Mặc dù làm chủ mối quan hệ là yếu tố thứ hai trong năng lực xã hội, nhưng kỹ năng này thường gây ảnh hưởng đến khả năng của bạn về ba kỹ năng trí tuệ cảm xúc đầu tiên: tự nhận thức, làm chủ bản thân và nhận thức xã hội.
Làm chủ mối quan hệ chính là khả năng nhận thức về cảm xúc của mình và của người khác, nhằm kiểm soát các mối tương tác một cách hiệu quả. Điều này đảm bảo sự rõ ràng trong giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn hiệu quả.
Làm chủ mối quan hệ còn là sự gắn bó mà bạn tạo dựng với những người khác qua thời gian. Những người kiểm soát tốt các mối quan hệ sẽ thấy việc kết giao với nhiều dạng người rất có lợi, cho dù không phải ai họ cũng quý mến. Những mối quan hệ bền chặt là điều mà chúng ta ai cũng cố gắng tìm kiếm và vun đắp. Đó là kết quả của việc bạn hiểu người khác như thế nào, đối xử với họ ra sao và những gì bạn đã có với nhau.
Mối quan hệ giữa bạn với những người chung quanh càng lỏng lẻo bao nhiêu, họ càng khó hiểu bạn bấy nhiêu. Nếu bạn muốn người khác lắng nghe mình, bạn phải thực tập kỹ năng làm chủ mối quan hệ và tìm kiếm lợi ích từ tất cả các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ khó khăn. Điểm khác nhau giữa sự tương tác và mối quan hệ nằm ở tính thường xuyên. Mối quan hệ chính là sản phẩm của chất lượng, sự sâu sắc và thời gian bạn dành ra để tương tác với người khác.
Làm chủ mối quan hệ đặt ra thách thức lớn nhất đối với hầu hết mọi người trong những giai đoạn căng thẳng. Những tình huống thách thức và căng thẳng nhất mà người ta đối mặt là trong công việc. Mâu thuẫn nơi công sở có khuynh bộc phát khi người ta tránh né các vấn đề một cách thụ động, bởi họ thiếu kỹ năng cần thiết để khơi gợi một cuộc nói chuyện thẳng thắn nhưng mang tính xây dựng. Mâu thuẫn trong công việc sẽ bùng nổ khi người ta không kiểm soát được cơn giận hoặc nỗi thất vọng của mình và chọn cách lôi ra trút lên đầu người khác. Làm chủ mối quan hệ mang đến cho bạn những kỹ năng cần thiết để tránh được cả hai viễn cảnh nói trên và để sự tương tác giữa bạn với những người khác mang lại kết quả tốt nhất.
Trên thực tế, mọi mối quan hệ đều cần được đầu tư nhiều công sức, ngay cả với những mối quan hệ bền chặt nhất tưởng như không cần nỗ lực gì thêm nữa. Ai cũng từng nghe về điều này, nhưng liệu chúng ta đã thật sự hiểu hay chưa?
Xây dựng và nuôi dưỡng một mối quan hệ cần thời gian, nỗ lực và bí quyết. Bí quyết ở đây chính là trí tuệ cảm xúc (EQ). Nếu bạn muốn có một mối quan hệ bền vững và phát triển theo thời gian, trong đó những nhu cầu của bạn và của đối phương đều được thỏa mãn, thì kỹ năng EQ cuối cùng – làm chủ mối quan hệ – chính là cái bạn cần.
May mắn thay, các kỹ năng làm chủ mối quan hệ này đều có thể học được và chúng có liên quan đến ba kỹ năng còn lại của EQ mà bạn đã quen thuộc – tự nhận thức, làm chủ bản thân và nhận thức xã hội. Bạn dùng những kỹ năng tự nhận thức để nhận biết về cảm xúc của mình và đánh giá xem những nhu cầu của mình có được thỏa mãn hay không. Bạn dùng những kỹ năng làm chủ bản thân để thể hiện cảm xúc của mình và hành động vì lợi ích của mối quan hệ. Cuối cùng, bạn sử dụng kỹ năng nhận thức xã hội để hiểu rõ hơn về nhu cầu và cảm xúc của người khác.
Suy cho cùng, không ai có thể sống một mình, các mối quan hệ là điều không thể thiếu và chúng làm cho cuộc sống trọn vẹn hơn. Vì bạn là một nửa của mọi mối quan hệ, thế nên bạn chịu một nửa trách nhiệm trong việc củng cố và phát triển những mối liên kết này.
[sach_thongminhcamxuc]
Leave A Comment