(Trích đoạn sách Thế Hệ Trẻ Nơi Công Sở – Tác giả Chip Espinoza)

Cho đến khi bạn bước vào lực lượng lao động, bạn đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận thành công và mọi người quanh bạn từ trước tới nay hầu như đều bảo đảm rằng bạn sẽ đạt được điều đó! Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu đi làm (chúng tôi ghét phải nói thế này, nhưng mà…) thì mọi sự đều khó đoán. Không có gì bảo đảm rằng sau này bạn sẽ là chủ tịch của một công ty. Nhưng có một việc bạn có thể làm được: điều chỉnh năng lực và kỳ vọng của mình để đáp ứng đúng yêu cầu của công ty, từ đó bạn có sự cống hiến phù hợp nhằm đạt được phần thưởng xứng đáng với sự cống hiến đó. Khi biết giá trị của mình, bạn sẽ có cùng kiểu suy nghĩ như các nhà quản lý của bạn và sẵn sàng tạo ra sự khác biệt.

Nhiều nhân viên trẻ bước vào nơi công sở với niềm tin rằng họ có thể “phát minh lại cái bánh xe” và hăm hở bắt tay hành động ngay vào tuần đầu tiên làm việc. Thường thì thế hệ trẻ gạt bỏ cách mà mọi việc được hoàn thành với suy nghĩ rằng những phương pháp và quy trình đó là “lạc hậu” hoặc “ngu ngốc,” và không ngại đưa ra ý kiến của mình với những người lao động lớn tuổi hơn. Nếu bạn rơi vào tình trạng này, thì đây là một bí mật không-phải-thuộc-loại-tuyệt-mật có thể giúp ích cho bạn: Trừ khi bạn đặc biệt được thuê để làm điều đó, đa số các công ty đều không ưa thích việc bị “cải tạo” đâu – ngay cả khi bạn hoàn toàn có khả năng làm được điều đó.

Toàn bộ những chướng ngại khác mà thế hệ trẻ nơi công sở gặp phải trong công việc đã góp phần tạo ra thách thức cuối cùng này: “Nếu tôi không thể sử dụng những điểm mạnh của thế hệ trẻ, thì tôi phải chứng tỏ giá trị của mình như thế nào đây?” Nói cho cùng thì làm như vậy sẽ giúp bạn mở ra cánh cửa đi đến sự thành công sau cùng. Bạn muốn tổ chức nhìn bạn là một người có tiềm năng tuyệt vời, một người đáng để đầu tư vào, nhưng việc chứng tỏ giá trị của bạn có thể hơi khó khăn đấy. Khó khăn là ở chỗ, nhiều ý tưởng hay ho, thậm chí là tuyệt vời, do thế hệ trẻ nghĩ ra đã không xét đến những kinh nghiệm được-đúc-kết-trong-khó-khăn và những lập luận đằng sau cách thức (và lý do tại sao) việc đó được thực hiện như vậy nơi công sở. Và trong một vài trường hợp, ngay cả khi ý tưởng hay sự đổi mới đó là vô cùng xuất sắc, thì cách mà nhân viên trẻ trình bày nó lại có vẻ quá ngạo nghễ đến nỗi các nhà quản lý khó lòng tiếp nhận, hoặc tệ hơn nữa, hoàn toàn không muốn nghe họ trình bày.

Chứng tỏ giá trị bản thân là một thử thách dành cho nhân viên thuộc mọi thế hệ. Một lý do tại sao điều đó lại khó khăn chính là không phải lúc nào chúng ta cũng biết được đâu là nơi mình sẽ mang lại giá trị cao nhất cho công ty. Giống như một cầu thủ đặc biệt trong trận đấu bóng đá vậy. Có thể bạn nghĩ mình là một cầu thủ cừ khôi (hậu vệ, cầu thủ chuyên nhận đường chuyền, tiền đạo) nhưng đóng góp to lớn nhất của bạn trong đội có thể là việc che  chắn cú phát bóng của đối phương. Có nhiều cầu thủ trong Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Gia sau cùng đã có được sự nghiệp tuyệt vời, nhưng có khởi đầu là những cầu thủ đặc biệt xuất sắc trong đội. Vấn đề là năng lực của chúng ta phải phù hợp với nhu cầu của tổ chức.

GIÁ TRỊ CỦA THẾ HỆ TRẺ

Bây giờ, để bênh vực cho thế hệ trẻ, chúng tôi cũng có lý do để khen ngợi bạn nơi công sở đấy. Bạn có rất nhiều thứ đáng tự hào. Thật đấy! Thế hệ trẻ nơi công sở có trí tưởng tượng và khả năng giải quyết vấn đề cực kỳ tuyệt vời, cùng với sự hậu thuẫn của kỹ năng công nghệ và sự tự tin để nhìn thấu điều đó. Sự mâu thuẫn giữa nhà quản lý và thế hệ trẻ nằm ở việc bạn làm gì với những khả năng này.

Có khả năng là, đằng sau nhu cầu thể hiện những kỹ năng tư duy điên cuồng của bạn tiềm ẩn một khao khát muốn được thừa nhận. Khát vọng này có nguyên nhân của nó, cũng như mỗi quan điểm và giá trị mà chúng ta đã bàn đến lúc này đều có lý do của nó. Chúng ta đã đề cập đến việc thế hệ trẻ được nuôi dưỡng bằng thái độ “Con có thể làm được mọi thứ!”, cùng với hệ thống khen thưởng “Ai cũng có huy chương!” Bạn nỗ lực để được công nhận! Bạn luôn tìm kiếm điều đó và tìm thấy nó mà không cần phải vất vả như những thế hệ đi trước. Thế nên, nếu sự công nhận là thứ bạn khao khát, hãy thử tiếp cận công việc theo cách điên khùng này: Hãy làm việc theo cách của họ trước. Hãy làm thế một cách hiệu quả. Sau đó, khi bạn đã thể hiện khả năng làm việc với những quy trình và phương pháp có sẵn, hãy đề xuất ý kiến cải thiện. Thay vì nhận được sự công nhận tiêu cực bằng cách yêu cầu  gánh vác nhiều trách nhiệm hơn khả năng mình có, bạn sẽ có được sự công nhận tích cực vì đã học hỏi và tìm cách cải thiện.

Trích đoạn sách Thế Hệ Trẻ Nơi Công Sở – Tác giả Chip Espinoza

THẾ HỆ TRẺ NƠI CÔNG SỞ

Cuộc sống nơi công sở không giống với những gì mà bạn đã trải qua cho đến thời điểm này. Không chỉ vì đây là công việc, mà còn vì hình ảnh những vị sếp có thể rất khác với những người mà bạn gặp gỡ trước giờ. Tác giả Chip Espinoza sẽ giúp bạn hiểu được những thách thức cản trở bạn đi đến thành công, đồng thời hướng dẫn bạn những kỹ năng cần thiết để tỏa sáng nơi công sở. Với nhiều năm nghiên cứu, quyển sách này là một công cụ hữu ích giúp bạn xác định được đâu là những trở ngại tiềm năng trong sự nghiệp, để từ đó bạn biết chính xác mình cần phải làm gì khi đối diện với nó.

MUA SÁCH