Vào buổi tối ngày 22 tháng 5 năm 1999, cảnh sát nhận được điện báo đến một căn nhà nằm trong vùng Kingwood sang trọng thuộc thành phố Houston, bang Texas. Khi đến nơi, cảnh sát tìm thấy chủ nhà, Billy Bob Harrell, bị bắn chết trong phòng ngủ trên lầu. Theo các nhân viên điều tra, Harrell đã tự sát. Anh tự khóa mình trong phòng ngủ, cởi bỏ quần áo, đặt nòng súng lên ngực và bóp cò.
Không lâu trước khi qua đời, Harrell đã tâm sự với người cố vấn tài chính về một sự việc xảy ra chỉ mới hai mươi tháng trước, mà theo anh, đã hủy hoại cuộc đời anh. Anh đã than khóc rằng ”Đó là điều tồi tệ nhất từng xảy đến với tôi.” Tuy nhiên, đó không phải là bệnh nan y cũng không phải mất đi người mà anh yêu thương. Anh không bị tai nạn và cũng không bị mất việc. Anh và gia đình đều đang sống và khỏe mạnh. Thế thì việc khủng khiếp gì đã phá hủy cuộc đời anh?
Xác suất của điều đặc biệt ấy xảy đến với Billy Bob Harrell là khoảng 1 phần 40 triệu. Nếu anh dắt chó đi dạo và đột nhiên bị sét đánh chết thì xác suất vẫn cao hơn. Tuy nhiên, như định mệnh đã an bài, điều kỳ lạ mà ta đang nói đến đây xảy ra vào một buổi tối khi anh đang ngồi nhà đọc báo. Anh dò đi dò lại dãy số in trên trang báo. Đột nhiên, anh nhận ra mình là người trúng giải duy nhất của kỳ xổ số toàn bang Texas. Anh trúng giải độc đắc! Nhiều người sẽ bật cười khi nghe Harrell kết luận nguyên nhân hủy hoại cuộc đời anh, cũng vì nó mà anh tự sát chính là việc anh trúng số 31 triệu đô Mỹ!
Khi bạn nhìn vào tiểu sử của nhiều người trúng giải xổ số, bạn sẽ khám phá ra rằng trường hợp của Billy Bob không phải là cá biệt. Ước tính cho thấy, ở Mỹ, hơn một phần ba số người trúng giải xổ số cuối cùng trắng tay.
William “Lộc Phát” Post trúng 16,2 triệu đô trong lượt xổ số tại Pennsylvania năm 1988 và cuối đời trong túi không còn một xu, phải sống nhờ trợ cấp an sinh xã hội. Khi được phỏng vấn, Post nói rằng “Tôi ước gì điều đó chưa từng xảy ra”. Trúng số, đối với anh, thật sự là một “ác mộng”.
Cơn ác mộng của Post bắt đầu khi người bạn gái cũ thắng kiện và đòi anh chia phần giải thưởng. Về sau, có tin nói rằng em trai của anh bị bắt vì tội thuê người đâm chết anh với hy vọng thừa hưởng một phần số tiền trúng số. Những anh chị em khác cũng bị cáo buộc tội quấy rối (mặc dù không cùng mục đích đoạt tiền trắng trợn như thế) cho đến khi anh đồng ý đầu tư vào kinh doanh xe hơi và một nhà hàng ở Sarasota, bang Florida. Cả hai vụ đầu tư này chỉ góp phần gia tăng sự căng thẳng trong các mối quan hệ của William với anh chị em và dĩ nhiên, tổn thất còn lớn hơn mất của.
Không lâu sau đó, Post bị tống vào tù vì đã cầm súng bắn sượt đầu một người thu nợ, và chỉ trong vòng một năm, không những không có một xu dính túi, anh còn mắc nợ 1 triệu đô Mỹ. Post thú nhận rằng mình vừa bất cẩn vừa dại dột vì cố làm vui lòng mọi người trong gia đình. Sau cùng anh nộp đơn xin tuyên bố phá sản. Theo báo cáo, anh sống lặng lẽ với 450 đô mỗi tháng và phiếu thực phẩm. Anh nói, “Tôi mệt mỏi. Tôi đã hơn sáu mươi lăm tuổi và vừa trải qua một cuộc giải phẫu phình động mạch tim nghiêm trọng. Xổ số chẳng có ý nghĩa gì với tôi.”
Ở Vương quốc Anh cũng có nhiều câu chuyện tương tự. Năm 1996 John McGuinness khiến nhiều người mua vé số ở Scotland ganh tị khi anh trúng hơn 10 triệu bảng, món tiền kỷ lục mà một người Scotland có thể thắng được. Thời điểm đó, McGuinness vừa ly thân người vợ đầu tiên và phải ngủ trên sàn nhà bố mẹ ruột ở Lanarkshire. Sau khi ôm trọn giải độc đắc, anh bắt đầu tiêu xài vung vít, những thứ anh mua bao gồm một biệt thự kiểu Tây Ban Nha, một chiếc xe Porsche, một chiếc Bentley và các kỳ nghỉ mát xa hoa. Tuy nhiên, chỉ đến tháng bảy năm 2007, McGuinness tuyên bố phá sản với tổng số nợ trên 2 triệu bảng.
Với những câu chuyện trên, tôi không có ý cho rằng tất cả những người trúng số đều có kết cuộc nghèo khổ hay chết chóc. Rất nhiều người vẫn sống tốt và hạnh phúc. Theo nghiên cứu kéo dài 5 năm do Tập đoàn Camelot thực hiện thì 55% những người trúng số sống hạnh phúc hơn (ít nhất là 5 năm đầu) sau khi trúng giải.
Ta có thể lấy những người trúng số tại Na Uy làm gương. Các nhà nghiên cứu từ Viện Tâm lý học ở Đại học Oslo đã gửi một bản khảo sát đến 261 người trúng số từ một triệu Krone trở lên trong các năm từ 1987-1991, và phát hiện ra người trúng giải trung bình là một người đàn ông trung niên có trình độ học vấn khiêm tốn đến từ một địa phương nhỏ. Hầu hết người trúng giải ở Na Uy rất cẩn trọng và không chi tiêu phung phí. Họ cũng yêu cầu được ẩn danh và cố giữ bí mật về “của trời cho” của mình. Dù với bất kỳ lý do nào, kết quả khảo sát cho thấy cuộc sống sau khi trúng số của họ trở nên ổn định hoặc cải thiện hơn.
Ý nghĩa của những câu chuyện này là sự giàu lên đột ngột, dù là hàng triệu đô hay hàng triệu bảng thì vẫn không đảm bảo được hạnh phúc. Theo Tiến sĩ Edward Diener, giáo sư Tâm lý của Đại học Illinois, một khi những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta được đáp ứng, việc có nhiều tiền hơn có ít tác động tới cảm giác hạnh phúc của chúng ta. Qua các nghiên cứu của mình, giáo sư Diener khám phá ra rằng tiền bạc, học vấn, chỉ số thông minh hoặc tuổi tác có ảnh hưởng rất nhỏ đến hạnh phúc. Điểm chung quan trọng nhất mà 10% số học sinh có mức độ hạnh phúc cao nhất và mức độ trầm cảm thấp nhất chính là mạng lưới quan hệ xã hội bền vững. Điều đó cho thấy, hơn bất kỳ yếu tố nào, chính những mối liên hệ với bạn bè, gia đình và nỗ lực dành thời gian cho họ làm tăng mức độ hạnh phúc của chúng ta. Đó là lý do tại sao Tiến sĩ Diener khuyên rằng, “Việc chú tâm vào các kỹ năng giao tiếp xã hội, các mối quan hệ cá nhân thân thiết cũng như sự hỗ trợ xã hội là hết sức quan trọng để hạnh phúc.” Trúng số có thể đem lại hệ quả hoàn toàn trái ngược vì người thắng giải cảm thấy bị cô lập với bạn bè và gia đình.
Tuy nhiên, điểm chính là: nhiều người mơ ước trúng số bởi họ tin rằng đó là tấm vé thông hành đảm bảo cho hạnh phúc. Nhưng ước mơ ấy dễ dàng biến thành ác mộng. Nó có thể là điều tốt đẹp nhất – hoặc điều tồi tệ nhất – xảy đến với bạn.
[sach_matphai]
Leave A Comment