5. SẴN SÀNG TIẾP NHẬN THÔNG TIN PHẢN HỒI
Thông tin phản hồi là một món quà độc đáo. Nó giúp chúng ta hoàn thiện bản thân bằng những cách thức mà có lẽ ta không tự mình thấy được. Bởi bạn không biết mình sẽ đón nhận điều gì, thế nên, một sự phản hồi đôi khi bất ngờ như bạn mở một gói quà hoặc nhìn vào bên trong chiếc vớ đính cườm màu đỏ dịp Giáng sinh.
Sự ngạc nhiên có thể khiến chúng ta mất tự chủ, vì vậy bạn cần kỹ năng tự nhận thức để đón nhận giây phút này. Mình sẽ cảm thấy gì nếu bị lôi ra chỉ trích và quá đỗi bất ngờ? Mình sẽ biểu lộ ra sao? Với nhận thức này, hãy dùng đến kỹ năng làm chủ bản thân: mình nên chọn cách phản ứng nào?
Để giúp bạn tiếp nhận thông tin phản hồi một cách tốt nhất, hãy xem từng yếu tố một. Đầu tiên, cân nhắc về nguồn gốc của phản hồi đó. Người này có thể có cái nhìn thích đáng về bạn – họ biết bạn và đã từng chứng kiến những gì bạn làm – và mong muốn bạn tiến bộ.
Khi tiếp nhận thông tin phản hồi, hãy vận dụng kỹ năng nhận thức xã hội để lắng nghe và thật sự hiểu điều đó. Đặt những câu hỏi để làm rõ hơn và yêu cầu thêm dẫn chứng cụ thể để bạn nắm bắt được quan điểm của người ấy. Dù bạn có đồng tình với những nhận xét đó hay không thì hãy cảm ơn người đã chia sẻ ý kiến với bạn, bởi cả người nhận lẫn người đưa ra phản hồi đều đáng trân trọng.
Sau khi đón nhận thông tin phản hồi, hãy dùng những kỹ năng làm chủ bản thân để quyết định bước tiếp theo; đừng ép mình hành động ngay. Thời gian có thể giúp bạn tiếp thu những ý nghĩa sâu xa, phân loại cảm xúc và suy nghĩ của bạn, giúp bạn quyết định xem cần phải làm gì với những thông tin phản hồi đó. Bạn còn nhớ danh sách Cảm xúc đi ngược lại Lý trí không?
Tiếp nhận thông tin phản hồi có lẽ là phần khó nhất trong cả quá trình. Một khi bạn đã quyết định làm gì với những thông tin phản hồi, hãy tuân theo kế hoạch. Thật sự bắt tay vào điều chỉnh chứng tỏ bạn đánh giá cao ý kiến nhận xét của người phản hồi. Hãy nghiêm túc ghi nhận ý kiến của người khác và cố gắng điều chỉnh theo những gì họ đề xuất. Có lẽ đây là cách tốt nhất để củng cố mối quan hệ của bạn với họ.
6. TẠO DỰNG LÒNG TIN
Bạn đã bao giờ “thực hành” về lòng tin chưa? Bài tập như thế này: bạn có một người cùng chơi, bạn đứng quay lưng lại trước mặt người ấy, cách khoảng một mét rưỡi. Bạn nhắm mắt lại, đếm đến ba, rồi bạn ngả ra phía sau để người ấy đỡ bạn. Khi người ấy đỡ được bạn, mọi người sẽ thích thú cười vang và nhẹ nhõm vì không ai bị mất thăng bằng. Giá như chỉ cần đôi tay chắc khỏe và sự thăng bằng vững chãi là có thể tạo được niềm tin.
Một tác giả khuyết danh từng nói “Lòng tin là nguồn tài nguyên diệu kỳ, càng dùng nhiều nó càng dồi dào chứ không hề vơi cạn.” Lòng tin là điều khó kiếm nhưng lại dễ dàng đánh mất chỉ trong phút chốc, và có lẽ nó là mục tiêu quan trọng nhất, khó khăn nhất trong việc làm chủ mối quan hệ của chúng ta.
Niềm tin được tạo dựng như thế nào? Giao tiếp cởi mở; sẵn lòng chia sẻ; nhất quán trong lời nói, hành động và cách ứng xử; đáng tin cậy trong việc thực hiện đến cùng những thỏa thuận chung trong các mối quan hệ, chỉ mới là một vài ví dụ. Trớ trêu thay, trong đa số các mối quan hệ, bạn cần phải có một mức độ tin tưởng nhất định để bắt đầu tạo dựng lòng tin.
Để xây dựng lòng tin, hãy sử dụng kỹ năng tự nhận thức và làm chủ bản thân để mở lòng và chia sẻ vài điều về bản thân. Nên nhớ, mỗi lần bạn chỉ chia sẻ một phần nào đó về mình mà thôi; đừng nghĩ mọi người phải hiểu bạn như đọc một quyển sách.
Để làm chủ mối quan hệ, bạn phải kiểm soát được lòng tin của bạn dành cho người khác, và mức độ tin tưởng của họ đối với bạn rất quan trọng trong việc gắn kết mối quan hệ giữa bạn với người khác. Nuôi dưỡng các mối quan hệ và gây dựng lòng tin cần thời gian. Hãy xác định xem những mối quan hệ nào trong đời bạn cần có thêm sự tin tưởng và áp dụng kỹ năng tự nhận thức để tìm xem điều gì còn thiếu. Dùng kỹ năng nhận thức xã hội để hỏi người khác xem họ cần gì để gây dựng lòng tin – và lắng nghe câu trả lời. Việc đặt câu hỏi thể hiện bạn quan tâm đến mối quan hệ, điều đó sẽ giúp gây dựng sự tin tưởng và khiến mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn.
7. TẠO CHO MÌNH MỘT “CHÍNH SÁCH MỞ”
Điểm lại bài học lịch sử mà có thể bạn còn nhớ: Chính Sách Mở Cửa bắt đầu từ năm 1899 khi Mỹ sợ mình đánh mất đặc quyền giao thương với các quốc gia phương Đông. Chính phủ Mỹ tuyên bố một “chính sách mở cửa”, cho phép mọi quốc gia tiếp cận với thị trường Trung Quốc.
Tiếp cận: đây là một từ quan trọng nói lên được tinh thần cốt lõi của khái niệm mở cửa. Tiếp cận nhanh chóng vượt ra khỏi những hợp đồng buôn bán thông thường để thâm nhập vào nơi làm việc. Ngày nay, một chính sách mở cho phép mọi nhân viên được nói chuyện vượt cấp, góp phần giúp nhân viên cấp dưới giao tiếp với cấp lãnh đạo dễ dàng, trực tiếp hơn.
Hãy hỏi những người chung quanh xem bạn có nên áp dụng một chính sách mở để làm chủ tốt hơn những mối quan hệ của mình không. Nếu bạn cần trở nên dễ tiếp cận hơn, và thể hiện cho mọi người biết rằng họ lúc nào cũng có thể nói chuyện thoải mái với bạn, thì việc áp dụng chính sách này chính là những gì bạn cần.
Hãy nhớ rằng bạn không phải xẻ thân mình ra để có mặt bất cứ lúc nào người khác muốn; bạn chỉ cần thể hiện nguyên tắc của mình và trung thành với nó. Hãy dùng kỹ năng tự nhận thức để xác định xem chính sách đó có tác động như thế nào đối với bạn và cố gắng thực hiện. Không ngừng quan sát người khác, hay còn gọi là nhận thức xã hội, cũng giúp bạn xác định được nguyên tắc này hoạt động như thế nào.
Nên nhớ, việc dễ tiếp cận hơn sẽ góp phần cải thiện các mối quan hệ của bạn – nó thật sự mở ra cánh cửa giao tiếp, dù là gián tiếp (qua email hoặc điện thoại). Mọi người sẽ thấy được trân trọng hơn vì khoảng thời gian bạn dành cho họ; và bạn có cơ hội tìm hiểu về người khác. Cuối cùng, các bên đều có lợi.
8. CHỈ NỔI GIẬN CÓ CHỦ ĐÍCH
“Ai cũng có lúc trở nên giận dữ – điều đó rất dễ. Nhưng giận đúng người, đúng mực, đúng thời điểm, đúng mục đích và đúng cách thì không dễ chút nào.”
Chúng ta biết ơn triết gia Hy Lạp Aristotle vì câu nói này và sự thâm thúy của nó trong việc làm chủ cảm xúc và các mối quan hệ của chúng ta. Nếu bạn thuần thục điều này thì có thể xem như hành trình cải thiện EQ của bạn đã thành công. Giận dữ là một cảm xúc tồn tại với ý nghĩa riêng của nó – giận dữ không phải là dạng cảm xúc bạn có thể dồn nén hoặc tránh né. Nếu bạn kiểm soát nó đúng cách và dùng nó vào đúng mục đích, bạn sẽ nhận được những kết quả giúp tăng cường các mối quan hệ của mình. Thật như vậy đấy.
Hãy nghĩ đến một huấn luyện viên bóng đá đang trao đổi thẳng thắn vấn đề với đội trong giờ nghỉ giữa hiệp. Những ý kiến phản hồi nghiêm khắc của ông buộc các học trò phải chú ý và tập trung cải thiện trong hiệp hai. Cả đội quay lại sân với trạng thái tươi tắn hơn, tập trung hơn và sẵn sàng chiến thắng; trong trường hợp này, huấn luyện viên đã kiểm soát tốt những cảm xúc của mình để thúc đẩy các cầu thủ hành động. Bộc lộ sự giận dữ theo cách thích hợp thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ bên trong bạn và nhắc nhở người khác về mức độ nghiêm trọng của tình huống. Tuy vậy, thể hiện sự giận dữ quá mức hoặc không đúng lúc sẽ khiến người khác bị tê liệt với những cảm xúc của bạn, khiến họ khó mà hiểu được bạn một cách nghiêm túc
Việc sử dụng những cảm xúc mạnh mẽ như giận dữ để đạt được những lợi ích trong các mối quan hệ cần nhiều thời gian để thuần thục, bởi tôi hy vọng rằng bạn không có nhiều cơ hội trong ngày để thực hành nó. Cần có sự chuẩn bị chu đáo cho sách lược này, bắt đầu từ việc nhận thức rõ ràng về cơn giận của mình.
Hãy dùng những kỹ năng tự nhận thức để suy nghĩ và đưa ra một định nghĩa về các mức độ khác nhau trong cơn giận của bạn – từ một cảm xúc khiến bạn khó chịu đến một cảm xúc khiến bạn mắc kẹt trong đó. Viết những mức độ này ra và chọn những từ ngữ diễn tả đúng, sau đó viết ra những ví dụ giải thích tại sao bạn có những cảm xúc như vậy. Hãy xác định khi nào bạn nên bộc lộ cơn giận dựa trên tiêu chí một khi đã bộc lộ ra, thì bằng cách nào đó nó sẽ giúp bạn cải thiện mối quan hệ. Để đưa ra lựa chọn này, hãy dùng kỹ năng nhận thức xã hội để nghĩ về những người có liên quan và phản ứng của họ.
Nên nhớ, làm chủ mối quan hệ thực chất là việc đưa ra những lựa chọn và hành động nhằm tạo ra một mối quan hệ chân thành và sâu sắc với người khác. Để làm được điều này, bạn phải thành thật với người khác và với chính bạn, điều này đôi khi đồng nghĩa với việc sử dụng cơn giận có chủ đích.
9. ĐỪNG TRÁNH NÉ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG TRÁNH KHỎI
Bạn và Marge cùng làm trong một bộ phận vận chuyển và tiếp nhận. Cô ấy khiến bạn phiền lòng quá; nếu có cái nút nào đấy có thể chuyển cô ta sang một bộ phận khác thì bạn đã ấn từ cách đây năm năm. Vấn đề là chẳng hề có một cái nút như vậy, và cũng chẳng có cơ may nào có thể thay đổi. Như để thêm dầu vào lửa, sếp vừa giao cho bạn và Marge cùng làm một dự án lớn. Cô ấy đề nghị gặp mặt trong lúc ăn trưa để bàn về những việc phải làm, và bạn đã có ngay một danh sách lý do để thoái thác. Rõ ràng là bạn muốn gạt phăng cô ấy sang một bên. Nhưng rồi sao? Các bạn vẫn ngồi cùng thuyền, vẫn phải thực hiện chung một dự án và phải tìm ra cách để làm việc với nhau.
Đây là lúc mà kỹ năng làm chủ mối quan hệ trở nên hết sức cần thiết, bởi mặc dù bạn không có ý định kết thân với người này, nhưng bạn và cô ấy giờ đây cùng chịu trách nhiệm chung một dự án. Đây là cách thức cơ bản để làm việc với Marge: không tránh né cô ấy hoặc những tình huống sắp tới. Hãy chấp nhận điều này và lựa chọn kỹ năng EQ để đồng hành cùng cô ấy.
Bạn cần quan sát những cảm xúc của mình và quyết định kiểm soát chúng ra sao. Bởi vì bạn không đơn độc trong chuyện này, hãy sử dụng những kỹ năng nhận thức xã hội để mang Marge lại gần bạn hơn, đồng thời đặt mình vào hoàn cảnh của cô ấy. Hãy chủ động gặp cô ấy để biết cô ấy có ý kiến gì cho dự án chung, đồng thời định làm việc với bạn ra sao trong dự án này. Hãy quan sát ngôn ngữ cơ thể của cô ấy để xem cô ấy phản hồi với bạn như thế nào; rất có thể bạn khiến cô ấy thất vọng không ít! Điều này có thể hơi đau đớn một tí, nhưng bạn thật sự thiết lập được nền tảng cho một mối quan hệ trong công việc.
Tiếp theo, hãy chia sẻ những mong muốn của bạn trong việc quản trị dự án và cùng đi đến một thỏa thuận. Bạn không nhất thiết phải nói với Marge rằng bạn không quan tâm đến cô ấy – thay vì thế, bạn có thể chia sẻ rằng bạn thích làm việc độc lập trong những phần riêng biệt của dự án và thỉnh thoảng gặp cô ấy để chắc chắn cả hai cùng tiến độ. Nếu Marge đồng ý, việc của bạn đã có bước tiến triển mới. Nếu cô ấy không đồng ý, bạn hãy áp dụng nhiều hơn nữa các kỹ năng làm chủ bản thân và nhận thức xã hội cho đến khi bạn đạt được thỏa thuận.
Nếu trong quá trình này bạn cảm thấy thất vọng (và chắc sẽ có), hãy tự hỏi tại sao và quyết định làm chủ bản thân như thế nào. Quay lại với Marge trong cuộc họp lần sau và nhắc nhở bản thân về mục tiêu chung là dự án. Đến giai đoạn kết thúc, hãy tìm cách công nhận những gì hai bạn đã đạt được cùng với nhau.
10. CHẤP NHẬN CẢM XÚC NGƯỜI KHÁC
Nếu bạn gặp nhiều khủng hoảng trong các mối quan hệ, phương pháp EQ này có thể là điểm khởi đầu tốt đẹp hơn. Giả sử buổi sáng nọ, đang loay hoay đậu xe trong bãi xe công ty, bạn thấy cô đồng nghiệp Jessie đang rơm rớm nước mắt khi bước ra khỏi chiếc xe ngay cạnh bạn. Bạn hỏi thăm xem cô ấy có ổn không, và cô ấy đang bất ổn. Thế là bạn an ủi, “Ồ không sao đâu, bắt tay vào việc chị sẽ quên hết mà. Gặp chị sau nhé.” Rồi bạn cứ lấy làm thắc mắc vì sao cô ta tránh mặt bạn suốt ngày hôm đó.
Một điều quan trọng trong làm chủ mối quan hệ là đối mặt với những cảm giác khó chịu và dành thời gian để chấp nhận, chứ không phải dẹp bỏ hoặc cố thay đổi, cảm xúc của người khác. Câu nói: “Tôi rất tiếc khi thấy chị buồn như vậy; tôi có thể làm được gì cho chị?” khiến Jessie thấy rằng nếu cô ấy muốn khóc để cảm thấy nhẹ lòng hơn, thì bạn sẽ sẵn sàng tìm khăn giấy cho cô ấy. Những hành động đơn giản như vậy chính là cách bạn thừa nhận cảm xúc của người khác nhưng không làm to chuyện, không coi thường hoặc bỏ qua những cảm xúc đó. Ai cũng có quyền nếm trải cảm xúc, kể cả khi bạn không cảm nhận giống họ. Không nhất thiết bạn phải đồng tình với cảm xúc của người khác, nhưng bạn phải xem cảm xúc của họ là chính đáng và tôn trọng chúng.
Để giúp bạn hiểu được cảm xúc của người khác, ta cùng xem lại trường hợp của Jessie. Dùng những kỹ năng nhận thức xã hội để lắng nghe và tóm tắt lại những điều bạn nghe được cho cô ấy nghe. Điều này không chỉ chứng tỏ bạn có kỹ năng lắng nghe tuyệt vời mà còn cho thấy bạn nhuần nhuyễn trong việc làm chủ mối quan hệ bởi bạn mở lòng và thể hiện sự lo lắng, quan tâm đến cô ấy. Bạn sẽ kết thúc cuộc trò chuyện bằng sự gắn bó hơn với một Jessie giờ đã bình tâm lại – và tất cả những gì bạn cần chỉ là dành chút thời gian để quan tâm và ghi nhận cảm xúc của cô ấy.
[sach_thongminhcamxuc]
Leave A Comment