Trong khi tổ chức các buổi chuyên đề giới thiệu về chương trình “Thiếu Nhi Siêu Đẳng” và “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, chúng tôi thường gặp những phụ huynh tỏ ra bất lực trong việc quản lý con cái. Họ tuyệt vọng vì không có khả năng tạo động lực cho con vươn lên trong học tập và vâng lời cha mẹ. Cảm thấy mình không thể làm gì hơn được nữa, thế là họ quyết định gửi gắm con em mình vào những khóa đào tạo của chúng tôi với hy vọng sẽ có một phép màu thay đổi con em họ.
“Thầy Adam à, hãy làm sao thay đổi con trai tôi đi! Thầy hãy làm cách nào đó buộc nó có tiến bộ trong mọi chuyện!”. Đó là những yêu cầu khẩn thiết mà tôi thường nhận được.
Điều đáng buồn là nếu những phụ huynh này cứ khư khư giữ lấy quan niệm rằng CHỈ có con họ mới cần thay đổi còn bản thân họ thì không, thì dù cho bọn trẻ có những chuyển biến lớn như thế nào – trong và sau khóa học của tôi – vẫn có nhiều khả năng chúng sẽ quay lại thói quen và cách nghĩ cũ. Cũng như trong bất cứ mối quan hệ nào, sự thay đổi thật sự phải đến từ hai phía. Nếu bậc cha mẹ vẫn tiếp tục giao tiếp và đối xử với chúng theo cách thức tiêu cực như cũ, những đổi mới của con cái sẽ gặp lực cản đẩy chúng đến chỗ bất mãn hoặc rút vào vỏ ốc của tâm trạng tự ti, thiếu vắng hẳn động lực phấn đấu.
Chúng tôi cũng phát hiện ra một điều khác, những người thất bại trong vai trò làm cha mẹ có quan niệm “họ là nạn nhân”. Họ tin rằng mọi việc vượt quá tầm kiểm soát của mình và rằng họ không thể nào thay đổi lũ nhỏ. Khi được hỏi tại sao mối quan hệ giữa họ và con cái lại xoay ra chiều hướng xấu, hoặc tại sao con họ học không giỏi, họ luôn đổ thừa con cái hay những sự việc khách quan: “Con tôi lười biếng lắm”, “Nó ương bướng ngang ngạnh thì không ai bằng”, “Con bé không hé miệng nói với tôi chuyện gì cả”, “Nó tiếp thu kém”, “Nó đàn đúm với đám bạn xấu”, “Nó có chịu nghe lời hay lẽ phải đâu” hay “Bà ngoại chiều nó quá”, “Việc nhà bận bịu quá, tôi chẳng có thời gian đâu mà để mắt đến nó” v.v…
Mặc dù việc đổ thừa con cái và hoàn cảnh quả thật có thể giúp ta trút giận, xả stress nhưng điều đó không thể thay đổi được hoàn cảnh hay cải thiện mối quan hệ. Khi ta đổ lỗi cho người khác về những gì đang diễn ra, tức là ta đã tự tước đi của mình khả năng thay đổi những sự việc ấy. Những người thất bại trong vai trò làm cha mẹ luôn lý luận rằng, “Để cho mọi việc tốt hơn, con tôi phải là người thay đổi trước chứ, việc của nó kia mà! Nếu tôi không thể cải tạo nó, tôi sẽ nhờ người khác làm việc này!”.
Những người thành công hành động theo quan niệm khác hẳn. Họ tin rằng mình có ảnh hưởng lớn đối với cách suy nghĩ và hành động của con cái. Nếu con họ có thái độ hoặc hành vi không tốt, họ đứng ra chịu trách nhiệm về điều đó. Họ biết rằng mặc dù có những yếu tố khác ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ, nhưng họ mới là nhân tố quan trọng bậc nhất. Họ có niềm tin vững vàng rằng, “Để thay đổi mọi chuyện, trước hết mình phải thay đổi thái độ và phương pháp làm cha mẹ của chính mình”. Như vậy, những người này xác định rõ rằng họ phải chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả tốt xấu. Bù lại, khi nắm lấy quyền chủ động, họ có khả năng xoay chuyển tình thế.
Hãy lấy ví dụ về một cậu bé trai không muốn về nhà sau giờ tan trường. Thay vào đó, cậu thường la cà với bạn bè cả ngày, có hôm đến tận tối mịt. Khi cha mẹ nhắc nhở cậu học bài, cậu tỏ ra khó chịu. Khi họ bảo cậu dọn phòng, cậu miễn cưỡng làm qua loa cho xong chuyện. Nhưng mỗi khi bạn bè nhờ cậu giúp việc gì, thì cậu tận tình hết sức. Chúng ta hãy xem cách mà hai kiểu cha mẹ khác nhau giải quyết cùng một tình huống này như thế nào nhé.
1) Cha Mẹ Có Quan Niệm Mình Là “Nạn Nhân”
Những người làm cha mẹ có quan niệm mình là nạn nhân sẽ “chĩa mũi dùi” vào mọi lỗi lầm của cậu bé, đổ lỗi cho cậu, trách cứ bạn bè cậu và có nhu cầu than phiền với bất kỳ ai chịu lắng nghe họ. “Con tôi bị gì không biết nữa”. “Thằng bé có thái độ không chấp nhận được”. “Nó ấy à, lười biếng kinh khủng”. “Nó chỉ nghe theo mấy đứa bạn ngu ngốc của nó thôi”.
Dĩ nhiên, nếu bạn có một đứa con như vậy thì việc bạn giận dữ và thất vọng cũng là điều chính đáng. Không gì có thể biện minh cho hành động ích kỷ, vô kỷ luật và không quan tâm đến người khác của cậu bé. Cho nên, qua việc trút mọi giận dữ và thất vọng lên đầu con trai, họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn vì xả bớt được những cảm xúc tiêu cực. Nhưng vấn đề là nếu họ cứ xoáy sâu vào việc đứa con trai hư hỏng, khó bảo và luôn miệng than phiền về tất cả những gì không nằm trong tầm kiểm soát của mình (như bạn bè nó, tính biếng nhác của nó), nếu họ vẫn khư khư cách nghĩ rằng mình là nạn nhân (của bạn bè nó, của thói lười biếng ích kỷ) thì họ chỉ mang nặng trong lòng cảm giác BẤT LỰC, không thể làm gì để thay đổi con mình. Tệ hơn nữa, nếu cha mẹ liên tục la mắng hay cấm cậu giao du với bạn bè, họ có thể làm mọi việc trở nên xấu hơn nhiều.
2) Bậc Cha Mẹ Đứng Ra “Lãnh Trách Nhiệm”
Những bậc cha mẹ này cũng không tránh khỏi cảm giác giận dữ, thất vọng nhưng đồng thời, họ nhận ra rằng việc bới móc lỗi lầm và đổ lỗi cho con trai hoàn toàn không giúp họ đạt được mục đích của mình (ví dụ, khiến nó đi về đúng giờ và dành thời gian cho gia đình).
Họ tự đặt ra cho mình những câu hỏi sau đây: “Làm thế nào để mình có thể chịu trách nhiệm về thái độ và hành vi của con?”, “Thử nghĩ xem mình đã làm gì khiến nó không muốn về nhà và cứng đầu không chịu nghe lời?”, “Cần thay đổi phương pháp của mình như thế nào để con trai thích ở nhà nhiều hơn và ngoan ngoãn hơn?”.
Bậc cha mẹ “chịu trách nhiệm” thừa nhận rằng họ có khuynh hướng thích chỉ trích bắt bẻ con cái. Họ cũng công nhận rằng mình đã không cố gắng lắng nghe con trai và cũng không quan tâm lắm đến những việc nó làm. Vì thế mà họ không có những hành động và lời nói để khuyến khích, động viên khi nó làm việc tốt. Bằng việc xem xét lại cách cư xử của mình, họ nhận ra rằng: vừa về đến nhà, họ đã bắt đầu nói những câu hạch sách như “Sao con không học bài? Tại sao con về nhà trễ quá vậy? Tại sao con để đồ đạc vung vãi khắp nhà như thế?”.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thằng bé không thích ở nhà, ai mà muốn nghe mãi những câu nói như thế. Nó thích ở bên bạn bè hơn, những đứa này sẵn lòng chấp nhận con người nó. Với chúng, nó cảm thấy mình quan trọng hơn và được tôn trọng hơn. Từ phát hiện ấy, bậc cha mẹ này đi đến kết luận: “Mối quan hệ lỏng lẻo và không tốt giữa mình với con cũng là lý do tại sao nó không thích nghe lời cha mẹ và bỏ ngoài tai tất cả”.
Sau khi nhận trách nhiệm, những người làm cha mẹ này quyết định thay đổi thái độ đối xử với con trai và giao tiếp với cậu bằng một cách khác. Họ chân thành lắng nghe con trai và tôn trọng cách nghĩ của cậu. Họ bắt đầu nghĩ đến những cử chỉ và việc làm tốt của cậu từ xưa đến nay mà họ chưa nhận ra và đánh giá cao, sau đó có biện pháp khích lệ và động viên con nhiều hơn. Chắc chắn sau một thời gian, cậu bắt đầu cảm nhận được tình thương yêu và sự tôn trọng đến từ những người trước đây chỉ phê phán và răn đe mình.
Vì lẽ đó mà cậu thấy vui hơn mỗi khi gần cha mẹ và sẵn lòng hợp tác khi có lời yêu cầu từ cha mẹ. Khi nghe cha mẹ góp ý về một việc làm chưa tốt của mình, cậu chịu khó lắng nghe hơn, tiếp thu ý kiến phê bình với thái độ tích cực hơn, vì họ chỉ phê phán hành vi cụ thể của cậu chứ không phủ nhận toàn bộ con người cậu. Kết quả, cậu dần dần lấy lại lòng tự trọng và niềm tin vào bản thân mình, do đó ít bị ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.
Và dĩ nhiên, khi gia đình trở lại thành mái ấm thật sự, cậu sẽ mong muốn được về nhà hơn và cậu cũng bắt đầu quan tâm đến mọi người xung quanh, bớt lười nhác hơn.
Bạn thấy đấy, bằng việc chủ động đi bước đầu tiên để thay đổi thái độ và phương pháp giao tiếp của mình, chúng ta có thể có những ảnh hưởng tích cực đối với hành vi của con cái.
Dưới đây là những ví dụ trong việc chuyển đổi những lời trách móc và đổ lỗi cho con thành những hành động tích cực và có trách nhiệm.
Quan Niệm “Nạn Nhân” | Quan Niệm “Lãnh Trách Nhiệm” |
Thay vì bảo con bạn là đồ lười biếng | Hãy nghĩ cách khích lệ con cái bằng cách tìm hiểu sở thích và ước mơ của chúng |
Thay vì nghĩ con mình là đần độn, kém cỏi | Hãy dạy con bạn phương pháp “Tận dụng tối đa não bộ trong học tập” để giúp cho việc học trở nên thú vị và hiệu quả hơn |
Thay cho đánh giá: con mình thật ngang ngạnh | Hãy tạo dựng mối quan hệ gắn bó với con cái sao cho chúng cởi mở hơn với cha mẹ |
Thay vì đổ tội cho con bạn dễ bị ảnh hưởng từ đám bạn xấu | Hãy giúp con bạn lấy lại lòng tự trọng sao cho chúng có bản lĩnh hơn để từ chối những “cám dỗ ngọt ngào” |
Mỗi khi chúng tôi chia sẻ quan niệm này trong các cuộc hội thảo dành cho cha mẹ, thế nào cũng có một số người phản ứng bằng câu hỏi, “Nói vậy thì chúng tôi phải nhận lãnh mọi trách nhiệm về mình sao? Con cái cũng phải có trách nhiệm của chúng chứ?”. Dĩ nhiên rồi, trách nhiệm thuộc về cả hai phía! Thật ra, trong những khóa đào tạo dành cho học sinh, chúng tôi cũng tập trung huấn luyện các em đứng lên nhận trách nhiệm cho những việc chúng làm. Chúng tôi nói với các em rằng, nếu muốn kết quả học tập thay đổi, chúng cần thay đổi trước. Để làm mới và tốt đẹp hơn mối quan hệ với cha mẹ, chúng cũng phải thay đổi thái độ và hành vi của mình đối với cha mẹ.
Bạn thấy đấy, cần phải tin rằng, một khi cả hai bên đều có cùng cách nghĩ về việc đứng ra nhận trách nhiệm, cả hai sẽ nhanh chóng đạt được kết quả hài lòng cho cả đôi bên. Cuối cùng, chỉ những người dám chịu trách nhiệm về mình mới có khả năng thay đổi thế giới.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment