Năm tôi học lớp hai, vào khoảng thời gian tôi gặp Steve, tính hiếu động thái quá và tật máy giật của tôi càng thêm trầm trọng, nên mẹ đã đưa tôi đến gặp một chuyên gia để kiểm tra xem cảm xúc của tôi có bị ảnh hưởng gì sau cuộc ly hôn của cha mẹ tôi không. Hàng tuần, mẹ lại tận tình đưa tôi đến gặp hết chuyên gia tâm lý này đến chuyên gia tâm lý khác. Chỉ trong vòng mấy năm sau đó, tổng cộng tôi đã gặp ba chuyên gia tâm lý, nhưng tôi chưa từng tiết lộ gì nhiều với họ. Với tôi, họ hoàn toàn là người xa lạ. Không biết được liệu họ có gây rắc rối gì cho tôi không, và cũng không chắc họ định làm gì với mớ thông tin tôi tiết lộ. Tính tới thời điểm đó, tôi hầu như chưa gặp được nhân vật uy tín nào không gây ra phiền phức cho mình bằng cách này hay cách khác. Bất chấp những suy nghĩ đó, tôi vẫn phải đều đặn trải qua một giờ mỗi tuần bị tra hỏi, và giống như một người tù chiến tranh bé nhỏ ngoan ngoãn, tôi cũng có trả lời chút ít trong khả năng của mình. Kịch bản thường là như vầy: họ hỏi rất nhiều câu hỏi dài, tôi thận trọng đưa ra rất nhiều câu trả lời ngắn. Đây là một ví dụ điển hình, tôi nhớ năm đó mình chín hay mười tuổi:

“Cháu cảm thấy thế nào khi tạo ra tiếng ồn hay máy giật?”

“Thoải mái.”

“Cháu có thấy giận mẹ vì cha không còn sống cùng gia đình nữa không?”

“Không!”

“Cháu cảm thấy thế nào khi những đứa trẻ khác không muốn ở gần cháu?”

“Cũng giống mấy người khác thôi – buồn.”

“Mỗi khi gặp rắc rối, cháu muốn đổ lỗi cho ai?”

“Cháu.”

Lúc đó, tôi chỉ có thể trả lời được như vậy, bởi tôi không biết điều gì đang xảy ra. Sau đó, khi biết mình mắc hội chứng Tourette, tôi cũng chẳng đổ lỗi cho ai, đơn giản vì chẳng có ai để mà đổ lỗi.

Chẳng có vị bác sĩ nào thật sự lắng nghe tôi – thế nên dù cho cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ tôi không liên quan gì đến những rắc rối cá nhân của tôi, nhưng cuối cùng thì chuyện đó cũng bị cho là nguyên nhân. Theo tôi thấy, việc tìm ra nguyên nhân căn bệnh không quan trọng bằng việc tìm ra phương pháp điều trị – với giả định là có người “quan tâm giải quyết” chuyện tôi máy giật, kêu ăng ẳng và thường xuyên la hét.

Không lâu sau khi tôi bắt đầu vào học lớp bốn ở ngôi trường mới, những hệ quả tiềm ẩn của chứng Tourette bắt đầu khởi phát. Phần lớn những ảnh hưởng đó chỉ thể hiện qua những việc rất nhỏ, nhưng vì tôi chưa từng được chẩn bệnh, nên đó vẫn là chuyện không ai nghĩ đến. Thật đau khổ khi biết vẫn còn đó những điều bí ẩn có thể bộc lộ bất kỳ lúc nào. Những triệu chứng mới nho nhỏ này bắt đầu xuất hiện như những bóng ma chập chờn trong cuộc sống hàng ngày của tôi, chủ yếu là trong việc học. Đầu óc tôi cũng đâu đến nỗi mà phải học hành khó khăn như vậy.

Thời gian đó tôi không hề biết rằng lúc tôi đi học thì mẹ ở nhà điên cuồng tìm kiếm thông tin về triệu chứng của tôi, bởi tôi bắt đầu làm những chuyện khiến mẹ thật sự lo sợ. Tôi bắt đầu co giật. Các nhóm cơ chính trên mặt, cánh tay, chân và cổ co giật đột ngột mà không hề có lý do rõ ràng. Thử tưởng tượng bạn đang cố đọc sách hoặc làm bài tập thì bỗng nhiên mặt, đầu và cổ cứ giật liên hồi đến nỗi bạn bị chệch hẳn ra khỏi vị trí đang ngồi. Cứ cách vài giây, tôi lại phải ổn định lại chỗ ngồi, cố gắng định thần trước khi một đợt co giật mới lại kéo đến. Việc đọc những đoạn văn dài trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, còn bài tập về nhà thì hầu như tôi không thể nào hoàn thành nổi. Quá trình đó thật sự diễn ra rất chậm, và tôi không hiểu tại sao lại như vậy – đặc biệt là khi tôi biết khả năng nhận thức cũng như ghi nhớ của tôi rất tốt. Chắc bạn cũng biết, tôi không gặp khó khăn gì trong việc hiểu các khái niệm cơ bản hay những tư duy logic ẩn đằng sau những khái niệm phức tạp. Rắc rối chỉ xuất hiện ở thời điểm tiếp cận, khi não tôi thu nhận thông tin lần đầu tiên, và tôi cảm nhận điều này rõ rệt nhất khi phải đọc bài hay làm toán.

Nhưng những khó khăn trong việc học của tôi xét cho cùng cũng chẳng là gì so với diễn biến ngày càng tệ của tật đập gối. Như tôi từng đề cập, cứ mỗi lần ngồi trong xe là chân tôi lại lắc lư đập mạnh vào cửa. Sau này khi ngồi trong xe cạnh Jeff,  tôi bắt đầu rung chân mạnh đến nỗi có thể đập trúng chân nó. Thật ra thì cũng không có gì đáng nói, nhưng hơi phiền, đủ để người ta cảm thấy bực mình. Có nhiều nguyên nhân khiến người ta có thể nghĩ tôi đang muốn kiếm chuyện, nhưng trong trường hợp này, điều tồi tệ nhất là tôi thật lòng không muốn kiếm chuyện với Jeff, cũng không muốn gây ra rắc rối gì cả. Tôi không có lý do gì cứ phải đập chân vào nó liên tục như vậy. Nhưng ai sẽ tin tôi, khi hành động của tôi hoàn toàn phản ánh điều ngược lại? Đương nhiên là Jeff đã đề nghị tôi không được làm thế nữa, nhưng tôi không làm theo ý nó được. Lúc đó, khả năng diễn đạt của tôi không đủ để giải thích với với Jeff rằng cơ thể tôi “cần” cái cảm giác đầu gối mình phải đập vào đầu gối nó – rõ ràng là thế. Tôi thật sự cảm thấy sau mỗi lần đụng chạm, cái cảm giác “cần” kia sẽ giảm bớt. Suốt mấy năm sau, tôi cũng không sao giải thích được; dĩ nhiên là lúc đó tôi không cách nào hiểu được nó. Nhưng tôi nghĩ rằng kiểu giải thích lố bịch như vậy chả khiến tôi tốt đẹp hơn được chút nào.

Chắc bạn cũng muốn biết mỗi lần đến thăm cha, cái tật máy giật này của tôi diễn ra như thế nào.

Nói ngắn gọn là nó làm ông nổi điên. Lần đầu tiên Jeff và tôi đi xe cùng ông, khi đầu gối tôi lại bắt đầu rung giật, ông luôn miệng bảo tôi phải dừng ngay. Đương nhiên là tôi không thể. Và chẳng bao lâu sau việc đó vượt quá sức chịu đựng của cha tôi, cứ như lấy tờ giấy nhám chà lên phần da vùng khuỷa tay vậy. Tức giận, cha tôi bày tỏ tình thương theo cái cách khắc nghiệt của riêng ông và thụi tôi một quả ngay vào cằm. Tôi bật khóc bởi tôi rất tức giận, xấu hổ và cả bối rối. Tôi rất muốn chân mình không rung giật như thế này, nhưng tôi không thể, và như vậy là tôi phải trả giá cho những gì mình đã gây ra.

Cha bảo tôi lên ghế trước ngồi. Tôi lại tiếp tục đập đầu gối vào cửa. Vẫn thế, vẫn phải tìm cho được cú đập đúng điệu ấy. Cha nghĩ hoặc là tôi đang chọc tức ông, hoặc là đang cố tình làm hỏng xe ông. Cứ như thế.

Riêng mẹ thì tin tôi khi tôi nói mình không thể kiểm soát được. Mỗi khi thấy tôi lo lắng, bà lại xoa lưng trấn an tôi. Sự quan tâm của mẹ giúp tôi rất nhiều, nhưng tôi vẫn không nói cho bà biết về tất cả những điều đáng sợ khác đang diễn ra trong đầu tôi. Tôi không thể nói cho mẹ biết tôi hoang mang thế nào và tuyệt vọng ra sao. Cái cảm giác tội lỗi khi trút thêm gánh nặng lên vai mẹ chắc sẽ tồi tệ hơn nhiều so với cảm giác thoải mái khi chỉ nói hết tất cả cho bà nghe. Cũng vào thời gian này, tôi đã đủ lớn để hiểu được những áp lực mà mẹ phải chịu khi là một người mẹ đơn thân, đó là chưa kể đến chuyện là mẹ đơn thân của hai thằng con hiếu động thái quá, trong đó có một đứa cư xử hết sức lạ lùng. Thế nên tôi đã cố gắng hết sức để tự mình xoay xở mọi việc. Mẹ vẫn luôn hy vọng tôi sớm quen với nhà mới, trường mới, và rồi mọi thứ sẽ ổn. Thế nhưng sau đó mẹ tôi cực kỳ lo lắng khi thầy giáo bắt đầu gửi thư về nhà báo về những hành vi phá hoại của tôi.

Để tôi giới thiệu sơ qua về mẹ mình. Mẹ tôi cao, nhanh nhẹn, luôn tươi cười, tóc màu hạt dẻ và là mẫu người mà nhiều người phụ nữ biết mẹ luôn ngưỡng mộ. Hồi Jeff và tôi còn nhỏ, mẹ bán áo quần ở cửa hàng Saks Fifth Avenue. Sau khi chuyển nhà, mẹ bắt đầu tận dụng thùng để hành lý sau xe để tự kinh doanh quần áo thể thao dành cho phụ nữ. Khi khách đến nhà tôi thử quần áo, mẹ kết hợp sự hiểu biết về tiếp thị của mình và tình bạn chân thành để biến những lần mua hàng của họ thành những chuyến ghé thăm vui vẻ. Bí quyết giúp mẹ thành công chính là việc mẹ luôn để lại ấn tượng rằng bà không bao giờ lo lắng. Và đó chính là tính cách vui nhộn của bà.

Mẹ luôn dính chặt với cái điện thoại, và nơi mẹ thích đứng nói chuyện nhất là trong căn bếp sáng sủa. Mấy người bạn của mẹ vẫn thường nghe thấy tiếng tôi và Jeff la ỏm tỏi trong lúc mẹ đi tới đi lui trên nền nhà lát đá trắng. Thường mẹ vẫn hay nói chuyện phiếm, nhưng thỉnh thoảng mẹ lại có những cuộc trao đổi căng thẳng với cha về việc chăm sóc con cái hay về chuyện cha đã gửi tiền chưa. Thường thì tiền vẫn đến trễ. Nhưng đó là do cha.

Đến tận bây giờ, quà sinh nhật của tôi vẫn luôn đến trễ. Nhưng từ trước tôi đã tập với suy nghĩ “trễ còn hơn không bao giờ”. Thà là tiền và quà đến trễ còn hơn là không có. Thà là cha mẹ nói chuyện căng thẳng qua điện thoại còn hơn là không nói chuyện với nhau.

[sach_trenbucgiang]