Hôn nhân là sự kết hợp của hai cá thể độc lập với những chính kiến riêng biệt, giá trị tốt đẹp lẫn tật xấu cá nhân. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi ngay cả trong những cuộc hôn nhân hạnh phúc, người chồng lẫn người vợ vẫn phải đương đầu với vô vàn thử thách về hôn nhân gia đình. Một số mâu thuẫn chỉ khiến bạn bực mình một chút, nhưng nhiều vấn đề khác lại có vẻ rắc rối phức tạp và gây căng thẳng nặng nề. Thường thì các cặp vợ chồng sa lầy vào mâu thuẫn hoặc xa lánh người bạn đời như một cách tự vệ.
Mặc dù bạn có thể cho rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chúng tôi khám phá ra tất cả những mâu thuẫn trong hôn nhân, từ những chuyện nhỏ nhặt tầm thường cho đến mức chiến tranh bùng nổ đều rơi vào một trong hai dạng: hoặc là có thể giải quyết, hoặc là tồn tại mãi mãi, nghĩa là mâu thuẫn đó trở thành một phần cuộc sống của hai bạn, mãi mãi, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Một khi có thể xác định và chỉ ra những điểm bất đồng giữa hai vợ chồng, bạn sẽ có khả năng vạch ra kế hoạch đối phó, tùy theo mâu thuẫn đó rơi vào dạng nào.
NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG BAO GIỜ BIẾN MẤT
Oái oăm thay, phần lớn mâu thuẫn trong hôn nhân lại rơi vào trường hợp này, chính xác là 69%. Trong suốt bốn năm nghiên cứu các cặp vợ chồng, chúng tôi phát hiện thấy sau ngần ấy thời gian, họ vẫn tranh cãi về cùng một vấn đề. Cứ như thể mới bốn phút trôi qua chứ không phải bốn năm. Họ tuy khoác lên người những bộ quần áo khác, đổi những kiểu tóc khác, tăng thêm (hoặc giảm đi) vài ký và có thêm nhiều nếp nhăn trên gương mặt, nhưng mâu thuẫn mà họ đối mặt vẫn không hề thay đổi. Sau đây là một số mâu thuẫn thâm căn cố đế tiêu biểu nhất mà các cặp vợ chồng hạnh phúc mà chúng tôi nghiên cứu:
- Meg muốn có con, nhưng Donald nói rằng anh chưa sẵn sàng – và cũng không biết khi nào mới sẵn sàng.
- Walter có nhu cầu tình dục thường xuyên hơn Dana.
- Chris thường thờ ơ trong chuyện nhà cửa và hiếm khi chịu động tay vào làm cho đến khi Susan lên tiếng cằn nhằn, và thế là anh nổi giận.
- Tony muốn các con theo đạo Thiên Chúa. Jessica là người theo đạo Do Thái và muốn các con theo đạo của mẹ.
- Angie cho rằng Ron quá khắt khe với thằng con trai. Nhưng Ron lại nghĩ phương pháp giáo dục của mình là đúng đắn: Con của họ phải được dạy cách cư xử sao cho hợp lý.
Dù những mâu thuẫn này tồn tại, các đôi vợ chồng trên vẫn rất mãn nguyện trong hôn nhân bởi họ đã tìm được cách sống chung với những mâu thuẫn bất di bất dịch mà không để cho chúng khiến họ cảm thấy quá tải. Họ biết cách giữ cho mọi thứ chừng mực và nhìn nó dưới con mắt hài hước. Ví dụ, một cặp mà chúng tôi nghiên cứu, Melinda và Andy, có một mâu thuẫn lâu dài là Andy không thích đi chơi với gia đình vợ. Nhưng khi kể cho tôi nghe điều này, họ không tỏ vẻ giận dữ mà chỉ tường thuật lại những gì diễn ra một cách bình thản. Andy bắt đầu kể những gì anh thường nói mỗi khi hai vợ chồng đề cập đến chuyện này. Melinda vốn hiểu mọi chuyện quá rõ nên cô xen ngang bằng cách nhại lại lời chồng mình: “Được rồi, anh sẽ đi.” Rồi Andy thêm vào là anh cũng hay nói: “Được rồi, em nói gì anh cũng nghe, cưng à.”
“Chúng tôi vẫn cứ như thế cho đến bây giờ,” Melinda giải thích với tôi. Andy cười khúc khích và bổ sung thêm, “Chúng ta bất đồng cũng chẳng ra làm sao nữa, em ha?” Melinda và Andy chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề đó, nhưng họ học cách sống chung với nó, và nói về nó một cách hài hước.
Dù những chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình có nói gì với bạn đi nữa, thì để hôn nhân bền vững mãi mãi, không nhất thiết bạn phải giải quyết được mọi mâu thuẫn lớn trong hôn nhân của mình.
Một đôi vợ chồng hạnh phúc khác, Carmen và Bill, xảy ra mâu thuẫn vĩnh viễn về mức độ ngăn nắp. Carmen mang thiết quân luật của một trung sĩ huấn luyện tân binh vào gia đình, trong khi chồng cô lại là một giáo sư đãng trí đích thực. Bill luôn suy nghĩ xem mình nên đặt thứ này thứ kia ở đâu cho vừa lòng vợ. Và để chồng vui, Carmen luôn kiềm chế không cằn nhằn mỗi khi anh làm thất lạc món này món nọ. Chẳng hạn như có lần cô phát hiện hóa đơn tiền điện thoại tháng trước bị vùi dưới chồng báo cũ trong thùng để đồ tái chế, cô sẽ vừa nói vừa trêu anh một cách nhẹ nhàng – trừ bữa nào cô cảm thấy quá căng thẳng, cô sẽ nổi cơn tam bành, còn anh sẽ ngay lập tức chuộc lỗi bằng cách pha cho cô một tách sô-cô-la nóng, rồi họ lại vui vẻ với nhau. Nói cách khác, họ luôn tìm cách giải quyết vấn đề sao cho êm đẹp nhất. Có lúc mọi thứ khá lên, nhưng cũng có lúc tệ hơn. Nhưng bởi cả hai luôn nhận thức rõ vấn đề và trao đổi với nhau, tình yêu của họ không bị sự khác biệt trong tính cách làm cho phai nhạt.
Những cặp vợ chồng này hiểu những vấn đề ấy là một phần tất yếu của mối quan hệ, giống như “sinh lão bệnh tử”. Tương tự cái đầu gối hay dở chứng, cái lưng đau, đường ruột rối loạn hoặc khớp tay sưng. Dù không ưa những triệu chứng đó, chúng ta vẫn có thể đương đầu với chúng, tránh những thứ khiến chúng tồi tệ hơn, đồng thời tìm hiểu xem có phương pháp nào giúp ta đối phó với chúng tốt hơn không. Nhà tâm lý học Clan Wile có cách nói rất hay về vấn đề này trong quyển sách của ông After The Honeymoon (Sau Tuần Trăng Mật): “Khi lựa chọn người bạn đời, xem như bạn đã chọn một loạt vấn đề không thể giải quyết mà bạn sẽ phải vật lộn với nó trong suốt mười, hai mươi thậm chí năm mươi năm.”
Hôn nhân đạt đến mức độ thành công khi những vấn đề bạn chọn chính là những điều bạn có thể đương đầu. Wile viết: “Paul cưới Alice và Alice thường hay ăn to nói lớn khi có dịp tiệc tùng, trong khi Paul, với bản chất rụt rè, ghét điều đó. Nhưng nếu Paul cưới Susan, anh và Susan có thể sinh chuyện cãi nhau ngay cả trước khi đến được buổi tiệc. Bởi Paul luôn trễ nải, còn Susan thì không ưa chờ đợi. Cô sẽ cảm thấy không được tôn trọng, điều mà cô rất nhạy cảm. Paul sẽ phải nghe cô càm ràm suốt khi cô tìm cách dạy dỗ chồng, mà anh thì hết sức nhạy cảm với chuyện đó. Nếu Paul cưới Gail, họ thậm chí sẽ không đi đến bữa tiệc bởi cả hai vẫn còn giận nhau về chuyện ngày hôm qua Paul không giúp vợ giải quyết đống việc nhà. Đối với Gail, khi Paul không giúp vợ, cô thấy mình bị bỏ rơi, điều mà cô rất nhạy cảm. Và đối với Paul, chuyện Gail hay phàn nàn chính là muốn răn dạy chồng, mà anh thì lại quá nhạy cảm với chuyện này.” Mọi chuyện là vậy đó.
Trong những cuộc hôn nhân bấp bênh, những mâu thuẫn vĩnh viễn dạng này cuối cùng sẽ giết chết mối quan hệ. Thay vì tìm cách đối phó với mâu thuẫn một cách hiệu quả, các cặp vợ chồng sa lầy vào chúng. Có mỗi một chuyện mà họ cứ nói với nhau không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng như lần nấy. Họ chỉ nhai đi nhai lại mà chẳng giải quyết được gì. Bởi họ không tiến lên được bước nào, càng ngày họ càng cảm thấy tổn thương, thất vọng và bị chối bỏ. Sự hiện diện của bốn căn bệnh trở nên rõ ràng hơn khi hai vợ chồng cãi nhau, còn sự hài hước và tình yêu thương thì ngày một nhạt nhòa. Họ càng ra sức bảo vệ chính kiến của mình hơn. Dần dần họ thấy mình bị quá tải. Họ từ từ bắt đầu quá trình cách ly hoặc phong tỏa những bất đồng đó. Nhưng thật ra, họ đang bắt đầu xa cách nhau hơn. Dần dần họ sống như hai đường thẳng song song và không tránh khỏi cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà của mình – hồi chuông báo tử cho mọi cuộc hôn nhân.
DẤU HIỆU BẾ TẮC
Nếu bạn không chắc liệu mình có đang bế tắc trước một mâu thuẫn vĩnh viễn hay đang đương đầu hiệu quả với nó, danh sách sau có thể giúp bạn. Những biểu hiện cụ thể của tình trạng bế tắc gồm có:
- Mâu thuẫn khiến bạn cảm thấy bị người bạn đời hắt hủi.
- Hai bạn cứ nói về chuyện đó suốt nhưng chẳng đi được đến đâu.
- Hai bạn cố thủ ở nguyên vị trí của mình và không buồn nhúc nhích.
- Sau khi thảo luận về vấn đề này, bạn còn cảm thấy tổn thương và thất vọng nhiều hơn.
- Cuộc đối thoại của hai bạn về vấn đề này thiếu đi sự hài hước, không hề thú vị cũng chẳng có cảm xúc yêu thương gì cả.
- Hai bạn càng lúc càng trở nên cứng nhắc, dẫn đến tình trạng lăng mạ nhau trong quá trình thảo luận.
- Chính hành động phỉ báng lẫn nhau này càng khiến hai bạn giữ nguyên vị trí hiện tại và trở nên cực đoan trong cách nhìn, đồng thời càng khó thỏa hiệp hơn nữa.
- Cuối cùng, hai bạn không còn kết nối về mặt cảm xúc.
Nếu những điều đau lòng nói trên có vẻ quen thuộc đối với bạn, hãy cứ yên tâm rằng vẫn còn có cách giúp bạn thoát khỏi tình trạng sa lầy này, dù bạn có lún sâu đến mức nào chăng nữa. Bạn sẽ thấy khi chúng ta đến bí quyết 6, tất cả những gì bạn cần là nguồn động lực và thái độ sẵn sàng khám phá những vấn đề tiềm ẩn vốn là nguyên nhân gây ra tình trạng bế tắc. Bí quyết ở đây là tiết lộ và chia sẻ với nhau những ước mơ bạn ấp ủ bấy lâu nay. Chúng tôi phát hiện ra rằng những khát khao không được đáp trả chính là cốt lõi của những mâu thuẫn bế tắc. Nói cách khác, cãi vã không dứt cho thấy những khác biệt sâu sắc giữa hai bạn, và bạn cần giải quyết điều đó trước khi muốn mọi thứ đâu vào đấy.
[sach_7biquyethonnhanhanhphuc]
Leave A Comment