Có hai cách giúp trẻ chuyển hóa những kinh nghiệm xấu thành tốt. Đó là Chuyển Hóa Nội Dung (bên trong) và Chuyển Hóa Bối Cảnh (bên ngoài).
1. Chuyển Hóa Nội Dung
Chuyển hóa nội dung là quá trình đi tìm ý nghĩa tích cực của một sự việc vốn bắt đầu được nhìn nhận bằng ý nghĩa tiêu cực thông qua việc xem xét nó với nhiều cách nhìn hay từ nhiều góc nhìn khác nhau. Xin hãy nhớ rằng bất cứ sự việc nào cũng mang trong nó nhiều ý nghĩa. Chính cái ý nghĩa mà bạn chọn để tập trung vào mới là ý nghĩa đích thực đối với bạn.
Cách tốt nhất để thực hiện việc chuyển hóa nội dung là đặt ra cho bạn câu hỏi: “Việc này còn có ý nghĩa nào khác không?” , “Ý nghĩa mà tôi đang nhìn thấy có làm tôi mạnh mẽ lên hay chỉ khiến tôi thêm tuyệt vọng?”.
Sau khi hiểu về cách chuyển hóa nội dung, bạn có thể làm bài tập thực hành dưới đây. Điều quan trọng cần ghi nhớ trong thực hành là: cái ý nghĩa mà bạn đưa ra phải truyền động lực cho bạn hoặc con bạn để dẫn đến những hành động tích cực chứ không phải thuần túy là một sự an ủi hay biện minh.
Dưới đây là một số ví dụ về cách chuyển hóa nội dung cho những sự việc “xấu”.
Sự việc: “Con trai tôi nói suốt ngày.”
Chuyển hóa nội dung: “Điều đó có nghĩa là nó rất thông minh.”
Hoặc: “Nó rất mạnh dạn và tự tin khi phát biểu chính kiến của mình.”
Hoặc: “Nó biết cách biểu đạt tốt những gì mà nó cảm nhận.”
Sự việc: “Trời lại mưa đúng vào mấy ngày nghỉ cuối tuần quý giá!”
Chuyển hóa nội dung: “Vậy cũng tốt. Cả nhà sẽ có dịp quây quần bên nhau trong những ngày nghỉ.”
Sự việc: “Con gái tôi không hòa hợp được với bạn bè trong lớp.”
Chuyển hóa nội dung: “Thế nghĩa là cô bé có đầu óc độc lập với những ý tưởng độc đáo.” Hoặc: “Chắc là con bé có cách tiếp cận sự việc với cái nhìn táo bạo, khác thường.”
Sự việc: “Tôi trả lời nhiều câu sai trong bài kiểm tra vừa rồi.”
Chuyển hóa nội dung: “Như vậy, bằng cách xem lại những lỗi đó, bạn sẽ không phạm lỗi thêm lần nữa và sẽ có những câu trả lời đúng trong kỳ thi cuối khóa.”
Sự việc: “Môn Toán nâng cao thật khó làm sao!”
Chuyển hóa nội dung: “Thế có nghĩa là não bộ của bạn được dịp rèn luyện với những vấn đề khó thật sự, sau này bạn sẽ giải quyết tốt các vấn đề khó hơn.”
Tuy nhiên, nếu con bạn mang sổ điểm về và nói với bạn, “Thi học kỳ con đứng cuối lớp” thì bạn chớ nói rằng “Điều đó có nghĩa là con không thể học kém hơn được nữa”, vì đó không phải là sự chuyển hóa tích cực, nó không khiến con bạn phấn chấn hơn để học tốt hơn. Thay vì thế, hãy nói “Không sao con ạ, điều đó chỉ có nghĩa là con sẽ có một sự chuyển mình ngoạn mục hơn bất cứ bạn nào khi lên hạng trong học kỳ tới, nếu con học hành chăm chỉ với phương pháp đúng đắn hơn”.
2. Chuyển Hóa Bối Cảnh
Chuyển hóa bối cảnh là quá trình đi tìm ý nghĩa tích cực của một sự việc vốn bắt đầu được nhìn nhận bằng ý nghĩa tiêu cực thông qua việc thay đổi bối cảnh mà chúng ta nhìn nhận nó.
Một việc có vẻ tiêu cực trong một tình huống nhất định lại có thể được nhìn nhận là tích cực vào một lúc khác hay ở nơi khác (trong bối cảnh khác). Chẳng hạn bạn nghĩ một người hay thay đổi ý kiến thì được xem là xấu hay tốt? Câu trả lời còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trong tình huống này, bạn có thể nói đó là một người ba phải nhưng ở vào một hoàn cảnh khác, cũng người ấy lại được bạn đánh giá là linh hoạt hoặc thức thời.
Khi thực hiện việc chuyển hóa bối cảnh, bạn hãy đặt cho mình câu hỏi, “Vào một lúc khác, hoặc ở một nơi khác thì điều này có lợi gì không?”. Một việc có thể xem là rất xấu trong thời điểm hiện tại nhưng khi phóng chiếu nó về tương lai hoặc chuyển dịch nó đến một nơi khác, nó sẽ trở thành tốt đẹp thì sao. Dưới đây là một số ví dụ về cách thức chuyển hóa bối cảnh.
Sự việc: “Con trai tôi nói suốt ngày.”
Chuyển hóa bối cảnh: “Lớn lên chắc cháu nó sẽ có cơ hội thành một diễn giả giỏi.”
Hoặc: “Cháu nó sẽ là một cây hùng biện ra trò nếu ở trong đội hùng biện của trường.”
Sự việc: “Trời lại mưa đúng vào mấy ngày nghỉ cuối tuần quý giá!”
Chuyển hóa bối cảnh: “Khi trời tạnh mưa, chuyến đi biển của chúng ta sẽ mát mẻ hơn và bãi biển cũng ít người hơn.”
Thực Hành Chuyển Hóa Ý Nghĩa Của Những Kinh Nghiệm Trong Cuộc Sống
Để có thể sử dụng thành thạo phương pháp chuyển hóa ý nghĩa hiệu nghiệm này, bạn nên bắt đầu bằng việc thực hành bài tập sau. Bạn hãy đọc ví dụ về những kinh nghiệm hay lời nhận xét không hay dưới đây rồi viết ra cách mà bạn chuyển hóa chúng từ xấu thành tốt. Để thực hiện bài tập này, bạn có thể dùng chuyển hóa nội dung hoặc chuyển hóa bối cảnh.
a) Sự việc: “Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo rớt mồng tơi.”
Chuyển hóa ý nghĩa:
………………………………………………………………………………………………………………………………
b) Sự việc: “Tôi bị toàn điểm xấu mặc dù đã chịu khó học bài.”
Chuyển hóa ý nghĩa:
………………………………………………………………………………………………………………………………
c) Sự việc: “Tôi bị nhét vào cái lớp tệ nhất trường.”
Chuyển hóa ý nghĩa:
………………………………………………………………………………………………………………………………
d) Sự việc: “Người yêu tôi đã bỏ rơi tôi đi theo người khác.”
Chuyển hóa ý nghĩa:
………………………………………………………………………………………………………………………………
e) Sự việc: “Mẹ bắt tôi đi học thêm môn vẽ.”
Chuyển hóa ý nghĩa:
………………………………………………………………………………………………………………………………
f) Sự việc: “Ba má cứ la mắng tôi hoài.”
Chuyển hóa ý nghĩa:
………………………………………………………………………………………………………………………………
Gợi ý về một số cách chuyển hóa ý nghĩa tích cực cho những sự việc trên.
a) Sự việc: “Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo rớt mồng tơi.”
Chuyển hóa ý nghĩa: “Không sao, điều đó có nghĩa là bạn khao khát thành công hơn những người xuất thân giàu có.”
Hoặc: “Bạn sẽ học được giá trị của đồng tiền và biết cách dành dụm để trở nên khá giả.”
b) Sự việc: “Tôi bị toàn điểm xấu mặc dù đã chịu khó học bài.”
Chuyển hóa ý nghĩa: “Vậy thì bạn có cơ hội tìm hiểu lý do tại sao mình hay phạm lỗi rồi cải thiện cách học của mình cho đến khi đạt điểm cao hơn.”
c) Sự việc: “Tôi bị nhét vào cái lớp tệ nhất trường.”
Chuyển hóa ý nghĩa: “Vậy thì “nắm đũa chọn cột cờ”, bạn có nhiều khả năng đứng nhất lớp.”
d) Sự việc: “Người yêu tôi đã bỏ rơi tôi đi theo người khác.”
Chuyển hóa ý nghĩa: “Thế thì bạn có cơ hội tìm được người khác tốt hơn.”
e) Sự việc: “Mẹ bắt tôi phải học thêm môn vẽ.”
Chuyển hóa ý nghĩa: “Như vậy có nghĩa là bạn có cơ hội phát triển năng khiếu hội họa, biết đâu chừng sau này còn bán được tranh nữa.”
f) Sự việc: “Ba má cứ la mắng tôi hoài!”
Chuyển hóa ý nghĩa: “Điều đó có nghĩa là họ nhìn thấy tiềm năng của bạn và chỉ muốn bạn cố gắng hơn nữa.”
Hoặc: “Như thế là ba má bạn rất quan tâm đến bạn và muốn đưa ra những thông tin phản hồi để giúp bạn tự điều chỉnh mình.”
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment