Trước khi bắt đầu chương này, tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện của nhà văn Đan Mạch Andersen, người được mệnh danh là ông hoàng của truyện cổ tích. Câu chuyện kể về một ông lão, vào những ngày giáp Tết, dẫn con bò cái tơ tuyệt đẹp nhà mình đi bán ở chợ phiên trên tỉnh. Ra khỏi ngõ được một đoạn, ông lão gặp một người đi chợ, người này cất tiếng chào và hỏi ông đi đâu. Ông lão hào hứng nói, “Chả là tôi dắt con bò cái, gia tài quý nhất của nhà mình đi bán để mua cái gì đó hay hay cho bà lão nhà tôi ấy mà”. Người này nghe thấy thế bèn gạ, “Cháu cũng đang muốn mua một con bò cái về vắt sữa cho lũ nhỏ, vừa hay lại gặp ông. Hay là ông đổi con bò cái lấy con bê xinh tuyệt của cháu nhé. Gớm, hàng xóm ai cũng ghen với nhà cháu vì con bê này đấy ạ”. Ông lão gật gù nhìn con bê, nó đẹp thật và ông hình dung trong đầu cảnh con bê tung tăng gặm cỏ trong mảnh vườn nhỏ trước nhà. Thế là cuộc trao đổi diễn ra.
Đi thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một người dắt một con ngỗng oai vệ đi bên lề đường. Chủ con ngỗng nghe chuyện của ông lão lại nài ông đổi bê lấy ngỗng. Cứ thế cho đến khi ông lão lên được chợ tỉnh thì ông đã đổi qua đổi lại được mấy lần. Cuối cùng khi vào quán nước làm một ly rượu cho ấm bụng thì cái mà ông có chỉ là một túi táo khô vàng óng.
Hôm ấy trong quán còn có hai quý ông người Anh đi du lịch, họ biết tiếng Đan Mạch nên chăm chú nghe câu chuyện của ông lão khi ông hào hứng kể cho mọi người nghe về sự tích túi táo còi. Cả hai không giấu được nỗi kinh ngạc, đổi chác kiểu gì mà mỗi lần đều hớ to như vậy!
Một trong hai ông khách góp chuyện, “Phen này chắc ông sẽ bị bà nhà dần cho một trận nhớ đời”. Nhưng ông lão khẳng định rằng bà lão nhà mình chắc chắn sẽ vui sau mỗi “thương vụ” của mình. Cuối cùng hai quý ông người Anh đứng ra cá độ (chẳng là người Anh từ ngày xửa ngày xưa đã khoái trò cá cược mà), rằng nếu quả thật bà lão không trách cứ chồng lấy một lời thì họ sẽ mất cho ông cụ hai túi tiền vàng, đủ để cho ông mua hai chục con bò cái tơ, còn nếu bà lão cho chồng một trận nên thân thì ông lão sẽ phải đãi họ một bữa ra trò ở quán ăn đầu tỉnh.
Thế là cả ba người kéo nhau đi về ngôi nhà nhỏ nằm ở bìa làng. Chưa vào đến ngõ ông cụ đã lên tiếng, “Bà nó ơi, ra xem tôi đem về cho bà thứ gì này”. Nói thế nhưng ông cụ còn giấu chưa cho vợ biết là mình đem cái gì về. Đầu tiên, ông kể chuyện đổi con bò lấy con bê. Bà lão vỗ tay hào hứng reo lên:
“Ôi tuyệt quá, từ hồi nào đến giờ tôi chỉ ước có một con bê.”
“Nhưng tôi lại đổi bê lấy một con ngỗng rồi.”
“Vậy hả, ông rõ thật hiểu ý tôi. Ngỗng là loài vật đẹp, tôi vốn thích từ xưa, với lại nó giữ nhà tốt đáo để.”
“Nhưng tôi lại đổi ngỗng lấy một con gà mái.”
“Thì đã sao nào! Vài bữa nữa nhà ta sẽ có trứng tươi để ăn.”
Cứ thế cho đến khi ông lão bảo cuối cùng mình đổi được một túi táo khô thì bà lão tỏ ra vui sướng hơn bao giờ hết, bà nhảy lên ôm cổ chồng hôn vào má đến chụt một cái, “Ôi, ông đúng là ông chồng tuyệt nhất trên đời. Vừa mới sáng nay tôi định nấu nồi súp, chỉ thiếu mỗi mấy quả táo khô, sang xin nhà bên cạnh thì bà hàng xóm làm khó dễ. Thế là tôi chẳng cần xin nữa mà còn sang cho táo để bà ta biết mặt”.
Chứng kiến cảnh ấy, hai du khách người Anh không thể tin vào mắt mình. Họ tặng hai vợ chồng già hai túi tiền vàng mà lòng rất vui và còn nói rằng chuyến đi của họ thật vô cùng ý nghĩa.
Chắc bạn khó mà tin vào câu chuyện này nhưng tôi thì tin. Không bàn đến ý nghĩa luân lý của câu chuyện mang đậm ý nghĩa nhân văn này, điều mà chúng ta thấy được là trên đời có những người, bất kể chuyện gì xảy ra với mình, bao giờ cũng nhìn thấy mặt tươi sáng của vấn đề và đó là một trong những điều mà chúng ta sẽ bàn tới trong chương này.
Sau nhiều năm đi tìm câu trả lời cho vấn đề: yếu tố nào có tầm quan trọng bậc nhất trong việc quyết định thành công của một học sinh, chúng tôi hiểu ra rằng, thì ra yếu tố quyết định ấy may thay không phải là môi trường và hoàn cảnh (điều kiện xã hội, hoàn cảnh xuất thân, nhà trường, bạn bè v.v…) mà là nhận thức của học sinh đó về những việc xảy ra xung quanh mình và cái cách mà cậu ta phản ứng lại với những sự việc đó. Tôi nói may là vì nếu thành công của một người chủ yếu phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan, thì chẳng hóa một một dòng họ giàu sang ở một đất nước thanh bình sẽ giàu có đời đời kiếp kiếp sao? Ngược lại, những người nghèo khó thì phải chịu kiếp nghèo từ đời này sang đời khác ư?
Thật ra đây cũng chẳng phải là phát hiện mới mẻ gì, từ rất lâu các cụ ngày xưa đã nói, “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Yếu tố làm nên sự thay đổi ấy chính là ở cách nghĩ, cách phản ứng của chủ thể đối với hoàn cảnh khách quan.
Có vô số ví dụ cho nhận định này. Tại sao cùng phận thi rớt mà sĩ tử này mất hết tinh thần về nhà mang sách đi đốt, còn thí sinh khác lại quyết tâm dùi mài kinh sử để thi đậu bảng vàng mới thôi?
Cớ sao thằng bé này xông vào đánh nhau với bạn khi bị bạn bè chọc quê là ngu dốt, trong khi cậu bé khác thay vì dùng nắm đấm để khẳng định mình lại chú tâm học hành thật giỏi để một ngày kia chứng minh cho lũ bạn đã gọi mình ngu dốt biết rằng ai giỏi hơn ai?
Sao trong cùng một lớp, có những đứa trẻ kêu trời kêu đất khi thầy cô giao thêm bài về nhà lại có những em sẵn sàng chấp nhận vì biết rằng nếu chăm chỉ luyện thêm ở nhà, thì những điểm mười trong kỳ thi tới không phải là điều quá khó?
Một lần nữa, dưới ánh sáng của phát hiện trên, sự khác biệt nằm ở cách mà mỗi đứa trẻ nhận thức về những điều xảy ra với mình và cách mà chúng phản ứng lại với những điều đó.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment