Một trong những điều mà chúng tôi biết rõ nhất là trẻ em thường rập khuôn theo cách hành xử của cha mẹ hay người lớn trong nhà. Điều đó có nghĩa là thái độ và cách hành xử của các em thường mô phỏng lại những điều mà các em mắt thấy tai nghe từ lời nói và hành động của cha mẹ. Thật vậy, các em nhỏ học một cách vô thức hay có ý thức từ những việc cha mẹ chúng làm nhiều hơn là những gì cha mẹ chúng nói.
Trong một khóa học về “Sống & Khát Vọng” (Patterns of Excellence) dành cho người lớn, có một người mẹ than phiền rằng con trai bà tiêu hết tiền vào game và cậu còn đòi mẹ mua những món đồ hiện đại nhất cho mình (như điện thoại iphone Apple).
“Làm như nó nghĩ đồng tiền dễ kiếm lắm hay sao ấy!” – chị nói. Khi tôi yêu cầu chị suy nghĩ về thói quen tiêu tiền củamình thì chị nhận ra rằng, chị luôn mua đồ chơi mới cho con khi nó còn nhỏ và chính bản thân mình thì rất thích đi shopping, liên tục sắm sửa quần áo và đồ dùng mới. Chính thói quen của chị đã dạy cho con thái độ không biết quý trọng giá trị đồng tiền.
Cũng trong vấn đề này, tôi xin kể bạn nghe trường hợp tôi tư vấn cho một người cha có vấn đề với đứa con. Người cha than phiền rằng con trai mình tính tình thô lỗ và không biết lễ phép với người lớn. “Nó không bao giờ biết nói từ “làm ơn” hay “cám ơn”. Nói mấy từ đó quá khó với nó hay sao?”. Nhưng khi buổi tư vấn kết thúc, người cha đứng lên về thẳng mà không nói với tôi lấy một tiếng cảm ơn.
Tôi chắc bạn đã nghe chuyện ngụ ngôn về một cậu bé một hôm hì hục ngồi đẽo một cái máng giống như máng cho heo ăn. Người cha thấy vậy hỏi con đang làm gì thì nó trả lời: “Con đóng cái này để khi cha già, con để cơm vào trong đó cho cha ăn”. Thì ra người cha này cho bố của mình là ông nội của nó ăn bằng bát gỗ vì sợ ông đánh vỡ bát sứ! Thật vậy, con cái học cách đối đãi với cha mẹ và những người khác qua những gì mà chúng tận mắt chứng kiến từ cha mẹ. Chúng cũng lặp lại một cách vô thức cách mà cha mẹ đối xử với hàng xóm, họ hàng, đồng nghiệp, nhân viên cấp dưới và thậm chí người giúp việc. Cho nên, bạn không thể dạy con sống chân thành khi bản thân mình thì đi nói xấu ông hàng xóm sau lưng. Đó là lý do tại sao những bậc cha mẹ thành công nhận ra rằng họ phải là tấm gương cho con cái noi theo. Nếu muốn con cái trở thành người lịch sự, biết điều, lạc quan, có quyết tâm cao và ý chí tiến thủ, họ phải biểu hiện những phẩm chất này rõ nét nhất.
Hãy mang đến cho con cơ hội sửa mình bằng cách làm tấm gương cho chúng. Ví dụ, nếu bạn muốn dạy con làm chủ cảm xúc, bao giờ bạn cũng phải biết kiềm chế những cơn nóng giận nhất là khi bạn ở trong một tình huống dễ dàng mất tự chủ. Một khi con bạn chứng kiến bạn làm chủ được bản thân và tình huống một cách hiệu quả thì đến khi rơi vào một tình huống tương tự, chúng có thể dựa theo khuôn mẫu đó mà xử sự.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment