Một số người phải sống cả đời trong nỗi buồn phiền và bất đắc chí với những gì mình có. Họ than thở tiền bạc lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, hoặc oán trách mối quan hệ hiện tại không mang lại hạnh phúc. Số khác kêu ca công việc nhàm chán hoặc công ty gì mà không biết trân trọng nỗ lực cá nhân. Có người lại càm ràm mình lên cân nhanh quá khiến cơ thể không còn năng động như trước kia.
Điều buồn cười là phần lớn những người này chẳng chịu làm gì để thay đổi tình hình. Họ chấp nhận mối quan hệ không mong muốn. Họ lê bước đến công ty mỗi ngày và chỉ mong nhanh đến cuối tuần để nghỉ. Họ rên rỉ khi thấy tiền lương mỗi tháng chẳng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Họ tiếp tục ăn uống thả cửa. Họ muốn đời mình tốt hơn nhưng lại chẳng làm những việc cần thiết để thay đổi theo chiều hướng tích cực ấy. Dĩ nhiên, đâu đó vẫn còn những người cố gắng tìm cách xoay chuyển cục diện. Thế nhưng họ chỉ làm nửa vời. Khi vướng phải khó khăn, họ bỏ cuộc và bằng lòng với những gì kém xa những thứ họ thật sự muốn.
Tôi từng chứng kiến những người khao khát tạo nên sự thay đổi. Họ hỏi ý kiến người này người kia, tìm kiếm thông tin trên mạng, tham dự những khóa đào tạo phát triển bản thân và tìm sách đọc ngấu nghiến. Họ sốt sắng học hỏi mọi thứ để kiếm nhiều tiền, giảm cân, giao tiếp hiệu quả hay khởi nghiệp kinh doanh, v.v… Họ thậm chí đặt ra mục tiêu, hào hứng bắt tay vào thực hiện và cũng làm được một thời gian. Thế rồi, vì một lý do nào đó, họ không đi hết được cuộc hành trình. Rốt cuộc, họ vẫn chẳng thay đổi gì hết. Cuộc sống của họ vẫn y hệt như cũ. Bạn đã từng rơi vào tình huống tương tự bao giờ chưa?
Nếu bạn luôn nuôi mơ ước trở nên giàu có hơn, cải thiện các mối quan hệ, tìm được công việc tốt hơn, kinh doanh thành công, tăng cường sức khỏe nhưng lại chưa thể hoàn thành được những điều đó, thì chỉ có một lý do duy nhất: Đạt được bất cứ điều gì bạn muốn là thứ bạn nghĩ mình NÊN làm hoặc NÊN có, chứ không phải là điều bạn PHẢI làm hoặc PHẢI có. Bạn thích sở hữu những thứ đó trong cuộc sống, nhưng không có thì cũng chẳng sao.
Sự khác biệt to lớn giữa cái “Cần Có” và “Phải Có”
Có rất nhiều thứ người ta tin mình nên làm hoặc nên có trong cuộc sống. Họ nghĩ mình nên có thêm nhiều tiền, nên giữ gìn sức khỏe, nên được thăng chức, nên dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, nên đối xử với người khác tốt hơn, v.v…
Vấn đề lớn ở đây là khi bạn cho rằng mình nên làm chuyện này chuyện kia, thì gần như là bạn sẽ chẳng bao giờ thực hiện. Tại sao thế? Khi bạn “nên” làm một điều gì đó, có nghĩa là bạn sẽ chỉ bắt tay vào hành động nếu bạn cảm thấy thuận tiện, dễ dàng trong khả năng của mình. Bạn chỉ đoái hoài đến nó nếu bạn dư dả thời gian, chứ đây không phải là ưu tiên hàng đầu của bạn. Chỉ cần có chuyện khác xen vào (đời lúc nào chả thế) thì y như rằng bạn sẽ dẹp ý tưởng kia sang một bên.
Bạn biết rằng để đạt được bất cứ điều gì đáng giá, công sức bỏ ra chẳng bao giờ ít ỏi. Sở hữu thân hình lý tưởng hoặc leo lên nấc thang sự nghiệp đòi hỏi bạn phải cực kỳ quyết tâm và có tinh thần kỷ luật cao. Đạt được mục tiêu đi đôi với ý chí mạnh mẽ để bật dậy sau những cú ngã đau. Do đó, đối với những chuyện “nên làm”, ta thường ít khi cố gắng, và dễ dàng bỏ cuộc khi mọi việc không như ý.
Trên thực tế, nếu bạn tự nhủ mình “nên làm” việc này, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành chúng. Bạn sẽ để cho mọi thứ cản trở bạn. Bạn sẽ viện ra đủ loại lý do để TỪ BỎ. Mặt khác, một khi bạn tin đó là việc “phải làm”, không gì ngăn được bạn hết, bởi đó giờ đã trở thành ưu tiên số một của bạn. Thế nào bạn cũng sắp xếp được thời gian, hoặc cố dành ra thời gian để hành động. Bạn sẵn sàng chấp nhận mọi thứ chỉ để hoàn thành điều phải làm đó, bạn luôn tìm ra được cách dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Bạn quyết tâm thực hiện dù khó khăn đến mấy, sẵn sàng trả giá, cao cỡ nào cũng được. Đó là uy lực của việc “phải làm”.
