Bậc cha mẹ nào lại không biết mình mong muốn gì từ con cái. Ý muốn đó bắt đầu từ lúc đứa con tượng hình trong bụng mẹ, “Con mình sẽ là đứa thông minh ngoan ngoãn, lớn lên nó sẽ…”. Nhưng mong muốn trong đầu là một chuyện, xắn tay áo lên để biến mong muốn đó thành hiện thực lại là chuyện khác.
Đầu tiên, để hòa nhập vào thế giới tuổi teen và giúp đỡ chúng, ta cũng phải hiểu trẻ mong muốn gì từ người lớn chúng ta, vấn đề gì chúng thường vấp phải trong học tập, trong các mối quan hệ gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội.
Hãy lắng đọng một chút và dành vài phút để viết ra những gì mà bạn nghĩ là con mình mong muốn nhất. Bạn nghĩ chúng muốn gì và cần gì nhất từ những người mà chúng biết là yêu thương mình nhất? Hãy viết ra vài điểm trong phần trống dưới đây trước khi đọc tiếp.
……………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………..
Hãy cùng con tìm hiểu xem câu trả lời của bạn có khớp với những gì mà hầu hết bọn trẻ thật sự mong muốn cho mình và muốn có được từ cha mẹ không. Dưới đây là kết quả của một cuộc khảo sát mà chúng tôi thực hiện gần đây với hơn 100 học sinh.
Năm điều bọn trẻ mong muốn từ cha mẹ nhất là:
- Tự do và khoảng không gian để khẳng định bản thân
- Được tin tưởng
- Được yêu thương và chấp nhận
- Được công nhận
- Độc lập, không bị phụ thuộc
Khi tôi đưa danh sách này cho phụ huynh trong các buổi hội thảo dành cho họ, nhiều người bình luận như sau:
- “Sao tôi có thể tin tưởng được khi chúng không biết thế nào là trách nhiệm?”
- “Nếu muốn tôi tin tưởng, chúng phải chứng tỏ mình đáng được tin chứ.”
- “Nếu để chúng tự do, chúng sẽ chẳng còn biết trên dưới hay kỷ cương gì hết.”
- “Độc lập ư? Nếu chúng quyết định sai thì sao?”
Cha mẹ có cách nào đem đến cho con cái những gì chúng mong muốn, đồng thời vẫn bảo đảm rằng chúng sống có kỷ luật, có trách nhiệm và chững chạc để đưa ra những quyết định đúng đắn không? Chắc chắn là có!
Những người thất bại trong việc làm cha mẹ bị “mắc kẹt” trong cách nghĩ tiêu cực rằng để nuôi dạy con thật tốt, họ không thể nhượng bộ với “khao khát tự do”, “nhu cầu được tin tưởng” và “nhu cầu được công nhận” của chúng. Đó là lý do tại sao việc làm cha mẹ trở thành một “cuộc chiến không khoan nhượng” hàng ngày. Họ phát hiện ra rằng họ phải dùng vũ lực và sức mạnh bề trên để bắt buộc con cái làm những việc mà họ nghĩ là tốt và vì lợi ích của chúng.
Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu, bọn trẻ có cảm giác bị câu thúc, trói buộc, không được người lớn chấp nhận và công nhận, không có khoảng không gian riêng cho mình. Và một khi không chịu nằm dưới ảnh hưởng của cha mẹ thì chúng ắt chịu tác động của những “thế lực” bên ngoài thường không tốt đối với con trẻ, điều ấy cũng tương tự như việc để một ngôi nhà trống thì nếu người tốt không vào ở thì kẻ xấu sẽ đến viếng.
Các bậc phụ huynh thành công thì ngược lại. Họ tin rằng thỏa mãn một cách hợp lý những mong muốn và nhu cầu cảm xúc của con cái (sự tự do, độc lập, nhu cầu được công nhận, được chấp nhận,…) là cách tốt nhất để giúp trẻ trở nên vững vàng và làm những việc nên làm. Thay vì ép buộc con cái phải theo ý mình, họ tin vào những cách thức giúp con hợp tác với mình một cách tự nguyện. Trong quyển sách này, bạn sẽ được học cách giúp con hiểu để sẵn sàng hợp tác với bạn, chăm chỉ làm việc nhà, vui vẻ học hành.
Cũng trong cuộc khảo sát trên, bọn trẻ đã nói ra những gì mà chúng thật sự mong muốn cho bản thân.
- Trở thành người thành công
- Đạt thành tích cao trong học tập
- Được yêu thích và nổi tiếng
- Có mối quan hệ tốt với cha mẹ
Rõ ràng, đó cũng chính là những gì bạn mong đợi ở con mình, đúng không nào?
Nhưng nếu cha mẹ và con cái thật sự có cùng mong muốn, tại sao bọn trẻ lại không muốn nghe lời người lớn? Vấn đề nằm ở đâu?
Mắc mớ là ở chỗ, mặc dù bọn trẻ ai cũng muốn được thành công và đạt điểm cao trong học tập, nhưng đa số lại không biết và không sử dụng những phương pháp hiệu quả (để đạt được thành công), hoặc thiếu niềm tin rằng chúng thật sự có thể học tốt, rất tốt nữa là khác. Vì thiếu phương pháp và lòng tin vào chính mình, chúng thường bỏ cuộc ngay khi vấp phải trở ngại đầu tiên, rồi để mặc cho những cảm xúc tiêu cực (lười biếng, chán nản,…) làm nhụt chí và từ đó phó mặc cho mọi chuyện đến đâu thì đến.
Bên cạnh đó, việc cằn nhằn, mắng mỏ, chê trách, đe dọa và trừng phạt khắt khe của một số bậc cha mẹ không những chẳng giúp ích gì trong việc truyền cảm hứng học tập cho con trẻ, lại chỉ gây áp lực cho những cá nhân còn non nớt, dẫn đến hệ quả là nhiều em tiếp nhận mọi chuyện với thái độ tiêu cực. Thậm chí, những hành động thái quá của cha mẹ chỉ củng cố thêm niềm tin và cảm xúc tiêu cực nơi trẻ về bản thân mình và về cha mẹ mình.
Với tư cách những người làm cha mẹ, chúng ta phải biết thông cảm với những vấn đề của con cái, tin tưởng chúng, động viên chúng và đưa ra những phương pháp hiệu quả giúp chúng vượt qua khó khăn. Chỉ có vậy, trẻ mới có động lực và ý chí để tiếp tục cố gắng đi lên. Dù là cha mẹ hay con cái thì bất cứ ai cũng có mục đích cuối cùng là mong cho bản thân hoặc người thân của mình thành công, hạnh phúc. Và đó cũng chính là lý do cơ bản nhất để bạn, với tư cách người cha hay người mẹ, thực hiện bước đầu tiên trong việc tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của con cái.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment