Văn hào vĩ đại Lev Tolstoy từng nói, các gia đình hạnh phúc đều giống nhau còn những gia đình bất hạnh thì đau khổ mỗi nhà một kiểu. Còn các nhà tâm lý học thì nói, có hàng triệu những cặp cha mẹ trên đời nhưng tựu chung chỉ có bốn dạng chính. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và hình dung về bốn dạng cha mẹ thường gặp này. Nếu bạn thấy mình thuộc bất kỳ dạng nào trong số đó hoặc pha trộn giữa các dạng thì bạn sẽ hiểu rõ một điều: cớ sao việc làm cha mẹ, đối với phần đông chúng ta, lại trở thành một nhiệm vụ khó khăn đến thế.
Dựa vào tiêu chí nào để phân biệt các dạng cha mẹ? Chính là các phương pháp mà cha mẹ dùng để dạy con. Cụ thể hơn là cách họ nói chuyện với con cái, cách họ khích lệ khi chúng làm việc tốt, cách họ trừng phạt hay phê phán khi chúng làm điều sai, cách họ đáp lại hay không đáp lại những đòi hỏi tinh thần và vật chất của chúng…
Các cuộc khảo sát cho thấy các bậc cha mẹ áp dụng nhiều phương pháp dạy dỗ con cái khác nhau, từ các phương pháp truyền thống được truyền lại từ đời trước, cho đến các phương pháp “thế hệ mới” của các chuyên gia trong lĩnh vực “nuôi dạy con”. Một số phương pháp mang lại hiệu quả trong khi các phương pháp khác thì hoàn toàn vô ích. Nói về cách giao tiếp với con, bạn có thường sử dụng một số cách nói như sau không.
- “Con tưởng mẹ là con hầu của con đấy à?”
- “Mày nghĩ tao là cái máy in tiền chắc?”
- “Con cho ba là thằng ngu sao?”
- “Có phải con nghĩ nhà này là cái nhà trọ, còn con chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu không?”
- “Mày có còn coi chúng tao là cha mẹ nữa hay không?”
- “Con có nghe không đấy? Mẹ đang nói chuyện với con!”
- “Biết là một chuyện, làm lại là một chuyện khác!”
- “Con tưởng mẹ là con nít ba tuổi hả?”
- “Con bị cái giống gì vậy? Trong đầu con chỉ có bùn đất thôi à?”
Có câu nói nào quen thuộc đối với bạn không? Bạn có cảm thấy áy náy khi dùng những câu tiêu cực như trên không? Nếu có thì bạn cũng không phải là trường hợp cá biệt, nhiều bậc phụ mẫu khác cũng nói những câu tương tự, thậm chí còn nặng nề hơn, mặc dù không ai trong chúng ta không nỗ lực hết mình trong mong muốn trở thành những bậc cha mẹ tốt. Vì không có nhiều ngôi trường dạy người ta cách làm cha mẹ tốt, thế nên thường thì chúng ta học theo một cách vô thức hoặc có ý thức cách mà cha mẹ ngày xưa đối đãi với chúng ta. Cũng có trường hợp nếu ta nghĩ cha mẹ mình xưa kia quá nghiêm khắc, thì nay ta nên làm một cuộc “cách mạng” bỏ hết tất cả những quy định nghiêm ngặt bắt con cái phải thế này thế nọ mà tạo cho chúng một cuộc sống thoải mái, tự do.
Không có một mẫu số chung cố định nào cho những dạng cha mẹ, tôi sẽ miêu tả họ trên những nét chung nhất. Bạn thử xem mình thuộc vào dạng nào sau đây nhé.
Bậc Cha Mẹ Tiêu Cực
Gọi họ là cha mẹ tiêu cực bởi vì họ dạy dỗ con bằng những biện pháp “tiêu cực”, phương châm của họ là “cha mẹ nói cái gì cũng đúng” và vì thế mà… thất bại. Nhưng họ không nhận ra điều đó. Họ biết rằng Greg của họ thông minh nhưng không chịu cố gắng, vì thế mà bằng mọi cách phải thúc ép nó “cho bằng anh bằng em”. Khi Greg còn bé, họ thường dùng roi vọt để cho cậu vào khuôn khổ mỗi khi cậu lười biếng hay bị điểm kém. Chẳng lạ gì khi cậu bé đến lớp với những vết roi hằn trên tay chân, biến cậu thành trò cười cho cả lớp.
Đến khi Greg lớn lên một chút, họ chuyển chiến thuật sang so sánh cậu với người anh, vì anh cậu có thành tích học tập tốt. Những câu kiểu như thế này được lặp đi lặp lại hàng ngày, “Sao mày không bằng được cái móng tay anh mày? Xem đấy, anh mày chăm chỉ học hành biết bao. Còn mày tối ngày chỉ biết chơi điện tử. Mỗi khi bảo học bài, thì dài mồm ra kêu mệt. Giá mà mày có được nửa bộ óc của anh mày thì có phải chúng tao cũng có phận nhờ không.”
Không có gì ngạc nhiên, Greg luôn có cảm giác buồn tủi và chán nản; người lớn không hiểu được là cậu cũng có lúc cần nghỉ ngơi thư giãn chứ. Không phải cậu không muốn học, cậu chỉ cảm thấy khó tập trung vào bài học. Ngoài ra, cậu không khỏi tủi thân khi luôn bị cha mẹ đem ra so sánh với người anh trai giỏi giang và là niềm tự hào của gia đình, còn cậu thì bị gán cho những danh hiệu khó nghe như “lười biếng”, “ngu đần”, “vô tích sự”,…
Dần dần, Greg học được cách chấp nhận “số phận” của mình. Tới tấp nhận những lời chỉ trích cay nghiệt từ cha mẹ, cậu tin chắc mình không có cơ may thành công trong đời, và dù có làm gì thì cậu cũng không bao giờ bằng được người anh sáng láng của mình. Đó là lý do tại sao Greg thích dành nhiều thời gian với bạn bè và xa lánh gia đình càng nhiều càng tốt. Cậu cảm thấy chỉ có những người bạn này mới hiểu cậu, chấp nhận con người cậu như nó vốn thế, thậm chí còn tôn trọng cậu, những điều mà cậu không bao giờ tìm thấy trong gia đình mình. Cậu muốn ở bên bạn bè càng nhiều càng tốt, cùng họ xem những bộ phim, chơi những trò chơi ưa thích và không muốn nghĩ điều gì xa hơn nữa.
Bậc Mẹ Cha Thích Sự Hoàn Hảo
Đây là những người yêu thích những gì tròn trịa và toàn bích. Ann, con gái rượu duy nhất của họ, năm nay 15 tuổi và đang theo học ở một trường danh tiếng. Cô là niềm hãnh diện và niềm vui của cha mẹ. Họ yêu thương cô hết lòng và trông đợi rất nhiều ở cô. Họ mong Ann đỗ vào trường Y trong khi cô thầm mơ ước trở thành nhà khoa học nghiên cứu môi trường. Cô không muốn nói cho cha mẹ biết vì sợ sẽ làm họ thất vọng. Cha mẹ đã đầu tư quá nhiều cho tương lai của cô. Ngoài việc học ở những trường hàng đầu, cô còn được học thêm nhiều thứ khác với mục đích hoàn thiện bản thân. Cô phải biết múa ba lê, vì mẹ cô ngày xưa mơ mình múa trong vở “Hồ thiên nga” nhưng bà đã không thực hiện được. Ngoài ra, cô còn học thêm đàn dương cầm, đàn vĩ cầm, học vẽ tranh, học đánh tennis … và còn nhiều thứ khác. Ann chẳng phải lo nghĩ gì, cha mẹ đã lên kế hoạch cho tương lai của con gái đâu vào đấy. Họ hy vọng cô sẽ thực hiện được ước mơ và hoài bão của chính họ. Trước mặt người thân và bạn bè, họ chỉ toàn khen ngợi con gái. Khi Ann đạt thành tích cao trong học tập hoặc giành được các giải thưởng văn thể mỹ, cha mẹ cô luôn lấy đó làm bằng chứng để mọi người thấy con gái họ thông minh và xuất sắc như thế nào.
Họ không cho phép cô đi chơi với bạn bè đồng trang lứa vì sợ cô bị ảnh hưởng xấu từ “lũ bạn bè tầm thường” và không có thời gian học tập. Vì thế, Ann chỉ quanh quẩn ở nhà. Thú vui của cô gói trọn trong những thói quen mà cha mẹ cô cho là lành mạnh và bổ ích như đọc sách, nghe nhạc cổ điển, xem kênh truyền hình cáp chương trình Discovery Chanel, hoặc chơi đàn.
Ngày nào cha mẹ cũng hỏi thăm Ann về những chuyện xảy ra ở trường. Cô sẽ kể cho họ nghe những việc tốt đẹp cô đã làm hay những thành tích lớn nhỏ cô đạt được. Cô rất vui khi thấy vẻ mặt cha mẹ sáng lên niềm tự hào. Cô tin rằng mình làm đúng và đó là lý do tại sao cô không bao giờ kể cho họ nghe những gì thật sự xảy ra ở trường hay trong nội tâm cô.
Ann thường có cảm giác cô đơn, lạc lõng vì cô gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn bè. Họ thường bàn về những bộ phim mới ra và mốt áo quần, trong khi cô mù tịt về những vấn đề đó. Có lần, cô đã bật khóc khi bị một đứa bạn gọi là “lập dị”. Đôi khi, Ann cảm thấy bất mãn khi cha mẹ kiểm soát cuộc đời mình đến từng xăng ti mét, dù cô vẫn biết rằng họ làm vậy vì thương yêu cô.
Ngoài ra, vì được bảo bọc quá kỹ, Ann mất dần khả năng hòa nhập với xã hội và khắc sâu cảm giác lạc loài cô đơn giữa mọi người.
Bậc Phụ Mẫu Nuông Chiều Con Hết Mực
Richard đã 18 tuổi nhưng vẫn được cha mẹ cưng chiều như ngày còn bé và được sống theo ý mình. Cha mẹ bao giờ cũng cố hết sức để đáp ứng mọi thứ cậu vòi vĩnh, dù gia đình chẳng khá giả chút nào. Khi cậu vừa có bằng lái xe gắn máy, cha cậu không ngần ngại bỏ ra toàn bộ số tiền dành dụm để mua cho cậu chiếc xe “oách” nhất mà cậu muốn. Mẹ cậu đêm ngày lo lắng về sự an toàn của con trai khi lái xe phân khối lớn, nhưng lại cho rằng việc làm cho cậu vui là mối quan tâm hàng đầu.
Richard sống như ông hoàng trong nhà, cậu thường lớn tiếng với cha mẹ mỗi khi nghĩ rằng “ông bà già” can thiệp quá nhiều vào việc của mình. Họ rất buồn nhưng vì quá thương con nên không nỡ la rầy, đành âm thầm hy vọng “trăng đến rằm trăng tròn”, một ngày kia cậu sẽ hiểu được công lao cha mẹ.
Richard không hề đụng tay vào việc nhà, học hành cũng chẳng bằng ai. Thật ra, cậu bị đúp hai lần vì “không thích học, thế thôi”. Cậu hay cúp học đi chơi, nhưng thay vì nghiêm khắc nhắc nhở con, họ lại đứng ra bao che bằng cách viết thư cho giáo viên chủ nhiệm viện lý do cậu“không khỏe nên không thể đến lớp”.
Richard thường quậy phá trong trường. Cậu bị bắt gặp hút thuốc lá trong nhà vệ sinh, thường xuyên bị kỷ luật, thậm chí còn bị mời lên gặp hiệu trưởng vài lần. Nhà trường đã nhiều lần gọi điện cho cha mẹ cậu bày tỏ nỗi lo lắng. Mỗi lần như thế, cha mẹ cậu đều hứa với nhà trường sẽ uốn nắn con tốt hơn. Thật ra, họ cũng đôi lần thử nhẹ nhàng khuyên bảo cậu nên tuân theo kỷ luật của trường, chú tâm học hành, nhưng tất cả chỉ như “nước đổ lá khoai”.
Dù muốn gì được nấy, Richard vẫn rất ít khi ở nhà; ngược lại, hở ra một chút là cậu ra khỏi nhà đàn đúm với lũ bạn cho đến tối khuya. Rồi cũng đến lúc hầu như không ai chịu đựng nổi cậu nữa. Và điều gì đến phải đến, cậu bị cảnh sát bắt vì tội ẩu đả và gây rối trật tự nơi công cộng.
Bậc Sinh Thành Theo Chủ Nghĩa Vật Chất
Họ là những người làm ăn kinh doanh có tiếng tăm, có địa vị và được trọng vọng trong xã hội. Họ có hai đứa con, Ed 16 tuổi và Sarah 14 tuổi. Mọi việc trong nhà được “khoán trắng” cho chị người làm đáng tin cậy, đã vào ở với gia đình từ khi Ed còn bé. Không có gì phải ngạc nhiên khi hai đứa trẻ cảm thấy gần gũi thân thiết với chị hơn là với cha mẹ chúng. Bởi vì cả hai lăn lộn trên thương trường, thường làm việc hoặc gặp gỡ đối tác đến tận khuya, họ chẳng mấy dịp về nhà ăn tối với con.
Nếu giả dụ có chút thời gian rảnh, họ thích giải khuây theo sở thích riêng của mình hơn là dành thời gian cho con cái. Khi chúng còn nhỏ, thi thoảng họ cũng đưa chúng đi chơi công viên hoặc đi nghỉ vài ngày. Nhưng bây giờ chúng đã lớn, có thể tự đi chơi, đi du lịch với bạn bè hay trường học thì họ để mặc cho chúng xoay xở. Làm ăn càng phát đạt bao nhiêu, họ càng bận rộn bấy nhiêu, những dịp sum họp gia đình ngày càng trở nên hiếm hoi.
Hai anh em cũng quen dần với việc cha mẹ thường xuyên vắng nhà – cả hai đều có những mối quan tâm riêng và chủ yếu dành thời gian cho bạn bè. Cha mẹ họ cũng không bận tâm lắm vì cả hai đều có thành tích học tập khá. Họ tin rằng tiền có thể mua được “sự giáo dục tốt nhất”, và do đó không ngần ngại bỏ tiền ra để cho con học ở những trường danh tiếng nhất.
Như để bù đắp lại cho việc thiếu thời gian dành cho con, phụ huynh theo chủ nghĩa vật chất thường không tiếc tiền đổ ra cho con cái. Quần áo của chúng phải là hàng hiệu, máy tính, điện thoại, xe đời mới, ừ thì thiên hạ có cái gì chúng lập tức có cái ấy.
Nhiều bạn học của Ed và Sarah ganh tị với chúng vì hai đứa hầu như có tất cả mọi thứ trên đời. Thế thì làm sao chúng tránh khỏi cảm giác mình là người “sành điệu”, là “dân chơi”, là “quý tộc”?
Nhưng liệu hai anh em nọ có thật sự hạnh phúc không? Cuộc đời đâu đơn giản như thế. Đôi khi chúng cảm thấy thèm được như những đứa bạn luôn có cha mẹ bên cạnh trong mọi sinh hoạt đời thường như đi xem phim với cha mẹ, cùng ngồi bàn luận về một trận đá bóng,… Cũng có lúc đi ra đường trong “bộ cánh” đắt tiền trên chiếc xe bóng lộn, nhưng Ed và Sarah vẫn thấy lòng mình trống trải. Chúng cảm thấy hình như mình thiêu thiếu một cái gì đó…
Trên đây là một số ví dụ về các dạng cha mẹ chúng ta thường gặp trong xã hội hiện đại. Mặc dù mỗi dạng trên phần nào được phóng đại để làm nổi bật những nét đặc trưng riêng, tôi chắc rằng ít nhiều bạn cũng bắt gặp hình ảnh mình thấp thoáng trong đó. Trong thực tế, đa số bậc phụ huynh dạy con theo kiểu kết hợp một vài phương pháp với nhau. Ví dụ, một số người dùng roi vọt để răn đe, phần thưởng vật chất để khen thưởng và coi đó là biện pháp tốt để kiểm soát những đứa con mới lớn của mình.
Tôi biết có khá nhiều ông bố bà mẹ luôn băn khoăn với những câu hỏi, “Liệu mình dạy con có đúng cách không?”, “Không biết mình đang giúp con hay chỉ vô tình khiến cuộc sống của nó trở nên khó khăn hơn?”.
Chắc bạn đồng ý với tôi rằng, tất cả những ông bố bà mẹ trên đời dù dạy con theo cách nào thì cũng xuất phát từ tình thương con và mong muốn những điều tốt nhất cho con. Nhưng rất có thể phương pháp dạy con mà bạn áp dụng lại phản tác dụng, gây ra những hiểu lầm và nong rộng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Tôi biết việc một người mẹ cố tình nghe lén cuộc nói chuyện điện thoại giữa đứa con trai 14 tuổi với bạn học là xuất phát từ ý định tốt, chỉ vì bà muốn biết con mình đang giao du với ai, bà sợ nó chơi với lũ bạn xấu. Nhưng khi cậu bé phát hiện ra việc này, cậu nổi giận vì mẹ đã xâm phạm thô bạo vào đời tư của cậu và không tin tưởng cậu.
“Khi muốn biết tôi kết thân với ai, cha tôi khuyến khích tôi mời bạn về nhà, thậm chí ngủ qua đêm, còn mẹ tôi thì đánh xe chở tôi và bạn đi ăn. Thế thì còn gì bằng nên tôi thường “mời” mẹ đi ăn tối và đi xem phim với tôi và bạn gái … dĩ nhiên mẹ tôi lái xe và trả tiền. Mẹ còn nhường cho chúng tôi quyền chọn phim; chỉ có một điều duy nhất mà mẹ tôi từ chối là không chở chúng tôi đi xem phim vào lúc nửa đêm. Đây là lý do tại sao, mặc dù cha mẹ tôi ly dị khi tôi mới 13 tuổi, tôi vẫn rất gần gũi với cả cha lẫn mẹ.”
– Adam Khoo
Thương Yêu Thôi Chưa Đủ, Cần Có Phương Pháp Tốt
Thực tế cho thấy, chỉ yêu thương và hết lòng mong muốn điều tốt lành cho con cái thôi thì chưa đủ cho việc dạy con thành công. Áp dụng lại các phương pháp mà ngày xưa cha mẹ ta vẫn giáo huấn ta có thể không còn hiệu quả nữa trong một xã hội mới. Dưới ảnh hưởng của sự bùng nổ thông tin, thế hệ 8X, 9X, 10X rất khác biệt. Chúng hiểu biết hơn, dễ xúc cảm hơn và có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng khác nhau hơn. Là cha mẹ, chúng ta cũng cần phải thay đổi và thích nghi với thời đại mới, biết cách sử dụng những mô hình và phương pháp dạy con sáng tạo, mới mẻ, tiên tiến. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể rút ngắn và xóa nhòa khoảng cách giữa hai thế hệ trong gia đình, giúp con cái phát huy mọi tiềm năng, tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc và hài hòa, cũng như biết cách làm chủ đời mình khi chúng trưởng thành.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment