(Trích đoạn sách “Tiền Trong Túi – Tình Trong Tim” – Tác giả Kate Northrup)

Ngoài niềm tin rằng đồng tiền đi đôi với lòng tham, chúng ta còn kế thừa văn hóa cảm thấy có lỗi vì sự may mắn của mình khi so sánh những nỗi khổ của người khác. Song vấn đề là ta không thể kết luận trước rằng chuyện bạn giàu có, khỏe mạnh hay hạnh phúc tức là bạn đang tước đi khả năng được giàu có, khỏe mạnh hay hạnh phúc của người khác. Trên thực tế, bạn có thể góp phần giúp người khác có được những may mắn đó nhiều hơn và ổn định hơn khi cuộc sống của bạn có đủ các điều kiện trên để chia sẻ. Khi hy sinh hạnh phúc của bản thân để mong rằng qua đó mình sẽ giúp được người khác, chúng ta chỉ khiến cho cả hai đều có cuộc sống không trọn vẹn.

ly nuoc nua day tien trong tui

Sự thật là bạn không giúp được ai trừ khi cái ly của bạn đang đầy. Điều này đưa chúng ta quay lại chủ đề quan tâm bản thân ở chương 2 của quyển sách “Tiền Trong Túi – Tình Trong Tim”: Vấn Đề Không Nằm Ở Tiền Bạc. Tôi xin lặp lại lần nữa, bạn không thể trao cho ai đó thứ mà bạn không có. Vì vậy nếu muốn cống hiến trọn vẹn cho thế giới, hãy rót đầy ly nước của mình trước và rồi thật hào phóng trao đi phần nước tràn ra. Sự hào phóng đích thực chỉ có thể bắt nguồn từ một nơi giàu có chứ không phải từ sự hy sinh. Khi cho người khác thứ mà bạn không thật sự được quyền trao đi như số tiền bạn không có, năng lượng cảm xúc mà bạn vừa cạn kiệt hay thậm chí là thời gian dù bạn đang bận rộn, bạn sẽ không giúp được ai. Đối phương sẽ cảm nhận được sự gò bó của món quà và dù biểu hiện được điều đó hay không thì họ cũng không thấy thoải mái. Và dù có cố gắng nhận lấy và thấy biết ơn thì họ cũng không thể hoàn toàn đón nhận một món quà xuất phát từ sự bắt buộc, sự hy sinh hay thiếu thốn và không được thoải mái trao đi từ một người có cuộc sống sung túc.

Ví dụ, giả sử Jane gặp khó khăn về tài chính. Cô hỏi Deb bạn mình xem liệu Deb có thể cho cô mượn 1.000 đô để thanh toán tiền thuê nhà, và 2 tuần sau khi nhận được lương thì Jane sẽ trả lại không. Deb nhìn vào tài khoản ngân hàng và thấy hiện mình có 1.300 đô. Cơ bản là cô có sẵn tiền, nhưng số tiền không đủ để cô thoải mái xoay xở trong 2 tuần tới trong lúc chờ Jane trả tiền được. Nếu Deb đưa cho bạn số tiền mà bản thân cô thấy mình không đủ điều kiện cho mượn, thì đột nhiên chúng ta có hai người căng thẳng chuyện tiền bạc thay vì một. Deb lo lắng chuyện thanh toán toàn bộ hóa đơn từ số tiền còn lại. Jane thì không chỉ có cảm giác áp lực tất yếu sau khi phải hỏi mượn tiền đóng tiền thuê, giờ đây cô còn chịu áp lực từ việc nợ tiền nữa. Trên hết chính là một áp lực mơ hồ song vẫn hiện hữu ngay trong chính khoản tiền, vì Deb thật ra không có tiền để cho mượn. Chẳng ai được lợi từ cuộc giao dịch này hết.

uong ca phe tien trong tui

Thay vào đó, hãy tưởng tượng Jane hỏi mượn Deb 1.000 đô và Deb dịu dàng bảo Jane rằng mình hiện không thể cho cô ấy mượn tiền. Rồi cô đề nghị cùng bạn đi uống một tách trà ngon tại quán cà phê yêu thích của họ (chi phí tổng cộng khoảng 5 đô) và dành một giờ đồng hồ giúp Jane xem xét các khoản thu chi, và thảo luận về những cách giúp cô bạn tăng thu nhập đến 1.000 đô trong 2 tuần tới, hoặc giới thiệu quyển sách “Tiền Trong Túi – Tình Trong Tim”. Buổi thảo luận kết thúc với kết quả là Jane có một kế hoạch hành động, cô thấy hoàn toàn tự tin vào khả năng tạo và nhận giá trị của mình còn Deb thì thấy ấm lòng và dễ chịu vì đã có cơ hội giúp đỡ một người bạn đang gặp khó khăn. Đây mới là một trải nghiệm tinh thần.

Trích đoạn sách “Tiền Trong Túi – Tình Trong Tim” – Tác giả Kate Northrup

TIỀN TRONG TÚI - TÌNH TRONG TIM

Sử dụng các câu chuyện của khách hàng và câu chuyện từ món nợ 20 ngàn đô đến tự do tài chính ở tuổi 28 của chính mình, Kate Northrup đóng vai trò là người hướng dẫn trong hành trình tìm kiếm tự do tài chính của riêng bạn. Cô ấy sẽ chỉ cho bạn cách thay đổi niềm tin về tiền bạc, lập ngân sách, chi tiêu tương xứng với giá trị, thoát nợ, và nhiều hơn thế nữa. Tóm lại, cô ấy sẽ giúp bạn học cách yêu quý đồng tiền để từ đó, bạn có thể yêu quý cuộc đời mình.

MUA SÁCH