Chuyện Có Thật Về Một Trường Học
Khoảng bảy năm trước, tôi được mời đến Chinese High School (một trong những ngôi trường hàng đầu ở Singapore) để tổ chức một buổi hội thảo cho 300 học sinh lớp chín đang chuẩn bị thi chuyển cấp. Để bắt đầu, tôi đi một vòng hỏi các học sinh về những gì chúng muốn đạt được trong kỳ thi sắp tới.
Cậu học sinh đầu tiên tôi hỏi trả lời ngay, “Thưa thầy, chín điểm mười”. Rồi cậu dõng dạc nói thêm: “Ước mơ của em là vào trường trung học Victoria, sau đó là vào trường NUS, học ngành Y. Em muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa ung thư để tìm cách chữa bệnh ung thư”. Chà! Thật là một câu trả lời đầy ấn tượng!
Với em học sinh thứ hai, tôi cũng nhận được câu trả lời ấn tượng như thế. Cậu này nói: “Mục tiêu của em là đạt 11 điểm mười vì em nhắm vào trường Pembrooke thuộc Đại học Oxford để học về chính trị, kinh tế và triết học.” “Tại sao em muốn học những môn đó?”, tò mò tôi hỏi. “Em thích đi sâu nghiên cứu chính trị, em tin rằng mình có nhiều ý tưởng để xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển hơn.” – Cậu trả lời một cách tự tin.
Hầu như mỗi một học sinh mà tôi hỏi (ít nhất 30 học sinh) đều đưa ra những câu trả lời ấn tượng như thế. Chà chà! Tôi tự nhủ, hèn chi những đứa trẻ này được học ở ngôi trường hạng nhất. Tôi có ấn tượng mạnh không phải vì số điểm mười mà các em này muốn đạt được, mà chính việc chúng biết rõ mình muốn gì và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đó mới là điều khiến tôi cảm phục và biết rằng phần đông các em này sẽ đạt được điều chúng mong muốn. Nghiên cứu về những người thành công cho ta biết được, sở dĩ họ đạt được sở nguyện của mình là vì họ được thúc đẩy bởi một tầm nhìn cao rộng và một mục đích rõ ràng. Chính những mục đích ấy sẽ tạo nên động lực phấn đấu cho họ.
Sau đó, tôi cũng có dịp tiếp xúc với những trường lớp có thứ hạng khiêm tốn hơn và nhận được những câu trả lời hoàn toàn khác. Các em này tỏ ra lơ mơ chẳng biết mình muốn gì trong kỳ thi sắp tới. Khi tôi hỏi rõ hơn, chúng muốn đạt bao nhiêu điểm mười thì câu trả lời thông thường là, “Cũng còn tùy. Nếu dễ, thì cũng có thể. Nếu bài thi khó, chắc em chỉ đủ điểm đậu”. Không cần phải nói thêm, những em này không biết chúng sẽ làm gì sau khi học xong cấp hai. Câu trả lời của chúng đại khái như, “Để xem mọi việc thế nào đã, không nói trước được”. Thậm chí các em còn không hiểu tại sao mình đi học nữa, nhiều em nói, “Em không có lựa chọn nào khác” hay “Mẹ em bắt em đi học”.
Từ những quan sát so sánh như thế, tôi đi đến kết luận là tất cả những học sinh giỏi và có động lực phấn đấu đều là những người có tính mục tiêu rất cao. Chúng biết mình muốn gì. Tôi cũng nhận ra yếu tố quan trọng nhất không phải là mục tiêu ngắn hạn trong học tập mà chính mục tiêu lâu dài trong cuộc sống mới là bệ phóng giúp chúng thành công. Chúng đặt ra cho bản thân những mục tiêu cao siêu trong cuộc sống như: xây dựng một đế chế tỉ đô, noi gương Donald Trump, trở thành thủ tướng chính phủ hoặc nhà di truyền học để giúp hệ sinh thái. Hay trong trường hợp cậu học sinh đầu tiên mà tôi hỏi thì cậu muốn tìm ra phương thuốc trị bệnh ung thư.
Những ước mơ táo bạo đầy cảm hứng này thúc đẩy chúng tiếp tục học tập và đạt điểm cao hơn, cao hơn nữa. Chúng coi thành tích học tập là phương tiện giúp chúng biến ước mơ thành hiện thực. Ngược lại, những học sinh kém không có mục tiêu rõ ràng. Đơn giản chỉ vì chúng không dám nuôi mơ ước. Khi được hỏi tại sao chúng phải học, chúng sẽ trả lời: “Em học vì em không có lựa chọn nào khác”, “Em học để cha mẹ em vui”, “Em phải học nếu không muốn nghe mẹ em la rầy”. Nói cách khác, chúng không học cho mình hay cho ước mơ của mình mà học để cha mẹ khỏi cằn nhằn chúng. Rõ ràng, khi chúng ta làm một việc gì đó không phải cho mình mà cũng chẳng có đích nhắm nào cụ thể, ta sẽ không dành nhiều tâm sức cho nó và kết quả đạt được cũng chỉ là chuyện “hên xui”.
Với tư cách làm cha làm mẹ, chúng ta có thể làm gì để giúp con cái có tầm nhìn cao rộng trong tương lai, hành động vì ngày mai, đặt ra những mục tiêu rõ ràng và mạnh mẽ cho bản thân chúng? Sau đây là một số phương pháp đã được thử nghiệm và chứng minh là có hiệu quả.
a) Khuyến Khích Con Cái Sống Có Ước Mơ
Những người thành công trong vai trò cha mẹ luôn động viên con cái nuôi những mơ ước lớn cho dù thoạt nghe nó có vẻ điên rồ đến mức nào chăng nữa. Họ thường nói những câu như, “Con có thể làm được nếu con toàn tâm toàn ý làm việc đó”, “Con có thể trở thành người mà con muốn và làm bất cứ việc gì trong đời”.
Lịch sử cho biết, nhiều người đạt được kỳ tích trong đời, một phần là nhờ vào những bậc cha mẹ luôn tin tưởng con và biết cách truyền cảm hứng cho con trong việc xây dựng những ước mơ cao đẹp. Tiger Woods trở thành người chơi gôn giỏi nhất thế giới cũng một phần nhờ cha anh bao giờ cũng ủng hộ và hỗ trợ con hết mình. Vào năm tám tuổi, khi Tiger nói rằng anh muốn trở thành người chơi gôn số một thế giới, cha anh không những không bảo “con điên à” mà còn nói “Cha không mảy may nghi ngờ về việc con sẽ trở thành người chơi gôn giỏi nhất thế giới”. Nhờ sự động viên ấy mà Tiger cố gắng không ngừng và 13 năm sau đã chứng minh rằng cha anh nói đúng!
Trong những năm 1940, vào lúc 12 tuổi, cậu bé Neil nói với mẹ rằng, một ngày nào đó cậu sẽ bay lên mặt trăng và dạo chơi giữa các vì sao. Mẹ cậu đáp lại rằng, cậu sẽ làm được bất cứ việc gì một khi dốc tâm làm việc đó. Vâng, chúng ta biết rằng lịch sử ngành khoa học nghiên cứu không gian giở sang một trang mới khi Neil Amstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Bạn thử tưởng tượng chuyện gì xảy ra nếu mẹ cậu trả lời con trai theo thói thường của một phụ huynh như: “Con có điên không đấy? Đừng ngồi đó mà mơ mộng hão huyền!”. Nếu thế, rất có thể Amstrong sẽ không bao giờ là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Chỉ là bước đi nhỏ của con người, nhưng là bước nhảy vĩ đại của nhân loại”.
Những bậc phụ huynh nuôi dạy con không đúng cách thường có khuynh hướng kéo thấp ước mơ của con cái xuống, dè bỉu và bảo chúng rằng “Hãy tỉnh mộng đi!”. Việc làm vô tình này, tiếc thay đã bóp chết ước mơ bay bổng của rất nhiều đứa trẻ chưa biết chừng sẽ làm nên nghiệp lớn. Họ thường nói những câu đáng nản lòng như thế này một cách vô thức: “Học như thế mà đòi làm bác sĩ à?”, “Con có tỉnh táo không đấy?”, “Hừm, lười biếng như con mà mơ làm triệu phú, đúng là đồ điên!”.
Cũng có người đặt câu hỏi cho tôi, “Nếu ước mơ của con tôi quá hão huyền như trở thành phi công vũ trụ thì sao?”, “Con tôi còn quá nhỏ làm sao biết là chúng thật sự muốn gì?”.
Thậm chí nếu ước mơ của con bạn dường như hoang đường đi chăng nữa thì cũng chẳng có hại gì. Điều quan trọng là những ước mơ cao đẹp có tác dụng truyền cảm hứng cho trẻ, đặt chúng vào một trạng thái tinh thần đầy hăng say, thúc đẩy chúng học tập và vươn lên trong cuộc sống. Con bạn muốn trở thành phi hành gia ư? Thế thì cháu nó sẽ nhiệt tình học các môn vật lý, toán học và ngoại ngữ, nào có thiệt hại gì!
Ước mơ của con cái có thay đổi khi chúng lớn lên không? Tất nhiên rồi, và hầu như ai cũng thế! Nhưng điều này không có hại gì, các mục tiêu trong cuộc sống luôn ở trong trạng thái vận động, không đứng yên một chỗ. Điều quan trọng là vào bất cứ thời điểm nào trong đời, con cái chúng ta cũng phải có mục tiêu để đi tới và ước mơ của chúng có tác dụng như tấm biển chỉ đường, như làn gió nâng cao đôi cánh chúng và làm cho mỗi ngày trôi qua trong đời chúng đều có ý nghĩa.
Nếu Con Cái Chúng Ta Không Biết Rõ Thật Ra Chúng Muốn Gì Thì Sao?
Rất nhiều bậc cha mẹ tâm sự với tôi rằng, khi hỏi con cái về ước mơ của chúng, họ thường nhận được những câu trả lời như, “Con không biết” hoặc “Con còn chưa nghĩ tới”. Có nhiều lý do giải thích cho việc này. Thứ nhất, những đứa trẻ ấy có niềm tin sai lầm, giới hạn. Một khi có niềm tin như vậy, chúng sẽ không bao giờ dám đặt mục tiêu to lớn bởi vì mọi thứ dường như nằm ngoài tầm tay của chúng. Đây là lý do tại sao việc gầy dựng niềm tin tích cực trong con cái là bước quyết định đầu tiên trong Công Thức Thành Công Tuyệt Đỉnh. Nếu con bạn không tin tưởng vào bản thân mình, sao chúng dám đặt ra những mục tiêu cao xa.
Lý do thứ hai thông thường hơn, những đứa trẻ này chưa suy nghĩ về chuyện đó vì chưa bao giờ chúng thật sự tiếp cận với những khả năng mà chúng có thể đạt được trong cuộc sống. Đây là lúc chúng ta phải bắt tay vào giúp con cái tiếp cận với những khả năng khác nhau, và có như vậy chúng mới tự tin đặt ra những mục tiêu khác nhau trong cuộc sống.
Tuổi Nào Thích Hợp Nhất Để Con Trẻ Nuôi Mơ Ước?
Nghe chúng tôi nói về tầm quan trọng của việc hướng dẫn con cái cách đặt ra mục tiêu trong đời, nhiều phụ huynh thắc mắc, “Nhưng mà khi nào thì thích hợp, con tôi còn quá nhỏ để biết được chúng muốn làm gì trong tương lai?”. Điều này đặc biệt đúng với những người có con còn nhỏ.
Nhưng với kinh nghiệm đào tạo học sinh đủ mọi lứa tuổi, chúng tôi phát hiện ra một điều tưởng như nghịch lý, là chính những em nhỏ tuổi hơn lại có trí tưởng tượng phong phú hơn và những ước mơ táo bạo hơn. Chúng dám mơ tạo ra những kỳ tích cho tương lai. Quá trình lớn lên cũng là quá trình con người va vấp với thực tế nhiều hơn, và những lần cọ sát ấy khiến chúng ta có khuynh hướng hoài nghi về mức độ khả thi của những ước mơ vĩ đại của mình. Chính vì vậy, càng lớn lên con người càng dè dặt hơn, ít sáng tạo hơn. Trước khi bước vào tuổi 40, đa số mọi người trở nên đa nghi và mệt mỏi về hầu hết mọi thứ trên đời, chúng ta đánh mất đi niềm đam mê cháy bỏng trong cuộc sống và thường không dám theo đuổi một hoài bão nào mà sẵn sàng hài lòng với những cái trong tầm tay.
Nếu bạn thích đọc những câu chuyện có thật về những danh nhân trong lịch sử, bạn sẽ rút ra được một điều là những bậc vĩ nhân ấy, tất cả đều có chung một điểm: đặt ra mục tiêu vĩ đại và cụ thể cho cuộc đời mình từ khi còn rất nhỏ. Tiger Woods muốn trở thành người chơi gôn giỏi nhất thế giới vào năm lên tám. Năm tuổi 12, Steven Spielberg xác định ông muốn trở thành nhà làm phim nổi tiếng nhất thế giới. Warren Buffet muốn trở thành triệu phú từ năm sáu tuổi và bắt tay vào đầu tư chứng khoán từ năm 11 tuổi. Michael Jordan thì mơ trở thành vận động viên bóng rổ hàng đầu từ lúc mười tuổi. Vì thế chẳng bao giờ là quá sớm cho việc hình thành mơ ước và xác lập những mục tiêu trong đời! Thực tế chứng minh bạn làm điều này càng sớm bao nhiêu, bạn càng có nhiều khả năng đạt được mục đích tối cao bấy nhiêu.
Giúp Con Lập Ra Bản Lộ Trình Cuộc Sống
Bản Lộ Trình Cuộc Sống, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói giống như một tấm bản đồ chiến dịch, trong đó bạn giúp con mình vạch ra những mốc mà nó phải đi tới để cuối cùng có thể cắm lá cờ chiến thắng. Đúng thế, một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ xác định mục tiêu là sử dụng cái mà chúng ta tạm gọi là Bản Lộ Trình Cuộc Sống này. Bạn hãy hướng dẫn trẻ lấy ra một tờ giấy khổ to bằng tấm áp phích lớn và vẽ một đường thời gian đi qua những mốc quan trọng trong cuộc sống.
Sau đó, hướng dẫn chúng đặt ra đích đến cho những giai đoạn khác nhau trong đời. Con bạn cần chi tiết hóa những mục tiêu này với nội dung cụ thể và thời hạn kèm theo.
Để các mục tiêu trở nên hấp dẫn, sinh động và luôn đập vào mắt người thực hiện, bạn hãy sưu tầm tranh ảnh liên quan đến những mục tiêu đó và đính kèm vào từng cột mốc. Ví dụ, nếu ước mơ của con bạn là trở thành tác giả sách bán chạy nhất, chúng có thể dán hình những quyển sách bán chạy nhất của những tác giả mà chúng ngưỡng mộ.
b) Chia Sẻ Ước Mơ Và Mục Tiêu Của Cha Mẹ Với Con Cái
Trẻ thường học hỏi từ những gì chúng quan sát (nhất là kinh nghiệm trong cuộc đời cha mẹ) nhiều hơn là những điều khô khan mà các bậc phụ huynh giáo huấn. Thế nên, một trong những cách tốt nhất giúp xác lập mục tiêu phấn đấu là chia sẻ mục tiêu và mơ ước thầm kín của bạn với con cái.
Những người thành công trong vai trò làm cha mẹ cũng thành công trong hoạt động nhóm, nghĩa là họ biến gia đình mình thành một nhóm, trong đó các thành viên chia sẻ các mục tiêu với nhau và hỗ trợ nhau đạt được mục tiêu đề ra cho mỗi người, thông qua việc kiên trì động viên, nhắc nhở lẫn nhau.
Khi chia sẻ mục tiêu của mình với con cái, bạn có thể nói với chúng về mục tiêu sự nghiệp, mục tiêu tài chính và mục tiêu phấn đấu cho gia đình. Kể cả một người mẹ ở nhà làm nội trợ hay làm công tác tình nguyện xã hội cũng có những mục tiêu đáng trân trọng để chia sẻ với con cái. Ví dụ, một người nội trợ mà tôi biết đề ra mục tiêu vận động những người dân trong khu phố nói “không” với hành vi xả rác nơi công cộng để bảo vệ môi trường. Đó chẳng phải là mục tiêu cao đẹp hay sao?
Bằng cách này, chính bạn đang gián tiếp dạy con cái rằng, muốn có một cuộc sống chất lượng cao, chúng phải lên kế hoạch trước cho những gì chúng làm ở tuổi trưởng thành. Đây cũng là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp con cái làm quen với những vấn đề cuộc sống thường nhật trong thế giới người lớn.
Một số người tỏ ra băn khoăn, không biết liệu con mình có quan tâm đến những vấn đề của người lớn hay không. Nhưng cứ tin tôi đi, rồi bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy bọn trẻ hứng thú đến mức nào khi cha mẹ sẵn lòng chia sẻ một phần cuộc sống của mình với chúng. Động tác nhỏ này làm cho chúng cảm giác như mình đã lớn, và đó là điều mà chúng không bao giờ học được từ nhà trường hoặc bất cứ ai ngoài cha mẹ.
Cha Tôi Đã Làm Gì Để Khuyến Khích Tôi Có Những Ước Mơ Không Tưởng
Tôi cũng phát hiện rằng các bạn trẻ rất hào hứng khi tôi kể cho họ nghe câu chuyện về cách những người khác (đặc biệt là các ngôi sao) đặt mục tiêu ra sao, và dùng những mục tiêu đó như thế nào để từng bước tiến đến thành công. Tôi nhớ khi còn nhỏ, thần tượng của tôi là siêu sao phim hành động Arnold Schwarzenegger. Tôi vẫn còn nhớ những bộ phim anh đóng mà tôi thích nhất như Terminator (Kẻ hủy diệt) và Commando (Đặc vụ), trong đó anh là một siêu anh hùng chuyên tiêu diệt những thế lực xấu xa.
Cha tôi đã tận dụng niềm đam mê của tôi, coi đó là cơ hội để truyền cảm hứng dạt dào, thôi thúc tôi vạch ra những mục tiêu vĩ đại. Ông kể cho tôi nghe mọi chuyện về Schwarzenegger. Rằng anh từng là một người nhập cư đến Mỹ với mơ ước cháy bỏng trở thành diễn viên điện ảnh. Nhưng cả thiên hạ đều xúm lại nói rằng anh “không có cửa” làm diễn viên trong vương quốc điện ảnh Hollywood. Rằng tiếng Anh của anh “nặng” đến nỗi Thánh cũng không hiểu nổi. Anh không có kinh nghiệm sống trên đất Mỹ. Kỹ năng diễn xuất của anh nghèo nàn thô sơ còn tên của anh thì dài ngoằng và nghe “không Mỹ” chút nào.
Mặc cho tất cả những lời dèm pha cay nghiệt, Arnold vẫn một mực trung thành với ước mơ của mình và hành động quyết liệt để biến ước mơ thành hiện thực. Mặc dù thất bại và bị từ chối vô số lần, cuối cùng Arnold vẫn làm được điều mà anh khát khao nhất. Anh không những trở thành diễn viên điện ảnh mà còn trở thành một trong ít những siêu sao được trả thù lao cao nhất và nổi tiếng nhất ở Hollywood. Sau đó anh tiếp tục chinh phục đỉnh cao thứ hai: trở thành chính khách và anh đã được bầu vào vị trí thống đốc bang California. Arnold đạt được tất cả những điều này không phải do anh có ngôi sao chiếu mệnh may mắn, hoặc tài năng bẩm sinh mà là do anh dám mơ ước. Câu chuyện về anh có sức lay động tôi đến tận tâm can, và từ lúc 13 tuổi, tôi đã hạ quyết tâm trở thành tác giả sách bán chạy nhất và là một triệu phú tay trắng làm nên sự nghiệp.
Những người như cha tôi không bao giờ ép buộc con cái bắt chúng phải xác định mục tiêu này nọ và cũng không thay thế chúng làm việc đó. Thay vì thế, họ dùng những câu chuyện có thật đầy cảm hứng như câu chuyện về Arnold Schwarzenegger để kích hoạt trí tưởng tượng của con trẻ. Chiêu này sẽ trở thành “tuyệt chiêu” nếu bạn có những ví dụ sống động liên quan đến đam mê, sở thích sẵn có nơi con bạn.
c) Cha Mẹ Giúp Con Cái Tiếp Cận Với Cuộc Sống Thật
Nhiều bậc cha mẹ than phiền rằng con họ không hề bận tâm đến việc lên kế hoạch cho tương lai. Một trong những nguyên nhân là do không có nhiều phụ huynh nói chuyện với bọn trẻ về cuộc sống muôn màu muôn vẻ ngoài khuôn khổ gia đình hay trường học.
Ở trường, thầy cô có khuynh hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp thu kiến thức và việc đạt điểm cao trong các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… Chẳng qua là họ phải hoàn thành nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mà nhà trường và xã hội giao phó. Thế nên họ không có thì giờ mà cũng không có tâm thế trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn trong xã hội, những gì thật sự xảy ra khi các em rời mái trường thâm nhập vào cuộc sống. Vì lẽ đó, đa số học sinh không thấy được mối liên quan giữa việc học trong sách vở với việc ứng dụng mớ kiến thức khô cứng đó vào các hoạt động thực tiễn.
Chúng tôi từng gặp một nữ sinh rất đặc biệt. Cô thường chia sẻ với chúng tôi về những mục tiêu trong đời, và việc cô xác định rõ rằng cô cần học tập chăm chỉ để vào được những trường danh tiếng mà cô mong muốn, rồi đi làm ở những công ty danh giá như thế nào. Chúng tôi tự hỏi sao cô gái này lại mau trưởng thành và có cái nhìn chín chắn như thế. Tôi chỉ vỡ lẽ ra khi được dịp nói chuyện với mẹ cô. Từ khi cô lên tám tuổi, người mẹ đã nói chuyện với cô về những chủ đề người lớn và giúp cô tiếp cận với cuộc sống ngoài học đường từ rất sớm.
Mẹ cô là một nhà tư vấn quản trị và sau giờ làm việc, bà thường kể cho con gái nghe về công việc hàng ngày của mình; và quan trọng hơn, những điều mà bà yêu thích trong công việc. Bà nói về những thử thách mà các nhà kinh doanh gặp phải và bà đã giúp họ giải quyết các vấn đề trong tiếp thị và quản lý như thế nào. Mặc dù cô bé Jenny không hiểu hết được tất cả những gì mẹ mình nói, cô cũng đặt ra nhiều câu hỏi như “Quản lý là gì? Tư vấn là gì?”. Mẹ cô cố gắng hết sức giải thích cho cô càng đơn giản càng tốt. Ví dụ, bà giải thích “Làm công việc quản lý là khi con làm sao để bảo đảm rằng nhân viên dưới quyền con làm việc hiệu quả và phối hợp tốt với nhau”. Người mẹ cũng nói về những điều bà khám phá trong nghề nghiệp và bà phải học hỏi như thế nào để từng bước thăng tiến trong sự nghiệp (dĩ nhiên, bà luôn giải thích bằng một lối nói đơn giản, dễ hiểu).
Khi họ cùng đi khám bác sĩ chẳng hạn, người mẹ sẽ tận dụng cơ hội này để nói cho Jenny biết về những việc bác sĩ làm, và họ phải học những gì để được hành nghề chữa bệnh cứu người. Nếu gặp vấn đề mà bà chưa có câu trả lời, bà sẽ cùng nghiên cứu trên mạng với con gái. Bằng cách này, bà gián tiếp dạy Jenny trở nên tự lập và tự xoay xở tìm ra câu trả lời cho những vấn đề mà cô không biết.
Có một sự thật chắc bạn đã biết nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại, là nhiều người thành công vượt bậc, những triệu phú nổi tiếng đã để con cái mình tiếp cận thế giới người lớn khi chúng còn rất nhỏ, và nhờ đó làm cho cuộc sống của chúng phong phú hơn, mức độ trưởng thành nhanh hơn và tăng khả năng thâm nhập thực tiễn của chúng lên cao hơn.
Khi Bill Clinton làm thống đốc bang Arkansas, ông bố trí một bàn làm việc nhỏ cho cô con gái Chelsea trong một căn phòng nhỏ sát bên phòng làm việc của mình, để cô có thể tiếp cận thế giới của cha, còn ông thì có thể để mắt trông chừng con gái. Khi Clinton trở thành Tổng thống và gia đình ông dọn vào Nhà Trắng, Chelsea lúc bấy giờ đã là một cô bé 13 tuổi tự tin đĩnh đạc, thường xuyên tháp tùng cha mẹ trong những cuộc viếng thăm chính thức vòng quanh thế giới, thậm chí đến cả những điểm “nóng” như Trung Đông. Giống như Công nương Diana, cô được cha mẹ tạo điều kiện thâm nhập vào cuộc sống muôn màu muôn vẻ khắp nơi để có được thái độ đồng cảm với những người có hoàn cảnh khác xa cô, và có ý thức tìm hiểu về các vấn đề xã hội của họ. Sau này khi trưởng thành, Chelsea trở thành cánh tay đắc lực trong chiến dịch thành công của mẹ cô, bà Hillary trở thành Thượng nghị sĩ bang New York.
Nhà tỉ phú Hồng Kông Li Kah Shing đã bắt đầu chuẩn bị cho con trai ông tiếp quản đế chế của ông từ khi cậu còn rất nhỏ. Ông dẫn con trai mình trong các chuyến viếng thăm công ty, và để cậu tham dự trong các cuộc họp hội đồng quản trị.
Những người thành công vượt bậc hiểu rõ rằng việc cho phép con mình tiếp cận sớm với cuộc muôn màu muôn vẻ ngoài khuôn viên trường học sẽ giúp con họ trở nên sớm trưởng thành và tự tin vào bản thân hơn. Ngoài ra còn có một lợi ích khác, vì vô cùng bận rộn không có nhiều thời gian dành cho gia đình, nên bằng cách dẫn dắt con cái tham gia vào công việc của họ từ rất sớm, họ cũng có điều kiện củng cố mối quan hệ cha mẹ – con cái vững chắc hơn.
Nếu các nhà tỉ phú và các chuyên gia bận rộn vẫn có thể dành thời gian giúp con cái mau trưởng thành, mở rộng hiểu biết và vốn thực tế của con cái họ, thì bạn còn chần chừ gì nữa mà không làm thế? Nhưng xin bạn nhớ một điều rằng: mặc dù những hướng dẫn cho con cái về những gì chúng có thể làm và đạt được trong cuộc sống là rất quan trọng, việc lên kế hoạch thay cho chúng lại không nên chút nào.
Đừng bao giờ trực tiếp sắp đặt mọi việc cho con cái, cũng đừng bao giờ bảo chúng phải làm gì trong tương lai. Nhất là bạn đừng mong chúng thay mình làm những việc mà bạn khao khát muốn thực hiện nhưng chưa làm được. Nếu bạn lên kế hoạch tương lai cho con cái thay chúng, bạn sẽ tước mất của chúng cơ hội làm chủ cuộc sống, cũng như sự tự tin và lòng tự trọng trong bản thân chúng.
Bao giờ cũng nhớ rằng mỗi đứa con chúng ta có niềm đam mê riêng, khả năng riêng và mục đích riêng trong cuộc sống. Vai trò làm cha làm mẹ của chúng ta là để giúp đỡ chúng khám phá những điểm mạnh của chúng là gì, chúng say mê điều gì và làm thế nào để chúng có thể đóng góp những giá trị cao nhất cho cộng đồng, xã hội và cho cái thế giới đang dần thu nhỏ lại này.
Thay vì đưa ra chỉ thị hay mệnh lệnh phải thế này thế kia, tất cả những gì mà những người làm cha mẹ chúng ta có thể làm là tạo điều kiện và hướng dẫn con cái vạch ra một lộ trình thích hợp trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp. Vậy như thế nào là một lộ trình thích hợp cho một người? Ấy là khi nó giúp chủ thể đạt được những mục đích khác nhau trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân, và nó giúp họ luôn có tinh thần cầu tiến, phát huy hết khả năng của mình trong bất cứ việc gì họ làm.
d) Giúp Con Cái Luôn Tập Trung Vào Những Mục Tiêu Của Chúng
Khi nói về chuyện xác lập mục tiêu phấn đấu, có nhiều em nhỏ tỏ ra rất hào hứng với những viễn cảnh tươi sáng về tương lai, nhưng chỉ ít lâu sau, những mục tiêu ấy mờ dần rồi mất hẳn. Nhưng với các em học sinh xuất sắc thì khác, một trong những đặc điểm lớn nhất của chúng là biết cách tập trung cao độ cho mục tiêu phía trước.
Để làm tốt việc này, bạn hãy hướng dẫn con mình thiết kế mục tiêu rồi viết ra chi tiết trên một tờ giấy khổ lớn. Chúng có thể dán “Bảng mục tiêu của tôi” lên tường để ngày ngày đập vào mắt chúng, nhắc nhở chúng phải tập trung và duy trì động lực liên tục để có những việc làm thích hợp hướng tới mục tiêu. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có khuynh hướng dùng bảng ấy làm công cụ để khiển trách con cái khi chúng không học hành chăm chỉ, nhưng đó thật ra là một biện pháp hết sức sai lầm. Bạn cần phải dùng những mục tiêu ấy để động viên con cái, chứ không phải biến chúng thành cái gông đeo trên cổ con mình.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment