Trong chuyến bay về New York sau cuộc gặp với khách hàng ở Paris, Georgia Lee nhớ mình đã nghĩ trong đầu, “Thật tuyệt, ở tuổi 23 mình đã làm được điều này. Thật là tuyệt quá! Đây là cuộc sống của mình!” Nhưng ánh hào quang vụt tắt. “Một cảm giác nặng nề trong lòng tôi vặc lại, ‘Sẽ thật tuyệt nếu đây là điều mày muốn. Nhưng mày có thật sự muốn thế không? Mày muốn điều gì nhất trong cuộc đời này?’ Và đó là lúc tôi bắt đầu tự mình khám phá.”

Khám phá đó đã lái cô từ con đường kinh doanh trở thành một nhà sản xuất phim. Cuối cùng, bộ phim cô thực hiện đã đoạt giải trong Liên hoan phim Tribeca & Sundance. Có vẻ như đó là một ngã rẽ bất ngờ, nhưng thật ra, đó chính là kết quả của muôn vàn quyết định và nhiều bước đi nho nhỏ. Mãi đến khi nhìn rõ trước mắt điều thật sự khiến mình hạnh phúc, Georgia mới bứt phá.

Là con đầu lòng trong một gia đình người Mỹ gốc châu Á, Georgia từ bé đã biết rõ: “Ước mơ to lớn nhất của cha mẹ là muốn tôi trở thành dược sĩ. Vì thế tôi chăm chỉ học toán và khoa học tự nhiên,” cô kể lại. “Họ cũng khuyến khích tôi làm quen với nghệ thuật nhưng chưa bao giờ muốn tôi theo nghiệp đó – chẳng qua để hồ sơ của tôi đáp ứng yêu cầu của các trường đại học danh tiếng.”

Trong quá trình học tại Harvard, Georgia được tiếp xúc với nghệ thuật làm phim. Cô say mê các tác phẩm và tìm hiểu về tất cả các đạo diễn nổi tiếng. Một đam mê nho nhỏ nhen nhóm trong lòng cô. Nhưng cô tạm gác ước mơ làm phim sang một bên để làm tốt vai trò đứa con ngoan. Goergia khiến cha mẹ hài lòng với tấm bằng cử nhân ngành sinh hóa, và tiếp tục làm họ sửng sốt khi trở thành nhân viên của hãng tư vấn luật nổi tiếng McKinsey vì nó chẳng liên quan gì đến ngành nghiên cứu khoa học hay dược lý cả.

Đối với Georgia, công việc tư vấn thật sự rất tuyệt vời. Cô thích thú đương đầu với những thử thách trong chuyên môn cũng như cơ hội để tạo sức ảnh hưởng. “Tôi vẫn còn nhớ trường hợp đầu tiên tôi tiếp nhận. Tôi phải trình bày hai trang với khách hàng. Tôi đã rất, rất căng thẳng, vì vậy từ đêm hôm trước tôi đã tự tập dượt ở nhà. Cuối cùng, tôi nhận ra, ‘Mình đã làm được. Ông ấy là một CEO, còn mình mới 21 tuổi. Nhưng rõ ràng ông ấy đã lắng nghe mình nói và còn ngẫm nghĩ về những điều đó!’”

Georgia có những người cố vấn dạn dày kinh nghiệm, có một nhóm bạn tuyệt vời, có đủ tiền để mua những món hàng sang trọng tại cửa hiệu Barney và một con đường sáng sủa vươn đến tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh Đại Học Havard cùng sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng. Nhưng ước mơ phim ảnh vẫn xâm chiếm tâm trí cô.

Sau một năm làm việc trong ngành tư vấn, Georgia bắt đầu thực hiện ước mơ cuộc đời mình. Cô sắp xếp một kỳ nghỉ ngắn để tham gia khóa học làm phim vào mùa hè của trường Đại Học New York. Trong 5 tuần ấy, cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. “Tôi vẫn chưa hiểu mọi chuyện xảy ra như thế nào, nhưng Martin Scorsese bỗng nhiên đến trường và xem đoạn phim ngắn của tôi,” cô kể lại. “Tôi quá may mắn!” Quả thật, ông đã mời cô đến Rome xem cảnh quay bộ phim Gangs of New York (Băng Đảng New York) trong vai trò quan sát viên, khi cô vừa bước sang năm thứ hai trong ngành tư vấn luật.

Vì thế Georgia phải xin nghỉ phép một lần nữa. “Thật là một quyết định vô cùng khó khăn,” cô nói. “Đa số mọi người đều cho rằng mọi chuyện quá rõ ràng, nhưng đối với tôi thì không, bởi cái giá tôi phải trả cho cơ hội ấy quá đắt đối với sự nghiệp của mình. Tôi còn nhớ bố mẹ đã thốt lên, ‘Martin nào chứ?’ Và họ chỉ vừa mới bắt đầu cảm thấy thoải mái với sự nghiệp tư vấn luật mà tôi đang làm!”

Sau chuyến đi đến Rome, Georgia nộp đơn vào Trường Kinh Doanh Havard, một bước đi hiển nhiên. Được nhận vào, cô bỏ học chỉ sau một học kỳ. Sau đó, Georgia, người tự gọi mình là “kẻ chúa ghét rủi ro” đã nhận ra một điều, rủi ro lớn nhất chính là tiếp tục đi trên con đường không bao giờ dẫn cô đến cảm giác hài lòng trong công việc.

Giống như một nhà phân tích kinh doanh mà cô từng mong muốn trở thành, Georgia thiết lập hẳn một công thức hẳn hoi để cân nhắc những phương án mà cô nhắm đến – phương trình tính toán hạnh phúc của riêng cô – trước khi quyết định rời trường Harvard. “Tôi nghiêm túc phân tích mức độ hạnh phúc hoặc hiệu quả của chính mình,” cô nhớ lại. “Tôi lập ra một bảng tính toán trên chương trình Excel – theo cách phân tích của McKinsey hẳn hoi.” Những biến số chính trong bảng tính tượng trưng cho những gì quan trọng nhất để cô có được hạnh phúc – thời gian dành cho bạn bè và gia đình, duy trì sức khỏe tốt, tìm niềm vui trong công việc, nỗ lực học tập và phát triển. “Tiếp theo tôi vẽ ra hai viễn cảnh. Kết quả tuyệt vời nhất tôi có thể đạt được nếu chấp nhận tiếp tục con đường mình đang đi, đó là theo đuổi sự nghiệp kinh doanh và trở thành một trong số 50 CEO xuất sắc do Fortune bình chọn. Viễn cảnh tồi tệ nhất chính là đi trên con đường mới và sản xuất vài bộ phim ngắn, chẳng biết khi nào mới trở nên nổi tiếng.”

Nhưng phương án trở thành nhà làm phim rõ ràng thắng thế. “Tôi khám phá ra một điều khá sửng sốt, đó là vào cuối ngày hôm ấy, viễn cảnh tồi tệ nhất nếu theo đuổi nghiệp làm phim vẫn khiến tôi thấy hạnh phúc hơn cả viễn cảnh thành công trong kinh doanh. Tôi thích được là một nhà làm phim vớ vẩn hơn là một CEO thành công. Đó là khi tôi nhận ra Trường Kinh doanh Harvard rất tuyệt, nhưng nó không dành cho tôi. Trong thâm tâm, tôi biết mình muốn trở thành một nhà làm phim. Phải ngần ấy năm tôi mới thu thập đủ số liệu để lập nên bảng tính hạnh phúc này – để nhận ra rằng dù tôi có phân tích thêm đi chăng nữa, kết quả vẫn không có gì thay đổi.”

Georgia chuyển đến Los Angeles và sống tạm với các bạn của mình trong quá trình viết kịch bản cho bộ phim đầu tay, Red Doors (Những Cánh Cửa Màu Đỏ). Kinh nghiệm trong ngành kinh doanh tỏ ra khá hiệu nghiệm trong việc giúp cô chuẩn bị bản kế hoạch chi tiết để thuyết phục các nhà đầu tư đổ tiền vào sản xuất phim.

Georgia đoạt giải thưởng ngay với bộ phim đầu tay, nhưng đó chỉ mới là bước đầu trong cuộc hành trình dài. Điều khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả thành công của cô chính là lòng dũng cảm, khi cô dám bẻ lái sang một con đường mới, với những quy tắc rõ ràng và mục tiêu cụ thể để theo đuổi sự nghiệp đầy bấp bênh.

Là người dũng cảm khám phá con đường ấy, Georgia nhìn về phía trước chứ không ngoái lại đằng sau. “Dù sao đi nữa bạn chỉ có một cuộc đời để sống, trừ khi bạn tin vào kiếp sau. Nghe có vẻ ủy mị, nhưng tôi nghĩ ta cứ nhìn nhận thẳng thắn rằng rồi đây ai cũng phải chết. Khi bạn hiểu được cảm giác đó, bạn sẽ nhận ra mọi chuyện mình làm cũng vì muốn bản thân mình hạnh phúc. Bạn có thể chết ngay ngày mai, hoặc ba mươi, bốn mươi năm nữa. Vậy bạn muốn tận dụng quãng thời gian ấy ra sao? Tốt nhất là nên làm những gì bạn thích, cùng với những người bạn yêu quý. Đó là điều tôi tin.”

[sach_cachnguoiphunuxuatchunglanhdao]