NGHIÊN CỨU MỚI MẺ, KHÁM PHÁ BẤT NGỜ
Một khi đã đến lúc phải cứu vãn hôn nhân, thì cái giá phải trả cho bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng đều rất đắt. Và dù chúng ta từng đọc các tài liệu ghi nhận tầm quan trọng của một cuộc hôn nhân trọn vẹn, số lượng công trình nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra cách duy trì hạnh phúc và giữ vững hôn nhân lại ít ỏi đến mức kinh ngạc. Lần đâu tiên tôi bắt tay vào nghiên cứu hôn nhân gia đình năm 1972, những số liệu “tốt” mà tôi có được đếm không quá một bàn tay. “Tốt” ở đây có nghĩa là những số liệu thống kê được thu thập một cách bài bản như cách chúng ta làm với số liệu y khoa. Ví dụ, rất nhiều nghiên cứu về hôn nhân gia đình được kết luận một cách sơ sài sau khi cho người vợ và người chồng trả lời bảng câu hỏi. Cách làm này được gọi là tự đánh giá, và dù vẫn có điểm lợi, phương pháp này vẫn còn nhiều bất cập. Làm sao bạn dám chắc người vợ cảm thấy hạnh phúc khi cô ấy đánh dấu chọn mục “hạnh phúc” trong bảng tham khảo ý kiến? Những phụ nữ bị chồng ngược đãi về thể xác thường ghi điểm rất cao trong bảng câu hỏi thăm dò mức độ thỏa mãn trong hôn nhân. Chỉ khi nào những người phụ nữ đó cảm thấy thật sự an toàn và được phỏng vấn riêng, họ mới bộc lộ nỗi đau đớn cùng cực của mình.
Để giải quyết tình trạng thiếu thốn các nghiên cứu bài bản, tôi và các đồng sự đã bổ sung thêm các phương pháp nghiên cứu truyền thống về hôn nhân gia đình với nhiều điểm cải tiến, cách thức thực hiện cũng sâu rộng hơn. Chúng tôi hiện đang theo dõi 700 cặp vợ chồng chia theo bảy chương trình khác nhau. Chúng tôi không chỉ nghiên cứu các cặp đôi mới cưới mà còn cả những đôi lứa đã sống một thời gian dài bên nhau, những người mà khi lần đầu chúng tôi tiếp cận đã ở tầm 40 hoặc 60 tuổi. Chúng tôi cũng tìm hiểu cả những người vừa lên chức cha mẹ và những bậc phụ huynh đang nuôi dạy con nhỏ, trẻ chưa đến tuổi đi học và teen.
Một phần của quá trình nghiên cứu là chúng tôi phỏng vấn các cặp vợ chồng về quãng thời gian chung sống, triết lý của họ về hôn nhân, cách họ nhìn nhận hôn nhân của chính cha mẹ mình. Tôi ghi hình những lần họ trao đổi với nhau về những việc xảy ra trong ngày, thảo luận về những điểm bất đồng và chia sẻ những câu chuyện vui. Và để biết được họ đang cảm thấy thoải mái hay căng thẳng, tôi đo nhịp tim, lưu lượng máu, lượng mồ hôi toát ra, huyết áp và chức năng miễn dịch qua từng thời điểm. Trong tất cả những lần nghiên cứu này, tôi đều phát lại băng ghi hình cho các cặp vợ chồng xem và tìm hiểu thêm thông tin từ người trong cuộc như họ nghĩ gì và cảm thấy gì khi nhịp tim hay huyết áp của họ tăng đột ngột trong lúc trao đổi, chẳng hạn vậy. Và tôi tiếp tục ghi nhận thông tin từ các cặp vợ chồng này ít nhất một lần mỗi năm để xem mối quan hệ của họ đi đến đâu.
