Làm cha mẹ đôi khi là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trên đời bởi vì ta vất vả mỗi ngày cố gắng khiến con cái, nhất là trẻ ở tuổi dậy thì, làm những việc mà ta muốn chúng làm còn chúng thì lại không muốn.
Từ góc độ của mình, ta nghĩ nhiệm vụ tối cao của cha mẹ là dạy dỗ con cái cách hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội, và trên tất cả là vì lợi ích của chúng. Ta muốn con cái học hành chăm chỉ, có lối sống lành mạnh, có ý thức kỷ luật, có tác phong dễ mến, làm lợi cho gia đình và có ích cho xã hội. Nhưng bọn trẻ đâu có chung nhận thức với ta, vốn hồn nhiên và vô tư, chúng chỉ muốn làm những gì chúng thích. Chúng cũng chẳng chu đáo đến mức tỏ ra quan tâm đến những điều người khác nghĩ về mình hay về những hậu quả do chúng gây ra.
Khi thấy trẻ không nằm trong vòng cương tỏa của mình, nhiều bậc cha mẹ (trong cơn giận dữ và thất vọng) thường dùng đến biện pháp cưỡng bức hay đe dọa buộc đứa trẻ phải vâng lời, “Con phải làm theo lời mẹ… nếu không…”. Nhưng sau nhiều lần vẫn không thấy cha mẹ làm như lời đã nói, bọn trẻ đâm ra lờn và cứ ý mình mà làm, cha mẹ nói sao cũng mặc kệ.
Và thế là cuộc chiến giữa hai thế hệ nổ ra, đẩy cha mẹ và con cái sang hai bên chiến tuyến. Cha mẹ coi con là kẻ nổi loạn phải đưa vào khuôn khổ, còn con cái thì nghĩ cha mẹ mình độc tài vô lý, thường làm hỏng niềm vui của chúng, bắt chúng phải làm những điều chúng không muốn. Tình trạng này dẫn đến mối quan hệ thắng-thua, được-mất. Bọn trẻ cảm thấy mình thua cuộc nếu làm theo những gì cha mẹ muốn. Ngược lại, cha mẹ cảm thấy mình là kẻ bại trận khi không quản lý được con cái. Nhưng thật ra, trong cuộc chiến này, cả hai phía đều thất bại.
Có cách nào khiến con cái chia sẻ quan điểm với cha mẹ không? Làm thế nào giúp trẻ biết suy nghĩ thấu đáo và hành động vì lợi ích của chúng? Liệu có thể khiến con cái làm những việc cần làm với thái độ hợp tác, vui vẻ không? Dù bạn tin hay không, thì câu trả lời vẫn là CÓ!
Nhiều bạn trẻ mà chúng tôi có dịp trò chuyện đều tỏ ra hiểu và đồng tình rằng chúng nên cư xử lễ phép, học hành chăm chỉ và vâng lời cha mẹ. Thế nhưng không hiểu sao, chúng vẫn KHÔNG MUỐN làm theo những điều đúng đắn đó. Trong thực tế, nếu các bậc phụ huynh sử dụng đến quyền làm cha mẹ bằng vũ lực hoặc những lời trách cứ triền miên thì họ chỉ khơi thêm hố sâu ngăn cách với con cái, vì đó là điều đi ngược lại năm nhu cầu cảm xúc của con trẻ mà chúng ta đã thảo luận ở chương trước.
Để con cái nghe lời và hợp tác với chúng ta trong mọi chuyện, trước hết cha mẹ phải xây dựng một bầu không khí mà khi hòa mình vào đó, con trẻ giống như cá về với nước, có thể tự hào về bản thân mình, thoải mái và hợp tác với cha mẹ trong mọi chuyện. Một lần nữa, bí quyết vẫn là tận dụng năm nhu cầu cảm xúc của trẻ.
