Các yếu tố duy trì hạnh phúc hôn nhân đơn giản đến bất ngờ. Các cặp vợ chồng hạnh phúc không hề thông minh hơn, giàu có hơn, hay giỏi nắm bắt tâm lý hơn các cặp đôi khác. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, họ có khả năng tránh để cho các suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực về người bạn đời (mà cặp đôi nào cũng có) lấn át những điều tích cực. Họ sở hữu thứ mà tôi gọi là cuộc hôn nhân thông minh cảm xúc.

Tôi có thể dự đoán một cặp vợ chồng sẽ đi đến ly hôn hay không sau khi

quan sát và lắng nghe họ trao đổi với nhau chỉ trong 5 phút.

Ngày nay, trí tuệ cảm xúc đã được khắp nơi công nhận là công cụ dự đoán quan trọng nhất để biết một đứa trẻ có thành công trong tương lai hay không. Một đứa bé càng hiểu rõ cảm xúc của mình và dễ dàng hòa hợp với người khác bao nhiêu thì tương lai của nó càng rạng rỡ bấy nhiêu, bất kể chỉ số thông minh của nó cao hay thấp. Mối quan hệ vợ chồng cũng tương tự. Một đôi có chỉ số trí tuệ cảm xúc càng cao – nghĩa là họ biết thông cảm, đề cao và tôn trọng bạn đời cũng như hôn nhân của chính mình hơn – thì nhiều khả năng họ sẽ sống hạnh phúc mãi mãi với nhau hơn. Cũng giống như việc cha mẹ hướng dẫn con trẻ về trí tuệ cảm xúc, các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể rèn luyện kỹ năng này. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng nó có thể giữ cho những người vợ và người chồng không rơi vào thảm kịch ly hôn.

TẠI SAO PHẢI GÌN GIỮ HÔN NHÂN?

Nói đến ly hôn, bạn nên biết rằng con số thống kê vẫn cao kinh khủng. Xác suất cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc bằng ly hôn trong giai đoạn 40 năm là 67%. Phân nửa số trường hợp, ly hôn xảy ra trong vòng bảy năm đầu chung sống.

Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ly hôn trong lần kết hôn thứ hai vẫn cao hơn 10% so với lần đầu. Tỷ lệ ly hôn vẫn giữ ở mức cao đó gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả các cặp vợ chồng – kể cả các cặp đang chung sống hạnh phúc – rằng họ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa đễ giữ cho cuộc hôn nhân của mình luôn nồng thắm.

Một trong những lý do đáng buồn nhất khi hôn nhân tan vỡ chính là không ai trong số hai vợ chồng nhận ra giá trị thật sự của hôn nhân cho đến khi mọi thứ đã quá muộn. Chỉ đến khi thủ tục xong xuôi, tài sản chia đôi và ai về nhà nấy, những người vợ/chồng cũ mới nhận ra mình đã mất những gì khi từ bỏ nhau. Thường thì những người trong cuộc mặc định xem cuộc hôn nhân hạnh phúc của mình là điều hiểu nhiên, thay vì nuôi dưỡng và trân trọng nó vì nó đáng được như thế, và rất cần được như thế. Một số người cho rằng việc ly hôn hay quên đi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc chẳng có gì là khó – thậm chí họ còn cho rằng làm thế mới hợp thời. Nhưng giờ đây, có rất nhiều tài liệu chứng minh việc ly hôn gây tổn thương nghiêm trọng cho tất cả các bên liên quan.

May thay chúng ta có các công trình của các nhà nghiên cứu như Lois Verbrugge và James House, cả hai đều đến từ Đại Học Michigan, nhờ vậy giờ đây chúng ta biết rằng một cuộc hôn nhân bất hạnh có thể gia tăng khả năng nhiễm bệnh của bạn lên gần 35%, thậm chí khiến bạn tổn hao trung bình 4 năm tuổi thọ. Ngược lại: những người hạnh phúc trong hôn nhân sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn những ai ly hôn hoặc những ai buồn phiền vì cuộc hôn nhân không như mong đợi. Các nhà khoa học biết rõ về sự khác biệt nói trên, nhưng họ vẫn chưa lý giải được hiện tượng này một cách chắc chắn.

Câu trả lời một phần có thể là vì những người bất hạnh trong hôn nhân phải hứng chịu những xáo trộn tâm sinh lý nặng nề và thâm căn cố đế – nói cách khác, họ phải gánh chịu các căng thẳng về mặt tinh thần lẫn thể xác. Nó khiến người ta thấy nặng nề hơn, đầu óc muộn phiền hơn, thể hiện qua một số dấu hiệu bất thường trong cơ thể như tăng huyết áp và đau tim, cộng thêm một số chứng bệnh tâm lý như căng thẳng, suy nhược, tự vẫn, hành vi bạo lực, rối loạn tâm thần, giết người và hành hạ người khác.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi các lứa đôi hạnh phúc vướng vào những chứng bệnh trên với tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Họ cũng có xu hướng biết giữ gìn sức khỏe hơn. Giải thích cho điều này, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết là cặp vợ chồng gắn bó thường nhắc nhau đi khám sức khỏe định kỳ, uống thuốc khi cần, ăn uống điều độ, v.v…

Những người có hôn nhân hạnh phúc sống lâu hơn

những ai không được may mắn trong hôn nhân khoảng 4 năm.

Mới đây, đội ngũ nghiên cứu của tôi đã khám phá một số bằng chứng sơ bộ đầy thú vị rằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc còn giúp bạn luôn khỏe mạnh bởi nó nâng cao hệ miễn dịch, vốn là lá chắn của cơ thể chống lại bệnh tật. Trong gần một thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã khẳng định ly hôn làm hoạt động của hệ miễn dịch bị suy yếu. Theo lý thuyết thì chính khả năng chống chọi kém với các tác nhân có hại bên ngoài khiến cơ thể dễ dàng mắc các chứng bệnh truyền nhiễm và ung thư. Giờ đây chúng tôi còn phát hiện những ai hạnh phúc trong đời sống hôn nhân không chỉ tránh được suy giảm miễn dịch mà còn tăng cường được sức đề kháng.

Khi tiến hành kiểm tra phản ứng của hệ miễn dịch trên 50 cặp đôi từng ở qua đêm trong Phòng Thí Nghiệm Tình Yêu, chúng tôi thấy sự khác biệt rõ rệt giữa những người vô cùng mãn nguyện trong hôn nhân với những biểu hiện quá khích của những người trung lập hoặc không hạnh phúc. Đặc biệt, chúng tôi lấy mẫu máu của từng đối tượng thí nghiệm nhằm đánh giá khả năng phản ứng của bạch cầu – vũ khí chính của hệ miễn dịch. Nhìn chung, trong máu của những người đàn ông và phụ nữ có gia đình hạnh phúc, tốc độ sản sinh bạch cầu chống lại các kháng nguyên lạ xâm nhập cao hơn hẳn so với các đối tượng còn lại.

Chúng tôi còn kiểm tra hiệu quả của kháng thể khác trong hệ miễn dịch – các tế bào miễn dịch tự nhiên (tế bào NK – Natual Killer cell), bản chất đúng như tên gọi của nó, tự động phá hủy các tế bào bị hư hại hoặc bất thường trong cơ thể (như tế bào bị nhiễm bệnh hoặc tế bào ung thư) và nó còn được biết đến như một tác nhân giúp hạn chế tốc độ sản sinh của tế bào u nang. Lần này kết quả cũng tương tự, những ai hài lòng với hôn nhân của mình có số lượng tế bào NK cao hơn người khác.

Để khẳng định vai trò tăng cường khả năng chống chọi với bệnh tật mà cuộc sống hôn nhân hạnh phúc mang lại cho hệ miễn dịch giúp ta sống lâu sống khỏe, có lẽ còn cần thêm nhiều nghiên cứu khoa học nữa. Nhưng điều quan trọng nhất là ta biết rõ hôn nhân hạnh phúc sẽ mang lại ích lợi gì. Thật ra, tôi cho rằng những ai thường xuyên đến phòng tập thể dục chỉ cần bỏ ra khoảng 10% thời gian tập trung vào thân thể – tương đương khoảng 20 phút một ngày – để chăm chút cho cuộc hôn nhân của mình, họ có thể tăng cường sức khỏe lên gấp ba lần so với kết quả có được từ chế độ luyện tập cường độ cao.

Khi hôn nhân trở nên tồi tệ, đối tượng phải hứng chịu hậu quả không chỉ là người chồng và người vợ – mà còn là những đứa con. Trong một cuộc nghiên cứu tôi tiến hành với 63 đứa trẻ chưa đến độ tuổi đến trường, những đứa lớn lên trong gia đình luôn xảy ra mâu thuẫn có lượng kích thích tố căng thẳng cao thường trực so với những đứa còn lại. Chúng tôi chưa biết những căng thẳng này sẽ gây ra những hậu quả lâu dài nào đối với sức khỏe đứa bé, nhưng chúng tôi biết chắc chắn một điều, dấu hiệu sinh hóa của cảm giác căng thẳng cao độ này thể hiện rõ trong hành vi của đứa trẻ. Chúng tôi theo dõi bọn trẻ đến khi chúng 15 tuổi, và nhận thấy rằng so với trẻ cùng lứa, những đứa bé nói trên thường có hành vi trốn học, bị suy nhược, bị bạn bè tẩy chay, có vấn đề trong cách hành xử (đặc biệt là dễ gây hấn), kết quả học tập không cao thậm chí bỏ học.

Một thông điệp quan trọng nữa mà những khám phá nói trên mang lại là nếu bạn cố níu kéo hôn nhân vì con trẻ, đó cũng không phải là một quyết định sáng suốt. Nuôi dạy con cái trong một môi trường ngấm ngầm mâu thuẫn giữa hai bậc phụ huynh cũng gây tác hại không kém. Ly hôn trong hòa bình vẫn tốt hơn là sống trong một cuộc chiến hôn nhân. Đáng buồn thay, có mấy ai ly hôn trong hòa bình. Tình trạng đối đầu giữa người cha và người mẹ vẫn tiếp tục âm ỉ ngay cả sau khi đã chia tay. Chính vì lý do đó, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn cũng chẳng khá hơn gì những đứa bé đang mắc kẹt giữa hai làn đạn của một cuộc hôn nhân khốn khổ.

[sach_7biquyethonnhanhanhphuc]