khi tôi bằng tuổi nó, còn mẹ tôi thì suốt ngày bảo tôi phải thế này thế kia: “Đừng có đi lom khom như vậy… Thẳng hai vai lên… Chải tóc lại cho đàng hoàng… Tô chút son vào. Con trông như một đứa lang thang ngoài chợ vậy!”

Thế nên, ngày hôm qua, khi Stacey bắt đầu chỉ trích bản thân mình, hành động theo bản năng đầu tiên của tôi là trấn an con bé: “Mông của con chẳng có gì bất thường cả, tóc từ từ sẽ mọc dài ra, và ngực con từ từ sẽ phát triển. Mà nếu không thì con vẫn có thể mặc áo độn ngực.”

Phải, đó là những gì lẽ ra tôi đã nói. Nhưng lần này tôi tự nhủ, Thôi được, mình sẽ đồng cảm với con. Tôi vòng tay ôm con và nói, “Nghe có vẻ con không hài lòng về bề ngoài của mình… Con biết mẹ ước gì không? Mẹ ước lần sau khi con đứng trước gương, con có thể thấy những gì mẹ đang thấy.”

Bỗng nhiên con bé trông đầy hào hứng ngay, “Mẹ thấy gì cơ?”

Tôi nói với con sự thật. “Mẹ thấy một cô bé rất xinh đẹp – cả bề ngoài lẫn tâm hồn bên trong.”

Con bé nói, “Ôi, đúng là mẹ của con,” và đi ra khỏi phòng.

Một phút sau, tôi thấy con bé đứng ngắm nghía mình trong tấm gương lớn ngoài phòng khách. Một tay nó chống lên hông, và rõ ràng nó đang mỉm cười với chính mình.

[sach_noiteenteennghe]