Vào thời điểm chúng tôi phỏng vấn, Alondra de la Parra chỉ mới 27 tuổi, nhưng chúng tôi cho rằng câu chuyện của cô thể hiện được toàn bộ vai trò Lãnh Đạo Cân Bằng: Nó cho thấy một khi đã có niềm đam mê thúc đẩy, khi bạn có khả năng lôi kéo người khác chia sẻ cùng một mục tiêu chung đầy ý nghĩa, khi bạn chịu trách nhiệm và tập trung vào cơ hội, bạn có thể sống vì ước mơ của mình. Đối với Alondra, đó là quyết định rời bỏ quê hương Mexico để học làm nhạc trưởng. Bốn năm sau, ở tuổi 23, cô thành lập ban nhạc giao hưởng Philharmonic of Americas tại thành phố New York.
Khi là chính mình, cả thế giới đều yêu mến bạn
Tôi rất yêu âm nhạc. Tôi bắt đầu bằng việc đăng ký học piano, và sau này là đàn cello. Cha mẹ tôi cũng là người yêu âm nhạc, và tôi thường đi nghe hòa nhạc với họ. Năm tôi 13 tuổi, cha nói, “Sao con không bao giờ để ý đến vị nhạc trưởng nhỉ?” Tôi đáp, “Nhạc trưởng có làm gì đâu cha.” Và cha tôi trả lời, “Không không không, ông ấy có làm chứ. Nhạc trưởng phải hiểu mọi thứ tốt hơn bất kỳ ai khác trong dàn nhạc. Ông ấy phải biết ai làm việc gì và kết hợp họ lại với nhau.”
Theo nghiệp nhạc trưởng trở thành niềm ao ước to lớn nhất của tôi, một tiếng nói thầm lặng thôi thúc trong tôi. Tôi nghĩ, “Nếu có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, nếu có thể trở thành bất kỳ ai, thì mình muốn trở thành nhạc trưởng.” Nói thế không có nghĩa là khi ấy tôi biết mình dự định làm vậy. Tôi còn chẳng biết phải bắt đầu từ đâu để trở thành nhạc trưởng. Nhưng cha tôi là một người cực kỳ nhạy cảm và là người hay mơ ước. Kể từ lúc tôi chào đời, mọi thứ đối với ông đều là những ước mơ, là hy vọng và cả những câu chuyện hão huyền. Ông là kiểu người không bao giờ nói “không thể”. Ông luôn khuyến khích tôi.
Vì thế tôi nghĩ, “À, vậy chắc nhạc trưởng phải học lý thuyết nhiều lắm đây,” và tôi bắt đầu ngốn mớ lý thuyết thanh nhạc. Tôi lại nghĩ, “và hẳn phải biết rõ lịch sử âm nhạc,” thế là tôi lại chúi mũi vào học lịch sử âm nhạc. Năm 19 tuổi, tôi chuyển đến New York học. Tôi nghĩ, “Ngoài những gì liên quan đến âm nhạc, người nhạc trưởng cần phải biết những gì nữa? Mình phải biết một dàn nhạc giao hưởng hoạt động ra sao.” Tôi được biết có một dàn giao hưởng cần thực tập sinh. Công việc tôi nhận chẳng có gì khác ngoài chuyện lo sắp xếp ghế ngồi và chuẩn bị sân khấu, mở dàn đèn, photo bài nhạc. Tôi làm suốt chín tháng ròng, không lương.
Tuy nhiên, tôi đã tự tạo ra cho mình một thử thách: Mỗi lần đến buổi tập dượt của dàn nhạc để lo những việc đó, tôi giả vờ như mình là một nhạc trưởng, mặc dù tôi chẳng chỉ đạo ai hết. Tôi tưởng tượng như thể mình đang chuẩn bị tham gia diễn tập, và cứ lặng im ngồi đó sau khi mọi thứ xong xuôi. Tôi từng được xem rất nhiều nhạc trưởng diễn tập. Tôi thầm nghĩ, “Chẳng biết liệu mình có trở thành một nhạc trưởng hay không, nhưng mình đã đạt đến trình độ biết tất tần tật về một dàn nhạc giao hưởng.”
Giờ đây, khi ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra đó chính là chìa khóa. Tôi bắt đầu lấp đầy những chỗ trống thay vì cứ đi thẳng đến mục tiêu. Rồi dần dần tôi hiểu ra rằng một khi bạn nắm rõ mọi thứ hoạt động như thế nào, bạn có thể lãnh đạo người khác đạt đến mục tiêu mà bạn muốn.
Có thể bạn nhận ra một điều, tôi luôn mong muốn được học hỏi. Mỗi ngày, tôi đều cần học một điều gì đó. Tôi không bao giờ muốn cái cảm giác mình đã “chạm đích”. Tôi không ngừng cải thiện, tôi không ngừng phát triển. Tôi đón nhận và cố gắng học hỏi từ mọi thứ. Chưa hết, tôi còn làm việc theo quy củ hẳn hoi – không phải bản tính tự nhiên. Tôi rèn mình vào kỷ luật và ép bản thân vào khuôn khổ. Tôi còn cho rằng mình rất giỏi trong việc mang mọi người xích lại gần nhau. Tôi thích kết hợp năng lượng của nhiều người vào một tập thể.
Lần đầu đặt chân đến New York, tôi tìm cách nộp đơn xin học chương trình đào tạo nhạc trưởng ngắn hạn trong mùa hè. Tôi không có mấy kinh nghiệm, và đa số các chương trình đều buộc bạn phải nộp một đoạn băng hình ngắn. Tôi không có để nộp, hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng một người bạn mách rằng có một nơi ở Maine chỉ yêu cầu một thứ duy nhất, đó là bài luận ngắn cho biết lý do vì sao bạn muốn trở thành nhạc trưởng. Tôi nộp, và được nhận vào học, rồi tôi hoảng hốt. Tôi nghĩ trong đầu, mình sắp trải qua những tháng ngày tới với rất nhiều nhạc trưởng đáng tuổi bô lão. Bụng bảo dạ, “Mình chỉ là cô bé 19 tuổi sắp phải trải qua ba tuần với các ông nhạc trưởng đã ngoài 50!” Tôi hoảng sợ cùng cực!
Và đây cũng là nơi tôi gặp Ken Kiesler (1), người điều hành chương trình. Điều đầu tiên anh nói khi tôi đến trình diện là, “Tôi không muốn nghe gì về sự nghiệp. Tôi cũng chẳng quan tâm em đã chỉ huy bao nhiêu dàn nhạc. Tôi không quan tâm. Tôi chỉ muốn biết em là ai thôi.” Và một phút sau khi anh nói ra điều đó, tôi cảm thấy “Mình có điều đó. Mình biết mình là ai, ngay cả khi sự nghiệp còn chưa có, kinh nghiệm chỉ huy dàn nhạc cũng không.” Mọi thứ trở nên nhẹ nhõm hẳn.
Thế nên tôi cảm nhận được sự an toàn – cho đến khi tôi bước chân lên bục chỉ huy lần đầu tiên. Thật khủng hoảng! Nhưng tôi nhớ mãi giây phút ấy: Khi Ken nhìn tôi và nói, “Em có tố chất. Em có năng khiếu. Và tôi sẽ giúp em.” Và tôi cũng nhớ lúc ấy mình đã hoảng loạn thế nào. Tôi nghĩ, “Sao mà anh ấy nói thế được chứ? Mình còn chưa làm nên trò trống gì mà.” Anh chìa tay ra nắm lấy tay tôi, và nói một điều mà đến giờ tôi còn nhớ mãi: “Người mạnh mẽ nhất chính là người nhạy cảm hơn người khác, người sẵn sàng cởi mở và đối diện với chính con người thật của mình, rồi tiếp tục bước tới.” Thật nghịch lý, đúng không? Bởi bạn nghĩ, “Không, bạn phải mạnh mẽ – bạn là lãnh đạo, và bạn phải mạnh mẽ.”
Đó là một lời khuyên tuyệt vời. Tôi sớm nhận ra rằng tất cả chúng ta không ai tránh khỏi những lúc yếu đuối, bởi con người cũng là sinh vật dễ bị tổn thương. Điều quan trọng không nằm ở chỗ mọi thứ đều hoàn hảo đối với bạn, hay bạn có khả năng kiểm soát mọi thứ, mà chính là bạn gắn kết với người khác. Người ta có thể ngưỡng mộ bạn, tôn trọng bạn, nhưng họ chỉ có thể đồng cảm khi thật sự kết nối với bạn mà thôi.
Cũng trong mùa hè ấy, tôi phải chỉ huy dàn nhạc chơi bản Mass cung Đô trưởng của Mozart, một trong những kiệt tác của ông. Tôi gọi điện cho cha mẹ và nói, “Con muốn nói với cha mẹ rằng tối nay, nếu con có chết đi chăng nữa cũng chẳng sao. Cha mẹ không phải buồn bã gì cả. Con không muốn chết, nhưng chết cũng đâu đáng sợ bởi con đã có một cuộc sống hơn hẳn những gì con mơ ước.” Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc đó. Và đến giờ tôi vẫn còn mang theo cảm giác đó. Từ giây phút ấy, tôi xem mọi thứ khác đến với mình là những phần thưởng, là những điều ngoài mong đợi, hơn cả những gì người ta dám mơ đến.
Ước mơ có mục đích
Ken trở thành thầy của tôi, và ngay từ đầu anh đã nói, “Em phải có mục đích để lý giải cho những gì em đang làm. Em phải nghĩ về nó và viết ra. Và dù làm bất cứ việc gì, em cũng phải nhớ về mục đích ấy.” Tôi phải mất tám tháng mới hoàn thành. Rồi tôi nói với Ken, “Mục đích của em là mang đến cho thính giả thể loại nhạc thính phòng tuyệt vời nhất trong khả năng của em.” Anh đáp, “Tuyệt lắm, nhưng cả đời em chỉ muốn thế thôi sao?” Và chúng tôi tiếp tục đi tìm. Một thời gian sau, tôi lại nói, “Em muốn giáo dục con người ta bằng âm nhạc.” Và anh đáp, “Thật tuyệt!” Cuối cùng tôi cũng bày tỏ được những gì tôi muốn nói, “Em quyết định trở thành nguồn cảm hứng không ngừng mang đến những thay đổi tích cực cho thế giới thông qua âm nhạc.” Tôi thích phần “không ngừng” trong lời tuyên bố của mình – nguồn cảm hứng không ngừng mang đến những thay đổi tích cực bằng con đường âm nhạc. Tất cả những gì tôi làm đều hướng đến mục tiêu ấy, và nó ngày một to lớn hơn.
Sau mùa hè năm ấy, tôi trở lại việc học của mình tại trường âm nhạc Manhattan. Tôi bắt đầu nhận thấy sự vắng bóng của âm nhạc giao hưởng Mỹ Latin trên thế giới. Tôi nghĩ, “Tại sao không có mấy nơi chơi loại nhạc này? Nếu mình lập nên một dàn giao hưởng chỉ chuyên chơi dòng nhạc Châu Mỹ, chẳng phải tuyệt quá sao?” Đó chỉ là những gì tôi mơ ước khi ấy. Một ngày nọ, tôi nhận được cuộc gọi của Lãnh sự quán Mexico đề nghị tổ chức một buổi hòa nhạc truyền thống Mexico. Khi tôi trình bày kế hoạch của mình về dàn giao hưởng gồm 80 nhạc công, họ đáp, “Thế thì hơi quá khả năng chúng tôi. Chúng tôi chỉ định mời một ban nhạc thính phòng nho nhỏ thôi.”
Nhưng bởi tôi đã bỏ quá nhiều công sức vào kế hoạch này, nên tôi nghĩ hay mình nên đi tìm người có thể giúp tôi biến nó thành hiện thực. Tôi biết có một liên hoan âm nhạc mà tôi chỉ có thể tham gia nếu được tài trợ. Bất chợt tôi thấy mình đứng ở vị trí nhạc trưởng của dàn nhạc đó – nếu tìm được nguồn tài trợ. Tôi không có ban nhạc. Tôi cũng không có ban quản lý. Tôi chỉ đơn thuần dựa vào may mắn có được sự ủng hộ của ba người bạn, tuy không nghề nghiệp nhưng rất thông minh. Chúng tôi sống cùng nhau trong một căn hộ nhỏ xíu, và làm việc miệt mài 24 tiếng một ngày cho dự án này. Chúng tôi đã tổ chức một buổi hòa nhạc hết sức thành công. Rất nhiều thứ lẽ ra là đã sai lạc đi, nhưng thật may là không. Chúng tôi đã suy tính đến từng chi tiết nhỏ.
Sau buổi hòa nhạc, Ken hỏi tôi, “Em có tiếp tục không, chẳng lẽ chỉ một lần này rồi thôi, sau tất cả công sức em đã bỏ ra ư?” Tôi nói với anh rằng bấy lâu nay tôi ao ước về một ban nhạc giao hưởng như thế này. Và anh đáp, “Vậy giờ em hãy biến nó thành hiện thực đi.” Tôi hỏi anh, “Làm thế nào đây?” Anh trả lời, “Em phải tự tìm ra cách.”
Và thế là tôi nỗ lực phấn đấu – mọi thứ cứ thế diễn ra. Hết buổi biểu diễn này đến buổi biểu diễn khác. Rất nhiều người đến nghe một lần rồi trở thành thành viên ban quản trị của tôi. Tôi hỏi họ, “Anh/chị có thích buổi hòa nhạc không? Tuyệt! Thế anh/chị có muốn trở thành thành viên của chúng tôi không?” Họ là những con người tuyệt vời – và rất tài giỏi. Thật sự họ giúp tôi rất nhiều.
Giờ đây tôi đã đi được một chặng đường, nhưng cuộc phiêu lưu vẫn còn dài phía trước. Thật sự tôi nghĩ rằng những gì tôi làm trong âm nhạc là nguồn động lực thúc đẩy tôi – những sáng tác, âm thanh, kết cấu âm nhạc, và cả sự kết hợp âm thanh do nhiều người tạo ra. Khi tôi làm việc, đó là đam mê của tôi. Tôi yêu âm thanh ấy. Tôi muốn là người tạo ra những âm thanh ấy. Và tôi thích kết hợp chúng lại với nhau, pha trộn chúng như thể người họa sĩ pha màu. Tôi tận hưởng cuộc sống và mang tình yêu đó vào mọi việc tôi làm, trọn vẹn hết mức có thể.
Lãnh đạo song hành cùng ước mơ
Thế nhưng, vẫn có những lúc tôi thấy quá tải. Và không dưới một lần tôi cảm thấy mình sắp gục ngã. Tôi vẫn còn nhớ thời điểm tôi học lấy tấm bằng piano chuyên nghiệp. Tôi phải học rất nhiều. Tôi học suốt ngày, còn ban đêm tôi dành thời gian để xin tài trợ và quản lý dàn nhạc giao hưởng. Có lúc tôi tưởng mình phải chọn giữa việc học hay công việc – tôi sắp gục mất. Đó không phải là cuộc sống.
Rồi tôi tìm ra cách. Tôi nói với ban quản trị, “Được rồi, hoặc là ta đi quyên góp tiền đủ để thuê một giám đốc điều hành, hoặc là thôi luôn. Tôi không thể sống thế này nổi nữa.” Thế là ban quản trị chấp thuận đề nghị đó, và mọi thứ lại đâu vào đấy! Chưa hết, vào lần tôi lại ngấp nghé nguy cơ suy sụp – rồi đùng một phát – một nhạc sĩ khác ra tay giúp đỡ. Dự án lại tiếp tục, và tôi vẫn tiếp tục tham gia. Thế nhưng, bạn vẫn phải biết cách để bảo vệ mình. Bạn phải tỉnh táo. Bạn phải mạnh mẽ về tinh thần và khỏe mạnh về thể chất.
Tâm trạng của tôi thay đổi rất nhiều. Tôi không còn lúc nào cũng thấy hạnh phúc nữa. Rất nhiều lần tôi trở nên chán nản, thất vọng. Rất nhiều lần, tôi thấy mình bất tài. Thật sự thì tôi luôn mang theo cảm giác đó – rằng tôi có thể thất bại. Tôi tự kéo mình thoát ra bằng cách chuyển hóa ý nghĩa, “Mình chỉ cảm thấy thế thôi, chứ con người mình không phải như vậy.” Kurt Masur, người từng chỉ huy dàn nhạc Philharmonic New York đã phát biểu, “Nếu bạn cho rằng họ sẽ thương yêu bạn, thì nên quên đi – đừng theo nghề nhạc trưởng. Nếu bạn nghĩ họ sẽ ca ngợi và khen bạn thật tuyệt, đừng phí thời gian nữa. Bởi nếu bạn cứ bám víu vào những chuyện như thế, bạn sẽ chẳng thể nào có được.” Bạn phải sống vì âm nhạc. Mấu chốt nằm ở việc đúng thời điểm và gắn kết mọi người lại với nhau.
Lần nào gọi điện cho cha, tôi cũng nói, “Ôi, cái người đó, anh ta làm như vậy và khiến con thấy bất an,” Cha tôi sẽ đáp, “Vậy thì tuyệt chứ sao! Đây là tin vui nhất trong ngày của cha vì như vậy có nghĩa là con sẽ tiếp tục trưởng thành.” Khi có chuyện khiến tôi lao tâm khổ tứ như thế, thì giải pháp là bắt tay vào giải quyết nó. Đừng để mọi thứ phát sinh thêm nữa. Nếu người kia vẫn không tìm cách cải thiện, thì người đó phải tự gánh lấy hậu quả.
Từng có vô vàn hiểu lầm và khó khăn trong giao tiếp nảy sinh chỉ vì quan điểm. Với vai trò nhạc trưởng, hãy tưởng tượng bạn đứng trước các thành viên trong dàn giao hưởng và tập dượt. Bạn chưa gặp ai trong số các nhạc công này trước đây. Và bạn thấy người chơi đàn viola thứ ba quay sang thì thầm gì đó với các nhạc công bên cạnh, rồi họ cười. Ngay lập tức bạn sẽ nghĩ, “Chắc họ cho rằng mình dở tệ.” Tôi đã học được điều này từ rất nhiều người – như chồng tôi chẳng hạn, người luôn tìm cách nhìn vào mặt tốt đẹp của con người – đừng luôn mặc định là điều xấu. Tôi nhớ có lần tôi cảm thấy bị một nhóm nhạc công có vẻ chống đối và xét nét. Ban đầu, tôi không nói gì cả bởi tôi nghĩ, “Chắc họ cho rằng mình không giỏi. Và bạn biết gì không, tôi không giỏi thật, họ đúng đấy.” Mọi thứ cứ diễn ra như thế, cho đến một ngày nọ tôi kêu lên, “Thôi đủ rồi.” Tôi gọi họ ra một chỗ và bảo, “Tôi có thể nói chuyện với các anh một lúc được không? Tôi cảm thấy các anh không ủng hộ tôi. Tôi cảm thấy các anh không tôn trọng tôi. Mỗi khi tôi cần nói gì đó, có vẻ như các anh không muốn nghe bởi các anh tưởng mình đã biết hết rồi.” Họ đáp, “Chúng tôi lại tưởng chị không thích cách chúng tôi chơi nhạc. Vậy nên chúng tôi chẳng biết phải làm gì cả, bởi chúng tôi muốn làm cho chị hài lòng nhưng lúc nào trông chị cũng khó chịu.” Nếu tôi không trao đổi thẳng thắn như thế, hẳn sự hiểu lầm sẽ biến thành một con quái vật giằng xé trong tôi.
Sống với ước mơ
Và đây là những gì tôi quan niệm. Bạn phải làm tốt công việc của mình. Bạn phải luôn sẵn sàng. Bạn phải như thế. Bạn phải đúng giờ. Bạn phải nghiêm túc. Bạn phải làm việc. Nhưng các thành viên của dàn giao hưởng còn muốn thấy bạn là một con người thật sự nữa. Và chính giây phút bạn chia sẻ những điều như thế, thậm chí có hơi ngốc nghếch một chút, hoặc hơi quá một chút, khi họ thấy bạn không còn khép kín nữa và bạn làm vì quyền lợi chung của ban nhạc – khi bạn mở lòng ra – mọi người thật sự thích điều đó.
Nếu cả đội ngũ yêu công việc họ làm và muốn làm mọi thứ ngày một tốt hơn, và nếu họ nhận ra được sự tiến bộ, thì chẳng ai còn quan tâm chuyện lãnh đạo nhóm có xinh đẹp hay hoàn hảo không. Nếu họ cảm nhận được rằng khi bạn đứng trên cái bục kia, họ gặt hái được nhiều thành công hơn, thì họ sẽ thương yêu bạn. Nhưng không phải chuyện họ có thương yêu bạn hay không. Chỉ là họ muốn gặt hái thành quả mà thôi.
Nguồn năng lượng nằm ở con người. Âm nhạc thật tuyệt vời, nhưng nó sẽ không tồn tại nếu không vì con người. Khi tôi gắn bó với một số thành viên trong dàn giao hưởng, tôi thấy trong mắt họ chúng tôi đang cùng chí hướng – và đối với tôi, như thế là đủ. Đó là điều tuyệt vời nhất. Bạn có thể thấy rằng bạn đang giao tiếp với con người ấy, ở một mức độ khác hẳn, hoàn toàn thuần khiết. Đừng quan tâm việc bạn là ai – tất cả nằm ở thời khắc bạn kết nối được với người đó. Và đó cũng là những gì xảy ra trong lòng thính giả, thậm chí hơn thế. Và khi cả nhóm cùng cảm nhận được điều tương tự, bạn thật sự đã khơi dậy nguồn âm nhạc làm biến đổi cả thế giới. Một cảm giác đặc biệt. Còn gì tuyệt vời hơn?
[sach_cachnguoiphunuxuatchunglanhdao]
Leave A Comment