Vừa qua, sự kiện Ngày hội sách và Văn hóa đọc được tổ chức tại Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Rõ ràng đây là một việc muộn còn hơn không…
Vì ai cũng biết rằng, bất cứ nền văn hóa của một quốc gia nào cũng phải dựa trên nền tảng giáo dục. Trong khi nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang gây nhiều bức xúc lớn trong xã hội mà một trong những hạn chế của nó chính là không xây dựng được một nền văn hóa đọc cho đúng nghĩa. Chả thế mà tại ngày hội vừa qua, được tổ chức tại Văn Miếu, GS Chu Hảo đã tâm sự: “Tôi xin giới hạn hiểu biết của tôi về văn hóa đọc. Nếu hiểu văn hóa đọc bao gồm thói quen đọc sách, cách lựa chọn sách và phương thức đọc, thì văn hóa đọc của chúng ta thấp không chỉ so với yêu cầu phát triển của đất nước, mà nó thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác. Văn hóa đọc của ta đã cao bao giờ đâu mà có chuyện xuống thấp?”. Sự băn khoăn của GS Chu Hảo là có cơ sở. Phải chăng câu hỏi “thế nào là văn hóa đọc, văn hóa đọc có vai trò như thế nào đối với xã hội” vẫn đang còn là một thách thức với nhiều nhà nghiên cứu.
Nói đến văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, một nhà phê bình văn học đã thốt lên “Sự thực là những người đọc trẻ hiện nay chẳng mấy thiết tha với văn hóa đọc, nhất là đọc những tác phẩm văn chương… Vì không quan tâm đến chuyện đọc văn học trong nước và kể cả văn học dịch, nên họ đã tự chuốc lấy một hệ lụy nhãn tiền là có nhiều người trong số đó giờ đã không thể viết tiếng Việt một cách trong sáng nữa, nghĩa là họ không thể sử dụng tiếng mẹ đẻ thật thành thục, như đúng ra, thứ ngôn ngữ ấy phải thế một cách mặc nhiên…”. Nói không quá, nạn viết sai, nói sai là không hiếm.
Bây giờ, thế hệ trẻ hiện nay được văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn thường chỉ nặng về tính thông tin và giải trí, nhẹ về tính giáo dục và bồi dưỡng tri thức. Trong khi ấy, với văn hóa đọc lại là sự ngược lại. Về tổng thể, văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc sẽ bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Tại những quốc gia tiên tiến và có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc bao giờ cũng có một vị trí xứng đáng.
Đối với mỗi con người, sự học không chỉ đóng khung dưới mái trường, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Nhà sư phạm Xô viết lỗi lạc Kharmalov cho rằng: “việc học tập hay sự đọc nói riêng cần được xem là biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Thế nhưng ở nước ta, đã từ lâu rồi người ta không còn có thói quen đọc sách. Các trường học đã đánh mất hẳn việc dạy cho trẻ em thói quen đọc sách và ngay ở mỗi gia đình, các em cũng không còn được truyền dạy thói quen đọc sách. Và thế là việc bỏ rơi những yếu tố cơ bản nhất, gồm thói quen đọc, khả năng lựa chọn sách và cách đọc – bộ ba cốt lõi của khái niệm văn hóa đọc. Còn ở các nước tiên tiến, người ta dạy điều này cho trẻ từ khi cắp sách đến trường tiểu học.
Đã có khuyến cáo rằng điều đáng buồn và đáng lo ngại hơn cả là: ngày nay có hai đối tượng cần phải đọc nhất là học sinh – sinh viên và những người lãnh đạo (mọi cấp, mọi lĩnh vực) thì chính họ lại là những người ít đọc sách nhất. Học sinh thì bận học đến mức tối tăm mặt mũi; còn lãnh đạo thì bận đi họp triền miên, không có thời gian mà quan tâm đến sách.
Làm sao để nâng tầm văn hóa đọc Việt Nam, để giải quyết vấn đề này thì không hề đơn giản. Bất luận thế nào, đầu tiên là phải có nhiều sách hay để người ta thích đọc, giá sách phải rẻ để nhiều người mua được và phải có hệ thống thư viện đảm bảo về mọi mặt để ngày càng có nhiều người đến đọc sách.
Những người lạc quan luôn tin vào sức mạnh bất diệt của văn hóa đọc, rằng văn hóa đọc sẽ không lụi tàn. Ngược lại, văn hóa đọc sẽ dần dần trở lại ví trí đúng của mình sau cơn chao đảo. Bởi lẽ các loại hình văn hóa thường chỉ bổ sung cho nhau chứ không thể triệt tiêu lẫn nhau. Còn nữa, văn hóa đọc bao giờ cũng có sứ mạng lớn và đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách có hệ thống và sâu sắc mà văn hóa nghe, nhìn không thể làm được.
Đại Đoàn Kết
[sach_trenbucgiang]
Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước là chính sách, đường lối và ứng xử hàng ngày nhằm phát triển nền văn hoá đọc. Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc có giá trị và lành mạnh cho mọi người đọc khác nhau và sự thuận tiện của tài liệu đọc đến với người đọc (thông qua các loại cửa hàng sách và các loại hình thư viện, phòng đọc sách). Nghĩa là người đọc, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nơi cư trú đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc giá trị họ mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện chính cuộc sống của họ.