Chúng tôi tin rằng bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể giúp con cái xây dựng và bồi đắp lòng tự trọng nếu họ biết cách. Bạn cũng thế, dù con bạn đã 15-17 tuổi và từ hồi nào đến giờ chưa tìm được niềm tin vào bản thân mình. Dù bạn xuất phát từ điểm nào thì chúng ta vẫn có thể tạo ra sự khác biệt nếu bắt đầu ngay từ bây giờ. Không bao giờ là quá muộn cho một sự thay đổi, đó phải là phương châm của chúng ta – những người làm cha làm mẹ.
Trong suốt 15 năm gắn bó với sự nghiệp đào tạo, chúng tôi cảm thấy mình thật sự nhận được những phần thưởng lớn lao khi tận mắt chứng kiến những thay đổi kỳ diệu của các thiếu niên cá biệt sau khi chúng học được cách yêu thương và tin tưởng vào bản thân. Đến lượt mình, những em này lại tạo ra những ảnh hưởng tích cực lan tỏa tới những người xung quanh, đặc biệt là người thân của chúng.
Sau đây là một vài phương pháp đã qua thực nghiệm và chứng tỏ rất hiệu quả mà bạn có thể sử dụng để nuôi dưỡng lòng tự trọng nơi con bạn.
1) Giao Tiếp Với Con Bạn Bằng Một Tình Yêu Thương Vô Điều Kiện
Chúng tôi tin rằng, chỉ riêng việc bạn dành thời gian đọc quyển sách đến trang này đã chứng tỏ bạn rất mực yêu thương con mình. Đúng thế, tình thương yêu con cái thì chúng ta có thừa, vấn đề là ở chỗ làm thế nào để CHUYỂN TẢI và giúp con trẻ có thể cảm nhận tình yêu thương một cách đầy đủ nhất.
Tiếc thay, một việc tưởng chừng đơn giản như thế nhưng không dễ thực hiện chút nào.
Dù chúng ta có làm vô số việc cho con (đưa con đi chơi công viên, cho chúng tiền tiêu vặt, mua những món đồ chơi và vật dụng đắt tiền, đưa đi ăn ở các nhà hàng sang trọng,…), nhiều đứa trẻ không hiểu được đó là biểu hiện của tình yêu thương mà vẫn thấy mình bị thiếu thốn tình cảm, thậm chí nhiều em còn cho là mình bị bỏ rơi, hắt hủi.
Thế mới có chuyện nhiều ông bố bà mẹ bị “sốc” khi trong lúc bộc phát, đứa con mà họ rất mực yêu thương nói là nó cảm thấy bị cha mẹ ghét bỏ. “Sao mà con có thể nghĩ như thế sau tất cả những gì mà mẹ đã làm cho con!”, nhưng cách giao tiếp kiểu ấy không hề làm cho hai thế hệ xích lại gần nhau hơn.
Tôi chẳng đã nói với bạn rằng con trẻ nhận thức về tình yêu thương mà người lớn dành cho chúng thật khác với cách mà chúng ta quan niệm đó sao? Điều này chúng ta đã bàn tới trong chương trước nên ta sẽ không nhắc lại nữa. Vì vậy, khi nghe con cái nói thế, hãy hiểu rằng hẳn có vấn đề trong “đường truyền” thông tin và tình cảm giữa bạn và con cái. Bạn chớ nổi giận mà kể ra một lô những việc bạn đã làm cho con, những nỗi mang nặng đẻ đau, những chi phí tốn kém cho việc nuôi chúng ăn học nhé. Điều này chỉ khiến chúng nghĩ bạn đang kể công với chúng, những công lao mà chúng sẽ không bao giờ trả hết.
Thay vì thế, chúng ta hãy học cách chuyển tải tình yêu thương, hãy nói theo CÁCH CỦA TRẺ. Có năm cách giúp bạn làm được điều ấy. Đó là: khen ngợi, thường xuyên dùng những lời lẽ yêu thương trìu mến, vuốt ve âu yếm, dành thời gian ở bên con và cuối cùng là trao đổi với con về nhiều đề tài cuộc sống một cách bình đẳng.
Trước khi đi vào cách thức cụ thể, tôi cũng xin bạn lưu ý rằng chẳng có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, nên chúng sẽ có phản ứng khác nhau với những cách gửi gắm tình yêu thương của bạn. Ví dụ, việc khen ngợi có thể có tác dụng với đứa trẻ này trong khi cử chỉ âu yếm (như ôm hôn) lại hiệu quả hơn đối với đứa trẻ khác. Thậm chí ngay cả anh chị em trong một nhà cũng có thể khác nhau về cách nhận thức tình thương của cha mẹ.
Nhưng bạn chớ vội nản lòng nếu những biện pháp này không mang lại hiệu quả ngay lập tức. Như tất cả mọi sự trên đời, ta cần phải có thời gian để một hạt giống tốt ươm xuống đất đâm chồi nảy lộc, phát triển thành cây và sau đó cho ra hoa thơm quả ngọt. Đặc biệt, nếu mối quan hệ của bạn với con cái đang bị rạn nứt thì những thay đổi này càng cần phải có thời gian và sự nhẫn nại. Cứ tin tôi đi, rồi mối quan hệ giữa bạn và con cái sẽ trở nên tốt đẹp, ngay khi bạn khôi phục được lòng tin nơi chúng!
a) Khen Ngợi
Chúa Jesus từng nói, “Khởi thủy là lời”, có nghĩa là tất cả bắt đầu từ lời nói. Trong chuyện nuôi dạy con cái, chúng ta cũng có thể mượn câu này để nói rằng ngôn từ là phương pháp dễ dàng nhất và may thay, cũng hiệu quả nhất trong việc chuyển tải tình thương và làm đầy bể yêu thương trong con bạn. Đôi khi chỉ một câu được nói ra đúng chỗ đúng lúc cũng có sức mạnh làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một đứa trẻ.
Trong khi đa số cha mẹ có khuynh hướng bắt bẻ con cái khi chúng phạm lỗi, những bậc phụ huynh thành công lại chú ý vào những việc làm tốt của con cái và khiến chúng cảm thấy hạnh phúc khi làm một việc tốt, dù việc đó có nhỏ đến đâu đi chăng nữa. Họ củng cố những hành vi mang tính tích cực của con cái thông qua lời ngợi khen và động viên chân thành. Họ tin vào sách lược biểu dương những mặt mạnh và thành quả trước, rồi sau đó mới nhắc nhở tế nhị đến những mặt chưa được. Họ hiểu rõ rằng một khi đứa trẻ cảm thấy nó được yêu thương, mạnh mẽ, có năng lực, thì nó sẽ cảm kích trước những lời khuyên thấu tình đạt lý của cha mẹ mà tự nhìn thấy những điểm chưa tốt của mình rồi tìm cách khắc phục.
Có nhiều cách dùng lời để truyền đến con cái thông điệp mà chúng rất cần này: cha mẹ thương yêu con và tự hào về con!
“Mẹ rất vui khi con giúp mẹ lau nhà.”
“Ba rất tự hào khi thấy con chăm chỉ học tập như thế.”
Tuy vậy, có hai điểm quan trọng mà bạn cần lưu ý khi khen ngợi con cái. Thứ nhất, lời khen của bạn phải chân thành. Đừng bao giờ nói việc làm của chúng là tốt trong khi thực chất không phải như vậy. Trẻ con thích được khen nhưng không hề ngu ngốc, khi chúng nghi ngờ rằng bạn chỉ khen giả vờ, chúng sẽ cảm thấy tồi tệ hơn.
Điểm thứ hai và là điểm quan trọng, bạn chỉ nên khen ngợi một việc làm hay nỗ lực CỤ THỂ mà bạn ghi nhận được, đừng đưa ra những lời khen ngợi chung chung. Các nghiên cứu cho thấy khi cha mẹ (hay thầy cô) khen ngợi chung chung như “Con trai mẹ thông minh quá”, “Con rất sáng tạo”, “Con gái mẹ mới khéo léo làm sao” v.v…, trẻ thường có khuynh hướng nghi ngờ người khen hay chính lời khen đó.
Thay vào đó, hãy dành những lời khen cho một nỗ lực cụ thể hay một kết quả mà con bạn đạt được. Ví dụ, “Mẹ biết con đã dành nhiều thời gian ôn luyện bài thi này” hay “Con rất chu đáo khi giúp mẹ dọn bàn ăn” hay “Con thật đáng mặt đàn anh khi giúp em con học Toán”.
Ngoài ra, bạn cũng cần phân biệt một số sắc thái khác nhau khi dùng lời lẽ ngợi khen con cái. Hãy làm phép so sánh giữa “Con thật chăm chỉ” với “Con đã dành trọn ba tiếng đồng hồ để học bài. Như vậy là rất chăm chỉ”. Rõ ràng, trong cách nói thứ hai, bạn đã miêu tả nỗ lực của trẻ một cách cụ thể hơn, lần sau con bạn cũng sẽ cố gắng để nhận được lời khen của cha mẹ bằng việc dành ra ba tiếng hoặc hơn để học bài. Tôi cho rằng đưa ra lời khen càng chân thành và cụ thể bao nhiêu càng có tác dụng tốt bấy nhiêu.
b) Dùng Lời Lẽ Yêu Thương Trìu Mến
Trong khi lời ngợi khen tập trung vào những việc làm tốt của trẻ, lời lẽ yêu thương trìu mến hướng đến nhân cách của trẻ và trực tiếp đưa ra thông điệp của tình thương.
Tôi chắc rằng ngày còn bé, bạn cũng từng cảm động khi nghe cha mẹ nói với mình những “lời có cánh” như thế này:
“Mẹ yêu con nhất trên đời.” “Mẹ thích ở bên cạnh con.”
“Cha mẹ tự hào vì con.”
“Con là niềm vui của cả nhà.”
Bạn đừng coi thường việc dùng lời yêu thương đối với con cái nhé, nó được ví như con thuyền nhờ đó bạn chuyên chở tình yêu thương vô điều kiện và lòng tin vào con cái đến những bến đậu khác nhau trong đời chúng. Nhiều người vì không biết mà khiến con cái nghĩ rằng tình yêu của họ có điều kiện. Rằng cha mẹ chỉ thương chúng nếu… chúng ngoan ngoãn, nếu… chúng đạt điểm cao và nếu… chúng biết vâng lời.
Tuy nhiên, để con trẻ có thể thật sự cảm nhận rõ chúng đang sống trong bầu không khí yêu thương dưới mái ấm gia đình, chúng cần có những trải nghiệm rõ ràng rằng dù thế nào đi nữa, bạn vẫn yêu thương chúng với một tình yêu vô điều kiện. Vậy thì khi bạn muốn khiển trách con vì một việc làm hay lời nói không tốt, hãy làm sao cho chúng biết rõ là bạn yêu thương chúng, bạn chỉ không thích một biểu hiện cụ thể nào đó của chúng mà thôi. Đừng bao giờ gắn tình yêu thương của bạn với hành vi của chúng. Nếu làm vậy, tình yêu thương của cha mẹ với con cái sẽ là một tình yêu nông cạn, có điều kiện mất rồi.
Việc truyền đạt lòng tin tưởng của bạn vào con cái cũng rất quan trọng. Bao giờ bạn cũng phải làm cho con cái tin rằng, dù một việc làm hay hành vi cụ thể của chúng có tệ hại đến mức nào ở thời điểm này thì bạn cũng tuyệt đối tin rằng chúng có thể bỏ những hành vi đó và sẽ thành công. Giây phút mà con bạn cảm thấy rằng cha mẹ không còn tin tưởng chúng nữa, chúng sẽ rất khó khôi phục niềm tin vào bản thân mình.
Dưới đây là ví dụ về cách chuyển tải tình yêu thương vô điều kiện và lòng tin vào đứa con của một người mẹ trong khi bà khiển trách một hành động của con.
Một khi chúng ta đặt trọn vẹn lòng tin vào con trẻ, cái mà chúng ta nhận lại được thường rất lớn. Khi bạn đã nhấn vào đúng “nút bấm cảm xúc”, trẻ sẽ làm tất cả để xứng đáng với lòng tin của bạn.
c) Vuốt Ve Âu Yếm
Các nghiên cứu khoa học cho thấy lời nói chỉ đóng góp 7% vào thành công trong giao tiếp, trong khi ngôn ngữ cử chỉ của con người đóng góp đến 93% hiệu quả. Do đó, bên cạnh những phát ngôn bằng lời thì cử chỉ, nét mặt, ánh mắt đi kèm chính là “đường băng thông rộng” truyền đi tình yêu thương nhanh nhất và trực tiếp nhất đến đối tượng tiếp nhận. Bạn thường hay cau có hay luôn mỉm cười với con bạn? Bạn khoanh tay trước ngực hay giang rộng vòng tay khi nói chuyện với chúng? Nếu ánh mắt bạn lạnh lùng và khuôn mặt vô cảm thì thử hỏi nếu bạn nói “mẹ yêu con”, liệu chúng có tin không?
Vuốt ve âu yếm con cái là những ngôn ngữ không lời nhưng hiệu quả trong việc nói lên tình thương yêu sâu đậm mà bạn dành cho con.
- Ôm con vào lòng
- Hôn lên má con
- Vỗ lưng con hay đập tay với con những lúc cả hai cùng chúc mừng một điều gì đó
- Quàng tay qua vai con nhẹ nhàng hoặc nắm lấy tay con
- Nắn nhẹ vai con hay vuốt tóc con dịu dàng
Nếu những cử chỉ trìu mến trên đi kèm với những lời yêu thương hay ngợi khen thì có hiệu quả đến 100% vì chúng bổ sung sức mạnh cho nhau.
Tuy nhiên, khi bày tỏ cử chỉ yêu thương trìu mến, hãy lưu ý những điểm quan trọng sau đây:
- Tránh ôm hôn con trước mặt bạn bè chúng. Không có gì làm chúng “quê” và bối rối hơn việc đó. Những cô bé cậu bé tuổi teen thích tỏ ra người lớn và độc lập, để cha mẹ hôn hít khiến chúng có cảm giác mình vẫn còn “bám gấu váy mẹ”.
- Lưu ý đến tâm trạng hiện thời của con cái. Những lúc trẻ hoang mang, bực dọc, việc chạm vào người chúng sẽ khiến cho một số trẻ nhảy dựng lên. Chúng cảm thấy bị làm phiền trong khi đang cần một khoảng không gian riêng để tự giải quyết những vấn đề trong cảm xúc của mình.
- Một số đứa trẻ không thoải mái khi đón nhận cử chỉ yêu thương trìu mến, nếu cha mẹ vồ vập quá sẽ chỉ khiến chúng xa lánh hơn. Tuy vậy, tình trạng này cũng thay đổi theo thời gian khi chúng lớn lên. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ con mình. Làm thế nào để con cái hiểu và tiếp nhận tình cảm của mình là điều mà hơn ai hết trên đời này, bạn phải là người hiểu rõ nhất. Ví dụ, từ 11-12 tuổi trở đi, nhiều đứa trẻ cảm thấy thoải mái khi bạn vỗ lưng chúng hơn là hôn chúng (dù hồi còn bé chúng có thể thích được hôn). Do đó, bạn đừng hiểu lầm hay cảm thấy bị từ chối khi chúng không thích được cha mẹ âu yếm.
Nếu để ý qua những thước phim, bạn sẽ thấy người phương Tây dễ dàng và tự nhiên biểu lộ cử chỉ âu yếm con cái, trong khi người phương Đông chúng ta thường e ngại và kiêng dè những biểu hiện này, nhất là khi đứa trẻ đã lớn. Nhưng chúng ta cần phải có cách nghĩ khác về những biểu hiện tình cảm này vì đó là phương tiện hiệu quả nhất trong việc xây đắp những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và củng cố lòng tự tin nơi con trẻ.
d) Dành Thời Gian Ở Bên Con Cái
Muốn con cái cảm nhận được tình thương yêu mà bạn dành cho chúng thì lời nói và những cử chỉ ấu yếm thôi chưa đủ. Bạn còn cần phải dành một khoảng thời gian nhất định để chơi đùa, sinh hoạt cùng con cái, hoặc chỉ đơn giản là ở bên chúng để chúng có thể cảm nhận được sự có mặt của cha mẹ một cách trọn vẹn, còn bạn thì hưởng niềm vui đơn giản là được sống trong không khí gia đình rộn rã tiếng cười nô đùa của con trẻ.
Tuy vậy, các bậc cha mẹ ngày nay hết sức bận rộn, công việc cuốn họ vào một guồng máy bất tận nên việc dành ra một khoảng thời gian không điện thoại, không có lịch làm việc và không phải tính toán cơm áo gạo tiền, chỉ vì con và cho con quả là một việc khó khăn. Khi cảm thấy mình có mặt bên con ngày càng ít đi, nhiều bậc cha mẹ tìm cách đền bù lại bằng cách mua sắm cho con bất cứ cái gì chúng thích. Cách làm ấy không chỉ là một vật thay thế tồi tệ cho khoảng thời gian cha mẹ và con cái quây quần bên nhau, mà còn gây ra một vấn đề khác, có thể làm hư trẻ. Khi bọn trẻ muốn gì có nấy, chúng sẽ coi nhẹ giá trị của lao động, không biết cái giá của đồng tiền mà cha mẹ chúng phải hy sinh hạnh phúc ở bên con để kiếm ra, chúng sớm trở nên thực dụng, đó là chưa kể chúng có thể thiếu đi động lực thành công và thích dựa dẫm vào người khác với cách nghĩ rằng mọi người (đặc biệt cha mẹ) phải lo cho chúng mọi bề.
Vì vậy, dù bạn bận rộn hay mệt mỏi đến mức nào sau một ngày mưu sinh, hãy dành ra ít nhất một hoặc hai tiếng mỗi ngày để ở bên con cái. Có rất nhiều việc mà cha mẹ và con cái có thể làm cùng nhau như nấu cơm, dọn nhà, làm vườn, tranh luận về một cuốn sách hay đơn giản là cùng nhau nghe nhạc. Tuy vậy, xem tivi, đi mua sắm (trong những khu mua sắm ồn ào và bị chi phối bởi ngoại cảnh) không thể tính là khoảng thời gian ở bên con. Nó cũng tương tự như trường hợp hai người ngồi cạnh nhau nhưng mỗi người theo đuổi một mối quan tâm hay công việc riêng.
e) Trao Đổi Bình Đẳng Với Con Cái Về Những Chủ Đề Có Ý Nghĩa
Ngoài những việc làm kể trên còn một việc mà bạn có thể làm cho con và cho mình là nói chuyện bình đẳng với chúng về các đề tài có ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là những cuộc trao đổi thật sự khi cha mẹ và con cái bình đẳng và thoải mái chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và kinh nghiệm cho nhau, không phân biệt ngôi thứ: trẻ có thể nói ra những suy nghĩ của mình mà không sợ bị chỉ trích, quy kết hay lên án. Về phía cha mẹ, đây là buổi trao đổi với con cái giống như chúng ta nói chuyện với bạn bè chứ không phải thuyết giảng cho con nghe.
Sau đây là một vài điểm quan trọng cần lưu ý nếu bạn thật sự muốn có một cuộc nói chuyện có ý nghĩa với con, để rồi sau đó cả bạn lẫn con bạn đều cảm thấy gần gũi và yêu thương nhau hơn.
Trước hết, bạn cần phải dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho những cuộc trao đổi kiểu này – trong và sau bữa ăn tối là tốt nhất. Khi bạn không có thói quen nói chuyện thường xuyên với con mà lại đột ngột nói “Chúng ta hãy nói chuyện với nhau” thì câu nói này nghe như “có vấn đề”, khiến trẻ nghi ngại và đề phòng. Vậy nên hãy bố trí thời gian để cha mẹ và con cái càng có nhiều dịp trao đổi với nhau càng tốt.
Khi đã có “luật chơi” cho một buổi trò chuyện thân mật và cởi mở, bạn hãy áp dụng những kỹ thuật sau:
- Nhìn Vào Mắt Con
Dù đang nói hay đang lắng nghe, bạn hãy luôn nhìn vào mắt con. Điều đó cho con bạn biết rằng cha mẹ thành thật muốn ở bên con cái và lắng nghe mọi ý kiến của chúng. Chú ý đừng nhìn đi chỗ khác, nhìn trộm hoặc trợn mắt (khi con bạn nói điều gì mà bạn không đồng ý), vì những biểu hiện này chứng tỏ bạn không quan tâm đến ý kiến hay cảm nhận của chúng.
- Chú Tâm Hoàn Toàn
Một cuộc giao tiếp chỉ thành công khi mỗi bên chú tâm 100%. Nhiều bậc cha mẹ vừa nghe con nói vừa làm việc khác như xem tivi hoặc nghĩ đến một chuyện gì khác. Cũng đừng tỏ ra lơ đễnh mà hãy chú tâm hoàn toàn vào những gì đang diễn ra. Nếu bạn đang bận, hãy nói rằng bạn cần hoàn thành công việc trước khi tập trung cho câu chuyện.
- Đặt Câu Hỏi Với Ngữ Điệu Quan Tâm Và Muốn Tìm Hiểu
Giọng điệu trong giao tiếp vô cùng quan trọng vì nó chuyển tải thông điệp thật sự của người nói hơn là lời lẽ mà họ dùng. Bạn hãy đặt ra những câu hỏi với giọng điệu quan tâm thành thật. Đáng tiếc, nhiều bậc phụ huynh không nhận ra rằng họ có khuynh hướng đặt câu hỏi với giọng điệu “hình sự” kiểu như, “Thế hôm nay con làm gì?”, “Con đã làm bài xong chưa?” hay “Con nghĩ gì mà làm như vậy?”. Khi trẻ cảm thấy mình như đang ngồi trên “ghế nóng” của tội nhân, chắc chắn chúng sẽ không chịu hé miệng.
- “Luôn Luôn Lắng Nghe, Luôn Luôn Thấu Hiểu!”
Trẻ sẽ cảm thấy thật sự được thấu hiểu và yêu thương khi chúng ta biểu lộ sự cảm thông đúng nghĩa. Khi nói chuyện với chúng, bạn hãy học cách lắng nghe và biểu lộ sự đồng cảm.
Không có gì có thể khiến một đứa trẻ cảm động như khi có một người lắng nghe với tất cả tấm lòng và hiểu được thế giới nội tâm của chúng.
- Tránh Ngắt Lời Hay Lên Án Suy Nghĩ Của Con Trẻ
Nhiều bậc cha mẹ thường trực ý nghĩ rằng trách nhiệm của họ là phải tìm ra vấn đề của con và đưa vào chúng vào khuôn phép ngay tức thì. Do đó, khi cảm thấy con cái nói gì không xuôi tai, họ bèn ngắt lời, “chặn họng” chúng bằng những đánh giá chủ quan hay kịch liệt lên án suy nghĩ của chúng. Ví dụ: “Sao con có thể nghĩ như vậy được, thật dại dột”, “Lần này con lại gây ra chuyện gì nữa đây”. Cuộc nói chuyện chỉ có ý nghĩa thật sự cho cả cha mẹ lẫn con cái khi đứa trẻ cảm thấy chúng được tự do bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không sợ bị đánh giá, phê phán. Bạn hãy để dành ý kiến phản hồi của mình vào lần khác, không việc gì phải nôn nóng cả.
- Đừng Khuyên Bảo Hay Áp Đặt Ý Kiến
Bạn hãy kềm chế đừng đưa ra lời khuyên hay áp đặt ý kiến của mình vội. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy việc này rất khó khăn bởi vì họ có sẵn thói quen nói cho con cái nghe chứ không phải điều ngược lại. Khi chúng ta cứ nhảy xổ vào đưa ra lời khuyên hay “ý kiến cuối cùng” theo kiểu bề trên, trẻ sẽ nghĩ rằng, “Thật ra, ba mẹ đâu muốn nghe suy nghĩ và cảm giác của mình, họ chỉ muốn kiểm soát mình và bảo mình phải làm theo ý họ”. Một lần nữa, hãy dành lời khuyên quý báu của bạn vào dịp khác, còn vào lúc này hãy thực hiện phương châm lắng nghe và thấu hiểu.
- Hãy Xin Phép Trước Nếu Bạn Muốn Đưa Ra Lời Khuyên
Nếu việc cần kíp và bạn muốn hướng dẫn con cái cho “nóng sốt”, trước hết bạn phải chắc chắn rằng chúng đang trong tâm trạng có thể tiếp nhận lời khuyên, và sau đó bạn hãy xin phép được nói lên quan điểm của mình. Nhiều bậc cha mẹ nghe đến khái niệm “xin phép” con cái trước khi phát biểu ý kiến thì phản ứng dữ dội, “Chuyện ngược đời, tôi đẻ ra chúng mà tôi lại phải xin phép chúng để nói lên ý kiến của mình ư? Không đời nào!”.
Đúng là bạn có quyền ra lệnh, bảo ban con cái trong bất cứ chuyện gì mà không cần xin phép gì hết. Nhưng nếu bạn đã “ra luật chơi” là trong những cuộc nói chuyện kiểu này, cả hai bên đều bình đẳng và nếu điều bạn mong muốn là tạo không khí thoải mái cho trẻ dễ tiếp nhận, thì xin thưa với bạn, “xin phép phát biểu ý kiến” là một mẹo đã được các nhà tâm lý học chứng minh là hết sức hiệu quả. Trẻ sẽ cảm động rưng rưng khi thấy mình cũng quan trọng và độc lập như người lớn. Sau đó thì sao? Có đến 99% khả năng chúng sẽ chăm chú lắng nghe và tiếp thu ý kiến của bạn một khi bạn cho chúng cơ hội lựa chọn đồng ý lắng nghe bạn (bằng cách “xin phép” chúng trước).
“Cho phép ba nói lên quan điểm của mình. Ba hiểu là con rất sốc khi thi rớt. Bên cạnh đó, con có thể xem chuyện này như một bài học kinh nghiệm để chứng tỏ với mọi người rằng con biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, con sẽ thi tốt hơn vào lần sau. Và đó mới là điều quan trọng.”
Một lần nữa, bạn cần lưu ý rằng cách tốt nhất để đưa ra lời khuyên và nhận được phản hồi tích cực là bạn phải đồng ý với nhận thức về thế giới của con cái trước. Bạn có thể làm được việc này bằng cách biểu lộ sự đồng cảm với chúng (ví dụ: Ba hiểu là…) trước khi đưa ra một quan điểm khác.
Những lời góp ý sẽ dịu đi giọng điệu chỉ đạo hoặc phê phán rất nhiều nếu bạn sử dụng ngôi thứ nhất thay vì ngôi thứ hai. Những câu như “Ba nghĩ là…”, “Mẹ cảm thấy…” hay “Tất cả những gì mẹ mong muốn cho con là” dễ được đối tượng tiếp nhận hơn là những câu “Con phải …”, “Con nên…”. Đó là vì những câu bắt đầu bằng cụm từ “con phải”, “con nên” mang hàm ý khiển trách hay chỉ thị trong khi những câu bắt đầu bằng ngôi thứ nhất chuyển tải suy nghĩ và cảm xúc của bạn một cách trung hòa hơn.
2) Tạo Cơ Hội Cho Con Cái Chia Sẻ Thành Tích
Một trong những cách tốt nhất để giúp con cái trở nên tự tin là tạo cơ hội cho chúng thông báo và chia sẻ thành tích của mình.
Có một cách khá hay để làm việc này là tổ chức những buổi sinh hoạt gia đình để cha mẹ và con cái thay phiên nhau nói về một việc làm tốt khiến họ cảm thấy tự hào. Đây cũng là dịp để những thành viên khác trong gia đình công nhận thành tích của nhau.
Trong buổi sinh hoạt này, mỗi thành viên gia đình có thể tung lên một trái banh và thay phiên nhau nói những câu như “Hôm nay, con đã làm một việc đáng tự hào là giúp một bà lão đi qua đường”.
Đâu cần bạn phải làm việc gì to tát mới có thể tự hào về mình và được người khác công nhận! Thậm chí một việc đơn giản như làm quen với một người bạn mới cũng đáng để nói cho người khác biết cơ mà. Chúng ta ai nấy đều mong muốn được công nhận và được biết ơn. Thế nên những buổi sinh hoạt gia đình kiểu này giúp thỏa mãn nhu cầu trở nên quan trọng và được công nhận của cha mẹ cũng như của con trẻ.
(Việc làm này cũng là để dạy cho con cái chúng ta cảm giác tự hào về bản thân thông qua những việc tốt và thành tích của mình. Bạn đừng lo là việc làm này sẽ khiến con cái trở nên tự kiêu tự đại, sự chia sẻ này thực chất là để giúp trẻ phát triển sự tự tin và nghệ thuật chia sẻ niềm vui cũng như cách thức công nhận kết quả của người khác mà thôi.)
3) Phong Tặng Con Những Danh Hiệu Tích Cực
Trong khi nhiều bậc phụ huynh có thói quen gán những “nhãn dán tiêu cực” cho con cái như “Con hay quên quá”, “Con thật vô trách nhiệm” hay “Con thật ngu ngốc”, thì những người thành công trong nuôi dạy con lại làm điều ngược lại. Họ bao giờ cũng tìm cơ hội dán những cái “nhãn tích cực” cho con cái, nhờ đó giúp chúng tự hình thành và vun đắp hình ảnh tích cực về bản thân.
Ví dụ, thấy con chăm chú học bài, bạn có thể nói “Con chuẩn bị cho kỳ kiểm tra đấy à? Đúng là có tinh thần kỷ luật và biết lo xa”. Chỉ một cú hích nhẹ nhưng con bạn sẽ bắt đầu hình dung mình là một người kỷ luật và biết lo xa.
Phong tặng cho con cái những DANH HIỆU TÍCH CỰC là phương pháp đúng đắn vì con cái chúng ta sẽ làm hết sức để xứng với những danh hiệu đó.
4) Viết Những Lời Cảm Ơn
Một cách khác để bày tỏ tình yêu thương và sự ngợi khen là viết cho con bạn những lời cảm ơn. Thật sự, bạn có thể tạo ra một văn hóa trong gia đình: các thành viên thường xuyên viết cho nhau những lời cảm ơn và động viên chân thành. Thực tế trong các chương trình đào tạo của chúng tôi cho thấy những lá thư cảm ơn là một việc làm nhỏ nhưng lại tạo ra hiệu quả lớn, mối quan hệ của bọn trẻ với cha mẹ và những người chung quanh được cải thiện rất nhiều nhờ những mẩu thư đó.
Bằng cách dạy cho con cái cách viết lời cảm ơn cho những người xung quanh (thầy cô, bạn bè, ông bà và ĐÚNG THẾ, cả chị người làm nữa), bạn đang dạy cho chúng cách bày tỏ lòng biết ơn đối với người khác.
5) Viết Nhật Ký Thành Công
Bạn hãy nêu gương trước bằng cách viết nhật ký ghi lại cảm nhận về những thành công của cá nhân mình. Từ tấm gương của bạn, các thành viên khác trong gia đình có thể làm theo và cùng chia sẻ với nhau thường xuyên – vào bữa trưa Chủ Nhật chẳng hạn. Trong thời đại Internet này, bạn và con cũng có thể viết blog thay cho quyển nhật ký.
6) Chuyển Hóa Sự Thất Bại Và Từ Chối
-
- Rõ ràng, chúng ta không thể bảo vệ con cái mình khỏi những thất bại, khó khăn, sự sỉ nhục và chỉ trích mà chúng sớm muộn gì cũng sẽ trải qua trong cuộc sống. Nhưng điều mà chúng ta có thể làm được là giúp con cái có cách suy nghĩ đúng đắn, nuôi những cảm nhận tích cực về bản thân và có cách nghĩ mang tính xây dựng khi phải hứng chịu những thất bại, khó khăn. Thật vậy, ta không thể loại bỏ mọi thất bại trên đường đời, nhưng ta lại có thể chuyển hóa chúng thành cơ hội học hỏi để giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ biết thêm về sự chuyển hóa này ở chương tám.
7) Nhắc Nhở Con Cái Rằng Chúng Có Khả Năng Lựa Chọn Và Thay Đổi
Nhiều đứa trẻ thiếu đi lòng tự trọng vì chúng cảm thấy mình không thể hoặc ít có khả năng làm chủ cuộc đời mình. Nhiều đứa trẻ cho rằng chính ông thầy dạy dở, môn học khó khăn hay sự lười biếng của chúng là những chướng ngại vật không thể gạt bỏ trên con đường vươn tới thành công.
Hãy thường xuyên nhắc nhở con cái rằng chúng có khả năng lựa chọn. Cho dù thầy giáo có dạy dở hay bạn bè không tốt như thế nào thì cuối cùng chúng vẫn còn sự lựa chọn cách phản ứng lại với những thử thách xung quanh mình. Hãy biến khái niệm mà bạn đã học ở chương trước “Để mọi việc thay đổi, chúng phải thay đổi trước” thành phương châm của chính bạn và con bạn. Hãy dạy chúng sức mạnh của tinh thần dám CHỊU TRÁCH NHIỆM về tất cả những việc xảy ra trong đời mình.
Khi đứa trẻ cảm thấy chúng có thể kiểm soát những gì xảy ra cho mình và có khả năng thay đổi những điều đó, chúng khắc có ý thức về giá trị của mình và trở nên tự tin hơn.
8) Chúc Mừng Thành Công Của Con Cái
Khi con cái chúng ta làm được một việc gì đó như đạt điểm mười trong bài thi, thắng một trận thể thao hay được bầu làm lớp trưởng, hãy nhiệt tình chúc mừng những thành tích ấy. Hãy biến thắng lợi của chúng thành “thắng lợi của gia đình” để chúng có cảm giác mình là một phần của gia đình. Ăn mừng không có nghĩa là bạn phải mua những món quà đắt tiền, bạn có thể làm một bữa ăn ngon đơn giản để cả nhà cùng vui với thành công của con cái.
Bạn thân mến, thế là bạn đã có trong tay những bí quyết mà bạn có thể sử dụng ngay lập tức để tạo dựng và củng cố lòng tự trọng nơi con bạn. Hãy nhớ rằng trên đời này không có phương pháp nào thần diệu đến mức tạo ra hiệu quả tức thì. Bạn cần sự nỗ lực và đức kiên nhẫn để đạt kết quả, nhất là khi con bạn đã đánh mất lòng tự trọng và phải mất nhiều thời gian để tìm lại. Và xin bạn hãy tin tưởng vào bản thân mình cũng như vào con bạn! Cộng thêm một chút kiên nhẫn và một chút cố gắng, bạn sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn lao đến thành công của con bạn.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment