Liệu giàu sang có phải là điều tốt? Theo rất nhiều triết gia, chính trị gia và các lãnh đạo tôn giáo thì câu trả lời rõ ràng là không. Karl Marx luận rằng người giàu bóc lột tầng lớp lao động. Teddy Roosevelt thì nặng lời “bọn giàu có là kẻ bất lương”. Quyển sách của nhà tiên tri Isaiah chỉ trích người giàu “chèn ép người dân chúng ta” và “áp bức người nghèo”.
Tuy nhiên, quan điểm của người Mỹ đối với sự giàu có vẫn không hề thay đổi, đặc biệt là giới thanh niên. Trung tâm Nghiên cứu Pew mới đây đã thực hiện một cuộc thăm dò trên diện rộng với hai nhóm đối tượng, nhóm từ 26 đến 40 tuổi và nhóm từ 18 đến 25 tuổi. Câu hỏi được đặt ra: “Mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống đối với thế hệ của bạn là gì?” 62% người thuộc nhóm 26 đến 40 tuổi trả lời mục tiêu tối thượng của họ là “làm giàu”. 81% thuộc nhóm 18-25 tuổi cũng đưa ra câu trả lời tương tự.
Một số người cho rằng con số ấy đơn giản phản ánh lối sống trọng vật chất đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Nhưng tiền bạc còn đồng nghĩa với sự tự do và khả năng thực hiện những quyết định quan trọng. Những người cực kỳ giàu có thường trở thành những mạnh thường quân nổi tiếng thế giới:
- Vua thép Andrew Carnegie thành lập một tổ chức “nhằm đẩy mạnh phổ cập kiến thức tiên tiến đến cộng đồng”. Tổ chức này tài trợ cho thư viện công cộng và các trường đại học thuộc Scotland và Mỹ.
- Henry Ford để lại phần lớn gia tài của mình cho Tổ chức Ford. Tổ chức này trợ cấp hơn 530 triệu đô-la mỗi năm cho sự nghiệp phát triển cộng đồng, kinh tế, giáo dục, nghệ thuật, văn hóa và nhân quyền.
- Tổ chức W. K. Kellogg của cha đẻ món ngũ cốc dùng để ăn sáng đã dành tặng hàng trăm triệu đô-la mỗi năm để phát triển giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
- David Packard, nhà sáng lập tập đoàn Hewlett Packard, đã thành lập Tổ chức David và Lucile Packard để xây dựng hệ thống bệnh viện cộng đồng trên khắp nước Mỹ.
- Nhà sáng lập hãng Intel, Gordon Moore, đã dành hàng trăm triệu đô-la hỗ trợ cho các nhóm bảo tồn và các trường đại học. (Năm 2007, tổ chức của ông đã tài trợ 200 triệu đô-la cho Caltech và Đại học California để cho ra đời chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới.)
- Nhà sáng lập hãng Standard Oil, John Rockefeller, là cha đẻ của Đại học Rockefeller và thông qua tổ chức của mình, ông đã lập nên trường đào tạo y khoa vì cộng đồng đầu tiên, chuyên nghiên cứu và phát triển vắc-xin chủng ngừa bệnh sốt vàng da. Ông còn tài trợ cho các chương trình phát triển nông nghiệp trên khắp thế giới.
Truyền thống giúp đỡ cộng đồng của các mạnh thường quân đến nay vẫn được duy trì. Ta cùng xem tấm gương của người sáng lập tập đoàn Microsoft, Bill Gates. Cha mẹ Gates đã rất đau khổ khi đứa con trai của họ đang là sinh viên năm hai trường đại học danh tiếng Harvard đột ngột nghỉ ngang để theo đuổi một cơ hội kinh doanh mà ông tin rằng sẽ không kịp nếu đợi đến ngày tốt nghiệp.
Không thể có quyết định nào chính xác hơn được nữa. Chỉ trong vòng vài năm, Gates đã nhượng quyền sử dụng hệ điều hành máy tính của ông cho hãng IBM với mức giá 80.000 đô-la thay vì bán phần mềm trực tiếp ra thị trường. Ông dự đoán các nhà sản xuất phần cứng máy tính khác sẽ bắt chước mẫu thiết kế của IBM nên họ cũng cần mua hệ điều hành của ông về sử dụng.
Đó là một trong những quyết định kinh doanh thành công nhất mọi thời đại. Nhờ tiền bản quyền thu được từ các nhà sản xuất máy vi tính và các công ty phát triển phần mềm trên toàn thế giới, Gates đã mang lại cả gia tài cho các cổ đông theo ông từ ngày đầu thành lập, và ông nhanh chóng trở thành người giàu nhất thế giới với tổng tài sản lên đến hơn 50 tỷ đô-la. Tuy nhiên, gần đây ông đã hướng sự quan tâm của mình vào một lĩnh vực khác…
Khi lập nên tổ chức Bill & Melinda Gates, cũng như nhiều nhà từ thiện khác, Gates muốn sử dụng tiền của mình một cách khôn ngoan. Ông đã cân nhắc rót tiền vào một số nơi, nhưng rồi ông nhận ra sứ mệnh của mình khi biết mỗi tháng có đến hàng triệu bậc phụ huynh phải đau đớn cả đời khi mất con chỉ vì những căn bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa như sởi, sốt rét, tiêu chảy. Ngay lập tức, ông tìm đọc những tựa sách như The Eradication of Infectious Diseases (Diệt Tận Gốc Những Căn Bệnh Truyền Nhiễm), Mosquitos (Muỗi), Malaria & Man (Bệnh Sốt Rét & Con Người) và Rats, Lice and History (Chuột, Rận và Lịch Sử Phát Triển).
Sau những khoản tài trợ ban đầu để tuyên chiến với vấn đề này, một tối nọ, Gates mời một nhóm các bác sĩ, khoa học gia và các chức trách trong ngành nghiên cứu miễn dịch đến tư gia của ông để tìm hiểu xem họ có thể làm gì. Ông vô cùng kinh ngạc khi biết mỗi năm có đến 30 triệu trẻ em không có điều kiện tiêm ngừa vắc-xin. Ông đề nghị các vị khách mời của mình nghiên cứu phương pháp xử lý và ước đoán chi phí. Khi tiễn khách vào đêm hôm đó, Gates đã động viên: “Đừng e ngại những ý tưởng lớn.”
Ngày nay, Tổ chức Bill and Melinda Gates đã trao tặng nhiều món quà quý giá đến những trường hợp cần kíp ở Mỹ và cả nước ngoài, bao gồm mảng giáo dục, công nghệ, nông nghiệp, kế hoạch hóa gia đình và tài chính vi mô. Nhưng mục tiêu chính của tổ chức vẫn là nâng cao chăm sóc sức khỏe, giảm bớt những cảnh nghèo cùng cực ở các nước đang phát triển trên thế giới. Một sứ mệnh khác là chủng ngừa. Vì sao vậy? Khi bạn nhìn vào những lợi ích mà vắc-xin mang lại, chúng chính là phương pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất trong y khoa. Chỉ cần tiêm chủng vài lần trong năm đầu đời của trẻ đã giúp giảm số trường hợp tử vong một cách đáng kể.
Mỗi năm, Tổ chức Gates chi ra 800 triệu đô-la để chống lại những căn bệnh truyền nhiễm, xấp xỉ với số tiền tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và gần bằng với ngân sách hàng năm của Tổ chức Sức Khỏe Thế giới (WHO) thuộc Liên Hiệp Quốc vốn nhận tài trợ từ 193 quốc gia.
Năm 2008, Gates từ bỏ vai trò trong các hoạt động thường nhật tại Microsoft để dành nhiều thời gian hơn cho tổ chức của mình. Tấm lòng hào hiệp của Gates đã cứu hàng triệu mảnh đời, nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu. Và ông tự gọi mình là “người lạc quan không chịu ngồi yên” (Impatient Optimist).
Gates hiểu rằng mình đã rất may mắn khi được sinh ra trong một đất nước xem trọng tự do, giáo dục và sáng kiến cá nhân. Ông cũng biết mình sẽ không bao giờ thành công nếu phải sống trong một xã hội thiếu điều kiện y tế, quyền sở hữu tài sản ít ỏi, còn thị trường thì không phát triển và cạnh tranh tự do. Nhiều người sinh ra không may mắn có được hoàn cảnh thuận lợi như ông, thậm chí không sống sót nổi qua những năm tháng đầu đời.
Gates nhận ra khó khăn ấy, và ông xem đó là trách nhiệm của mình.
Một số người sẽ cho rằng một người nghèo nếu đóng góp 10 đô-la thôi thì cũng hy sinh nhiều hơn Gates và Buffett đóng góp 10 tỉ đô-la. Tôi không tranh luận về quan điểm đó. Nhưng hai tấm gương tốt đẹp ấy đã làm được rất nhiều điều và họ đã truyền cảm hứng cho biết bao người khác. Họ không chỉ biết cách làm giàu, mà còn biết cách trao đi.
[sach_trencagiauco]
Leave A Comment