Lời Mở Đầu
Một hộp kẹo cứng, một cây thánh giá, một cái gối hình SpongeBob, một quyển sáchTo Kill a Mockingbird, phần phát ra tiếng ồn của chiếc máy giả tiếng đánh rắm. Đó là vài món Mattie mang theo trong quan tài.
Trước đó gần một năm rưỡi, khoảng tháng Hai năm 2003, chúng tôi đã bắt đầu bàn về những món đồ cháu muốn “mang theo”. Với căn bệnh hiểm nghèo trong người, Mattie lúc đó đang nằm chờ chết
trong Khoa Chăm sóc Tích cực của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Trẻ em Quốc gia tại Thủ đô Washington. Có lẽ thời khắc đó nên đến sớm thì tốt hơn. Tôi đang định mở hộp đồ chơi xí ngầu Yhatzee và bộ bài UNO ra thì cháu nhìn thẳng vào tôi và hỏi, “Mẹ à, theo mẹ thì người ta có tới dự lễ tang của con không?”Cháu đang bị khó thở. Trong lần lên cơn kịch phát gần đây, khí quản của cháu bị thu hẹp lại; thỉnh thoảng thằng bé bị nghẹt thở. Mấy ngón tay của Mattie chảy máu, thằng bé ho ra máu và mô từ niêm mạc khí quản, một đường ống nối vào lỗ mở khí quản trên cổ cháu –kèm theo dây nối với máy trợ thở và cung cấp ô-xy.
Mattie từng trải qua những lần sức khỏe bị đe dọa như thế này, nhưng tôi luôn tránh nói thẳng với cháu về cái chết, cho đến thời điểm đó. “Mẹ biết đấy,” cháu tiếp tục, “con sẽ chết yểu, và có thể người ta không cảm thấy thoải mái lắm khi đến viếng.””Dĩ nhiên là mọi người sẽ tới dự!” Tôi trả lời theo phản xạ. Thật sự khi ấy tôi chưa nghĩ đến chuyện người ta đến dự lễ tang của con mình. Mattie sẽ là đứa con thứ tư tôi chôn cất do một loại bệnh loạn dưỡng cơ hiếm gặp (dysautonomic mitochondrial myopathy), và tôi, vừa cố tìm cách kéo dài cái ngày không mong đợi ấy, vừa phải chuẩn bị tinh thần khi nó xảy đến. Nhưng lần này hẳn sẽ khác. Những đứa con trước của tôi qua đời khi còn rất nhỏ, tất cả đều chưa được bốn tuổi. Nhưng Mattie thì đã mười hai tuổi rồi. Cháu còn có thể tham gia lo hậu sự cho chính mình. Còn một điểm khác biệt nữa là Mattie được nhiều người biết đến. Cháu từng góp mặt trong các chương trình đối thoại trên truyền hình như The Oprah Winfrey Show, Larry King Live, Good Morning America; cháu còn sáng tác những tập thơ lọt vào danh sách bán chạy nhất do Thời báo New York Timesbình chọn và bán được hàng triệu bản; cháu trở thành Đại sứ Thiện chí Quốc gia cho Hiệp hội Vì Bệnh Nhân Loạn Dưỡng Cơ của Jerry Lewis; cháu quen biết những người hùng của lòng mình –Jimmy Carter và Maya Angelou; cháu có những buổi nói chuyện truyền cảm hứng trước hàng ngàn người về hòa bình, về việc sống thật với chính mình và nghe theo Khúc Tâm Ca, theo cách gọi của cháu. Nỗi đau của tôi và những người thân của cháu sẽ khá riêng tư, nhưng vẫn còn rất nhiều người khác đau lòng khi cháu ra đi và muốn bày tỏ sự tiếc thương.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là lễ tang của Mattie sẽ diễn ra theo ý cháu. Cháu hỏi tôi rằng liệu cháu có thể nói cho tôi biết những gì cháu muốn hay không. Tôi lấy giấy bút ra. Cháu nói về những lời cầu nguyện, những bài hát trong tang lễ, ai sẽ là người đọc phúc âm, ai sẽ là người làm lễ… Trong nhà thờ Công giáo, tang lễ là dịp để tưởng nhớ người đã khuất, một cuộc tiễn đưa linh hồn về với Chúa, nên cháu muốn mọi chuyện được sắp xếp đâu ra đấy.
Mattie nói tiếp: “Xin mẹ đừng đưa con vào nhà xác,” vốn là một thông lệ khi có người qua đời. “Con không muốn bị tấm vải liệm che mặt. Con không muốn bị cho vào ngăn lạnh. Con biết khi đó con đã chết rồi và mấy chuyện này chẳng có ý nghĩa gì nữa, nhưng giờ thì con vẫn còn sống và con sợ bóng tối. Mẹ nhớ dặn nhà tang lễ để đèn sáng nữa nhé.
“Cháu còn nói thêm rằng nếu được thì cháu không muốn đi từ nhà tang lễ đến nhà thờ bằng xe tang, bởi trong xe tang, bạn chỉ có một mình, với người lái xe xa lạ.
Tôi nghĩ đến những yêu cầu của Mattie khi chúng tôi đi đến lễ tang của cháu vào một ngày ấm áp cuối tháng 6 năm 2004, 16 tháng sau cái ngày cháu bàn bạc với tôi. Tôi nhẩm lại trong đầu để đảm bảo mình đã thực thi đúng ước nguyện của cháu. Tôi không biết Thiên đường trông như thế nào, nhưng hẳn đó là một nơi tốt đẹp, và tôi tự hỏi, ở nơi vui vẻ đó, con tôi có hạnh phúc không? Cháu có biết tôi đã làm mọi thứ để lễ tang diễn ra như ý cháu muốn?
Bỗng tôi sực nhớ ra mình quên chưa bỏ chiếc đai đen vào quan tài cho cháu. Khi vẫn còn đủ sức khỏe, cháu đã đạt huyền đai môn võ Hapkido của Hàn Quốc, và cháu mong muốn mang theo thành quả đó bên mình. Tôi cảm thấy thật tệ hại khi bỏ sót điều này.
Dẫu vậy, tất cả những món đồ khác cháu yêu cầu tôi đều bỏ vào hết –một tấm hình cháu chụp chung với anh trai, Jamie, người anh ruột duy nhất còn sống vào thời điểm Mattie chào đời; một tấm hình chụp anh trai Stevie và chị gái Katie của Mattie –hai người anh chị khác mà cháu dự định tìm gặp trên Thiên đường; một bức hình chụp tôi và Mattie; chuỗi tràng hạt của cô bạn nhỏ Kaylee, người gọi con trai tôi là “Chú Mattie”; một máy chụp hình có đèn flash vì Mattie không biết thế giới bên kia có sáng sủa không; một máy ghi âm nhỏ kèm “pin dự phòng”; Mr. Bunny, chú rối đã ở bên thằng bé từ lúc mới lọt lòng; danh thiếp đại sứ Hiệp hội Vì Bệnh Nhân Loạn Dưỡng Cơ (MDA) của cháu; thẻ đánh dấu sách có hình Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn; những kỷ vật của Austin Powers do Mike Myers gửi tặng; mấy món đồ chơi Lego cùng một mớ thứ khác. Dù theo đạo Công giáo, tôi vẫn làm nghi lễ chôn cất các con như cách người Ai Cập tiễn đưa người chết về thế giới bên kia cùng tài sản quý giá của họ; Mattie biết điều đó nên cháu muốn mang thật nhiều món đồ ý nghĩa theo, miễn là chiếc quan tài còn đủ chỗ chứa.
Những người khác bỏ quà của họ vào: có một bộ lông vũ của người da đỏ; một cành hồng trắng do tiệm hoa thay mặt Oprah Winfrey gửi tặng; một tấm hình Mattie chụp chung với cô bạn Hope mà cháu quen từ lúc 5 tuổi; một khung hình gỗ lồng tấm hình của nhân vật Hermione trong phim Harry Potter; những vật lưu niệm khác, và dĩ nhiên, phần phát ra tiếng ồn của chiếc máy giả tiếng đánh rắm.
Tôi từng phản đối chuyện bỏ nó vào hòm, dù đó là điều cuối cùng Mattie yêu cầu khi chúng tôi bàn về việc tổ chức đám tang. “Mẹ phải bỏ nó vào,” cháu nói. “Bỏ phần phát ra tiếng vào hòm cho con, còn mẹ giữ bộ điều khiển, rồi trước khi chôn, mẹ nhấn nút để con được nhìn thấy mọi người cười lần cuối.” Mattie tin rằng chúng ta nên “vui đùa sau mỗi cơn giông bão” –đó luôn là triết lý sống của cháu –và cháu cảm thấy hành động này sẽ khiến những người đi đưa đám bắt đầu vui sống trở lại.
Tôi bảo Mattie là tôi không thể làm chuyện đó, rằng tôi là mẹ cháu và tôi sẽ rất buồn, làm thế thật không phải. Vì thế Mattie nhờ Devin Dressman, một bác sĩ nghiên cứu đã trở thành bạn thân của cháu, thực hiện thay. Có rất nhiều chuyện xảy ra trong suốt 16 tháng sau cuộc đối thoại giữa Mattie và tôi cho đến ngày cháu qua đời, mặc dù vào thời điểm cuộc chuyện trò đó diễn ra, chúng tôi không đủ lạc quan để nghĩ rằng cháu sẽ xuất viện. Cháu xuất bản tập thơ bán chạy nhất thứ 5 của mình. Chiến tranh Iraq nổ ra, chỉ vài tuần sau khi Tổng thống George W. Bush và phu nhân gọi điện cho Mattie để cảm ơn vì những gì cháu đã làm cho thế giới nhân danh hòa bình. Cháu khiến các bác sĩ mới một phen phát hoảng khi nốc cạn bình chứa nước tiểu mà trước đó cháu đã thay bằng nước ép táo. Cháu phải đến bệnh viện mỗi ngày để truyền tiểu cầu và máu. Cháu tham gia trại hè MDA và tận hưởng hết mình, khóc thương khi cô bạn Racheal qua đời, mừng sinh nhật lần thứ 13 của mình, ăn cua Maryland với Christopher Cross, đọc diễn văn trong hội nghị Chăm sóc Đa thế hệ của Rosalynn Carter. Cháu bắt đầu để ý đến các cô gái khi bước sang tuổi dậy thì. Cháu thảo luận về khái niệm các thiên thần trong chương trình Larry King Live trong vai trò “ban chuyên gia”, ngủ trong trạm cứu hỏa địa phương khi bão ập vào thành phố, trải qua một cuộc điều trị nhằm thanh lọc nồng độ chất sắt độc hại trong máu, ký tặng sách, tim ngừng đập –ba lần –rơi vào hôn mê, tỉnh dậy, xem tập phim Harry Potter mới nhất…
SỨ GIẢ YÊU THƯƠNG
Thông qua câu chuyện về cuộc đời cậu bé Mattie – một người chào đời với một chứng bệnh loạn dưỡng cơ hiếm gặp và không thể cứu chữa, bạn sẽ cảm nhận được sâu sắc niềm lạc quan, tin yêu và đam mê lớn với hòa bình của cậu bé. Mattie bé nhỏ sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những ai đang thấy mình sống trong đau khổ, thấy mình luôn là nạn nhân của những thiệt thòi, thấy mình không thiết sống, thấy mình có quá ít thời gian để làm việc gì đó.
Leave A Comment