MỘT TAI NẠN BI THẢM HÉ LỘ NHỮNG BÍ MẬT CỦA TRÍ TUỆ CẢM XÚC

Nếu các ông nghĩ rằng những phát hiện quan trọng này xứng đáng có được một vị trí trong tờ tạp chí của các ông thì các ông cứ tự nhiên.

Tiến sĩ JOHN HARLOW, trao đổi với tạp chí Boston Medical and Surgical năm 1848

Buổi sớm tinh mơ giá lạnh và ẩm ướt hôm ấy là ngày cuối cùng Phineas Gage đi làm đúng giờ. Thọc sâu hai tay vào túi áo khoác để vượt qua cái lạnh tê tái, anh mải mê suy nghĩ về những thách thức của dự án xây dựng đường xe lửa Burlington chạy ngang qua Vermont đang chờ đợi mình phía trước. Dưới sự quản lý của anh trong suốt 18 tháng, đội đường sắt đã đạt được những tiến độ đáng kể, nhưng đến thời điểm này thì họ phải đối diện với một đoạn đường lổn nhổn đá đầy hiểm trở.

Ánh ban mai của một ngày mới quyện vào hơi ẩm không khí tạo thành một thứ ánh sáng mờ ảo chiếu xuống con đường quanh co dẫn đến nơi Phineas làm việc. Anh mỉm cười khi nghe tiếng búa sắt đập nhịp nhàng vọng lại từ xa. Đội của anh đã làm việc được 15 phút trước khi tiếng còi hiệu đầu tiên vang lên. Phineas được tiếng là một đốc công có năng lực và mẫn cán nhất trong công ty. Niềm đam mê công việc và tính kỷ luật của anh chính là yếu tố đảm bảo cho các dự án hoàn tất đúng hạn. Cùng với thái độ lịch thiệp, hòa nhã, anh được tất cả nhân viên trong đội quý mến. Và vốn là một “người thông minh sắc sảo”, anh luôn biết giữ lời, tránh xa cám dỗ từ những quán rượu trong vùng nên càng chiếm được cảm tình của gia đình, bạn bè.1

Một ngày làm việc hiệu quả trôi qua như mọi ngày. Phineas và đội của anh phá từng mét đá để đặt những đoạn đường ray mới nhằm giúp những hành khách bận rộn di chuyển nhanh hơn. Phineas liếc nhìn đồng hồ đeo tay, kim đồng hồ chỉ 16 giờ 30 phút và họ đã hoàn tất gần một cây số đường ray. Một cách thuần thục, Phineas đâm thanh sắt vào cái lỗ góc cạnh có chứa thuốc nổ và vui vẻ nghĩ về ngày anh nhận được thanh sắt đặc biệt này từ bác thợ rèn trong vùng. Bác thợ rèn có dáng người vạm vỡ đã hết sức hào hứng giải thích cho Phineas nghe rằng thanh sắt này không giống với những thanh sắt mà bác thường thấy.

Trước khi tiếp tục động tác quen thuộc thường ngày, Phineas ra hiệu cho người phụ tá đổ cát vào lỗ tiếp theo. Lớp cát này có tác dụng bảo vệ không cho thuốc nổ phát nổ sớm khi anh đâm thanh sắt vào. Khi Phineas đưa thanh sắt lên, anh bỗng giật mình vì có tiếng động lớn phát ra từ phía sau. Quay đầu lại nhìn, anh thấy đám công nhân trong hầm vừa làm đổ một đống đá to khi di chuyển chúng lên xe. Phineas thở dài và tiếp tục công việc của mình mà không biết một điều rằng, người phụ việc cho anh cũng bị tiếng động ấy làm phân tâm. Anh ta quên không đổ cát vào lỗ, thế nên khi thanh sắt của Phineas chạm vào bề mặt đá trong kẽ hở tạo nên một tia lửa đủ mạnh để bắt cháy đống thuốc nổ không được bảo vệ dưới đáy. Sức nổ mạnh đến nỗi thanh sắt anh đang cầm trên tay phóng đi như tên lửa. Nó cắm vào mặt anh, xuyên suốt từ dưới mắt trái lên đỉnh đầu và bay thẳng ra ngoài. Cuối cùng, thanh sắt rơi xuống bãi cỏ cách chỗ Phineas đứng khoảng 30 mét.

Cả thân hình của Phineas bay ra phía sau do tác động của cú va chạm, anh nằm yên một hồi rồi quằn quại trong cơn đau. Anh muốn hét lên nhưng mọi người chỉ nghe một tiếng thì thầm nhẹ như không khí – đó là tất cả âm thanh mà anh có thể đẩy ra từ phổi. Phineas cảm nhận được vết thương dưới mắt trái, nơi thanh sắt nặng hơn 5 ký, dài hơn 1 mét với đường kính hơn 3 cm đâm xuyên qua mặt anh. Anh không hề có cảm giác gì về lỗ hổng lớn mà thanh sắt để lại khi nó bay ra khỏi đỉnh đầu anh, nhưng cái thế giới mà anh biết đã vĩnh viễn thay đổi từ buổi chiều hôm ấy. Những người đồng đội trung thành lao đến bên anh, họ cúi xuống nhìn vào mắt anh để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. Họ bật cười một cách lo âu khi thấy Phineas nhìn lại họ và rên rỉ, “Tôi nghĩ mình cần đến gặp bác sĩ Harlow”. Tính hài hước của anh vẫn còn nguyên vẹn, Phineas để cho mọi người khiêng mình lên chiếc xe bò chở anh vào thành phố. Khi đã ngồi ngay ngắn trên xe, Phineas nhận thấy người phụ tá của mình buồn bã đi bên cạnh. Anh nghiêng người qua thành xe và nói một câu quen thuộc mà bất cứ đốc công nào cũng nói khi rời khỏi nơi làm việc: “Vui lòng đưa cho tôi quyển sổ trực”. Chẳng khác gì những cậu bé trai há hốc mồm kinh ngạc khi thấy bố mình làm một việc khỏe như dũng sĩ Hercules, đám công nhân đường sắt tròn mắt chứng kiến cảnh Phineas ghi lại giờ về vào quyển sổ.

 ——————

Vào lúc 5 giờ 30 chiều thứ tư, ngày 13 tháng 9 năm 1848 – chỉ một tiếng đồng hồ sau tai nạn kinh khủng trên – Phineas đã tự đứng trong sân nhà mình mà không cần ai giúp đỡ. Trước đó, vị bác sĩ trong vùng nghĩ rằng Phineas không thể nói chuyện trôi chảy được nên đã quay sang hỏi những người làm việc cùng anh thông tin về vụ tai nạn. “Bác sĩ chỉ cần biết là”, Phineas đột ngột xen vào trước khi bất cứ ai kịp mở miệng, “thanh sắt đâm vào chỗ này và xuyên qua đầu tôi ở chỗ này”. Bất chấp sự thật là phần não trước của anh bị văng ra khỏi hộp sọ giống như người ta khoét một miếng dưa hấu từ ngoài vào trong, Phineas vẫn có khả năng suy nghĩ và nói năng bình thường như trước khi anh bị tai nạn. Suốt mấy tuần lễ sau đó, anh được bác sĩ Harlow chăm sóc tận tình và cuối cùng, vết thương trên cơ thể anh cũng lành hẳn. Tai nạn này dường như không để lại hậu quả gì ngoài mấy vết sẹo và thị lực mắt trái của anh bị yếu đi.

Gia đình và bạn bè của Phineas hết sức kinh ngạc trước việc anh vẫn sống sót và bình phục nhanh chóng sau tai nạn khủng khiếp trên. Nhưng khi anh trở lại làm việc thì họ nhận thấy một sự khác biệt rõ rệt. Biểu hiện khác thường đầu tiên là tính khí của anh. Phineas luôn miệng văng tục và đưa ra những mệnh lệnh mâu thuẫn, tùy thuộc vào tâm trạng thất thường của anh. Người đốc công gương mẫu chưa bao giờ đi làm trễ một ngày nay lại tỏ ra hờ hững với công việc. Những người thầu khoán trước đó vẫn thường ca ngợi anh như một trong những đốc công giỏi nhất của họ nay buộc phải cho anh nghỉ việc.

Trong suốt 11 năm Phineas sống sót sau vụ tai nạn, anh đã biến đổi thành một con người hoàn toàn khác. Bác sĩ Harlow đã ghi chép cẩn thận và chi tiết về sự thay đổi toàn diện trong hành vi của Phineas. Sự thay đổi này đúng là chỉ có thể giải thích được bằng phần não mà anh bị mất.

Tác động của vụ chấn thương có vẻ như đã phá hủy sự cân bằng giữa năng lực trí tuệ và bản năng động vật của Phineas. Giờ đây anh là một người tính khí thất thường, thô lỗ, thiếu khả năng tự chủ, luôn do dự… Cơ thể anh đã hồi phục hoàn toàn, nhưng những người trước giờ biết anh như một đốc công khôn khéo, thông minh, năng động và bền bỉ trong công việc đều nhận ra sự thay đổi rõ rệt trong tính cách của anh. Sự cân bằng trong tâm trí anh nay đã không còn nữa.2

Nói trắng ra, trí tuệ cảm xúc của Phineas đã rời bỏ anh mãi mãi sau vụ tai nạn xảy ra vào buổi chiều hôm ấy. Cùng với việc mang đi một phần não trước, thanh sắt cũng đã lấy đi của anh khả năng chuyển sự bốc đồng và cảm xúc thành những hành động hợp lý. Phineas vẫn đi đứng, nói chuyện và có tri giác như những người bình thường nhưng khả năng tự kiểm soát của anh còn rất ít. Vì một lý do nào đó, trí năng của anh vẫn không suy suyển. Anh có thể giải được những bài toán phức tạp và hiểu rõ các công đoạn xây dựng đường sắt. Anh vẫn sống độc lập như trước khi xảy ra vụ nổ. Những người gặp anh sau vụ tai nạn cho rằng cách hành xử thiếu suy nghĩ là đặc điểm tính cách của anh từ hồi nào đến giờ, chỉ có những người quen cũ mới biết được sự khác biệt. Họ nhận thấy con người mới của Phineas cực kỳ vô lý và thất thường. Mỗi tác nhân kích thích và cảm xúc nảy sinh dù nhỏ hay lớn dường như đều dẫn đến những phản ứng nông nổi và thường thì điều này ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng cuộc sống của anh.

[sach_thongminhcamxuc]