Hai nền móng mong manhVăn hóa đọc – Khó khăn chồng chất

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng văn hóa đọc cần phải không vụ lợi, đọc sách để làm giàu, sách giáo khoa, sách tham khảo chuyên môn… không phải là biểu hiện của văn hóa đọc. Nhà báo Lý Trường Chiến (dantri.com) phản bác, ông cho rằng đọc vì nhu cầu vụ lợi không có gì sai, quan trọng là vụ lợi hạn hẹp trước mắt hay hướng tới tương lai xa mới là điều cần chú ý. Tuy khác biệt về quan điểm “đọc để làm gì” nhưng tất cả đều thống nhất một vấn đề, muốn có nền văn hóa đọc thì đầu tiên phải là “thích đọc”.

Nhà văn Nguyên Ngọc nêu ra một ví dụ, một tác phẩm văn học trong nước thường chỉ được in với số lượng khoảng 1 ngàn bản, nếu bán được chừng 5 ngàn bản là một thành công lớn. Nếu lên đến 10 ngàn bản là một sự kiện. Nếu so với số dân gần 80 triệu người thì đó quả là những con số ít đến đáng thương. Với số liệu đó, thật khó để cho rằng người Việt hiện “thích đọc”. Mà nếu không thích đọc thì rất khó để “đọc nhiều”. Giáo sư Chu Hảo từng nhận định, chính ví ít đọc đã khiến bạn đọc thiếu đi khả năng lựa chọn sách hay, sách phù hợp với sở thích hay đơn giản là đáp ứng nhu cầu hàng ngày… kết quả là dẫn đến chán nản, ngán đọc và cuối cùng là bỏ đọc.

Thế nhưng, ngay cả với nhóm còn ham muốn đọc cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần khẳng định thêm ý kiến này với minh chứng rằng ngay cả các NXB, đơn vị làm sách cũng vì doanh thu nên hiện thường tập trung làm các loại sách có giá trị thấp, tư duy dễ dãi, thậm chí xuất hiện cả những loại sách có xu hướng dung tục. Trong bối cảnh đó, văn hóa đọc thật khó được xem là có môi trường phát triển tốt đẹp.

Trụ cột của văn hóa đọc

Dịch giả, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nhấn mạnh: “Văn hóa đọc thể hiện chủ yếu ở năng lực đọc văn bản, vì thế cần phải huấn luyện từ nhỏ”. Mà huấn luyện từ nhỏ chủ yếu dựa trên hai nền tảng: nhà trường và gia đình. Thế nhưng hai nền tảng này hiện nay đang bị xem là rất mong manh trong việc chống đỡ hay xây dựng một nền văn hóa đọc tiên tiến.

Lấy ví dụ như thư viện trong trường học, cả nước có gần 25 ngàn thư viện trường học trên tổng số 27,5 ngàn trường học. Trong năm 2009, tổng kinh phí dành cho số thư viện này là gần 203 tỷ đồng, trung bình một năm mỗi thư viện chỉ có khoảng 7,4 triệu đồng để đầu tư cho nhiều loại sách như sách giáo khoa, nghiệp vụ, tham khảo. Sách văn học, hướng nghiệp… chỉ còn lại rất ít. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến cho việc dạy và học môn văn trong trường học gặp nhiều khó khăn mà như nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc là: “Lẽ ra là môn yêu thích nhất thì nay học sinh sợ và ghét học môn văn”.

Ở góc độ gia đình, việc đọc cũng chưa được xây dựng thành một thói quen. Nền móng không vững vàng gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhu cầu đọc của người đọc hiện nay. Trong báo cáo đề dẫn của Vụ thư viện đã đưa ra một cảnh báo về tình trạng “nhiễu thông tin” khi Internet phát triển. Bạn đọc đọc báo, sách từ trên mạng, theo những kênh không chính thống, trong đó có nhiều thông tin có chất lượng kém, sai lệch sự thật được tự do lưu hành. Do yếu kém về văn hóa đọc, bạn đọc rất khó phân biệt đâu là tác phẩm có giá trị đâu là những sản phẩm độc hại.

Sự mong manh, yếu kém của hai nền móng cho văn hóa đọc đã được nêu lên, giải pháp khắc phục cũng được đề cập như thay đổi cách dạy văn trong trường học, xây dựng thói quen đọc cho học sinh, phụ huynh quan tâm hơn đến nhu cầu đọc của con em… Thế nhưng, để thực sự đưa giải pháp vào cuộc sống, để văn hóa đọc của người dân Việt Nam thực sự hình thành và phát triển thì còn cần cả một chiến lược lâu dài đòi hỏi sự quan tâm và chung tay của toàn xã hội, từ những cơ quan quản lý cao nhất đến mọi người dân.

Tường Vy

[sach_nhungbuocdongiandenuocmo]