Trong 85% các cuộc hôn nhân, người mang bộ mặt dửng dưng là các ông chồng. Không hẳn là do đàn ông thiếu đi bộ phận cơ thể nào. Lý do nằm ở lịch sử tiến hóa của loài người. Bằng chứng về nhân loại học cho thấy chúng ta tiến hóa từ vượn người, giống loài vốn phân chia vai trò của từng thành viên theo giới tính rất khắt khe, bởi đó là cách ưu việt nhất lúc bấy giờ để tồn tại giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Giống cái chịu trách nhiệm nuôi con trong khi giống đực cùng nhau ra ngoài săn bắt.

Hỏi bất kỳ người mẹ nào đang cho con bú, họ đều sẽ nói cho bạn biết lượng sữa tiết ra phụ thuộc vào mức độ thoải mái tinh thần của người mẹ, bởi nó liên quan đến việc tiết ra kích thích tố oxytocin trong não. Thế nên thiên nhiên ưu ái những phụ nữ nào có khả năng nhanh chóng ổn định tinh thần và bình tĩnh trở lại sau căng thẳng. Khả năng người mẹ duy trì sự điềm tĩnh sẽ mang lại cho đứa con cơ hội sống sót cao hơn nhờ tận dụng được lượng dinh dưỡng tối đa từ mẹ. Ở đàn ông thì ngược lại. Từ thuở sơ khai, họ đã là nhóm người chuyên đi săn, vì thế cảnh giác cao độ chính là kỹ năng sống còn quan trọng. Do đó, những người đàn ông mà lượng adrenaline luôn chực chờ tiết ra và không nhanh chóng lấy lại bình tĩnh có nhiều khả năng sống sót và truyền giống hơn.

Mãi cho đến ngày nay, hệ tuần hoàn của đàn ông vẫn duy trì tính đối kháng cao hơn phụ nữ và chậm hồi phục sau căng thẳng hơn. Lấy ví dụ, khi một người đàn ông và một người phụ nữ bất thình lình nghe một tiếng động rất lớn, rất mạnh như tiếng nổ chẳng hạn, nhiều khả năng tim người đàn ông sẽ đập nhanh hơn người phụ nữ và duy trì như thế lâu hơn. Đây là kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Robert Levenson và nghiên cứu sinh của ông, Loren Carter, thuộc Đại học California ở Berkeley. Tương tự, huyết áp của đàn ông cũng tăng và duy trì ở mức đó lâu hơn. Tiến sĩ Tâm lý học Dolf Zillman thuộc Đại học Alabama đã nghiên cứu và phát hiện ra khi nam giới bị cố tình đối xử tồi tệ và sau đó được yêu cầu thư giãn trong hai mươi phút, huyết áp của họ gia tăng và vẫn giữ nguyên ở mức đó cho đến lúc họ có cơ hội trút giận. Nhưng khi nữ giới gặp điều tương tự, họ có khả năng lấy lại bình tĩnh trong vòng hai mươi phút thư giãn đó. (Điều thú vị là huyết áp của phụ nữ lại có xu hướng gia tăng khi họ bị buộc vào tình thế phải trả đũa!) Bởi cảm giác dè chừng do những đối đầu trong hôn nhân gây ra tác động đến đàn ông nhiều hơn, chẳng có gì lạ khi người đàn ông có xu hướng tránh né đối đầu hơn phụ nữ.

Thực tế về mặt sinh học: Nam giới dễ có cảm giác quá tải do mâu thuẫn trong hôn nhân gây ra, hơn là vợ của họ.

Sự khác biệt về giới trong cách cơ thể phản ứng cũng ảnh hưởng đến xu hướng suy nghĩ của đàn ông và phụ nữ khi họ đối mặt với căng thẳng trong hôn nhân. Trong một số thử nghiệm, chúng tôi yêu cầu các cặp vợ chồng xem lại đoạn phim quay cảnh họ cãi nhau, sau đó từng người nói cho chúng tôi biết họ đang nghĩ gì trong lúc thiết bị cảm biến báo hiệu họ bị quá tải. Câu trả lời cho thấy nam giới có xu hướng suy nghĩ tiêu cực làm duy trì cảm giác căng thẳng, trong khi nữ giới lại hay tìm cách lấy lại bình tĩnh và trở nên ôn hòa hơn. Nhìn chung, trong quá trình tranh cãi, đàn ông luôn nghĩ đến cảm giác mình đúng như thế nào và đang phẫn nộ ra sao (“Mình sẽ ăn miếng trả miếng,” “Không mắc mớ gì mình phải chấp nhận chuyện này”) khiến họ trở nên khinh khỉnh hoặc thù hằn. Hoặc họ xem mình là nạn nhân vô tội trước những lời than vãn, mắng nhiếc của vợ (“Tại sao cô ấy lúc nào cũng đổ lỗi cho mình?”), và nó khiến họ đưa ra những lời bào chữa.

Dĩ nhiên những quy tắc trên không hẳn đúng với mọi đàn ông và phụ nữ. Nhưng sau hai mươi lăm năm nghiên cứu, tôi nhận thấy đại đa số các cặp vợ chồng bị những khác biệt về giới ảnh hưởng đến các phản ứng tâm sinh lý khi đối mặt với căng thẳng. Bởi những điểm khác nhau này mà phần lớn các cuộc hôn nhân (bao gồm cả những gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc) đều có kiểu mâu thuẫn giông giống nhau: người vợ – vốn dễ dàng kiểm soát căng thẳng hơn – là người khơi mào các vấn đề nhạy cảm. Người chồng, vốn khó lòng vượt qua căng thẳng, sẽ tìm cách tránh né đào sâu vấn đề. Anh chồng có thể bào chữa và trở nên dửng dưng. Hoặc anh cũng có thể nộ khí xung thiên hoặc khinh khỉnh nhằm tìm cách làm cho vợ ngừng nói.

Cho dù hôn nhân của bạn có giống thế đi nữa, cũng không có nghĩa là hai bạn đang đi đến kết cục ly hôn. Thật ra, ngay cả trong các cuộc hôn nhân vững chắc, bạn vẫn sẽ thấy sự hiện diện của bốn căn bệnh, và thỉnh thoảng còn bị quá tải. Nhưng khi bốn căn bệnh thường xuyên có mặt trong gia đình bạn, hoặc một trong hai người luôn bị cảm giác quá tải đeo bám, thì mối quan hệ giữa hai bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Cảm giác thường xuyên bị quá tải chắc hẳn sẽ đẩy bạn rời xa người bạn đời. Dần dần bạn sẽ thấy cô đơn không thoát ra được, đôi vợ chồng rốt cuộc sẽ ly dị hoặc níu kéo một cuộc hôn nhân lạnh lẽo – sống lặng lẽ, thân ai nấy lo dù vẫn chung một mái nhà. Có thể họ vẫn chia sẻ cùng nhau một điều gì đó – như chơi đùa cùng con, tổ chức ăn tối cùng bạn bè tại nhà, hoặc kéo cả gia đình đi nghỉ mát, nhưng giữa họ không còn cảm giác gắn bó với nhau nữa. Họ đã buông tay với cuộc sống vợ chồng.

[sach_7biquyethonnhanhanhphuc]