Những người thất bại trong vai trò cha mẹ có khuynh hướng gán ghép bản chất của trẻ với hành vi của chúng. Bởi thế nếu đứa con không chăm học, cha mẹ gán cho cậu là “đồ lười biếng”. Nếu nó đánh vỡ đồ vài lần thì sẽ bị mẹ nói là “kẻ hậu đậu”. Sau đó, họ tiếp tục củng cố và nhấn mạnh những tính cách này bằng những câu đánh giá thường xuyên, “Sao con lười thế không biết”, “Đúng là hậu đậu hết chỗ nói”. Nếu chẳng may nó có hành vi xấu, họ thậm chí còn dùng cách nói nghiêm trọng hơn, “Con bị ma ám à? Đồ hư hỏng, đồ rác rưởi!”.
Sự nguy hại của việc đồng nhất hành vi với bản thân của trẻ là ở chỗ, bạn chỉ khiến con mình thêm đinh ninh rằng nó lười biếng, hậu đậu, có vấn đề và là đồ bỏ. Chúng ta càng làm việc này thường xuyên bao nhiêu, đứa trẻ càng hành xử theo đúng những “nhãn dán” mà cha mẹ gán cho chúng bấy nhiêu.
Những bậc phụ huynh này luôn khư khư quan niệm rằng con của họ có vấn đề và cần phải được cải tạo. Với thái độ và cách đối xử với con cái như thể chúng vốn lười biếng, hư hỏng hay hậu đậu, trẻ sớm mất đi lòng tự trọng và sự tự tin vào bản thân, có khuynh hướng coi mình kém cỏi, chẳng bằng ai.
Những bậc cha mẹ thành công thì khác, họ không bao giờ đánh đồng hành vi cụ thể của con với con người thật của chúng. Họ tin rằng bên trong mỗi đứa trẻ là một con người đầy tiềm năng, có động lực sống và những ý định tốt đẹp, rằng tuyệt đối không có bất cứ vấn đề gì với chúng với tư cách là một con người.
Khi chúng làm một việc gì đó không tốt thì điều đó chỉ đơn giản là vì chúng đã áp dụng một phương pháp không thích hợp để đạt được những gì chúng muốn mà thôi. Họ bao giờ cũng tin rằng, luôn có một mục đích tốt đẹp đằng sau mỗi việc làm của con (bất kể việc làm đó có vẻ tệ đến mức nào). Để giúp trẻ, chúng ta hãy chấp nhận chúng với tư cách là một con người, và tiếp thêm sức mạnh cho chúng nhằm thay đổi thái độ, hành vi của chúng.
Cho phép tôi kể bạn nghe một câu chuyện. Cách đây chưa lâu tôi tư vấn một người mẹ bất lực trong việc dạy bảo đứa con ngỗ ngược luôn gây sự đánh nhau với bạn bè. Thằng nhỏ càng dính vào nhiều vụ ẩu đả bao nhiêu, người mẹ càng chửi mắng chì chiết nó bấy nhiêu. Dưới con mắt của bà, nó là thằng bất trị, là mối họa. Tất nhiên, khi bà còn giữ cách nhìn nhận này về con trai thì mọi việc càng trở nên xấu đi.
Sau một vài tiếng đồng hồ làm quen và trao đổi với thằng bé để tìm hiểu tâm tư tình cảm của cậu, tôi phát hiện rằng đó là một cậu nhóc rất thông minh và hiếu động. Nó chỉ muốn được người khác chú ý đến mình và được cảm thấy mình quan trọng (một ý định tốt đẹp). Điều không may là cậu lại đi sai đường. Cậu cảm thấy việc gây rối đánh lộn khiến cậu trở thành “người hùng”.
Tôi vào cuộc bằng cách bảo với cu cậu rằng nó “rất thông minh và có tiềm năng lãnh đạo”. Sau đó, tôi nói cho cậu cách thức làm sao nhận được sự chú ý và được tôn trọng thật sự. Tôi còn mời cậu thiếu niên “có vấn đề” này làm cố vấn tình nguyện trong các khóa học về lãnh đạo các hoạt động ngoài trời dành cho thiếu niên nữa. Trong vòng năm tháng sau, cách hành xử của cậu thay đổi một cách ấn tượng. Mẹ cậu đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Từ một đứa trẻ ham chơi quậy phá, cậu trở thành một nhà lãnh đạo năng nổ, có trách nhiệm và có thể động viên đàn em hoàn thành xuất sắc các hoạt động ngoài trời.
Bạn thấy đấy, với sức mạnh to lớn có được từ bảy quan niệm hiệu quả này mà chúng ta học hỏi được từ những người thành công trong vai trò làm cha mẹ, bạn có thể giải phóng và kích hoạt tài năng có sẵn trong con bạn. Nào hãy bắt đầu học hỏi điều đó trong chương sau!
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment