Ngày cháu qua đời, 22 tháng 6, một cơn mưa dông đi cùng với sấm chớp khủng khiếp nổi lên ngay giây phút tim cháu ngừng đập. Thế rồi sau đó, một chuyện nghe có vẻ hoang đường đã xảy ra. Một chiếc cầu vồng khổng lồ xuất hiện bắc ngang bầu trời, ai đứng đâu cũng có thể thấy. Tôi không nhìn ra cửa sổ nên không biết, nhưng bọn trẻ đang cắm trại cách chỗ chúng tôi ba giờ đồng hồ lái xe thấy rất rõ. Nhân viên bệnh viện nhìn thấy. Một người tôi không quen cũng nhắc đến chiếc cầu vồng trong quyển lưu bút tại lễ tang.Cơn bão khiến chú chó giúp việc của Mattie –một chú chó giống golden retriever tên là Micah –đến bệnh viện trễ. Tôi muốn Micah đến thăm Mattie để nó hiểu rằng cháu đã chết chứ không phải là bỏ rơi nó. Nhưng khi ấy, quỹ thời gian của tôi quá hạn hẹp. Để chở được Mattie thẳng đến nhà tang lễ chứ không gửi vào nhà xác –như lời yêu cầu của cháu –bệnh viện dặn tôi nói với bên nhà tang lễ đến đón cháu trong vòng ba tiếng đồng hồ kể từ lúc cháu mất. Cháu lìa đời vào lúc 1g35 trưa.
Cháu nhắm mắt xuôi tay mới mười phút, mọi người đã lục tục kéo đến. Một nhân viên PR của bệnh viện đến gặp tôi và nói, “Tôi rất tiếc, nhưng báo đài đang chờ chị bên kia đầu dây. Thông tin đã rò rỉ ra ngoài. Chị có thể đưa ra thông cáo chính thức được không?” Khoảng hai giờ chiều cùng ngày, đài truyền hình cắt ngang chương trình đang phát sóng để thông báo về cái chết của Mattie.
Mãi đến 6 giờ tối ngày hôm đó, Micah mới tới được bệnh viện; cơn bão và giao thông hỗn loạn chính là nguyên nhân. Nó nhảy phóc lên giường Mattie, vui mừng, liếm láp, ngửi ngửi cháu, rồi nằm bẹp xuống sàn và cứ thế rên rỉ miết. Nó ngửi được mùi tử khí, và cảm thấy đau buồn chứ không phải bối rối hay bị bỏ rơi. Nó sụt một lèo 10 kg chỉ trong vòng vài tuần.
Tầm 7 giờ tối, nhân viên nhà tang lễ đến. Gần sáu tiếng đã trôi qua, nhưng bệnh viện vẫn chờ chứ không gọi nhà xác. Và cũng theo yêu cầu của Mattie không muốn bị che mặt hay bị bỏ lại trong bóng tối, túi đựng xác chỉ kéo khóa đến cổ cháu mà thôi.
Ở nhà tang lễ, đèn được mở suốt đêm như ý nguyện của Mattie, và Mattie được đặt cùng phòng với những người đã khuất khác để cháu không “cô đơn”. Không ai giải thích được tại sao, nhưng cơ thể cháu vẫn còn ấm khi tôi rời nhà tang lễ vào tối hôm đó. Cháu đi rồi; không còn nghi ngờ gì nữa. Không giống như khi cháu rơi vào hôn mê. Ngay sau khi cháu trút hơi thở cuối cùng, máy móc hỗ trợ đã được rút ra hết. Nhưng bảy tiếng đồng hồ sau khi cháu được tuyên bố qua đời, hơi ấm của sự sống vẫn chưa rời cơ thể cháu.
Bốn ngày sau khi Mattie mất, tôi đến nhà tang lễ để chốt lại kế hoạch tổ chức lễ viếng và lễ tang. Cháu nằm đó, hệt như lúc cháu được đặt vào, bọc trong chăn, tay ôm chú sói nhồi bông Grey Hero
yêu thích. Ai đó dán mảnh giấy nhỏ lên chăn của cháu: “Tên cháu là Matthew. Nhưng cháu thích được gọi là Mattie. Xin hãy để cháu nằm trong phòng cùng những người đã khuất khác và để đèn sáng giúp cháu. Xin đừng làm gì cả. Mẹ cháu sẽ đến sửa soạn cho cháu.”Mattie thích ăn mặc bảnh bao mỗi khi có dịp. Có lần cháu bày tỏ, “Con luôn thấy dễ thở hơn khi mặc tuxedo.” Nhớ điều đó, nên ngày hôm ấy tôi vận cho cháu bộ tuxedo đen với áo lót màu bạc; quần lót loại ống rộng có in hình nhân vật Grinch; vớ in hình nhân vật Simpsons; đôi giày đế mềm màu đen có dạ quang; đồng hồ và mắt kiếng; ống nối khí quản –thứ mà cháu không muốn tháo ra. Tôi còn cắt tóc cho cháu, tỉa bằng tông đơ lưỡi số 3 thay vì số 2 như thường lệ, vì hẳn cháu không muốn mình trông quá lạ lẫm với cái đầu mới.
Nhà tang lễ cách nhà thờ Saint Catherine Laboure khoảng 20 phút lái xe. Tôi chưa từng đến đó bao giờ, nhưng đó là nhà thờ lớn nhất hạt với sức chứa lên đến 1.350 người, và dự kiến là người đến dự sẽ rất đông. Chỉ có điều tôi không tưởng tượng được nó đông đến nhường nào.
Quan tài của Mattie dài khoảng một mét tư, bên trên phủ lá cờ hai màu xanh dương-trắng của Liên Hiệp Quốc đã từng tung bay trong chiến dịch gìn giữ hòa bình tại Kosovo, và được những người khiêng quan tài rước ra từ nhà tang lễ. Ba trong số đó là ba người con của cô bạn thân nhất của tôi, Sandy Newcomb, chị đã đến thăm Mattie khi cháu mở mắt chào đời và có mặt trong phòng bệnh khi cháu nhắm mắt lìa đời.
Quan tài được khiêng đến chiếc xe cứu hỏa có treo những dải băng đen. Hiệp hội Lính cứu hỏa Quốc tế là nhóm tài trợ chính của MDA, và Mattie đã trở thành bạn tốt của vài người lính cứu hỏa trên khắp nước Mỹ cũng như Canada. Dùng xe cứu hỏa để chở quan tài chính là cách họ tôn trọng ước nguyện cuối đời của Mattie, không muốn nằm trong chiếc xe tang. Ra khỏi lề đường, sáu người khiêng quan tài trao nó lại cho sáu người lính cứu hỏa để họ nâng chiếc quan tài đặt lên xe cứu hỏa. Hai người lính cứu hỏa đồng thời là bạn thân của Mattie –Bert Mentrassi đến từ Greenburgh, New York, và Jim Jackson đến từ Mississauga, Ontario (có tên thân mật là “Bubba” và “J.J.”) –ở phía cuối xe. Mattie được đưa tiễn về nơi chín suối như một người lính cứu hỏa hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
Tôi hoàn toàn bất ngờ khi xe di chuyển từ nhà tang lễ đến nhà thờ. Tôi biết Mattie được nhiều người biết đến, nên chắc nhà thờ sẽ đông lắm. Nhưng những con đường chính đã được phong tỏa. Một chiếc xe cảnh sát lái trước chúng tôi để chặn không cho ai đến gần. Trực thăng lấy tin của đài truyền hình lượn vòng trên đầu cùng với những chiếc máy bay khác; khoảng trời phía trên nhà thờ được canh gác nghiêm ngặt vì Cựu Tổng thống Jimmy Carter sẽ đến dự.Sandy lái xe tải chở tôi, phía trước là xe chở quan tài Mattie. Chúng tôi nghe trên đài radio: “Lễ tang của Mattie đang được bắt đầu. Đoàn xe vừa rời nhà tang lễ.” Đó là một trải nghiệm lạ lùng khi bạn nghe người ta tường thuật lại cuộc đời mình trong khi nỗi đau trong lòng vẫn còn mới nguyên. Nhưng đồng thời, tôi cũng thấy tự hào vì sự quan tâm mà mọi người dành cho đứa con trai nhỏ của mình.
Sự quan tâm ấy hóa ra còn dạt dào hơn bất kỳ điều gì tôi từng tiên liệu. Đáng lẽ tôi chỉ chú ý đến chiếc quan tài phía trước thôi, nhưng mắt tôi lại dính chặt vào hai bên đường. Mọi người dừng chân, làm dấu thánh giá, cúi đầu và chụp hình khi chiếc xe cứu hỏa đi qua. Họ đặt tay lên ngực. Khi đến gần nhà thờ, chúng tôi thấy những tấm bảng giơ cao với dòng chữ, “Chúng tôi yêu cháu, Mattie!” “Sẽ không bao giờ quên cháu!” “Sứ giả hòa bình bé nhỏ của chúng ta.”
Khi rẽ sang con đường dẫn vào nhà thờ, chúng tôi thấy hàng trăm người xếp hàng chờ sẵn – những tay lái mô-tô Harley Davidson, một nhóm tài trợ lớn khác của MDA –họ vận jean và đồ da; những lính cứu hỏa trong đồng phục xanh dương; những phụ nữ Hồi Giáo trùm đầu; những bà sơ trong trang phục truyền thống; mấy người đàn ông mặc đồ châu Phi lẫn com-lê; thống đốc bang Maryland; ngôi sao nhạc đồng quê Billy Gilman; những người vô gia cư; một thượng nghị sĩ Mỹ; những ngôi sao truyền hình; bạn cùng lớp cũ của Mattie; giới tăng lữ… Ngay giây phút ấy, tôi thật sự thấy Mattie đã thành công trong việc đưa thế giới xích lại gần nhau trong hòa bình. Hẳn cháu sẽ vui lắm. Đó chính là nguyên lý chủ đạo trong thông điệp truyền tải niềm hy vọng của Mattie, “tất cả chúng ta hãy biến hòa bình thành một thói quen” –đưa nó vào cuộc sống hàng ngày, và hiện thực hóa nó trên toàn thế giới –chia sẻ nó với “cả những người ta không hòa hợp” hoặc những người khiến ta tức giận, hoặc những người làm hại ta.
Đoàn người trước cửa nhà thờ đứng tràn xuống vỉa hè rồi nối dài xa khuất tầm mắt ở phía mặt bên kia toà nhà. Từng người từng người một chầm chậm tiến vào nhà thờ. Những người không vào được phía trong thì đứng trên ngọn đồi xanh cỏ và những khu vực lân cận.Tôi ngồi trong xe tải 15 phút trước khi bước ra. Suốt những năm tháng cuối đời khi Mattie là người nổi tiếng, tôi đã quen với ống kính máy quay, những cuộc phỏng vấn và trò chuyện với những người xa lạ khi họ tìm đến tôi chỉ để nói rằng Mattie đã tác động đến cuộc đời họ như thế nào, và tất cả những chuyện đó khiến tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Nhưng giờ đây, tôi sắp sửa đưa quan tài của con trai mình vào nhà thờ. Tôi không thể đối diện với người khác, ngay cả khi chỉ để nhận được sự cảm thông của họ, và dĩ nhiên là sẽ không trả lời một câu phỏng vấn nào hôm ấy. Tôi biết nếu tôi mở miệng ra nói, tôi sẽ khóc mất và khi ấy tin tức về “nỗi đau người mẹ” sẽ được lan truyền. Tôi không muốn sự tập trung chú ý chuyển từ Mattie sang hướng khác. Tôi đeo kính đen trước khi bước ra khỏi xe để không ai biết được cảm xúc của tôi. May thay, suốt ngày hôm đó, không một phóng viên nào tiếp cận tôi hay bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào.
Tôi và vài người thân thiết khác với Mattie, có cả Sandy và mẹ của chị đều mặc đồ tím. Bài hát được dùng trong suốt lễ tang do cháu sáng tác có nói rằng màu tím là một trong những màu của hy vọng, và chúng tôi muốn khoác lên người sắc màu hy vọng qua góc nhìn của Mattie.
Bên trong nhà thờ, ba người lên phát biểu cảm tưởng trước khi buổi lễ chính thức bắt đầu. Một là Jann Carl, phóng viên chương trình Entertainment Tonightvà cũng là đồng dẫn chương trình thường niên Jerry Lewis Labor Day Telethon. Chị đọc bài thơ do Jerry Lewis viết tặng Mattie do ông không thể đến dự vì đang bệnh nặng. Chị diễn tả “tia sáng” trong mắt Mattie, “nụ cười vừa ngây thơ vừa tinh ranh… cách cháu sửa lại cặp kính cho ngay ngắn trên sống mũi.” Chị còn nói Mattie “đã để lại cho ta một bản kế hoạch chi tiết… hướng dẫn từng bước một, không chỉ nhằm hàn gắn những Khúc Tâm Ca đã tan vỡ trong lòng ta, mà còn khiến thế giới này trở nên tốt đẹp hơn”; rằng cháu muốn mọi người vui đùa, bởi “nó gợi lại một chút tuổi thơ trong sáng trong tất cả chúng ta. Và từ sự trong sáng ấy, dẫn đến hy vọng. Và khi có hy vọng, ta sẽ có hòa bình.”Người thứ hai phát biểu là bác sĩ Murray Pollack, giám đốc khoa Chăm sóc Trẻ em Đặc biệt của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Trẻ em Quốc gia, ông nhắc những người có mặt hãy nhớ về “sự láu lỉnh và thông minh” của Mattie và nhắc lại lời Mattie khuyên “hãy vui đùa sau mỗi cơn giông bão.” Bác sĩ Pollack nói, “Thất bại trong việc điều trị cho Mattie là không thể tránh khỏi.. nhưng tinh thần và lòng nhiệt thành của cháu đã khiến mọi phương pháp điều trị trở nên dễ dàng. Cháu là người cực kỳ thích đùa. Cháu từng đổ nước ép táo vào bình đựng nước tiểu… Cháu còn xem Ferris Bueller’s Day Offđể lấy cảm hứng… Cháu có suy nghĩ của người trưởng thành –cháu đưa mọi người xích lại gần nhau –nhưng cháu vẫn là một đứa trẻ… Và đó chính là phép mầu của cháu.”Oprah Winfrey, người đã trở thành bạn thân và bạn tâm giao với Mattie cũng lên phát biểu. Bà chia sẻ với đám đông là bà “đã phải lòng cậu bé này” ngay từ giây phút đầu tiên, và bà gọi cháu là “chàng trai của tôi” mỗi khi nói chuyện với cháu qua điện thoại và e-mail. “Chẳng mấy khi ta gặp được những người tạo nên phép mầu trong cuộc sống,” bà nói. “Tôi thấy cháu thật diệu kỳ. Tôi không tin nổi trong hình hài cậu bé ấy lại mang theo ngần ấy trí tuệ, ngần ấy sức mạnh, ngần ấy hồng ân, ngần ấy nghị lực và tình yêu thương…”
“Cùng với Mattie,” Oprah tiếp tục, “ánh sáng cuộc đời cháu soi sáng đến nỗi bất cứ ai trong chúng ta biết đến cháu, may mắn và hân hạnh được tiếp xúc với cháu đều cảm nhận được ánh hào quang ấy đến hết cuộc đời mình.”
“Tôi yêu niềm khát khao của cháu là được mọi người biết đến sứ mệnh đời mình,” bà nhận xét, “và đó không nhằm mục đích nổi tiếng.” Bà đọc lại một e-mail hai người trao đổi với nhau mấy năm về trước, trong đó có đoạn Mattie kể rằng một vài người bạn nhỏ của cháu cho rằng vì cháu là người nổi tiếng, cháu nên”lúc nào cũng vui vẻ và không bao giờ phiền muộn”. Nhưng Mattie bày tỏ:Cháu không nghĩ các bạn hiểu được cảm giác khi phải sống thật vội… cháu đâu có sống được lâu… Cháu sợ nỗi đau khi chết đi và những điều rồi đây cháu sẽ bỏ lỡ bởi cháu muốn được sống, rất, rất muốn… Cháu muốn để lại thật nhiều quà cho mọi người khi cháu không còn ở đây nữa… Cháu muốn một ngày nào đó người ta sẽ nhớ đến cháu và thốt lên, “À, đúng rồi! Mattie! Cậu bé đó là một nhà thơ, sứ giả hòa bình và là một triết gia biết vui đùa.”
Oprah còn nói về sở thích ngắm bình minh của Mattie, về những lần cháu ngắm mặt trời mọc tuyệt đẹp nơi bờ biển Bắc Carolina. Bà từng nói với cháu rằng có khối người chẳng thèm dậy sớm ngắm bình minh bởi họ thích ngủ nướngkhi đi nghỉ mát. Điều đó không làm Mattie lay động. Khi phải sống vội, không điều gì khiến cháu vội bằng việc tận hưởng và góp nhặt tất cả những khoảnh khắc thi vị trong đời.
Mattie hồi âm cho Oprah rằng “cháu không thể hiểu nổi vì sao mọi người không ra ngoài cầu tàu ngắm cảnh mặt trời mọc… cháu không hiểu sao họ lại muốn bỏ lỡ”một điều kỳ diệu như thế”
SỨ GIẢ YÊU THƯƠNG
Thông qua câu chuyện về cuộc đời cậu bé Mattie – một người chào đời với một chứng bệnh loạn dưỡng cơ hiếm gặp và không thể cứu chữa, bạn sẽ cảm nhận được sâu sắc niềm lạc quan, tin yêu và đam mê lớn với hòa bình của cậu bé. Mattie bé nhỏ sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những ai đang thấy mình sống trong đau khổ, thấy mình luôn là nạn nhân của những thiệt thòi, thấy mình không thiết sống, thấy mình có quá ít thời gian để làm việc gì đó.
Leave A Comment