Thật ra, điều gì khiến cho phần lớn doanh nhân chỉ hùng hục làm việc cho công ty mà bỏ qua việc định hướng phát triển công ty? Tôi tin rằng có hai yếu tố chính: thái độ sai lầmthiếu hụt kiến thức.
Trong quãng thời gian 5 năm ngắn ngủi, tôi và các cộng sự đã xây dựng AKLTG thành một trong những trung tâm đào tạo lớn nhất và đa dạng nhất trong khu vực với hơn 100 nhân viên. Ngược lại, phần lớn đối thủ của tôi chỉ lèo tèo có từ một đến năm nhân viên, dù họ có thâm niên trong ngành hơn hẳn tôi. Vậy thì điều gì cản trở họ phát triển kinh doanh?

Tôi phát hiện ra rằng trên đời có nhiều người thích ôm đồm mọi việc hơn bạn tưởng. Họ đinh ninh rằng “ngoài mình ra chẳng ai làm tốt được việc này”, rằng “chẳng tin ai được, nếu muốn mọi việc suôn sẻ, mình phải tự tay làm thôi”, rằng “nếu tôi rút ruột truyền nghề cho nhân viên, nhỡ gặp kẻ xấu bụng học được nghề rồi lại xin nghỉ và cướp đi khách hàng của tôi thì sao”. Chính những lo ngại và tầm nhìn thiển cận này đã khiến họ phải gồng mình lên đèo bòng hết mọi việc (cả huấn luyện và đứng lớp giảng dạy), thay vì tập trung xây dựng hệ thống và thuê các chuyên viên đảm nhiệm những công việc hoạt động. Vì thiếu lòng tin và mang tâm lý không dám chia sẻ, cuối cùng họ tự trói mình vào guồng máy không dứt ra được.

Bạn thấy đó, bạn phải bắt đầu với cách nghĩ rằng bạn sẽ gây dựng một công ty có thể cho ra kết quả đồng nhất, cho dù bạn có trực tiếp làm hay không. Hãy hình dung công ty như cái máy in tiền. Nhiệm vụ của bạn là làm sao sản xuất ra nhiều cái máy như thế để đem bán cho bất kỳ ai và mang lại cho bạn một nguồn thu ổn định. Trong phần còn lại của chương này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn cách thức xây dựng mô hình chiếc máy in tiền này: gọi là quy trình phát triển công ty.

[sach_biquyetxaydungconghiepbacty]