Đã bao giờ bạn đặt ra mục tiêu trong quá khứ nhưng cứ lần lữa hết năm này sang năm nọ? Còn những lần bạn đặt ra mục tiêu, quyết tâm theo đến cùng, cho đến nào gặt hái thành quả mới thôi? Bạn có thấy sự khác biệt không? Tôi dám cá là bạn kiên trì theo đuổi những gì bạn cho là “phải” thực hiện bằng được. Lấy ví dụ, nhiều năm trời tôi tự dặn mình phải thường xuyên tập thể dục, cắt giảm đồ béo. Và cũng giống bao người khác, tôi không giữ được lời hứa với bản thân. Lúc nào tôi cũng viện cớ như “bận bịu quá, không có thời gian”.
Một ngày nọ, trong lần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ báo cho tôi biết lượng cholesterol của tôi cao đến 4,6 (hơn mức bình thường cho phép 25%). Nếu tôi tiếp tục ăn uống vô tội vạ, động mạch của tôi sẽ tắc nghẽn và có thể gây ra chứng nhồi máu cơ tim. Ngay thời điểm đó, tập thể dục để giảm cholesterol là việc bắt buộc phải làm đối với tôi (tôi muốn mình sống lâu để nhìn mặt đám cháu). Tôi bắt đầu ăn kiêng nghiêm ngặt, tập thể dục ba lần một tuần và giảm bớt số cân thừa. Bạn thấy đấy, bạn chỉ có động lực thay đổi mạnh mẽ khi đó là việc “phải làm”.
Không may là một số người chỉ nhận ra điều “phải làm” khi họ nằm liệt giường vì di chứng nhồi máu cơ tim. Một số nhận ra mình phải thay đổi thói quen chi tiêu khi ngân hàng đến xiết nhà. Số khác chỉ biết mình phải học cách giao tiếp hiệu quả trong hôn nhân sau hai lần “gãy gánh”. Nếu bạn muốn sống một cuộc đời tươi đẹp, hãy xem những mục tiêu đặt ra là việc phải làm, ngay từ ngày hôm nay, chứ không phải đợi đến lúc chuyện quá muộn màng, không còn cứu vãn được nữa.
Cuộc sống cho bạn những gì bạn chấp nhận
Nếu bạn khao khát kiếm được nhiều tiền hơn trong cuộc sống, thì tôi mang đến tin tốt lành cho bạn đây. Bạn đang kiếm được đúng số tiền khiến bạn hài lòng, không hơn không kém một xu! Nếu thu nhập của bạn một tháng là 3.000 đô, thì đó là vì con số 3.000 đô là số tiền tối thiểu bạn phải có. Nếu bạn kiếm được 20.000 đô một tháng, có nghĩa là bạn không chấp nhận thấp hơn mức đó.
Rất nhiều người đặt ra mục tiêu nâng mức thu nhập của mình lên nhưng có vẻ họ chẳng bao giờ đòi hỏi mức lương tốt hơn. Lý do rất đơn giản, bởi họ vẫn đang hài lòng với số tiền nhận được hiện tại, bất kể là bao nhiêu. Có thể họ cũng kỳ vọng cao hơn (giả sử, một tháng kiếm 20.000 đô) nhưng nếu chỉ được tầm 3.000 đô thì họ cũng chịu. Chúng ta luôn có được ngưỡng chấp nhận của mình. Tại sao thế? Trong trường hợp này, 3.000 đô là mức bắt buộc phải có. Chúng ta chỉ nhận công việc nào trả 3.000 đô một tháng, không có chuyện thấp hơn! Kiếm được 20.000 đô thì thích thật đấy, nhưng bởi đó là điều “nên làm”, chúng ta sẽ không nỗ lực hết sức để xứng đáng với mức lương đó.
Điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn quản lý doanh nghiệp hoặc ăn tiền hoa hồng dựa trên doanh số bán hàng. Giả sử bạn là nhân viên kinh doanh kiếm được trung bình 3.000 đô một tháng, đó là vì ngưỡng chấp nhận của bạn là 3.000 đô. Nếu phần tiền hoa hồng trong tháng thấp hơn mong đợi, nhiều khả năng bạn sẽ nghĩ ra mọi cách để bán thêm hàng cho đến khi bỏ túi đủ 3.000 đô mới thôi. 3.000 đô là vùng tài chính thoải mái của bạn. Trong trường hợp này, bạn sẽ chẳng bao giờ kiếm được 10.000 đô một tháng. Chỉ cần thu nhập của bạn tăng lên trên 4.000 đô, bạn sẽ cảm thấy sung sướng và không muốn cố thêm làm gì cho mệt. Thế nên thu nhập của bạn mãi mãi nằm trong khoảng giới hạn đó.
Ngược lại, tại sao có những người một tháng trung bình kiếm được 20.000 đô? Bởi đó là mức thu nhập khiến họ hài lòng. Thấp hơn họ không chịu được. Một người kiếm ra 20.000 đô một tháng không bao giờ chấp nhận công việc có mức thù lao 10.000 đô, thấp hơn nữa thì miễn bàn! Họ sẽ trang bị cho bản thân bất cứ kiến thức, kỹ năng nào mà công việc trả 20.000 đô/tháng yêu cầu. Họ sẽ làm mọi giá để bám trụ trên con đường sự nghiệp hứa hẹn 20.000 đô/tháng. Do đó, khi có người than thở với tôi rằng họ không tăng thu nhập lên được vì trình độ học vấn giới hạn, vì những tiêu chuẩn thấp kém trong ngành hay vì chủ doanh nghiệp keo kiệt bủn xỉn, thì tôi thừa biết những “trở ngại” đó chỉ là kiểu đổ lỗi. Chẳng qua mục tiêu đó không phải là điều “phải làm” đối với họ.
[sach_chienthangtrochoicuocsong]
Leave A Comment