Cho đến nay, tôi và các đồng sự là nhóm nghiên cứu duy nhất miệt mài theo đuổi và phân tích thấu đáo cách các cặp vợ chồng chung sống. Các dữ kiện chúng tôi thu thập được hé lộ những ý niệm cơ bản đầu tiên về những gì diễn ra bên trong cuộc hôn nhân. Kết quả rút ra từ những nghiên cứu này, không phải là ý kiến chủ quan của tôi, đã hình thành nên cốt lõi của tác phẩm 7 Bí Quyết Giúp Hôn Nhân Hạnh Phúc. Những bí quyết này lại tiếp tục đặt nền móng cho một liệu pháp ngắn hạn đầy hiệu nghiệm dành cho các cặp vợ chồng mà tôi phát triển cùng vợ mình, Tiến sĩ Tâm lý học Julie Gottman. Liệu pháp này và một số khóa học ngắn ngày khác cùng triết lý được thiết kế riêng cho các cặp vợ chồng gặp rắc rối trong hôn nhân hoặc muốn đảm bảo sự bền vững trong đời sống tình cảm vợ chồng.
Phương pháp của chúng tôi khác xa với cách của đa số chuyên gia tâm lý về hôn nhân gia đình khác. Lý do là vì nghiên cứu của tôi bắt đầu vén bức màn bí mật về hôn nhân, thế nên tôi phải xóa bỏ một số niềm tin đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người về bản chất của hôn nhân và ly hôn.
TẠI SAO PHẦN LỚN LIỆU PHÁP CỨU VÃN HÔN NHÂN THẤT BẠI
Nếu đã hoặc đang gặp khó khăn trong đời sống vợ chồng, hẳn bạn từng nghe rất nhiều lời khuyên từ mọi phía. Nhiều khi bạn tưởng như những người đã kết hôn, hoặc những ai quen biết người đã kết hôn, đều là những chuyên gia nắm giữ bí mật của tình yêu vĩnh cửu. Nhưng phần lớn những lời khuyên này, dù của vị bác sĩ tâm lý trên ti-vi hay cô thợ làm móng khôn ngoan ở tiệm gội đầu, đều sai cả. Nhiều lời khuyên dạng này đều thiếu căn cứ – hoặc không đáng để tin, nhưng chúng đã quá ăn sâu vào nhận thức chung đến nỗi bạn khó lòng nhận ra được.
Có lẽ niềm tin hoang đường lớn nhất chính là giao tiếp – hay nói rõ hơn là cách giải quyết mâu thuẫn vợ chồng – là con đường huyết mạch đưa bạn đến với cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc. Dù sở trường của chuyên gia tâm lý về hôn nhân gia đình mà bạn diện kiến là gì, dù bạn đang theo đuổi liệu pháp ngắn hạn hay dài hạn nào, hay bạn xin được ba phút tư vấn tình cảm hôn nhân gia đình trên đài phát thanh, thì lời khuyên bạn nhận được vẫn đại loại là: hãy giao tiếp với nhau nhiều hơn. Vì vậy, người ta hay đề cập đến phương pháp này một cách rộng rãi cũng là điều dễ hiểu. Khi giữa hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn (có thể là một hồi đôi co, một cuộc khẩu chiến nảy lửa hay chiến tranh lạnh), trong đa số trường hợp, bên nào cũng muốn phần thắng về mình. Họ chỉ quan tâm đến cảm giác tổn thương mình hứng chịu, cố chứng minh mình đúng còn người kia sai, hoặc cương quyết giữ im lặng, thế nên cơ hội giao tiếp giữa hai vợ chồng xem như bị gián đoạn hoặc ngừng hẳn. Bởi thế, có vẻ như cách làm hợp lý nhất trong trường hợp này là lắng nghe quan điểm của người kia một cách ôn hòa, nhẹ nhàng, thì khả năng đôi lứa tìm ra giải pháp và tìm lại hạnh phúc hôn nhân là điều rất hứa hẹn.
Dù dưới hình thức nào đi nữa, phương pháp phổ biến nhất mà hầu hết các chuyên gia tâm lý về hôn nhân gia đình thường khuyên các cặp đôi vận dụng để giải quyết mâu thuẫn chính là thật sự lắng nghe. Chẳng hạn, một chuyên gia có thể khuyến khích bạn thử thực hiện phương pháp trao đổi vai trò nghe – nói. Lấy câu chuyện Judy không vui vì Bob thường xuyên đi làm về khuya làm ví dụ. Vị chuyên gia đề nghị Judy bày tỏ nỗi phiền muộn của mình bằng những câu miêu tả cảm xúc mà cô đang hứng chịu, bắt đầu bằng “Em” thay vì chăm chăm vào kết tội Bob. Judy sẽ nói, “Em thấy cô đơn và bất an khi phải một mình ở nhà với bọn trẻ hết đêm này đến đêm khác khi anh đi làm về khuya,” thay vì, “Anh thật ích kỷ hết sức khi đêm nào cũng làm khuya lơ khuya lắc và bỏ mặc em ở nhà chăm sóc mấy đứa con.”
