(Trích đoạn sách Ngừng Viện Cớ – Tác giả Brian Tracy)
Bạn cần có kỷ luật bản thân cao độ nếu bạn thật sự khao khát được phát triển mọi nguồn lực nội tại và phát huy tiềm năng đích thực của mình. Xuyên suốt các thời đại, trong mọi tôn giáo và triết lý, điều tốt đẹp tối cao của con người là được bình yên tại tâm. Khả năng đạt được sự bình yên trong tâm hồn chính là thước đo đích thực cho thành công của bạn, và là yếu tố quyết định then chốt cho hạnh phúc của bạn.
Để phát triển về tinh thần, và để trở thành một người hiệu quả, bạn phải thường xuyên áp dụng kỷ luật bản thân và sự tự chủ lên những suy nghĩ, cảm giác và hành động của mình. Sự phát triển về tinh thần, sự bình yên nội tại và hân hoan đều đòi hỏi sự tự chủ và tự kiểm soát.
Thành Công Bên Trong Và Bên Ngoài
Để thành công trong “thế giới bên ngoài,” bạn phải rèn kỷ luật bản thân để tập trung, nỗ lực làm việc, liên tục hướng đến các mục tiêu của mình và trở nên tốt đẹp hơn, giỏi giang hơn khi đi qua những thăng trầm trong cuộc sống. Tuy nhiên, để thành công “bên trong”, bạn phải có những khả năng gần như ngược lại. Để đạt được bình yên nội tại, bạn phải ngừng viện cớ và rèn kỷ luật bản thân để buông bỏ mọi thứ có thể phá hỏng cảm giác bình yên và viên mãn trong tâm hồn bạn.
Phật giáo dạy rằng nguyên nhân chính của mọi khổ đau và bất hạnh là “sự vướng bận”. Con người vướng bận với những ý tưởng, quan điểm và của cải vật chất, rồi họ ngại ngần khi phải từ bỏ những thứ ấy. Đôi khi, con người quá bận rộn với những yếu tố bên ngoài này đến nỗi nó tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ – thậm chí khiến họ mất ngủ thâu đêm.
Khi bạn gỡ bỏ các vướng bận, tách biệt cảm xúc của bản thân khỏi mọi sự hoặc mọi hệ quả, thì những cảm xúc tiêu cực liên quan cũng sẽ ngừng lại, hệt như ngắt điện bóng đèn vậy.
Đừng Đổ Lỗi Cho Bất Kỳ Ai Vì Bất Kỳ Điều Gì
Nguyên nhân chính gây ra những cảm xúc tiêu cực và thủ phạm chính hủy hoại sự bình yên trong tâm hồn là đổ lỗi. Như tôi đã đề cập đến ở phần trước của quyển sách này, bạn không thể nào có cảm xúc tiêu cực mà không có một ai hay một việc nào đó để đổ lỗi theo một cách nào đó hoặc vì một chuyện nào đó. Việc đổ lỗi cần có một hoặc cả hai yếu tố để tồn tại. Yếu tố thứ nhất là vơ vào mình. Đó là khi bạn cho rằng một sự việc nào đó là nhằm vào cá nhân bạn. Ngay khi bạn lựa chọn cảm nhận rằng ai đó đã nói hoặc làm một điều tiêu cực nào đó có ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của bạn theo một cách nào đó, thì bạn lập tức nổi giận và trách mắng người đó.
Ngay cả nếu bạn bị ai đó tình cờ giành đường của bạn do họ vội vã đến chỗ làm, hoàn toàn bận rộn và có thể vừa tranh cãi với vợ hoặc chồng của họ, thì bạn cũng có thể lập tức nổi giận với người đó, một người hoàn toàn xa lạ, vì bạn cho rằng hành vi lái xe của họ nhằm vào bạn.
Nhưng khi bạn rèn kỷ luật bản thân để tháo bỏ và ngừng viện cớ, thì nguồn cảm xúc tiêu cực gắn liền với đối tượng đó hoặc sự kiện đó sẽ dừng lại gần như ngay lập tức. Ví dụ, khi ai đó tạt đầu xe của bạn trên đường, bạn có thể tách bỏ cảm xúc của mình ra khỏi tình huống đó bằng cách tự nhủ, “À, hẳn là anh ta đang vội đi làm. Có lẽ anh ta bị trễ giờ rồi.” Khoảnh khắc bạn tự nhủ điều đó, mọi sự tiêu cực gắn liền với sự kiện đó sẽ biến mất và bạn sẽ trở nên điềm tĩnh, thư giãn và lại thấy lạc quan.
Buông Bỏ Khổ Đau
Gốc rễ thứ hai của việc đổ lỗi là sự biện minh. Nó xuất hiện khi bạn tự nói với mình (và với người khác) tại sao bạn có quyền tức giận hoặc chán nản với tình huống này. Nhiều người thích chịu khổ. Những vấn đề trong quá khứ trở thành mối bận tâm chính của cuộc đời họ. Lúc nào họ cũng nghĩ về những chuyện đã diễn ra. Ngày, và thậm chí là đêm, họ đều nhớ lại những cuộc trò chuyện đầy giận dữ với những người từng làm họ tổn thương trong quá khứ.
Mỗi khi trò chuyện trong bất kỳ thời điểm nào, họ đều bày ra nỗi khổ của mình, hệt như một tay bán hàng bày hàng trước mắt người khác trong hội chợ. Rồi họ “nhai lại” những sự kiện không vui trong đời, kể về những chuyện đã diễn ra, về việc họ bị đối xử tồi tệ đến mức nào, và người kia đã cư xử đáng kinh tởm ra sao.
Tuy nhiên, khi bạn rèn kỷ luật bản thân để thôi biện minh cho những cảm xúc tiêu cực của mình bằng cách soạn lại những gì đã diễn ra và những chuyện người khác đã làm hoặc đã không làm, và khi bạn biết bình tĩnh chấp nhận rằng cuộc sống có chuyện này chuyện kia, thì cảm giác tiêu cực gắn liền với người khác hoặc với tình huống nào đó sẽ biến mất.
Trích đoạn sách Ngừng Viện Cớ – Tác giả Brian Tracy
NGỪNG VIỆN CỚ
Quyển sách này được viết cho những người có khát vọng và quyết tâm đạt được mọi điều mà họ ấp ủ. Mỗi chương trong 21 chương của quyển sách này chứa đựng những bài thực hành nhằm giúp bạn áp dụng phương pháp “ngừng viện cớ” vào cuộc sống. Với những hướng dẫn này, bạn có thể học cách trở nên thành công hơn trong mọi việc bạn làm – thay vì đố kỵ với những người bạn cho rằng “may mắn” hơn bạn.
Leave A Comment