11. CÂN BẰNG CẢM XÚC HOẶC HOÀN CẢNH CỦA NGƯỜI KHÁC

Nếu bạn bình tĩnh gọi điện cho công ty dịch vụ nhắc họ bỏ đi một khoản phí không đúng ra khỏi hóa đơn thanh toán hàng tháng của mình, thì chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy nhân viên dịch vụ khách hàng là người sẵn lòng giúp đỡ, thân thiện và lịch sự giải quyết yêu cầu của bạn.

Giả sử bạn cũng gọi một cuộc điện thoại tương tự, nhưng lần này với một một tâm trạng tồi tệ. Bạn cảm thấy bực bội, căng thẳng và phiền toái vì lỗi của họ. Bạn chờ máy gần 10 phút vô ích. Khi nhân viên chăm sóc khách hàng nối máy với bạn, anh ta có thể nghe thấy điều đó trong giọng nói của bạn. Khi nói, giọng anh ta có vẻ rất nghiêm túc, như thể anh ta muốn khẩn trương giải quyết vụ này. Bạn đánh giá cao tính chuyên nghiệp và dịch vụ khách hàng của họ, bạn thấy vấn đề đã được giải quyết xong, và bỏ qua. Nhân viên dịch vụ khách hàng kia rất có kỹ năng trong việc phát hiện những tín hiệu cảm xúc, nhanh chóng thích ứng và hồi đáp bằng một dịch vụ nhanh chóng, đơn giản – điều đó mang lại lợi ích cho cả khách hàng lẫn công ty. Chỉ số EQ cao giúp anh ta sớm được cấp trên chú ý và dễ thăng cấp.

Điều nhân viên này làm chính xác là một phương pháp làm chủ mối quan hệ đòi hỏi kỹ năng nhận thức xã hội – lắng nghe, sống với hiện tại, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, nhận biết đối tượng có đang xúc động hay không, và chọn cách phản hồi thích hợp, có tác dụng cân bằng. Mảnh ghép cuối cùng này – chọn cách hồi đáp có tác dụng cân bằng – không đòi hỏi bạn phải hòa hợp hoặc bắt chước cảm xúc của người đối diện; sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nhân viên phục vụ khách hàng đáp lại cùng một cung cách thiếu kiên nhẫn như bạn – điều đó chỉ khiến khách hàng như bạn nổi điên lên. Việc bắt chước cảm xúc còn có thể khiến đồng nghiệp và bạn bè bực bội. Trong khi phản hồi mang tính cân bằng luôn thể hiện rằng bạn biết người kia đang cảm thấy gì và bạn nghĩ điều đó quan trọng.

Để thực tập việc cân bằng cảm xúc trong những mối quan hệ của bạn, hãy nghĩ về một hoặc hai tình huống cảm xúc mà bạn từng trải qua, trong đó diễn tiến sự việc nên rõ ràng và có ít nhất một người khác hiện diện. Người kia phản ứng ra sao với bạn? Phản ứng đó khiến bạn thấy dễ chịu hay bị tổn thương? Người ấy có khả năng cân bằng trạng thái cảm xúc cho bạn không? Khi bạn trả lời được những câu hỏi đó thì đến lượt bạn cần tập trung vào việc cân bằng cảm xúc của người khác trong những tình huống họ phải đối mặt. Hãy dành một hoặc hai tuần để tiếp cận những người bạn có mối quan hệ gần gũi nhất – những người bạn làm việc chung hoặc người sống chung một mái nhà. Hãy tự nhủ rằng vai trò của bạn là nhận ra tâm trạng và ở cạnh đồng nghiệp hoặc người thân theo cách hữu hiệu nhất. Dù bạn vui hay buồn cùng họ thì đều chứng tỏ rằng bạn là người nhạy cảm và quan tâm đến những gì họ đang trải qua.

12. KHI BẠN QUAN TÂM, HÃY THỂ HIỆN

Câu chuyện có thật sau sẽ truyền cảm hứng cho những nhà quản lý có EQ cao trên toàn cầu. Một buổi sáng tôi loạng choạng bước vào thang máy trong tòa cao ốc văn phòng để bắt đầu một ngày làm việc mới. Đêm qua thật dài; tôi phải thức khuya để hoàn thành nốt mấy dự án cho sếp. Khi bước vào căn phòng làm việc nhỏ của mình, tôi thấy một cái bánh quy mới ra lò có hai màu đen trắng, cùng một tấm thiệp viết, “Xin cảm ơn vì đã lấp đầy những chỗ trắng đen.” Món quà của sếp tôi. Cô ấy luôn là người bận rộn, hết việc nhà lại việc công ty. Tôi thật sự chết trân khi biết cô đã dành mấy phút ghé ngang qua tiệm bánh vì cái miệng hảo ngọt của tôi, và đến văn phòng sớm đặt chiếc bánh lên bàn làm việc cho tôi. Tôi suýt khóc vì sự ân cần quan tâm của sếp.


Những việc làm nho nhỏ mang lại ý nghĩa lớn. Chiếc bánh quy đã động viên tôi càng làm việc chăm chỉ hơn, và tôi đã làm việc với niềm vui và lòng trung thành hết mực.

Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện dạng này dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng phương pháp thì không thay đổi. Có rất nhiều người đang làm việc chăm chỉ quanh bạn mỗi ngày. Nếu bạn thật sự quan tâm, hãy thể hiện điều đó. Đừng ngại ngần hoặc thoái thác đến tuần sau. Hãy làm một điều gì đó ngay trong tuần hoặc thậm chí ngay hôm nay. Những thứ đơn giản như tấm thiệp chúc mừng hoặc món gì đó không nhất thiết đắt tiền nhưng ý nghĩa, thể hiện được tấm lòng, là tất cả những gì bạn cần để củng cố mối quan hệ.

13. GIẢI THÍCH QUYẾT ĐỊNH CỦA BẠN, ĐỪNG MẶC NHIÊN ĐƯA RA

Thật đáng sợ khi đến một nơi xa lạ mà bao trùm xung quanh là bóng đêm dày đặc . Tình huống đặt ra là – đã bao giờ bạn lên kế hoạch đi cắm trại, nhưng khi đến nơi trời đã sụp tối? Lúc này quả thật rất khó xác định phương hướng, thế nên bạn phải dựng lều trong không gian tối đen, và bởi bạn đang ở một nơi hoang vu, nên mọi thứ yên ắng và tối tăm một cách kỳ lạ. Đêm đó bạn ngủ không yên, chỉ mong sao mọi chuyện suôn sẻ.

Sáng hôm sau, bạn thức dậy, người mệt nhoài. Bạn mở cửa lều và ngỡ ngàng trước quang cảnh tuyệt đẹp xung quanh: nước non hùng vĩ, những con đường mòn rợp bóng cây, và vô vàn những con thú nhỏ đáng yêu. Chẳng có gì đáng sợ cả – bạn nhanh chóng quên béng những căng thẳng đêm qua và bắt đầu khám phá ngày mới. Vậy điều gì đã khiến bạn lo lắng đến vậy?

Điểm khác nhau duy nhất giữa hai khung cảnh này là ánh sáng – còn lại thì vẫn địa điểm ấy, vẫn những con người ấy và từng đó món tư trang. Đó chính là những cảm xúc chúng ta trải qua khi bị đặt vào sự đã rồi. Dù vô tình hay cố ý, nhưng khi bạn hoàn toàn không được biết gì về một đợt cắt giảm nhân sự sắp tới, hay về một cuộc thương thảo hợp đồng hay đại loại thế, bạn sẽ thấy như mình đang dựng trại trong đêm tối. Nếu đợt cắt giảm ấy khiến bạn bị tăng khối lượng công việc hoặc bị thuyên chuyển, bạn chỉ biết khi quyết định đến tay. Nếu mức thuế thay đổi, bạn sẽ thấy trong bảng kê chi tiết lương. Chẳng có ai để bạn cầu viện, chẳng cần thời gian báo trước. Mọi thứ đã an bài.

Đó là thứ thuốc khó nuốt bởi chúng ta không phải là trẻ con hoặc những người sống dựa vào người khác, chúng ta là những người trưởng thành. Để làm theo một ý tưởng, chúng ta cần hiểu tại sao lại có quyết định ấy.

Khi bạn sử dụng những kỹ năng EQ của mình để làm chủ mối quan hệ, hãy ghi nhớ điều này. Thay vì quyết định thay đổi và buộc người khác mặc nhiên chấp nhận, bạn hãy dành thời gian giải thích những lý do đằng sau quyết định đó, bao gồm cả những phương án thay thế và tại sao lựa chọn cuối cùng lại hợp lý nhất. Nếu bạn có thể trưng cầu ý kiến và đề xuất đóng góp trước khi đưa ra quyết định thì càng tuyệt vời hơn. Cuối cùng, hãy khẳng định tác động của quyết định đó đến mọi người như thế nào. Mọi người sẽ đánh giá cao thái độ minh bạch và cởi mở, kể cả khi quyết định đó có thể gây tác động tiêu cực lên họ. Sự minh bạch và cởi mở còn khiến người khác cảm thấy họ được tin tưởng, tôn trọng và gắn bó với tổ chức của mình – thay vì chỉ đơn giản nhận được chỉ thị, còn lại mù tịt.

Nếu bạn có thói quen đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và độc lập thì nhiều khả năng bạn là người có năng lực cá nhân. Bản tính khó dời bởi chúng đã ăn sâu vào não bạn, nhưng đã đến lúc phải quay lại và thêm năng lực xã hội vào danh mục ra quyết định của bạn.

Đầu tiên, có vẻ như bạn cần xác định những quyết định sắp tới của mình. Hãy lấy lịch làm việc ra, xem trong vòng ba tháng sắp tới có những quyết định nào cần đưa ra hay không. Bây giờ quay lại xem những ai sẽ chịu tác động bởi những quyết định này. Hãy lên danh sách đầy đủ những người chịu ảnh hưởng bởi từng quyết định một, và lên kế hoạch khi nào sẽ nói cho họ biết, và nói ở đâu, gồm cả việc giải thích chi tiết tại sao có quyết định đó và nó được thực hiện như thế nào. Nếu bạn cần triệu tập một cuộc họp đặc biệt vì mục đích này thì hãy làm điều đó. Khi bạn lên lịch và suy nghĩ về những điều cần nói, hãy dùng kỹ năng nhận thức xã hội để đặt mình vào hoàn cảnh người khác, để bạn có thể nói với đối tượng của mình, trước và sau khi bạn đưa ra quyết định, như cách họ chờ đợi và hy vọng.

14. HÃY GIÓP Ý TRỰC TIẾP VÀ MANG TÍNH XÂY DỰNG

Hãy nghĩ về thông tin phản hồi tốt nhất bạn từng nhận được. Đó không phải là điều bạn thật sự mong đợi, nhưng nó mang đến sự khác biệt trong cách hành xử của bạn về sau. Thông tin phản hồi đó có thể định hình cách làm việc của bạn, hoặc cách bạn xử trí trong một tình huống cụ thể, hoặc ngay cả sự nghiệp của bạn. Điều gì khiến thông tin phản hồi đó hữu ích đến vậy?

Nếu bạn là người chịu trách nhiệm đưa ra thông tin phản hồi, có vài cuốn cẩm nang hướng dẫn bạn đầy đủ, đảm bảo rằng cách làm nào phù hợp với đạo đức và pháp luật. Còn bây giờ bạn hãy xem qua một số thông tin sau: việc có tuân thủ đạo đức và pháp luật hay không chẳng khiến thông tin phản hồi trở thành điều có thể thay đổi hành vi con người; tuy nhiên, đem những hiểu biết của bạn về EQ vào công tác phản hồi sẽ làm được điều đó.

Dưới đây là mối liên hệ giữa thông tin phản hồi và EQ – đưa ra phản hồi là việc tạo dựng mối quan hệ và nó đòi hỏi cả bốn kỹ năng EQ để phát huy tác dụng. Sử dụng kỹ năng tự nhận thức để nhận biết những cảm xúc của mình về nội dung phản hồi. Bạn có thoải mái khi làm việc này không? Tại sao có hoặc tại sao không? Tiếp theo, áp dụng kỹ năng làm chủ bản thân để quyết định xem mình sẽ làm gì với thông tin có được từ những câu hỏi trên. Ví dụ, nếu bạn lo lắng về việc góp ý phép xã giao trong giao tiếp qua điện thoại của ai đó, bởi bạn không muốn người khác nghĩ mình là kẻ nghe trộm, thế thì chính xác bạn sẽ tự mình vượt qua nỗi băn khoăn ấy như thế nào để tự tin đưa ra phản hồi? Điều này tùy thuộc vào bạn, nhưng đừng bỏ qua việc góp ý chỉ vì cảm giác bất tiện.

Tiếp theo, hãy áp dụng kỹ năng nhận thức xã hội để nghĩ về những đối tượng tiếp nhận thông tin. Hãy nhớ, phản hồi nhắm vào vấn đề chứ không nhằm phê phán cá nhân. Bạn cần đưa ra thông điệp như thế nào để người nghe cảm thấy rõ ràng, thẳng thắn, mang tính xây dựng và được tôn trọng? Thông tin phản hồi mang tính xây dựng gồm hai phần: chia sẻ ý kiến của cá nhân bạn và đề xuất giải pháp thay đổi. Hãy lấy Todd làm ví dụ: anh là một người thẳng thắn, vì vậy nói vòng vo về những điều anh ấy cần cải thiện trong kỹ năng giao tiếp qua điện thoại chỉ khiến anh ấy bị tổn thương. Nhưng nếu việc nói giảm nói tránh những chuyện khó lọt tai cũng nằm trong kế hoạch cải thiện bản thân của anh ấy, thì bạn nên cân nhắc việc góp ý bằng cả hai cách: thẳng thắn và nhẹ nhàng để anh ấy có thể thấy được sự khác biệt và học hỏi từ điều đó.

Jenni, ngược lại, là người nhạy cảm. Bởi vì đây là việc tạo dựng các mối quan hệ, nên hãy nghĩ đến cô ấy khi dự định đưa ra thông tin phản hồi. Hãy dùng những từ rào đón như “Tôi nghĩ” hoặc “Tôi tin là” hoặc “Lần này” để bắt đầu một lời góp ý nhẹ nhàng. Thay vì “bản báo cáo của chị tệ hết sức,” hãy dùng câu, “Tôi tin rằng một số phần trong bản báo cáo của chị cần điều chỉnh. Tôi có thể trao đổi với chị về một số gợi ý không?” Ở đây, đưa ra đề xuất cải thiện hữu ích hơn – chứ không phải mệnh lệnh. Cuối cùng bạn hãy hỏi ý kiến người nhận về góp ý của bạn, và cảm ơn họ vì đã sẵn lòng xem xét những gợi ý của bạn.

15. ĐỘNG NHẤT GIỮA Ý ĐỊNH VÀ TÁC ĐỘNG TRONG VIỆC BẠN LÀM

Giả sử bạn đang họp giao ban, vấn đề cần bàn tiếp theo là tìm hiểu tại sao một số việc quan trọng không được hoàn thành đúng hạn. Lời qua tiếng lại, có vẻ như Ana sắp trở thành người đứng mũi chịu sào – không khí trở nên căng thẳng. Vì thật sự muốn không khí dễ thở hơn, bạn buột miệng nói một câu đại loại như, “Ôi, Ana – hình như do cô ăn trưa lâu hơn mọi người nên sự thể mới ra thế.”

Thay cho tiếng cười là một sự im lặng chết chóc. Bạn không hiểu mình đã làm gì sai nên quay sang Ana, “Tôi chỉ đùa thôi mà,” nhưng cô ấy có vẻ lảng tránh. Đó là câu nói vớt vát cuối cùng của một người có ý định tốt đẹp nhưng tác động của hành động đó không như mong muốn. Mọi việc đã quá trễ.

Hoặc hãy nghĩ về một trưởng phòng đặc biệt quan tâm đến kết quả công việc, cô ấy luôn có ý tốt hướng nhân viên của mình đến những mục tiêu cao hơn. Cô ấy quá tập trung vào việc thành công đến nỗi trở nên cực đoan trong công việc (một mình ôm đồm mọi việc hoặc buộc người khác làm theo phương pháp của mình) – trong khi cô quên đi việc ủy quyền cho cấp dưới. Nhân viên cho rằng cô là một nhà quản lý vi mô cứng nhắc, luôn giấu nghề và ý định của cô là buộc cả đội phải học tập mình để thành công. Một lần nữa, ý định tốt đẹp nhưng gây tác dụng ngược. Mối quan hệ giữa họ bị bào mòn dần, và người quản lý không hiểu nổi tại sao cấp dưới phẫn nộ với cô đến thế.

Nếu bạn thấy mình đang dành nhiều thời gian dàn xếp mọi chuyện để cứu vãn mối quan hệ, hoặc bạn không biết mối quan hệ đang trục trặc ở đâu, thì bạn nên biết rằng những tình huống trên hoàn toàn có thể tránh được. Với sự giúp đỡ của khả năng nhận thức và làm chủ, những điều chỉnh nhỏ sẽ mang lại khác biệt lớn.

Để đồng nhất lời nói và hành động theo ý mình, bạn cần kỹ năng nhận thức xã hội và làm chủ bản thân để quan sát tình huống và những người có mặt. Hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi nói và hành động, hãy đưa ra những phản ứng đầy cảm thông và đúng mực. Hãy làm một phân tích nhanh. Tưởng tượng một tình huống mà hệ quả của điều bạn nói hoặc làm không như bạn định. Lấy giấy viết ra mô tả sự cố đó, những ý định và hành động của bạn cùng với tác động của nó – kết quả cuối cùng hoặc phản ứng của những người chung quanh. Tiếp theo, viết ra những điều bạn không nhận ra trong tình huống đó – điền vào những điều bạn đã hiểu ra sau khi nhìn nhận lại mọi việc, trong đó có cả những dấu hiệu bị bỏ qua, những điều mà bạn hiểu thêm về bản thân mình và người khác. Cuối cùng, hãy trả lời xem lẽ ra bạn có thể làm gì khác đi để ý định của bạn và tác động của nó đồng nhất. Nếu bạn không chắc, hãy hỏi một người khác có liên quan trong tình huống này.

Trong trường hợp của Ana, bạn không hề biết lúc ấy hoàn toàn không thích hợp cho câu nói đùa như vậy. Nó nhắm ngay vào cô ấy giữa bàn dân thiên hạ. Lần sau, nếu bạn muối giải tỏa không khí nặng nề, hãy trào phúng bản thân mình chứ đừng nhắm vào người khác. Người trưởng phòng luôn chăm chăm vào kết quả nên không nhận ra điều gì có sức thúc đẩy nhân viên cô. Cô không cho họ không gian và thời gian để tự học hỏi và phát triển theo cách riêng của họ. Để làm chủ tốt mối quan hệ, điều quan trọng là phát hiện ra những điểm chưa đồng nhất với nhau trước khi hành động, nhờ vậy những hành động của bạn sẽ thể hiện đúng tác động của nó và ý định tốt đẹp của bạn.

16. ĐƯA RA NHỮNG PHƯƠNG ÁN “CHỮA CHÁY” CHO MỘT CUỘC TRAO ĐỔI BẤT THÀNH

Các hãng hàng không thường thông báo những tin xấu không thể tránh khỏi đến khách hàng – hoãn chuyến bay vì thời tiết xấu, hoãn chuyến bay vì lý do kỹ thuật, hành lý thất lạc, hết chỗ. Và còn nhiều chuyện khác nữa. Các hãng luôn cố gắng bù đắp cho khách hàng bằng những biện pháp hoặc công cụ chữa cháy – như tiến hành đăng ký lại và phát các phiếu giảm giá – nhằm giải quyết vấn đề và hướng tới mục đích cuối cùng là đưa bạn đến nơi bạn muốn.

Tôi dám đảm bảo rằng tất cả chúng ta ai cũng có những cuộc đối thoại buộc bạn phải huy động đến phương án chữa cháy. Một cuộc nói chuyện đơn giản bỗng trở thành mối bất hòa hoặc vướng trong vòng lẩn quẩn. Trong những cuộc đối thoại bất thành như thế này, người ta có thể lôi những lỗi lầm xưa cũ của nhau ra, phát biểu những câu gây hối tiếc về sau và không ngừng đổ lỗi. Dù ai có nói gì, hoặc người “khiêu chiến” là ai đi nữa, đã đến lúc bạn phải quan tâm và tìm cách giải quyết. Phải có ai đó lùi một bước, đánh giá sơ bộ tình hình và bắt tay điều chỉnh cuộc đối thoại bằng biện pháp chữa cháy.

Để làm được việc này, bạn cần ngừng đổ lỗi để tập trung lo điều chỉnh. Bạn muốn rạch ròi đúng sai, hay bạn muốn tìm ra giải pháp? Hãy dùng kỹ năng tự nhận thức để xem bạn đang góp phần gì trong hoàn cảnh này; kỹ năng làm chủ bản thân sẽ dẹp bỏ các khuynh hướng cá nhân sang một bên và chọn đúng con đường bạn phải đi. Những kỹ năng nhận thức xã hội có thể giúp bạn nhận biết người khác đã tranh luận những gì và họ cảm thấy ra sao. Việc xem xét cả hai phía sẽ giúp bạn biết sự tương tác trục trặc ở đâu và lời phát biểu có tác dụng hòa giải nào là cần thiết để bắt đầu việc điều chỉnh. Những phương án chữa cháy này như làn không khí trong lành, ôn hòa và tìm kiếm tiếng nói chung. Một câu nói có tác dụng hòa giải chỉ cần đơn giản là “Việc này khó quá nhỉ,” hoặc hỏi xem người kia cảm thấy thế nào. Hầu hết những lời hòa giải như vậy đều có tác dụng trong những cuộc trò chuyện khó khăn, và nó cũng chẳng hại gì nếu bạn cảm thấy cuộc nói chuyện đi vào ngõ cụt.

Phương pháp này sẽ giúp bạn duy trì sự cởi mở trong giao tiếp khi bạn cảm thấy khó chịu, và với sự nỗ lực cũng như sự tập luyện có ý thức, bạn sẽ có khả năng hòa giải một cuộc nói chuyện lâm vào ngõ cụt trước khi nó bị tổn hại đến mức khó bề cứu vãn.

17. XỬ TRÍ MỘT CUỘC TRÒ CHUYỆN KHÓ KHĂN

“Tại sao tôi không được cân nhắc trong đợt bổ nhiệm lần này?” Judith, nhân viên của bạn, hỏi với vẻ khá dè dặt, dáng điệu khổ sở và giọng nói run run. Đây sẽ là một cuộc nói chuyện khó khăn. Trước khi bạn kịp nói với Judith, tin tức hành lang đã rò rỉ thông tin Roger sẽ được thăng chức lần này. Bạn đánh giá cao năng lực của Judith và những gì cô làm, nhưng bạn cũng cần giải thích rằng cô ấy chưa sẵn sàng cho việc thăng chức đợt này. Và đó vẫn chưa phải là phần khó nhất trong cuộc trao đổi – kiểm soát mức độ thiệt hại mới là điều quan trọng.

Từ phòng họp đến phòng giải lao, đâu đâu cũng có thể diễn ra những cuộc trao đổi căng thẳng và bạn hoàn toàn có thể giải quyết chúng một cách hiệu quả và bình tĩnh. Những cuộc trao đổi khó khăn là điều không thể tránh khỏi; vì thế hãy quên đi việc trốn tránh nó, bởi trước sau rồi bạn cũng gặp. Mặc dù các kỹ năng EQ không thể làm cho những cuộc đối thoại dạng này biến mất, nhưng việc nắm được một số kỹ năng mới mẻ có thể giúp bạn xử trí dễ hơn mà không hủy hoại mối quan hệ.


  1. Bắt đầu bằng một thỏa thuận.

    Nếu bạn biết cuộc nói chuyện sẽ dẫn đến bất đồng, hãy bắt đầu bằng những điểm chung mà cả hai cùng chia sẻ. Cho dù chỉ đơn giản là thống nhất với nhau rằng cuộc trò chuyện sẽ khó khăn nhưng rất ý nghĩa, hay cùng nhất trí với nhau về một mục đích chung, thì cũng hãy cứ tạo ra cảm giác hai người đang đồng thuận với nhau.  Ví dụ: “Judith à, trước tiên tôi muốn chị biết rằng tôi đánh giá cao chị, và tôi rất tiếc khi chị biết tin này từ người khác chứ không phải từ tôi. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này giải thích rõ hơn cũng như trả lời bất cứ điều gì chị muốn nghe từ tôi. Về phần mình, tôi cũng muốn nghe ý kiến của chị.”

  2. Đề nghị người đối diện giúp bạn hiểu thêm về cách nghĩ của họ.

    Ai cũng muốn người khác lắng nghe mình – nếu cảm thấy mình không được lắng nghe, chúng ta dễ trở nên thất vọng. Trước khi nỗi thất vọng ấy xuất hiện, hãy ngăn chặn nó bằng cách nhờ người đối diện chia sẻ quan điểm của họ. Hãy kiểm soát cảm xúc của mình, nhưng cũng cần tập trung vào việc hiểu được góc nhìn của người kia. Trong trường hợp của Judith, bạn có thể nói “Judith à, nhân đây tôi muốn chắc chắn rằng chị cảm thấy thoải mái khi chia sẻ với tôi. Tôi cũng muốn đảm bảo mình hiểu rõ quan điểm của chị.” Bằng cách hỏi ý của Judith, bạn đã chứng tỏ mình quan tâm và muốn hiểu rõ hơn về cô ấy. Đây là cơ hội để làm chủ và khiến cho mối quan hệ của bạn với Judith trở nên sâu sắc hơn.

  3. Cưỡng lại ý định lên tiếng “phản pháo” hoặc bác bỏ.

    Não bộ của bạn không thể cùng lúc vừa lắng nghe vừa chuẩn bị những gì sẽ nói. Hãy sử dụng kỹ năng làm chủ bản thân để tắt giọng nói trong đầu và hướng sự chú ý đến người đối diện. Trong trường hợp này, Judith vừa mất đi cơ hội thăng tiến mà cô thật sự mong muốn và chỉ biết điều đó qua thông tin hành lang. Hãy đối diện điều đó – nếu bạn muốn duy trì mối quan hệ, hãy im lặng, lắng nghe để thấu hiểu nỗi bàng hoàng và thất vọng của cô ấy, và cưỡng lại cảm giác muốn biện hộ cho mình.

  4. Đồng thời giúp người đối diện hiểu suy nghĩ của bạn.

    Bây giờ đến lượt bạn giúp người kia hiểu quan điểm của mình. Hãy bày tỏ nỗi khó chịu của bạn, những suy nghĩ và ý kiến của bạn cũng như lý lẽ đằng sau câu chuyện đó. Hãy truyền đạt một cách rõ ràng và đơn giản, đừng nói vòng vo hay ví von. Trong trường hợp của Judith, những gì bạn nói ra có thể là thông tin phản hồi tuyệt vời đối với cô ấy, là điều cô xứng đáng được nhận. Việc giải thích rằng Roger có nhiều kinh nghiệm hơn và thích hợp với vị trí đó ở thời điểm hiện tại sẽ là một thông điệp dễ chấp nhận. Và bởi tin tức về việc thăng chức của Roger đến tai cô ấy không đường hoàng lắm nên bạn cần một lời xin lỗi. Việc bạn có thể giải thích những tâm tư của mình và trực tiếp tháo gỡ suy nghĩ của người khác đầy cảm thông trong tình huống khó khăn là chìa khóa của làm chủ mối quan hệ.


  5. Tìm hướng đi cho cuộc nói chuyện.

    Một khi các bạn đã hiểu được quan điểm của nhau thì ngay cả khi tồn tại bất đồng, một trong hai người vẫn phải tìm lối thoát cho cuộc đối thoại. Trong trường hợp của Judith, người đó là bạn. Hãy cố tìm ra một điểm chung. Khi nói với Judith, hãy nói những điều đại khái như, “Chà, tôi rất vui là chị đã đến gặp thẳng tôi và nhờ vậy chúng ta có cơ hội nói về việc này. Tôi hiểu lập trường của chị, và dường như chị cũng hiểu quan điểm của tôi. Tôi vẫn đang quan tâm đầu tư cho sự phát triển của chị và sẽ làm việc với chị để giúp chị có được những kinh nghiệm mà chị cần có trong công việc. Chị nghĩ sao về điều này?”

  6. Giữ liên lạc.

    Giải pháp cho một cuộc nói chuyện khó khăn đòi hỏi bạn quan tâm nhiều hơn, thậm chí cả sau khi bạn đã nói chuyện xong, vì thế hãy thường xuyên để mắt đến quá trình này, hãy hỏi đối phương xem họ có thỏa mãn hay không và thường xuyên giữ liên lạc khi mọi thứ vẫn tiếp tục tiến triển. Bạn là một nửa của những gì cần thiết nhằm giữ cho mối quan hệ được trôi chảy. Với Judith, hãy thường xuyên gặp gỡ cô ấy để bàn về những bước tiến trong sự nghiệp và cơ hội thăng tiến, điều đó sẽ tiếp tục chứng tỏ rằng bạn thật sự quan tâm đến cô ấy.

Cuối cùng, khi bạn bước vào một cuộc nói chuyện khó khăn, hãy chuẩn bị cách hành xử khôn khéo và tích cực, đừng tỏ ra bảo thủ, và hãy giữ thái độ cởi mở bằng cách thực hành những phương pháp kể trên. Thay vì đánh mất vị trí của mình trong mắt người khác trong một cuộc nói chuyện như thế, thì đây có thể trở thành một khoảnh khắc giúp củng cố mối quan hệ của bạn.

[sach_thongminhcamxuc]