Sau đó, chúng tôi yêu cầu Bob diễn giải lại hai cách nói trên và cảm xúc của Judy, sau đó đối chiếu với vợ xem anh đã hiểu đúng hay chưa. (Chứng tỏ anh thật sự lắng nghe vợ.) Anh còn được yêu cầu ghi nhận cảm xúc của cô ấy – để cô ấy hiểu rằng anh nghiêm túc tiếp nhận, rằng anh tôn trọng và đồng cảm với cô cho dù anh không cùng quan điểm với cô đi nữa. Anh có thể nói: “Chắc hẳn em cực khổ lắm khi phải một mình trông con suốt thời gian anh đi làm khuya.” Chúng tôi đề nghị Bob khoan phán xét, khoan nói lên chính kiến của mình và không đáp trả theo kiểu bào chữa. “Anh hiểu rồi” là cách nói thông dụng trong quá trình chủ động lắng nghe. Nhờ có nguyên tổng thống Bill Clinton mà câu nói, “Tôi cảm nhận được nỗi đau của bạn” ngày nay đã để lại ấn tượng xấu bởi sự thiếu chân thật.
Bằng cách buộc các cặp đôi thấy được sự khác biệt khi nhìn từ quan điểm của người bạn đời, quá trình giải quyết mâu thuẫn không còn đi kèm với cảm giác giận dữ nữa. Phương cách này áp dụng được cho hầu hết các trường hợp, bất kể tranh cãi vì nguyên nhân gì – từ những chuyện vặt vãnh như hóa đơn mua hàng quá cao đến những chuyện đại sự như mục tiêu cả đời người. Phương pháp giải quyết mâu thuẫn không chỉ là thần dược cho những cuộc hôn nhân bất ổn mà còn là liều thuốc bổ giúp những cuộc hôn nhân vốn đang tốt đẹp tránh sa sút.
Phương thức này bắt nguồn từ đâu? Những người tiên phong trong liệu pháp hôn nhân đã mô phỏng các kỹ thuật mà bác sĩ tâm lý lừng danh Carl Rogers từng áp dụng. Trong lĩnh vực tâm lý liệu pháp cá nhân, các phương pháp của bác sĩ Rogers cực kỳ phổ biến vào những năm 1960 và vẫn còn được các bác sĩ tâm lý thời nay ứng dụng. Liệu pháp của ông bao gồm việc phản hồi một cách trung lập và chấp nhận mọi cảm xúc, suy nghĩ mà bệnh nhân bày tỏ. Ví dụ, khi bệnh nhân phàn nàn, “Tôi căm ghét vợ mình, mụ ấy là con đàn bà luôn miệng chì chiết,” bác sĩ sẽ gật đầu và nói, “Tôi hiểu anh ghét chuyện bị vợ càm ràm suốt ngày.” Mục tiêu là tạo ra một môi trường đồng cảm để người bệnh cảm thấy thoải mái khi bộc lộ mọi cảm xúc, suy nghĩ thầm kín nhất và trải lòng với bác sĩ.
Bởi hôn nhân, nói một cách lý tưởng, cũng là một mối quan hệ mà đôi bên đều cảm thấy an toàn khi được là chính mình, chúng ta cần tập cho các cặp vợ chồng ý thức cảm thông vô điều kiện này. Phương pháp giải quyết mâu thuẫn rõ ràng sẽ dễ thực hiện hơn nếu đôi bên chấp nhận nhìn sự việc bằng con mắt của người bạn đời.
Vấn đề nằm ở chỗ phương pháp này không hiệu nghiệm. Một nghiên cứu về liệu pháp hôn nhân thực hiện tại Munich do Tiến sĩ Kurt Hahlweg và cộng sự tiến hành cho thấy ngay cả khi các cặp vợ chồng thật sự lắng nghe nhau, họ vẫn không thoát khỏi tình trạng bế tắc. Vài cặp may mắn thành công thì chứng bệnh hôn nhân ấy lại tái phát trong vòng một năm sau.
Một loạt các liệu pháp hôn nhân dựa trên giải pháp giải quyết mâu thuẫn đều có tỷ lệ tái phát cực cao. Trên thực tế, liệu pháp tốt nhất thuộc dạng này do Tiến sĩ Neil Jacobson của Đại học Washington tiến hành có tỷ lệ thành công chỉ 35%. Nói cách khác, chỉ có 35% các cặp vợ chồng được chữa trị bằng liệu pháp này thật sự gặt hái kết quả, cải thiện hôn nhân. Một năm sau, chưa đến phân nửa trong số các cặp thành công đó – nghĩa là chưa đến 18% – tiếp tục duy trì được điều tốt đẹp nói trên. Trong khi đó, tờ Consumer Reports khảo sát một số lượng lớn độc giả về trải nghiệm của chính họ với các nhà liệu pháp tâm lý, đa số họ đều đạt mức độ làm hài lòng khách hàng rất cao – ngoại trừ các chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình bị khách hàng đánh giá vô cùng thấp. Kết quả khảo sát này tuy không được xem là một nghiên cứu khoa học bài bản, nhưng nó khẳng định điều mà hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực này biết rõ: về lâu dài, cách giải quyết hiện tại của liệu pháp hôn nhân không mang lại kết quả gì cho đại đa số các cặp vợ chồng.
Khi bạn xem xét kỹ lưỡng hơn, không khó để nhận ra lý do vì sao việc thật sự lắng nghe thường lại dễ dàng thất bại đến vậy. Có thể Bob rất nỗ lực lắng nghe tâm sự của Judy nhưng anh không phải là chuyên gia tâm lý học suốt ngày ngồi nghe bệnh nhân ca thán về một người nào đó. Người mà vợ anh đề cập đến trong những câu bắt đầu bằng từ “Em” không ai khác là chính anh. Có một số người có thể rất cao thượng khi đối mặt với những lời chỉ trích như thế – nói đến đây chúng ta nghĩ ngay đến đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng rõ ràng bạn hay người bạn đời của bạn không cưới ai như vậy cả. (Ngay cả trong liệu pháp của Rogers, khi khách hàng bắt đầu phàn nàn về nhà trị liệu, vị này sẽ chuyển từ việc đồng cảm sang một liệu pháp trị liệu khác.) Việc thật sự lắng nghe đòi hỏi các cặp đôi phải duy trì cường độ nỗ lực tương đương với một vận động viên vắt sức luyện tập để tham dự Olympic, trong khi mối quan hệ của họ duy trì được đã là tốt lắm rồi.
Nếu bạn cho rằng việc ghi nhận cảm xúc và thật sự lắng nghe nhau sẽ giúp phương pháp giải quyết mâu thuẫn dễ dàng hơn cho cả đôi bên, thì hãy bằng mọi cách áp dụng nó. Cũng có những trường hợp phương pháp này phát huy tác dụng. Nhưng có một điểm bạn cần lưu ý là thậm chí nếu nó có thể giúp hạn chế hoặc giảm mức độ “sát thương” của những cuộc tranh cãi, áp dụng phương pháp này thôi vẫn chưa đủ sức cứu vãn cuộc hôn nhân của bạn.
Ngay cả những cặp vợ chồng hạnh phúc trong hôn nhân
vẫn có những trận cãi nhau kịch liệt – nhưng lớn tiếng tranh cãi
không đồng nghĩa với việc hủy hoại hôn nhân.
Sau khi nghiên cứu khoảng 650 cặp đôi và theo dõi đời sống tình cảm của họ trong suốt mười bốn năm, giờ đây chúng tôi đã hiểu rằng giải pháp ôn hòa kiểu này không hề có tác dụng, không chỉ vì nó khó lòng thực hiện đối với tất cả mọi người, mà còn vì những lần hòa giải mâu thuẫn thành công vẫn không mang lại hạnh phúc cho đời sống hôn nhân. Một trong những khám phá gây sửng sốt nhất mà nhóm nghiên cứu chúng tôi phát hiện là phần lớn các đôi lứa duy trì được hạnh phúc lâu dài hiếm khi áp dụng những chiêu thức đại loại như thật sự lắng nghe khi họ nổi giận với bạn đời.
Hãy xét trường hợp của một đôi vợ chồng mà chúng tôi từng nghiên cứu, Belle và Charlie. Sau hơn 45 năm chung sống, Belle nói với Charlie rằng cô ước họ chưa từng có con với nhau. Rõ ràng đó là một đòn chí mạng đối với anh. Tiếp theo là một cuộc đối thoại mà hoàn toàn chẳng có ai thật sự lắng nghe ai. Cuộc tranh cãi này không hề có chuyện thấu hiểu hay cảm thông cho nhau, mà họ chỉ nhảy bổ vào nhau, thi nhau bảo vệ chính kiến của mình.
Charlie: Bộ em tưởng nếu anh ủng hộ việc không có con với nhau, cuộc đời em sẽ tốt đẹp hơn sao?
Belle: Sinh con là một sự sỉ nhục với em, Charlie.
Charlie: Thôi đi. Em ăn nói cho cẩn thận.
Belle: Nó biến em thành thứ người gì đâu!
Charlie: Anh đâu có làm gì đến mức…
Belle: Em từng mong được tận hưởng cuộc sống với anh biết bao. Nhưng thay vào đó, cả đời em chỉ biết làm việc quần quật như trâu bò.
Charlie: Khoan, đợi chút. Anh không nghĩ không có con lại đơn giản đến thế. Anh thấy em quá xem thường nhiều yếu tố về mặt sinh học rồi đấy!
Belle: Anh hãy xem những cuộc hôn nhân không có yếu tố con cái dính vào đi, nó mới tuyệt vời làm sao!
Charlie: Ai chứ?
Belle: Hai vợ chồng công tước thành phố Windsor!
Charlie: (thở dài) Xin em!
Belle: Ông ấy chẳng khác gì nhà vua! Ông ấy cưới một người phụ nữ danh giá. Họ sống với nhau thật hạnh phúc.
Charlie: Anh không nghĩ đó là một ví dụ phù hợp. Trước tiên, bà ấy đã bốn mươi tuổi. Chuyện khác đi nhiều rồi.
Belle: Bà ấy chưa hề có con. Và ông ấy yêu bà không phải vì mục đích sinh con đẻ cái.
Charlie: Nhưng thực tế là như vầy, Belle à, có một bản năng tiềm tàng thôi thúc chúng ta sinh con.
Belle: Bởi đó mới là sự sỉ nhục khi anh cứ cho rằng em phải tuân theo quy luật của tạo hóa.
Charlie: Anh không cản được điều này!
Belle: Ôi, sao cũng được, em nghĩ lẽ ra mình đã có thể tận hưởng cuộc sống không có con cái.
Charlie: Ừm… nhưng anh nghĩ mình cũng đã tận hưởng cuộc sống với lũ trẻ.
Belle: Em chẳng tận hưởng được gì cả.
Câu chuyện của Belle và Charlie nghe có vẻ như họ không hòa hợp với nhau lắm, nhưng họ đã có 45 năm chung sống hạnh phúc bên nhau. Cả hai đều nói rằng họ hoàn toàn viên mãn với cuộc hôn nhân và dành trọn cuộc đời cho nhau.
Sự thật là trong suốt nhiều năm họ còn rất nhiều cuộc nói chuyện như tát nước vào mặt nhau như thế. Nhưng họ không kết thúc trong giận dữ. Họ tiếp tục nói chuyện về lý do tại sao Belle lại cảm thấy tồi tệ về vai trò làm mẹ. Chủ yếu là cô tiếc nuối vì mải lo chuyện con cái mà không được tận hưởng tuổi trẻ cùng Charlie. Cô ước mình không phải lúc nào cũng cau có và mệt mỏi. Nhưng trong suốt quá trình tranh luận, họ bày tỏ tình yêu thương và cười đùa cùng nhau. Không hề có một dấu hiệu nào trong nhịp tim hay huyết áp chứng tỏ họ đang buồn bực. Cái chính mà Belle muốn nói ở đây là cô yêu Charlie biết bao, cô ước mình được ở bên chồng nhiều hơn nữa. Rõ ràng, có một điều gì đó hết sức tích cực đằng sau kiểu cãi nhau này của hai vợ chồng. Và cho dù “điều đó” là gì chăng nữa, thì các nhà tư vấn hôn nhân gia đình – những người đề cao kiểu tranh luận ôn hòa – cũng không thể giúp các cặp đôi khác tận dụng yếu tố tích cực đó.
[sach_7biquyethonnhanhanhphuc]
Leave A Comment