Jack đang định mua một chiếc xe hơi hiệu Honda màu xanh dương đã qua sử dụng. Chiếc xe có vẻ là một món hời vì người bán, Phil, mới mua được một tháng. Phil rao bán nó vì công ty bất ngờ yêu cầu anh chuyển công tác đến Luân Đôn. Jack thích mã lực lẫn chức năng của chiếc xe, chưa kể dàn âm thanh nghe nhìn tối tân nữa. Anh có vẻ ưng ý lắm rồi, nhưng anh nói với Phil rằng anh muốn nhờ thợ máy kiểm tra xe trước đã. “Sao phải thế?” Phil hỏi. “Xe còn rất mới, chạy chưa tới 500 km và còn hạn bảo hành của nhà sản xuất nữa mà.”
“Biết vậy,” Jack trả lời, “nhưng tôi đã hứa với vợ mình là sẽ không vội vàng mua xe mà không nhờ thợ kiểm tra trước.”
Phil ném cho Jack một cái nhìn khinh khỉnh. “Anh nghe lời vợ anh cả trong chuyện mua xe cơ à?” anh hỏi.
“Đúng rồi,” Jack đáp, “Anh không làm thế sao?”
“À, không, chính xác là đã không. Tôi ly hôn rồi,” Phil nói.
“Ồ,” Jack cười thầm. “Có lẽ đó là lý do.”
Khi Jack nhờ thợ máy đến xem xe, anh phát hiện ra hãm xung phía sau xe cần thay thế, vì vậy anh không mua chiếc xe của Phil nữa. Nhưng quan trọng hơn là anh không đồng tình với quan điểm của Phil về phụ nữ. Mỗi khi cần ra quyết định, Jack luôn để vợ mình tham gia. Anh tôn trọng ý kiến và cảm giác của vợ mình. Anh hiểu, để hôn nhân bền chặt, họ phải chia sẻ tay lái cùng nhau.
Từng có lúc lối hành xử gia trưởng của người chồng không phải chịu trách nhiệm cho kết cục của hôn nhân. Tuy nhiên, các số liệu chúng tôi thu thập được cho thấy điều đó không còn đúng nữa. Công trình nghiên cứu dài hơi của chúng tôi (hiện đã được tám năm) trên 130 cặp vợ chồng mới cưới cho thấy nếu trong vài tháng đầu của hôn nhân, người đàn ông để vợ mình ảnh hưởng đến họ thì cuộc hôn nhân đó sẽ hạnh phúc hơn và ít nguy cơ ly hôn hơn những người chồng không quan tâm gì đến ý kiến của vợ. Nói theo số liệu thống kê thì khi người đàn ông không sẵn lòng chia sẻ quyền lực trong gia đình với người bạn đời, 81% khả năng cuộc hôn nhân đó sẽ dần lụi tàn.
Rõ ràng là cần cả hai phía để gầy dựng hoặc hủy hoại hôn nhân, vì thế chúng tôi không có ý chỉ trích riêng gì nam giới. Mục đích của chương này không phải để trách móc, lên án hay hạ nhục các ông. Chắc chắn là người vợ cũng phải tôn trọng chồng mình. Nhưng số liệu chúng tôi có được cho thấy phần lớn các bà vợ – ngay cả trong những cuộc hôn nhân đang chao đảo – đều đã làm như thế. Nói vậy không có nghĩa là các bà không nổi giận hay thậm thí khinh thường chồng. Điều tôi muốn nói là họ luôn để chồng ảnh hưởng đến quyết định của mình bằng cách quan tâm đến ý kiến và cảm xúc của các ông. Vậy mà chẳng có mấy ông chồng làm được điều tương tự cho vợ.
“BẤT CỨ ĐIỀU GÌ CƯNG MUỐN”
Đó là cách nói mà một số người bên ngành truyền thông đã dùng một cách sai lầm khi tổng kết lại nghiên cứu của tôi về việc đón nhận ảnh hưởng. Nó còn bị đem ra bêu rếu trong chương trình Saturday Night Live do Rush Limbaugh chủ trì và Bill Maher cũng chọn làm chủ đề cho một lần lên sóng trong chương trình Politically Incorrect. Tôi còn phải nén cười khi thấy tờ báo nọ vẽ hình vợ Saddam Hussein sai chồng đi đổ rác nhưng ông ta từ chối, chỉ đến khi bà vợ kề súng vào đầu, ông mới lẩm bẩm, “Để anh làm, em yêu.”
Nghiên cứu của chúng tôi không kết luận rằng các ông nên từ bỏ mọi quyền lực cá nhân và để vợ lèo lái cuộc sống. Nhưng chúng tôi khám phá thấy những cuộc hôn nhân bền vững nhất với thời gian đều có một người chồng biết trân trọng vợ, không ngại việc chia sẻ quyền lực và cùng vợ ra quyết định. Khi hai vợ chồng bất đồng ý kiến, những người chồng này chủ động tìm điểm chung thay vì cứ khăng khăng làm theo ý mình.
Để có được những kết quả này, chúng tôi đã quan sát kỹ lưỡng những đôi mới cưới khi họ tranh luận với nhau về một vấn đề trong cuộc sống, cả cách họ kể về thuở hẹn hò. Khi phân tích các dữ kiện, chúng tôi sửng sốt bởi sự khác biệt lớn có liên quan đến giới tính. Dù các bà vợ thỉnh thoảng cũng nổi giận hay thể hiện thái độ tiêu cực với chồng, họ hiếm khi đáp trả chồng bằng cách gia tăng sự tiêu cực. Phần lớn các bà tìm cách hạ giọng xuống hoặc ngang bằng với chồng. Thế nên khi ông chồng nói, “Em không chịu lắng nghe gì cả!” người vợ thường sẽ đáp lại đại khái là, “Em xin lỗi, bây giờ em nghe đây,” (hành động làm giảm sự tiêu cực) hoặc “Em thấy khó mà nghe theo anh được!” (cho thấy cô cũng tức giận ngang với chồng nhưng không quá đà).
Nhưng 65% nam giới không hề áp dụng hai cách này. Thay vào đó, phản ứng của họ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Và đây là những gì họ làm: mang theo bốn căn bệnh của hôn nhân (chỉ trích, khinh thường, bào chữa hoặc thờ ơ). Nếu bà vợ của những ông chồng kiểu này nói, “Anh không chịu lắng nghe gì cả!” thì y như rằng các ông hoặc mặc kệ vợ (thờ ơ), hoặc bào chữa (“Anh đang nghe mà!”), hoặc chỉ trích (“Anh không nghe bởi vì em nói chả có lý tí nào cả”), hoặc tỏ ra khinh thường vợ (“Sao phải phí thời giờ của anh chứ?”). Dùng một trong căn bệnh kia để khiến mâu thuẫn thêm trầm trọng chính là dấu hiệu tiết lộ người chồng đang chống lại ảnh hưởng của vợ mình.
Thay vì chấp nhận cảm xúc của vợ, ông chồng dạng này dùng bốn căn bệnh để dập tắt quan điểm của cô ấy. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc chấp nhận ảnh hưởng từ vợ, dẫn đến một cuộc hôn nhân bất ổn. Ngay cả khi người chồng không thường xuyên cư xử kiểu này, xác suất cuộc hôn nhân đó đổ vỡ vẫn là 81%.
Mặc dù việc giữ cho bốn căn bệnh không thi nhau gây rắc rối cho hôn nhân đều quan trọng như nhau đối với cả vợ lẫn chồng, riêng người chồng phải đặc biệt lưu tâm đến mối nguy này khi họ dùng một trong bốn căn bệnh để tranh cãi với vợ. Vì một số lý do nào đó, ngay cả khi người vợ dùng đến bốn căn bệnh theo kiểu tương tự của người chồng thì cuộc hôn nhân của họ cũng không đến nỗi bấp bênh. Cho đến thời điểm hiện nay, số liệu chúng tôi thu thập được không lý giải được vì sao có sự khác biệt này. Nhưng chúng tôi biết rằng theo quy tắc chung, người vợ thường đón nhận ảnh hưởng từ chồng, và điều này góp phần lý giải cho sự khác biệt theo giới trong những phát hiện của chúng tôi. Thế nên, dù cả hai phía đều phải ngăn chặn việc mâu thuẫn leo thang, cái chính bạn cần nhớ ở đây là khi người chồng phạm sai lầm này, hôn nhân sẽ gặp nguy cơ cao hơn.
[sach_7biquyethonnhanhanhphuc]
Leave A Comment