Nhiều nữ lãnh đạo sinh ra đã dám đứng lên bảo vệ mình, nhưng một số đáng kể khác phải tự rèn giũa kỹ năng này. Từng chút một, họ học cách nói ra những gì mình nghĩ, học cách ảnh hưởng đến cuộc thảo luận, và cuối cùng họ học cách lãnh đạo. Nói lên ý kiến của mình không chỉ quan trọng cho sự phát triển cá nhân bạn, mà còn là một phần trong công việc bạn làm. Chúng tôi cho rằng cần phải chỉ cho bạn một phương pháp để khẳng định sự “hiện diện” của bạn. Không chỉ riêng gì cách bạn nói – mà còn là cách bạn chiếm lĩnh căn phòng – để có được sự tin tưởng và quyết tâm của tất cả những người chung quanh bạn.

Vì sao có rất nhiều phụ nữ miễn cưỡng không chịu lên tiếng ? Tại sao họ cứ ngồi lặng im để mặc cho những người đàn ông khác cướp diễn đàn? Chúng tôi hết sức kinh ngạc khi đọc danh sách dài vô tận những lý do mà phụ nữ nêu ra:

  • “Tôi không có điều gì quan trọng đến mức phải nói ra.”
  • “Chuyện cần nói thì đều đã được nói hết cả rồi, hoặc sẽ có ai đó chỉ ra thôi.”
  • “Mấy ông đó thích nói quá, cứ để họ nói.”
  • “Hành động dù gì cũng mạnh hơn lời nói. ”
  • “Không đến lượt tôi nói.”
  • “Tôi đến đây để nghe.”
  • “Ở đây tôi là người mới.”
  • “Tôi là người có ít kinh nghiệm nhất.”
  • “Tôi sẽ thực thi mọi chuyện sau khi buổi họp kết thúc.”

Thật vớ vẩn! Có thể sự ngần ngại không nói ấy đang che đậy cho một nỗi sợ hãi sâu kín hơn, như sợ bị “phát hiện ra,” sợ bị cười nhạo, hoặc sợ bị người khác đánh giá thấp. Những lý do bên ngoài của phụ nữ chúng ta thường nghe có vẻ hợp tình hợp lý hoặc để thoái thác. Hãy đào sâu hơn để khám phá những nỗi sợ hãi thật sự ăn sâu trong bạn – cho đến tận bây giờ. Nếu bạn cứ để cho những nỗi sợ ấy kiểm soát, chúng sẽ khiến bạn tổn thương. Các cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện cho thấy nỗi sợ hãi thúc đẩy nhiều phụ nữ đặt ra những tiêu chuẩn cao đến mức phi thực tế, đủ để khiến bất kỳ ai cũng phải nản lòng. Nhiều người lại chờ đợi quá lâu đến nỗi không thể tham gia vào cuộc trò chuyện. (Cũng giống như bạn chơi nhảy dây: lựa đúng lúc để chui vào vòng dây không dễ, nhảy tại chỗ để không bị vướng chân lại càng khó hơn.) Số khác nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và giữ im lặng.

Chúng tôi biết nó khó. Vấn đề còn phức tạp hơn ở chỗ là ‘nói cũng không được’ và ‘không nói cũng không xong’. Bởi thường người phụ nữ nào dám lên tiếng cũng là người phải hứng chịu nhiều thứ. Họ có thể bị cho là nóng nảy, khó khăn, tự đánh bóng bản thân hoặc tệ hơn. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường dễ lên tiếng thay cho người khác, nhưng lại cảm thấy khó khăn khi làm điều đó cho chính mình (1). Vì thế chúng ta thường chờ người khác nhận ra những gì chúng ta muốn. Phải, chúng ta chờ đợi. Tại sao? Bởi điều đó “có ý nghĩa hơn” khi người khác nhận thấy mà không cần chúng ta phải mở lời (2), các chị nói với chúng tôi như thế.

Và nếu bạn vẫn chưa thấy thuyết phục, để chúng tôi viện thêm vài lý do khiến bạn cần phải lên tiếng. Trong khi bạn ngồi chờ, thì phái nam đã thương lượng cho những điều họ muốn và tự thăng quan tiến chức cho mình. Phụ nữ ít khi ra ngoài đàm phán như nam giới; khoảng 20% phụ nữ không bao giờ có mặt trong những cuộc thương thảo như thế. Trong một nghiên cứu so sánh mức độ kỳ vọng của đàn ông và phụ nữ ở những vị trí tương tự nhau, nam giới thường mong muốn số tiền tối đa họ kiếm được (3) cao hơn 30% so với những gì phụ nữ mong đợi.

Julie Daum có nhiều năm làm việc với những nữ lãnh đạo hàng đầu tại các doanh nghiệp tại Mỹ, với vai trò giám đốc Văn Phòng Tư Vấn Điều Hành Vùng Bắc Mỹ của hãng Spencer Stuart. Thế mạnh của cô là thấu hiểu con người, và công việc cô yêu thích là giao đúng người đúng việc. Không ai giỏi hơn cô trong việc giúp bạn tìm ra tiếng nói của riêng mình.

Trò chuyện với Julie

Bài học 1: Khả năng này có thể không tự nhiên mà đến, nhưng bạn phải lên tiếng để được chú ý.

“Tôi thật sự không tìm thấy tiếng nói riêng cho đến khi có người bảo tôi làm điều đó. Người ấy vốn là một lãnh đạo nhiều kinh nghiệm đã tin tưởng tôi, và đại khái ông nói thế này, ‘Giờ đến lượt cô.’ Ông trao quyền cho tôi.”

Thật khó cho Julie khi cô phải tự tìm hiểu xem mình làm điều đó “bằng cách nào”: “Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, tôi nhớ mình từng nghĩ rằng chỉ có quyền nói khi đã có câu trả lời chính xác – đó mới là điều quan trọng.” Vì thế, tương tự nhiều phụ nữ trẻ khác, hầu hết thời gian trong công việc, Julie giữ im lặng, tin rằng mình phải tìm ra số liệu đúng hoặc câu trả lời đúng.

Ngày nay, Julie không thể tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu không có tiếng nói đó.

Bài học 2: Tìm cách đóng góp có giá trị.

Julie khuyến khích chúng ta nghĩ về một cuộc hội thoại hoặc một buổi họp để đưa ra quyết định. Điều này càng khiến việc lên tiếng và góp phần vào quá trình giải quyết vấn đề quan trọng hơn nữa: “Người ta sẽ quên đi những ai không,” Julie nói. “Nếu bạn không biết giành giật chút diễn đàn cho mình, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn chẳng có gì để đóng góp.”

Cô mách nước một chiến thuật đã được chứng minh hiệu quả – hãy lên tiếng trong vòng năm phút đầu tiên hoặc là một trong số sáu người đầu tiên phát biểu ý kiến (cách nào cũng được). Bạn càng chờ lâu thì càng khó cất lời. “Ban đầu tôi cảm thấy rất khó khăn vì tính tôi vốn nhút nhát,” Julie nói. “Tôi từng phải buộc bản thân mình giơ tay phát biểu ý kiến. Tôi phải thật sự nỗ lực mới làm được chuyện đó.”

Bài học 3: Đôi khi bạn phải lầm đường thì mới tìm được tiếng nói của riêng mình.

Rất nhiều phụ nữ có khởi đầu sai lầm, và Julie chia sẻ cởi mở về trường hợp của chính cô. “Tôi từng vấp ngã trong thời kỳ đầu, bởi tôi đảm nhận một công việc mà tôi không được làm những gì mình muốn. Tôi phải bỏ việc nhưng mất vài năm tôi mới thừa nhận, ‘Hỏng rồi. Mình không hạnh phúc. Mình không thấy thoải mái.’ ” Điều Julie nhận ra chính là quá dễ dàng quen với thứ công việc nhàm chán thường nhật không có chút đam mê. Cuối cùng, cô thôi việc. Cô đã tìm được tiếng nói bên trong mình và mạnh dạn tuyên bố, “Tôi phải chấm dứt mọi thứ tại đây. Tôi phải tìm hiểu xem điều mình thật sự muốn là gì.”

Đó là khi cô nắm được cơ hội mở ra cánh cửa mà cô thật sự muốn bước vào. Cô chấp nhận hy sinh một khoản thu nhập lớn để gia nhập đội ngũ tuyển dụng nhân sự bán thời gian của một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập. Và cô thật sự yêu thích công việc này. “Tôi đã đủ lớn để hiểu rằng tiền bạc không phải là tất cả. Điều thật sự quan trọng là tôi muốn làm điều mình thích, một công việc tôi thấy mình có khả năng. Và nếu tôi phải xén bớt thời gian dành cho gia đình để làm việc, thì đó phải là một công việc ý nghĩa.”

Bài học 4: Hãy lên tiếng vì điều bạn đam mê.

Trong thời gian nghỉ sinh, Julie phát hiện mình quan tâm đến quyền lãnh đạo của nữ giới sau khi xem phiên điều trần của nữ luật sư Anita Hill vào năm 1992. “Tôi và cô ấy cùng tuổi. Tôi lắng nghe xem sự nghiệp của cô ấy ra sao, rồi xem cách những người đàn ông này đối xử với cô ấy như thế nào,” Julie giải thích. “Và tôi nghĩ, ‘Không thể tin được là phụ nữ lại mất đi nhiều thứ như thế.’ ”

Thế là Jolie vào làm cho Catalyst, một tổ chức phi lợi nhuận về các vấn đề liên quan đến lao động nữ. Với niềm tin rằng thay đổi phải bắt đầu từ trên xuống, Julie muốn đưa nhiều phụ nữ vào ban lãnh đạo. “Chúng tôi bắt đầu đếm số lượng phụ nữ. Ít đến mức kỳ lạ – bạn biết đấy, 50% dân số là nữ giới, nhưng chỉ có 5% số ghế trong ban quản trị do phụ nữ nắm giữ.”

Catalyst công bố nghiên cứu này và bắt đầu giúp các CEO tìm kiếm ứng cử viên. “Bản báo cáo đó tiếp tục tạo sức ảnh hưởng nhằm đưa thêm nhiều phụ nữ hơn vào các cuộc họp ban quản trị,” cô nói. “Con số vẫn chưa đạt mức chúng tôi mong đợi, nhưng đã có cải thiện. Và chúng tôi đã thay đổi được lối tư duy. Ngày nay, ban quản trị có thể chưa có đủ số lượng nữ giới tham gia, nhưng họ có nghĩ đến và trao đổi về điều đó.”

Bài học 5: Tiếng nói thể hiện quyền tự chủ.

Julie nhận ra rằng không ai thật sự biết được điều gì quan trọng đối với bạn hơn chính bạn. Nếu bạn không nói ra, người khác sẽ phải đoán mò, hoặc nhiều khả năng là không quan tâm đến nhu cầu của bạn. “Bạn phải chịu trách nhiệm cho những gì quan trọng đối với mình, rồi tìm đến người khác và nói: ‘Tôi muốn thực hiện điều này. Tôi phải làm bằng cách nào?’ ”

Julie vẫn nhớ một nam đồng nghiệp dùng tiếng nói riêng của mình mới dễ dàng làm sao. “Anh ấy bảo, ‘Tôi không làm việc vào cuối tuần. Tôi sẽ làm việc 24 giờ một ngày, 5 ngày một tuần, nhưng tuyệt đối không làm vào cuối tuần.’ Sau khi anh ấy nói ra điều đó, không ai yêu cầu anh ấy nữa. Khi ấy tôi nghĩ thầm, ‘Mình chẳng bao giờ dám nói như thế.’ ”

Nhưng đến thời điểm phải đáp ứng nhu cầu lớn dần từ phía gia đình mà không từ bỏ sự nghiệp, Julie đã tìm được tiếng nói riêng. “Tôi sẵn lòng làm bất cứ điều gì, nhưng tôi cần một số thứ để làm được điều đó. Khi tôi đến gặp ban lãnh đạo và nói, ‘Đây là điều tôi muốn,’ câu trả lời của họ là ‘được thôi.’ ”

Julie khuyến khích mọi phụ nữ học cách lên tiếng, ngay cả những thành viên ban quản trị cũng phải cảm ơn Julie vì điều này!

[sach_cachnguoiphunuxuatchunglanhdao]