Hầu hết mọi người đều có động cơ trong mỗi bước đi của mình và cố gắng hết sức để thể hiện mình khi họ bắt đầu một mối quan hệ mới (trong công việc hoặc lĩnh vực khác), nhưng rồi họ sảy chân và mất thăng bằng khi cố gắng duy trì mối quan hệ lâu dài. Thực tế nhanh chóng cho thấy thời kỳ trăng mật đã chính thức kết thúc.

Trên thực tế, mọi mối quan hệ đều cần được đầu tư nhiều công sức, ngay cả với những mối quan hệ bền chặt nhất tưởng như không cần nỗ lực gì thêm nữa. Ai cũng từng nghe về điều này, nhưng liệu chúng ta đã thật sự hiểu hay chưa?

Xây dựng và nuôi dưỡng một mối quan hệ cần thời gian, nỗ lực và bí quyết. Bí quyết ở đây chính là trí tuệ cảm xúc (EQ). Nếu bạn muốn có một mối quan hệ bền vững và phát triển theo thời gian, trong đó những nhu cầu của bạn và của đối phương đều được thỏa mãn, thì kỹ năng EQ cuối cùng – làm chủ mối quan hệ – chính là cái bạn cần.

May mắn thay, các kỹ năng làm chủ mối quan hệ này đều có thể học được và chúng có liên quan đến ba kỹ năng còn lại của EQ mà bạn đã quen thuộc – tự nhận thức, làm chủ bản thân và nhận thức xã hội. Bạn dùng những kỹ năng tự nhận thức để nhận biết về cảm xúc của mình và đánh giá xem những nhu cầu của mình có được thỏa mãn hay không. Bạn dùng những kỹ năng làm chủ bản thân để thể hiện cảm xúc của mình và hành động vì lợi ích của mối quan hệ. Cuối cùng, bạn sử dụng kỹ năng nhận thức xã hội để hiểu rõ hơn về nhu cầu và cảm xúc của người khác.

Suy cho cùng, không ai có thể sống một mình, các mối quan hệ là điều không thể thiếu và chúng làm cho cuộc sống trọn vẹn hơn. Vì bạn là một nửa của mọi mối quan hệ, thế nên bạn chịu một nửa trách nhiệm trong việc củng cố và phát triển những mối liên kết này. 17 phương pháp sau sẽ giúp bạn tìm hiểu những điều quan trọng cho các mối quan hệ đơm hoa kết trái. 

CÁC PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG LÀM CHỦ MỐI QUAN HỆ

  1. Hãy cởi mở và ham tìm hiểu
  2. Cải thiện phong thái giao tiếp tự nhiên của bạn
  3. Tránh đưa ra những tín hiệu lẫn lộn
  4. Hãy nhớ những điều nhỏ nhặt nhưng mang lại hiệu quả cao
  5. Sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản hồi
  6. Tạo dựng lòng tin
  7. Tạo cho mình một “chính sách mở”
  8. Chỉ nổi giận có chủ đích
  9. Đừng tránh né những điều không tránh khỏi
  10. Chấp nhận cảm xúc của người khác
  11. Cân bằng cảm xúc hoặc hoàn cảnh của người khác
  12. Khi bạn quan tâm, hãy thể hiện
  13. Giải thích các quyết định của bạn, đừng chỉ mặc nhiên đưa ra
  14. Góp ý trực tiếp và mang tính xây dựng
  15. Đồng nhất giữa ý địnhtác động trong việc bạn làm
  16. Đưa ra phương án “chữa cháy” cho một cuộc trao đổi bất thành
  17. Xử trí một cuộc trò chuyện khó khăn

1. HÃY CỞI MỞ VÀ HAM HỌC HỎI

Chúng tôi có thể hình dung một số bạn đọc thầm nghĩ, “Cái ông tác giả này, chẳng lẽ tôi phải cởi mở và tò mò tọc mạch chuyện của mọi người ở sở làm ư? Tôi chỉ cần hoàn thành dự án của mình và những việc người ta trả lương thôi được không, càng ít đụng chạm càng tốt chứ?” Thật ra việc thiết lập, xây dựng và duy trì các mối quan hệ đều là một phần trong công việc của bạn – ngay cả khi bạn chỉ làm chung với một người đi chăng nữa. Việc nuôi dưỡng, duy trì các mối quan hệ có thể không phải là trách nhiệm công việc của bạn và thậm chí không ai nhắc tới, nhưng để thành công, một thái độ cởi mở và hiếu kỳ chắc chắn là yếu tố không thể thiếu trong công việc của bạn.

Hãy cùng tìm hiểu xem “cởi mở” có ý nghĩa như thế nào trong việc làm chủ mối quan hệ. Cởi mở có nghĩa là chia sẻ thông tin về mình với người khác. Bạn có thể áp dụng kỹ năng làm chủ bản thân để quyết định xem mình cởi mở đến mức nào và chia sẻ những gì, nhưng bạn cần biết rằng thái độ cởi mở mang lại lợi ích cho bạn: khi người khác hiểu về bạn, sẽ ít nguy cơ họ hiểu lầm bạn hơn. Ví dụ, nếu bạn đặc biệt mẫn cảm với việc có mặt năm phút trước buổi họp, và lấy làm khó chịu khi một số người đến phút chót mới có mặt thậm chí đến trễ, thì một số người có thể đánh giá bạn là người ưa câu nệ và cứng nhắc. Nếu bạn chia sẻ với những người này rằng bạn từng gia nhập Hải quân trong vài năm đầu đi làm, đồng nghiệp có thể còn đánh giá cao thói quen đúng giờ và tác phong của bạn. Biết đâu được, thói quen đúng giờ của bạn sẽ bắt đầu lan tỏa!

Cởi mở về bản thân chưa phải là tất cả trong kỹ năng làm chủ mối quan hệ – bạn còn phải biết hứng thú với những câu chuyện của người khác. Nói cách khác, bạn phải biết ham tìm hiểu. Bạn càng thể hiện rõ mối quan tâm và tìm hiểu về người khác bao nhiêu, bạn càng nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người đó bấy nhiêu và sẽ không hiểu sai về họ.

Khi đặt câu hỏi, hãy vận dụng những kỹ năng nhận thức xã hội để lựa chọn bối cảnh và thời điểm thích hợp. Hãy lồng một chút hiếu kỳ trong giọng nói của bạn – tương tự như cách ông già Noel hỏi một đứa trẻ xem nó thích quà gì trong đêm Giáng sinh. Trái ngược với điều đó chính là giọng phê phán – bạn thử nhớ lại xem đã từng có ai hỏi bạn một câu đại loại như “Lý do quái quỷ nào cậu lại mua xe gắn máy vậy?” hoặc “Anh học chuyên ngành triết học à? Anh định dùng NÓ vào việc gì?”

Khi bạn đặt câu hỏi và người kia mở lòng ra với bạn thì bạn không những có được thông tin giúp bạn làm chủ tốt mối quan hệ, mà người kia cũng sẽ đánh giá cao sự quan tâm của bạn đối với họ. Nếu bạn vừa bắt đầu một mối quan hệ mới, hoặc đang trong một mối quan hệ bền vững, thậm chí đang rơi vào tình trạng khó khăn, hãy dành vài phút trong ngày để chọn ra một số mối quan hệ cần được bạn chú ý, và chọn đúng thời điểm để thể hiện thái độ cởi mở và ham tìm hiểu với đối tượng.

2. CẢI THIỆN PHONG THÁI GIAO TIẾP TỰ NHIÊN CỦA BẠN

Dù bạn đưa ra ý kiến của mình khi người khác đang nói hay tỏ ra tránh né sự bất đồng ý kiến thì chính phong thái giao tiếp này định hình các mối quan hệ của bạn. Giờ đây, bạn có cơ hội áp dụng kỹ năng tự nhận thức, làm chủ bản thân và nhận thức xã hội để định hình phong cách riêng của mình.

Hãy miêu tả phong thái tự nhiên của bạn ngay trên trang đầu tiên của một quyển sổ tay. Bạn gọi nó thế nào cũng được. Hãy nghĩ xem bạn bè, gia đình và đồng nghiệp đánh giá phong cách của bạn ra sao. Phong cách ấy thẳng thắn, vòng vo, thoải mái, nghiêm túc, thú vị, dè dặt, cân nhắc, bông lơn, gắt gỏng, tò mò, dễ thương hay vồn vã? Hãy nêu rõ vì chắc chắn là bạn đã từng nghe ai đó nói đến những từ đó.

Ở bên trái tờ giấy hãy viết ra những ưu điểm trong phong cách của bạn. Đó sẽ là những điều người khác đánh giá cao khi bạn giao tiếp với họ. Ở bên phải tờ giấy ghi ra những điểm chưa tốt hoặc những điều từng gây hiểu lầm, phản ứng kỳ lạ hoặc rắc rối.

Khi danh sách đã hoàn chỉnh, hãy chọn ra ba ưu điểm để áp dụng thường xuyên hơn nhằm cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn. Sau đó, hãy chọn ra ba khuyết điểm và nghĩ xem có cách nào bạn loại bỏ, giảm bớt hoặc cải thiện chúng không. Hãy thành thật với chính mình về những điều bạn sẽ làm hoặc không làm. Nếu bạn không biết điều gì sẽ giúp mình có được kết quả tốt nhất, hãy đề nghị bạn bè, đồng nghiệp và gia đình cho bạn lời khuyên. Công khai kế hoạch của mình sẽ buộc bạn có trách nhiệm hơn, giúp bạn cải thiện các mối quan hệ một cách lâu dài.

3.TRÁNH ĐƯA RA NHỮNG TÍN HIỆU LẪN LỘN

Tất cả chúng ta đều nhờ tín hiệu giao thông hướng dẫn để băng qua giao lộ an toàn, nhiều lần mỗi tuần. Khi hệ thống này hỏng hóc, hoặc khi chuyển sang tín hiệu đèn vàng chớp tắt liên tục, hoặc đèn tắt hết, tại giao lộ sẽ xảy ra tình trạng mạnh ai nấy đi. Mọi người bối rối; và khi muốn sang đường họ phải ngó trước ngó sau trước khi cho xe đi tới. Khi có đèn tín hiệu giao thông, chúng ta tin tưởng nó bởi mọi thứ rất rõ ràng – đèn đỏ dừng, đèn xanh đi. Những tín hiệu chúng ta gửi đến cho người khác trong các mối quan hệ cũng không khác mấy.

Cảm xúc phản ánh sự thật và chúng sẽ bộc lộ ra ngoài qua phản ứng và ngôn ngữ cơ thể của chúng ta, dù ta có lựa lời để che đậy đi nữa. Khi bạn khen nhân viên mình đã giới thiệu sản phẩm rất tốt bằng một giọng làu bàu và cái cau mày chẳng hề ăn khớp nhau, rõ ràng là lời nói và ngôn ngữ cơ thể tréo cẳng ngỗng. Người ta thường tin vào những điều mắt thấy hơn là tai nghe.

Dù bạn có giỏi làm chủ bản thân đến mấy, cảm xúc vẫn có lúc lộ ra bên ngoài. Bạn trải qua rất nhiều cảm xúc trong một ngày và não bộ của bạn không thể phân loại từng cảm xúc một. Khi nói chuyện với một ai đó, bạn có thể nói điều bạn nghĩ trong đầu nhưng cơ thể lại phản ứng tương ứng với cảm xúc bạn vừa trải qua vài phút trước.

Bạn sẽ khiến người khác bối rối và thất vọng khi bạn nói một đằng, thể hiện một nẻo. Qua thời gian, sự nhầm lẫn này sẽ gây ra những vấn đề trong giao tiếp và nó sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn. Để giải quyết vấn đề này, hãy dùng kỹ năng tự nhận thức để hiểu cảm xúc của mình và dùng kỹ năng làm chủ bản thân để quyết định xem cảm xúc nào nên bộc lộ và bộc lộ ra sao.

Đôi khi, việc đồng bộ những tín hiệu cảm xúc không phải lúc nào cũng thích hợp. Giả sử bạn đang rất tức giận trong một cuộc họp nhưng không thể bộc lộ cơn giận của mình vào lúc ấy. Vậy hãy gác sự giận dữ đó sang một bên, nhưng đừng dẹp bỏ hẳn nó. Hãy chọn một lúc thích hợp khác để bộc lộ nỗi tức giận ấy trong lòng bạn: đó là khi thể hiện sự giận dữ không gây hại cho bạn mà còn mang đến những kết quả tích cực nhất. Nếu cảm xúc quá mạnh, không thể không bộc lộ ra ngoài thì cách tốt nhất là hãy giải thích những gì xảy ra (ví dụ, “Trông tôi có vẻ không tập trung cho lắm là vì tôi cứ lo lắng suy nghĩ về cú điện thoại không như ý muốn sáng nay”).

Từ tháng sau, hãy tập trung vào việc làm sao cho giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của bạn ăn khớp với điều bạn muốn nói ra. Hãy ghi nhớ những lần bạn nói với người khác rằng bạn vẫn ổn, nhưng cơ thể, giọng điệu hoặc thái độ của bạn lại thể hiện những dấu hiệu khác hẳn. Khi bạn nhận ra mình đang gửi đi những tín hiệu không ăn khớp nhau, hãy điều chỉnh lại cho phù hợp hoặc có lời giải thích rõ ràng.

4. HÃY NHỚ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT NHƯNG MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO

Qua các kênh tin tức, chương trình truyền hình thực tế, hài kịch tình huống hoặc báo chí, có thể thấy khá rõ các phương tiện truyền thông ngày nay đang góp phần khiến phép lịch sự biến mất trong xã hội hiện đại. Cùng sự xuống dốc trong cung cách ứng xử, càng ngày người ta càng ít thể hiện sự trân trọng nhau hơn. Ngày nay, cả trong mối quan hệ cá nhân lẫn trong công việc, người ta ít nghe những lời như “làm ơn”, “cảm ơn” và “xin lỗi” trong giao tiếp hàng ngày.

Hầu hết những người đi làm nói rằng họ không bao giờ nhận được lời cảm ơn cho những cống hiến của mình trong công việc, tuy vậy họ đồng tình rằng nghe những câu nói như “cám ơn”, “vui lòng”, hoặc thậm chí, “xin lỗi” sẽ mang lại tác động tích cực về mặt tinh thần.

Hãy nghĩ xem đã bao nhiêu lần bạn nói “làm ơn”, “cảm ơn” và “xin lỗi” trong những tình huống cần thiết. Nếu bạn không sử dụng chúng thường xuyên thì đó có thể vì bạn thiếu thời gian hoặc không có thói quen, hay thậm chí có lẽ là do bạn thiếu tự trọng. Hãy bắt đầu tập thói quen dùng những lời ấy nhiều hơn trong các mối quan hệ của bạn. Hoặc hay hơn nữa, tập thành thói quen dùng chúng hàng ngày. Cảm ơn bạn.

[sach_thongminhcamxuc]