Liên Kết Năm Nhu Cầu Cảm Xúc Của Trẻ Vào Những Việc Mà Ta Muốn Chúng Làm
Chứng kiến việc chúng tôi có thể làm cho con em mình trở nên tích cực, có động lực trong học tập và cuộc sống (trong khi có đến 90% trẻ bị cha mẹ ép buộc phải tham gia khóa học), nhiều phụ huynh lấy làm kinh ngạc ghê gớm. “Tôi hò hét van nài chúng học hành tử tế mà chúng đâu có nghe? Sao anh có thể làm chúng thay đổi như thế? Chỉ cho tôi với!” – nhiều người đã nói với chúng tôi như thế.
Cả các thầy cô giáo cũng nói, “Sao anh có thể khiến chúng tham gia mọi hoạt động và tập trung vào trong giờ học như vậy được, trong khi chúng tôi liên tục nhắc nhở chúng giữ trật tự mà đâu có ăn thua gì?”.
Bí mật lớn nhất là chúng tôi KHÔNG BAO GIỜ bảo học sinh rằng chúng PHẢI học hành chăm chỉ hoặc chúng NÊN đạt kết quả tốt. Đó là vì chúng tôi biết rằng ở những người bạn trẻ, nhất là lứa tuổi mới lớn, nhu cầu ĐỘC LẬP vô cùng mạnh mẽ, chúng không thích bị người khác (đặc biệt là người lớn) sai khiến, điều khiển như con rối. Chúng tôi đã có kinh nghiệm rằng, bạn càng bảo chúng NÊN học bao nhiêu, chúng càng muốn chống đối lại bấy nhiêu.
Thay vì thế, chúng tôi bao giờ cũng nói với các em rằng chúng được QUYỀN LỰA CHỌN cho cuộc sống tương lai của mình. Nếu bây giờ chúng chọn việc không học hành chăm chỉ, thì mai kia chúng sẽ có rất ÍT LỰA CHỌN cho những việc mà chúng có thể làm cho mình và cho người khác.
“Với kết quả học tập kém, bạn không thể chọn được trường học hay khóa học mà bạn yêu thích, trong thực tế những trường tốt không chọn bạn, họ chỉ chọn những người có thành tích đáng nể mà thôi. Như vậy, chỉ còn lại cho bạn vài lựa chọn sót lại mà người khác không muốn. Với học vấn thấp, bạn không thể có được những công việc thú vị, lương cao mà nhiều người ao ước.Thật vậy, với một công việc tẻ nhạt, đồng lương tệ bạc, bạn không thể kén chọn, chẳng hạn ăn ở nhà hàng nào, mặc đồ hiệu gì và sống ở đâu. Nói cách khác, nếu bạn chọn việc không học tập đàng hoàng hôm nay thì trong tương lai bạn sẽ có rất ít tự do để lựa chọn. Bạn không thể tự quyết định cho mình, cuộc sống của bạn có thể bị người khác chi phối.”
“Tuy nhiên, nếu bạn CHỌN học hành chăm chỉ và đạt điểm cao, bạn sẽ được tự do lựa chọn bất cứ ngành học nào mà mình muốn, vào học ở bất kỳ trường nào mà bạn thích. Với tờ giấy thông hành là bằng cấp ở những trường tốt, bạn có thể chọn bất kỳ công ty mà bạn muốn với mức lương hậu hĩnh. Như vậy, với nhiều cơ hội lựa chọn, bạn sẽ làm chủ cuộc đời mình, chứ không phải bất cứ ai khác.”
Bạn thấy đấy, vấn đề là ở cách tiếp cận. Khi bạn để cho con trẻ được tự do lựa chọn điều gì tốt cho mình, mọi việc sẽ diễn ra theo đúng ý bạn mà bạn chẳng cần phải ra oai, vốn chỉ làm phương hại đến mối quan hệ cha mẹ và con cái, vì chẳng có đứa trẻ nào chọn để bị một ai đó chỉ đạo, quản thúc suốt đời.
Cho nên lần nào cũng vậy, mỗi khi thông điệp của chúng tôi được truyền đi, bọn trẻ lại tỏ ra hăng hái nhập cuộc. Chúng thấy rằng MÌNH chọn việc học chăm chỉ chứ không phải do ai ép buộc cả. Bởi vì những người trẻ đều đề cao tự do độc lập, chúng sẽ thấy rõ lợi ích của việc học hành chăm chỉ là để được tự do tự tại.
Nói cách khác, chúng tôi kết hợp hai khái niệm “học hành chăm chỉ” với “tự do độc lập” thành một cặp có quan hệ nhân quả. Việc kết hợp này hóa ra lại là một trong những yếu tố động viên mạnh nhất đối với bất kỳ thiếu niên nào. Lý do mà nhiều bậc cha mẹ không thể thuyết phục được con học tốt là vì họ làm cho chúng cảm thấy rằng chúng học là cho cha mẹ chứ không phải cho mình.
Khi hỏi học sinh tại sao chúng đi học, chúng tôi thường nhận được những câu trả lời giống nhau như “Vì em BỊ BẮT PHẢI học”, “Để mẹ vui” hay “Để ba không la mắng”. Trong tâm trí, chúng tạo ra một liên kết giữa “học hành chăm chỉ” với “mất tự do” (bị cha mẹ quản thúc) và ngược lại, “không học” với “tự do”. Vì chuyện học đi ngược lại với nhu cầu cảm xúc của nhiều đứa trẻ, chúng không tìm thấy niềm vui khi học bài. Một lần nữa, tôi muốn mách cho bạn biết bí quyết nằm ở chỗ liên kết nhu cầu cảm xúc của trẻ với những việc mà ta muốn chúng làm, đó là cách khiến chúng có động lực để thực hiện.
Sau đây là một ví dụ cho biết chúng tôi đã khiến học sinh giữ trật tự trong giờ học và hăng hái tham gia ý kiến trong các buổi thảo luận như thế nào. Chúng tôi khởi xướng một cuộc thi đua giữa các nhóm học sinh. Khi một em trả lời đúng và được đồng đội cổ vũ nhiệt liệt, nhóm đó sẽ được một trăm điểm. Ngược lại, chỉ cần nhóm nào có một em không hăng hái tham gia thì nhóm đó sẽ bị mất điểm cho đội bạn.
Kết quả là gì? Tất cả học sinh (kể cả những em miễn cưỡng nhất) cũng bắt đầu tham gia hoạt động và cổ vũ cho bạn. Tại sao? Bởi vì nếu chúng không làm thế, đội nhà sẽ mất điểm còn chúng thì bị đồng đội tẩy chay. Vì trẻ có nhu cầu mạnh mẽ được người khác chấp nhận, nên chúng luôn làm theo những gì mà các bạn mình làm và bắt đầu tham gia hoạt động chung.
Chúng ta lý giải như thế nào về hiện tượng đa số lớp học (nhất là ở Châu Á) có không khí rất “êm đềm”, học sinh ít giơ tay trả lời câu hỏi, càng ít vỗ tay cổ vũ bạn học khi bạn đó trả lời đúng? Đó là vì một quan niệm sai lầm phổ biến ở ta: khi một học sinh tham gia hoạt động chung quá tích cực, bạn học sẽ gán cho học sinh đó cái mác là “thích chơi nổi”, “tỏ vẻ ta đây” hay “cố làm học trò cưng của thầy”. Vì trong thâm tâm em nào cũng muốn được bạn bè yêu quý và chấp nhận, chúng thà làm như không biết và lẫn trong đám đông còn hơn.
Ở không ít các trường học Châu Á, việc học chăm quá và đạt quá nhiều thành tích cũng là chuyện “không bình thường”. Nhiều em học xuất sắc thay vì được bạn bè yêu quý thán phục lại thường bị cô lập. Vì muốn được chấp nhận trong một môi trường thất bại, nhiều học sinh từ bỏ niềm đam mê học tập hoặc nỗ lực đạt thành tích… vì muốn mình cũng giống như các bạn. Là cha mẹ hoặc thầy cô giáo, chúng ta cần hiểu rõ điểm này để tìm cách tháo gỡ, tránh ép buộc con em vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment