Chế độ gia trưởng vẫn còn khá phổ biến ở các nước Đông Á, nó trao cho người làm cha mẹ quyền tối cao trong gia đình. Hiện tượng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” không chỉ xảy ra trong chuyện học hành, tiến thân, cư xử mà nhiều khi còn cả trong chuyện chung thân đại sự như hạnh phúc trăm năm nữa. Nhờ cái quyền tối cao ấy mà cha mẹ có thể điều chỉnh hành vi của con cái bằng bất cứ biện pháp nào, và có tác dụng nhanh nhất vẫn là những lời trách mắng, răn dạy, đe dọa thậm chí cả vũ lực.

Nhiều thế hệ trẻ được nuôi dạy nên người bằng những lời mắng mỏ hoặc thậm chí đòn roi. Không thể phủ nhận được rằng trong quá khứ, phương pháp đó tỏ ra khá ổn. Trẻ lớn lên không dám làm trái ý người lớn và vẫn trở thành những công dân tốt. Nhưng ở một góc độ nào đấy, có thể nói chế độ gia trưởng sản sinh ra nhiều người chưa bao giờ thật sự sống cuộc đời của mình. Họ đi học trường này chứ không phải trường kia là theo ý người lớn trong nhà, làm bác sĩ hay kỹ sư cũng vì phụ huynh muốn thế, thậm chí kết hôn với một người lạ hoắc chứ không phải người mình yêu thương cũng là để chiều lòng cha mẹ nốt. Vẫn biết rằng cha mẹ chỉ muốn những điều tốt nhất cho con, nhưng hình như vẫn có điều gì đó không ổn và cho đến tận cuối đời, nhiều người vẫn ôm một nỗi nuối tiếc rằng trong đời, mình chưa được một lần sống cho ra sống.

Nhưng không phải tất cả mọi đứa trẻ đều ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ. Có nhiều em bất mãn, chống đối, đơn giản chỉ vì chúng không muốn làm theo ý chí của cha mẹ (về vấn đề này chúng ta đã tìm hiểu kỹ trong chương năm về năm nhu cầu cảm xúc của trẻ). Xã hội càng hiện đại thì số trẻ như vậy càng nhiều hơn, đặt ra thách thức cho các nhà giáo dục và cha mẹ phải xem lại những vấn đề về kỷ luật.

Đa số các nhà giáo dục và bậc phu huynh đồng ý rằng không thể nuông chiều trẻ, mặc cho chúng muốn làm gì thì làm, vẫn phải có biện pháp khiển trách trẻ khi chúng phạm lỗi. Vấn đề là làm thế nào để góp ý hoặc khiển trách trẻ mà không hạ thấp chúng, không khiến chúng chống đối lại cha mẹ và quan trọng hơn cả là giúp chúng tiếp thu ý kiến để điều chỉnh bản thân. Có cách nào để người phê bình và đối tượng bị phê bình vẫn vui vẻ hợp tác với nhau, không tạo nên thương tổn cho bất cứ bên nào không? Điều đáng mừng là việc đó có thể thực hiện được, miễn là các bậc cha mẹ tuân thủ và áp dụng một số phương pháp mà chúng tôi sẽ giới thiệu sau đây.

Bạn có thể học cách khiển trách và áp dụng hình thức kỷ luật sao cho con trẻ trưởng thành hơn sau mỗi lần phạm lỗi, có ý chí đứng lên sau mỗi lần vấp ngã để đi tiếp. Hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời nào đó, bạn có thể đến vỗ vai con nói chuyện về những lỗi lầm của chúng mà không làm cho chúng chống đối hay bỏ ngoài tai mọi lời khuyên răn. Thay vì thế, chúng hiểu rõ và thậm chí còn biết ơn cha mẹ đã chỉ ra lỗi lầm của mình, dù chúng có nói ra miệng hay không. Có thể bạn nghĩ đó chỉ là một giấc mơ viển vông, nhưng bạn hãy tin đi, mọi thành công đều dựa trên lòng tin vào những việc tưởng chừng như không thể xảy ra.

Trong những chương trước, chúng ta đã bàn về nhiều chủ đề. Một là cách nói chuyện với con cái sao cho chúng hợp tác với cha mẹ. Hai là năm nhu cầu cảm xúc thúc đẩy trẻ và cách cha mẹ giúp khơi dậy và nuôi dưỡng lòng tự trọng – tự tin trong con cái. Chúng ta có thể áp dụng những hiểu biết đó vào việc góp ý phê bình con cái. Nhưng trước khi tiếp tục, chúng ta hãy cùng ôn lại những vấn đề sau:

Khi còn là học sinh, chắc bạn cũng chẳng thích những quy định và kỷ luật trong nhà trường vì nó ràng buộc tự do của bạn. Phải đi học đầy đủ và đúng giờ, ngồi trong lớp không được nói chuyện riêng, không được chép bài của bạn khi làm bài thi, v.v. Em nào vi phạm nhiều lần sẽ bị khiển trách trong lớp, trước toàn trường, ghi vào học bạ, thậm chí bị đuổi học. Đó là những quy định cần thiết mà nếu không thực hiện thì đa số các trường học trên đời sẽ phải đóng cửa mất.

Trẻ có thể không thích học và thậm chí ghét học. Nhưng khi chúng hiểu rõ rằng ai cũng phải học nếu muốn có nhiều lựa chọn ở tuổi trưởng thành, rằng hạnh phúc cũng như thành công của chúng phụ thuộc nhiều vào việc chúng học như thế nào trong giảng đường ngày hôm nay, chắc chắn trẻ sẽ học tập tự giác hơn để đạt kết quả tốt.

Bất cứ một tập thể nhỏ nào (ở đây là gia đình) cũng phải có những quy định thành văn và bất thành văn buộc mọi thành viên tuân theo để cuộc sống chung bớt đi những xáo trộn, gây ảnh hưởng đến từng thành viên. Khi đứa trẻ phạm quy và bạn nghĩ cần phải nhắc nhở hay áp dụng biện pháp kỷ luật thì việc mà bạn phải làm là giúp con cái nhận ra lợi ích đằng sau những biện pháp ấy. Khi bị người lớn rầy la, trẻ có khuynh hướng chỉ biết đến cảm xúc tiêu cực trong lòng mà bỏ qua nguyên cớ tốt đẹp hàm chứa trong mỗi lời phê bình con trẻ của chúng ta. Suy cho cùng, kỷ luật là gì nếu không phải là một biện pháp làm cho trẻ tốt hơn? Nếu không làm cho trẻ hiểu được điều đó thì dù bạn có la mắng hay đánh đòn cũng chẳng có tác dụng gì nhiều.

Xin bạn hãy nghĩ về điều này một chút, chúng ta thường trách mắng con cái như thế nào? Có phải bạn khiển trách con theo một nghĩa tích cực nhất, tức là khiến chúng tiếp nhận một cách dễ dàng? Hay chúng ta chỉ la mắng con cho hả cơn giận dữ, thất vọng đang sôi sục trong lòng, còn bất kể chúng tiếp nhận ra sao cũng mặc? Bạn nghĩ con mình có cảm giác ra sao khi bạn trách móc, đay nghiến hay mắng chửi chúng? Đối tượng tiếp nhận thường không nhớ những lời bạn nói mà chỉ nhớ cảm giác mà bạn dấy lên trong lòng chúng, đó là vì trí nhớ phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái cảm xúc. Nếu muốn con cái ghi nhớ những điều ĐÚNG ĐẮN, bạn phải đặt chúng vào tâm trạng PHÙ HỢP trước đã.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH