Dịch sách, viết văn, xuất bản sách, nhà văn – dịch giả Mai Sơn không ngừng đeo đuổi các con chữ hằng ngày. Anh chia sẻ:

“Thách thức của người dịch văn học là phải có tài năng huy động nhuần nhị lời ăn tiếng nói Việt vào bản chuyển ngữ. Dịch lý thuyết lại có cái khó là phải hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực chuyên biệt nào đó. Nhưng dịch gì đi nữa thì cũng không phải chỉ chăm chăm lo tát cạn phần ngôn ngữ. Khi bắt đầu dịch một tác phẩm của Cormac McCarthy chẳng hạn, bạn phải có cảm thức văn chương khác với khi tiếp cận một tiểu thuyết của Milan Kundera. Muốn vậy bạn phải đọc trước để tắm mình trong khí hậu của nó”.

Dịch sách có phải là một nghề sống được trong xã hội nước ta hiện nay?

Nhìn vào thu nhập của những dịch giả tử tế đáp ứng những đòi hỏi ở trên, thì thấy dịch sách là một nghề bị xem nhẹ. Những yếu tố kết tinh thành một dịch phẩm hay đã không được tính đầy đủ (tài năng, kinh nghiệm, học thức của dịch giả, độ khó của bản gốc), người ta chỉ tính công dịch, giá giấy, công in, chi phí quản lý… rồi cào bằng một dịch phẩm cao cấp với một dịch phẩm trung bình. Giá một cuốn sách “cao cấp” với một cuốn sách bình dân về cơ bản là ngang nhau.

Ở VN, chi phí cho việc thưởng lãm các ngành nghệ thuật nhạc, họa, kịch có sự cách biệt rất rõ về khoảng cách giữa “cao” và “thấp”. Nhưng thưởng thức sách thì không như vậy. Xét về mặt giá trị, sách hình như chỉ được xem là một sản phẩm vật chất, có lẽ vì quá trình “sinh thành” nặng nề máy móc của nó. Không bao giờ có chuyện một cuốn sách triết học 100 trang có thể mắc gấp 5, 6 lần một cuốn sách giải trí dày 400 trang. Cuốn Bắt trẻ đồng xanh của J.D.Salinger, một kiệt tác văn chương, một tuyệt phẩm dịch, mà giá chỉ có 54.000 đồng, bằng giá một cuốn sách dạy nấu ăn.

Không có sự đột phá về giá sách, tức là văn hóa đọc bị đánh giá thấp, thì đừng bao giờ thắc mắc về nhuận bút dịch sách.

Anh từng tham gia dịch ngược tác phẩm của một số nhà văn Việt Nam ra tiếng Anh nhằm giúp họ quảng bá ra nước ngoài. Việc dịch ngược như vậy hẳn rất khó khăn?

Tôi dịch ngược cũng không nhiều, khoảng trên dưới hai mươi truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng và cộng tác với một người bạn dịch một cuốn truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh.

Dịch ngược chắc chắn khó hơn dịch xuôi, và đôi khi là bất khả. Tôi từng có kinh nghiệm khốn khổ khi dịch xuôi những cuốn sách do các tác giả châu Âu viết bằng tiếng Anh. Đúng là cực hình. Đơn giản là vì họ không phải là người bản xứ nên tiếng Anh của họ rất kỳ cục. Và tôi thề sẽ không bao giờ vướng phải tình trạng này lần nào nữa. Nói vậy là để trở lại với vấn đề dịch ngược từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài. Tốt nhất là người bản ngữ giỏi tiếng Việt dịch rồi người Việt biên tập.

Làm thế nào để gây dựng được một đội ngũ chuyên gia dịch ngược nhằm giúp các tác phẩm VN bước ra thế giới một cách chủ động và đa dạng?

Gốc rễ lâu bền của vấn đề là đào tạo cơ bản về dịch thuật học ở các trường đại học. Muốn sau này đem một dàn chuông đủ loại đi đánh xứ người thì ngay bây giờ phải có trường lớp đào tạo dịch giả chuyên nghiệp. Cần lập các hội dịch thuật chuyên nghiệp để mọi người học hỏi lẫn nhau, và để thu hút kinh nghiệm, tinh túy nghề nghiệp từ những dịch giả lão thành.

Từng dịch sách, viết văn, phụ trách xuất bản… anh đánh giá thế nào về tình hình xuất bản hiện nay ở nước ta? Và dự đoán về thị trường xuất bản trong năm tới?

Sách kiến thức chuyên môn và sách dạy về lối sống vẫn sẽ áp đảo thị trường sách. Về sách văn học trong nước, các đơn vị xuất bản đang tiếp tục tạo dựng những vầng sáng chung quanh một số tác giả tên tuổi và họ thành công, nhưng đứng trước mênh mông văn học nước ngoài thì họ lúng túng – ngoài việc chạy theo các giải thưởng, hoặc nghe ngóng, họ không thực sự biết được đâu là những giá trị thực. Dấu hiệu chung của tình trạng đó là rất ít khi thấy một bài giới thiệu đáng tin cậy ở đầu các tác phẩm quan trọng được dịch ra tiếng Việt. Ngoài ra, một thành phố như TP.HCM mà gần như không thấy sinh hoạt đọc và giới thiệu sách văn học ở đâu cả thì thật đáng thất vọng, không đáng gọi là thành phố lớn, và đó cũng chính là nguyên nhân khiến sách văn học bị thờ ơ ở đây.

Anh từng nói dịch thuật cũng không khác gì sáng tạo là bao, với anh có vẻ khá ôm đồm nhiều việc dù đều xoay quanh các con chữ, như vậy anh có e ngại rằng tâm không yên? Anh dành thời gian viết văn vào lúc nào?

Không có gì phải giấu giếm, cuộc sống của tôi xoay quanh các con chữ. Để tìm ra được một từ tâm đắc đôi khi mất cả buổi. Chữ hành hạ mình như thế. Nhưng mình cũng trả đũa lại bằng cách dập xóa, vặn vẹo chúng, đẩy chúng vào hư vô tuyệt đối, nghĩa là tạo ra một nghĩa địa trắng trên màn hình. Rất may tôi chưa phải là nhà văn chuyên nghiệp nên không bị áp lực với hạn cuối của các nhà xuất bản. Nhưng tôi vẫn thấy bị cột chặt vào ghế để viết mỗi đêm, mỗi cuối tuần.

Một dịch giả tĩnh tâm, một nhà văn tĩnh tâm và một người làm sách tĩnh tâm có điểm gì giống và khác nhau?

Cả ba sự tĩnh tâm đó đều giúp tôi lặng lẽ lắng nghe theo một tiếng gọi là giá trị và rồi đột ngột thấy hụt hẫng vì bất lực. Dịch sách khiến mình thêm yêu tiếng Việt và đó là cơ hội để mình thử làm giàu có cách nói năng tiếng Việt trước những trạng huống tinh tế, phức tạp. Viết văn cho tôi sống thêm một thực tại khác, rất khác với thực tại hằng ngày. Còn với tư cách một đơn vị xuất bản, tôi luôn thấy những chân trời tri thức cứ lùi xa mãi, trước hữu hạn đời mình. Thấy ma lực của một cuốn sách hay là nó muốn tự mở rộng ra, kéo bạn vào giữa hai cánh cửa lất phất mỏng manh của nó. Và đôi lúc bắt gặp mình dừng thật lâu trước một cái bìa sách đẹp một cách đơn giản.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Ngọc Bi (thực hiện)

[sach_giaiphapdotpha]