Sigmund Freud được xem là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại đầu thế kỷ XX. Ông khám phá ra sự tồn tại của tiềm thức, chữa trị chứng rối loạn tâm thần, giải mã giấc mơ, là nhà phân tâm học tiên phong trong lĩnh vực này và có những nghiên cứu quan trọng về chứng liệt đại não.
Vậy mà vào những năm cuối đời, ông đã thú nhận, “Một câu hỏi lớn chưa có lời đáp, câu hỏi mà cho dù một người đã bỏ ra hơn 30 năm nghiên cứu tâm lý phụ nữ như tôi vẫn chưa có câu trả lời, ‘Phụ nữ thật sự muốn gì?’ ”
Phái nam đã tìm hiểu về vấn đề này suốt cả nghìn năm. Đôi khi ta cứ ngỡ mình đã tìm ra câu trả lời. Phụ nữ mong muốn được yêu thương, quan tâm, thích sự chân thành, vẻ đẹp, gắn bó lâu dài, ân cần, ổn định, được đồng cảm và ngưỡng mộ. Ít nhất đó cũng là nhu cầu của đa số. Vậy mà vẫn sai. Những gì phụ nữ thật sự muốn – hãy xem cách họ gật đầu đồng ý thì rõ – chính là sô-cô-la.
99% phụ nữ được hỏi đều trả lời họ thích sô-cô-la. (Rõ ràng là 1% còn lại không đáng tin cậy.) Ngay cả đàn ông cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ với món này.
Sô-cô-la hiện đang là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 60 nghìn tỷ đô-la. Một người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng 6 ký sô-cô-la mỗi năm (riêng trong dịp Valentine, người ta đã bán được hơn 29 triệu ký sô-cô-la). Ở Thụy Sĩ, Áo, Đức, Ai-len, Anh, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển và Úc, người ta còn ăn sô-cô-la nhiều hơn ở Mỹ.
Công thức làm sô-cô-la này có bề dày lịch sử lâu dài và thú vị. Những người Mỹ đầu tiên đã bắt đầu trồng hạt ca-cao cách đây hơn 3.000 năm. Người Maya dùng chúng để chế biến thành một thứ nước thánh để dâng cho nhà vua hoặc đặt trong lăng tẩm của giới quý tộc để họ có thể thưởng thức ở thế giới bên kia. Dân thường cũng rất thích món này. 500 năm trước, nhà sử học người Tây Ban Nha, Oviedoy Valdes, có viết, “Những người da đỏ thuộc khu vực Trung Mỹ có thói quen quết từng mảng ca-cao lên cơ thể nhau rồi bắt đầu nhấm nháp.” (Không có ghi chép nào về kết quả bùng nổ dân số sau đó cả.) Khi Columbus đến châu Mỹ, ca-cao trở thành mỏ vàng của châu lục. Và không lâu sau đó, nhu cầu ca-cao của những người châu Âu ở quê nhà rộ hẳn lên.
Hiện nay, thế giới sản xuất hơn 3 triệu tấn hạt ca-cao mỗi năm. Thế nhưng loại hạt này – thứ mà nhà thực vật học người Thụy Sĩ Carolus Linnaeus và (ôi dào) vợ tôi gọi là “thứ thuốc tiên trời cho” – lại rất đỏng đảnh. Muốn trồng được nó cần có mùa mưa dài và thổ nhưỡng màu mỡ, vị trí địa lý dao động trong khoảng 20 độ cận xích đạo. Và ca-cao, cũng giống như những người thích nó, rất thất thường. Loài cây này thích độ ẩm cao, cần được cắt tỉa thường xuyên và bảo vệ khỏi vật gây hại.
Nhưng như thế cũng đáng. Sô-cô-la không chỉ có mùi vị hấp dẫn, mà xét về phương diện hóa học, nó còn là loại thực phẩm gần như hoàn hảo.
Một nghiên cứu năm 2006 của Johns Hopkins cho biết mỗi ngày ăn một ít sô-cô-la sẽ có lợi cho sức khỏe. Ca-cao có tác dụng giúp cơ thể sản sinh ra ô-xít ni-trích, một hợp chất có lợi cho tuần hoàn máu và huyết áp. Nó chứa những tác nhân chống khuẩn giúp ngừa sâu răng. Bơ ca-cao trong sô-cô-la chứa a-xít oleic, một loại chất béo không bão hòa đơn giúp tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể. Sô-cô-la còn chứa phenyl ethylamine (chất làm dịu tinh thần) và flavonoid giúp mạch máu đàn hồi hơn. Nghiên cứu cho thấy mỗi tuần ăn một ít sô-cô-la sẽ giảm nguy cơ đột quỵ từ 25% đến 45%.
Tuy nhiên sô-cô-la sữa lại chứa nhiều ca-lo, đường và chất béo bão hòa. Và nếu bạn muốn ăn sô-cô-la để tốt cho sức khỏe – thì chớ đùa – chỉ dùng sô-cô-la đen mà thôi. Sô-cô-la đen chứa nhiều ca-cao và ít đường.
Ca-cao chứa rất nhiều khoáng chất tự nhiên. Nó là nguồn cung cấp chất đồng trong chế độ ăn hằng ngày và có hàm lượng chất chống ô-xi hóa tương đương với trà xanh, giúp tránh bệnh tim và giảm căng thẳng. Sô-cô-la đen giàu polyphenol tương đương với rượu đỏ. Sô-cô-la còn cung cấp năng lượng. Ăn sô-cô-la là một cách đơn giản để bạn lấy sức trước và trong khi hoạt động với cường độ cao.
Ngoài ra, sô-cô-la còn có lợi về mặt thần kinh. Nó giúp tăng cường sự sản sinh serotonin và phóng thích endorphin. Nó chứa phenylethylamine, một hợp chất não bộ thường tiết ra khi bạn đang yêu. Ăn sô-cô-la khiến nhiều phụ nữ có được trạng thái “thăng hoa” tự nhiên, một cảm giác ngây ngất.
Nhiều nhà nghiên cứu còn tin rằng sô-cô-la giúp làm chậm quá trình lão hóa. (Tôi vẫn nghi ngờ nhưng nếu tin thì bạn có mất gì đâu?)
Đương nhiên chúng ta cũng đừng quá trông cậy vào nghiên cứu này. Hiếm có bác sĩ nào nói, “Anh đi mua một thanh kẹo ăn rồi sáng mai gọi tôi báo kết quả” đâu. Làm gì có thứ sô-cô-la nào thay được thuốc thang chứ.
Tuy nhiên suy nghĩ của nhiều người về nó đã thay đổi. Thời tôi còn nhỏ, ai cũng bảo sô-cô-la sẽ làm bạn béo, nổi mụn và sâu răng. Thế nhưng khoa học hiện đại đã phản bác quan điểm này.
Và lợi ích mà sô-cô-la mang lại không chỉ về mặt sinh lý mà cả thẩm mỹ. Sô-cô-la là nét chấm phá tao nhã cuối cùng cho một bữa ăn ngon – hay một món đặc biệt để ngồi nhấm nháp.
Ngay cả khi tài chính eo hẹp, bạn vẫn có thể mua được sô-cô-la. Chuyên gia làm bánh Norman Love nói, “Chỉ mất 5 đô là bạn đã có thể mua được 2 thanh sô-cô-la ngon nhất thế giới. Nữ hoàng Anh cũng chỉ tìm được loại ngon đến thế mà thôi.”
Sô-cô-la cao cấp cũng không kém cạnh gì rượu vang ngon. Người ta nhận biết nó thông qua mùi hương, độ đậm đặc, cảm giác khi vừa nếm và độ sánh mịn của kẹo. Bạn nhớ thong thả nhìn, ngửi, nếm và chầm chậm thưởng thức. Một nhà ẩm thực người Pháp nói rằng, hãy biết ơn “vì Thượng Đế và hơn 2.000 năm văn minh nhân loại đã kết tinh nên miếng ngon đầu lưỡi bạn.”
Sô-cô-la là thứ luôn nhắc ta nhớ về những tháng ngày tươi đẹp nhất thời thơ ấu. Nó gợi lên cảm giác vui sống và rõ ràng là có lợi cho sức khỏe. Không chỉ ngon, nó còn giúp bạn sống lâu hơn. Chẳng lạ gì chuyện phụ nữ xem sô-cô-la đứng hàng thứ hai sau không khí.
Vì thế, thay vì hoa hay rượu sâm-banh, lần sau hãy thử đem về nhà một thanh sô-cô-la lớn với nhân lỏng ca-cao đen đậm đặc hiệu Ghirardelli. Rồi tránh ra chỗ khác. Chắc chắn bạn không muốn xen vào giữa một người phụ nữ và thanh sô-cô-la của nàng đâu.
Chuyện này chẳng mang lại kết cục tốt lành gì cho bạn.
[sach_trencagiauco]
Leave A Comment