Như đã nói ở chương trước, trong nhiều năm đào tạo các khóa học đặc biệt cho đối tượng học sinh, chúng tôi có dịp tiếp xúc và quan sát những biểu hiện muôn màu muôn vẻ trong thái độ và hành vi ứng xử của các em nhỏ. Một trong những sứ mệnh mà chúng tôi đề ra cho mình là làm thế nào để ngày càng có nhiều em học giỏi hơn ở trường, có biểu hiện tốt hơn ở nhà và có thái độ sống tích cực hơn ngoài xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là thông qua việc đào tạo của mình, chúng tôi chú ý đến việc chuyển hóa các em học sinh có thái độ bất mãn, thiếu ý chí vươn lên, thậm chí có hành vi xấu thành những con ngoan, trò giỏi, công dân tốt. Nhưng chắc một điều, chúng tôi không thể làm được điều đó nếu không có bạn, những người làm cha làm mẹ và bao giờ cũng quan tâm lo lắng cho con cái.

Tại sao bên cạnh những “con ngoan, trò giỏi, công dân gương mẫu” vẫn có những em học kém, quậy phá, có hành vi không tốt cả ở nhà lẫn trong trường và ngoài xã hội? Chúng ta không thể chối bỏ sự thật rằng, có rất nhiều yếu tố hình thành nên thái độ và hành vi của mỗi cá nhân nhỏ tuổi, trong đó có: nhà trường, gia đình, bản tính, khí chất, tác động của bạn bè… nhưng quan niệm của cha mẹ mới chính là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất trong việc hình thành nhân cách trẻ.

Quan niệm mà tôi muốn nói ở đây là một tập hợp các niềm tin, các giá trị sống và thái độ trong cuộc sống của mỗi người, dù chúng ta có ý thức hay không ý thức được điều đó. Những quan niệm này của cha mẹ đóng một vai trò hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là vai trò quyết định, trong việc định hướng nhận thức và cung cách mà chúng ta đối xử với con trẻ. Một số người có quan niệm “cha mẹ bao giờ cũng đúng”, thế mới có câu “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Trong khi đó, những người khác lại có quan niệm bình đẳng giữa “cho và nhận”, đồng thời cho phép con cái có cơ hội được đối thoại hoặc thương lượng các vấn đề với họ.

Sau một khoảng thời gian làm công tác đào tạo, chúng tôi ghi nhận rằng, rõ ràng có mối liên hệ nhân quả và logic giữa những đứa trẻ có thái độ và hành vi tốt với cách thức mà cha mẹ chúng giao tiếp với con cái. Và chắc hẳn, cha mẹ của những đứa trẻ chưa ngoan, học hành chưa giỏi cũng có cách thức đối xử và giao tiếp như thế nào đó với con cái họ.

Điều này có nghĩa là những đứa con ngoan trò giỏi không phải tự nhiên mà có. Phát hiện này đối với các bậc cha mẹ là một tin tốt lành: bằng cách theo gương và áp dụng những phương pháp hiệu quả của những bậc cha mẹ thành công trong việc nuôi dạy con cái, chúng ta có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn trong cách hành xử của con trẻ. Và cho dù lúc này con bạn có biểu hiện xấu đến mức nào đi nữa, thì chỉ cần thay đổi cách thức đối xử của ta với chúng là ta sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn.

Do vậy, nếu muốn con cái thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, có hành vi và thái độ tích cực hơn, bản thân chúng ta hãy thay đổi mình trước bằng cách học hỏi và áp dụng quan niệm của các bậc cha mẹ thành công. Đó là những quan niệm như thế nào? Qua bao nhiêu năm quan sát, tìm hiểu và khám phá, chúng tôi đã đúc kết bảy quan niệm chính của những bậc cha mẹ tuyệt vời này.

Quan Niệm Thứ Nhất:

Con Cái Có Cách Nhìn Nhận Mọi Việc Khác Cha Mẹ

Chúng ta cần phải hiểu và thừa nhận rằng thế hệ sau có những nhận thức và quan niệm về thế giới không đồng nhất với chúng ta, cả ngôn ngữ mà chúng sử dụng cũng không giống hoàn toàn. Cái cách mà chúng nhìn nhận về cuộc đời có nhiều điểm khác biệt với cách nhìn nhận của chúng ta. Điều này hoàn toàn khoa học, nếu Đức Phật dạy rằng thế gian vô thường, nghĩa là mọi vật luôn biến đổi thì từ rất lâu Socrates đã nói, “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”. Vì vậy, bạn không thể bắt buộc một người ra đời sau bạn 20-30 năm lại có cách nghĩ y hệt như bạn. Thế mới có chuyện bạn cho rằng mình muốn tốt cho con mới khuyên con nên ít chơi game mà tập trung vào học, thì nó lại nghĩ bạn đang rầy la áp đặt nó. Hoặc khi bạn hỏi han giờ giấc của con bạn, thì nó cho là bạn chỉ muốn điều khiển cuộc đời nó.

Cho phép tôi nêu một ví dụ đơn giản chứng minh rằng những người khác nhau có nhận thức khác nhau về một vật như thế nào. Bạn hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến một chiếc ghế. Bạn đang nghĩ đến chiếc ghế nào vậy? Trong những khóa đào tạo của mình, bất cứ khi nào đặt ra câu hỏi này, chúng tôi đều nhận được hàng tá các câu trả lời khác nhau. Người hình dung trong đầu chiếc ghế sắt, kẻ thấy chiếc ghế đẩu bằng gỗ, rồi xích đu, ghế gấp, ghế bành, ghế sa lông, ghế nhựa thậm chí cả chiếc ghế mát-xa.

Thí nghiệm đơn giản này cho chúng ta biết điều gì. Nếu một vật cụ thể như chiếc ghế mà còn tạo ra những hình ảnh khác nhau trong những cái đầu khác nhau, thì những khái niệm trừu tượng như “tình yêu thương”, “trách nhiệm” hay “thành công” còn khác nhau đến mức nào. Đó là lý do tại sao bao giờ cũng tồn tại một độ vênh trong suy nghĩ của cha mẹ và con cái về cùng một đối tượng. Chẳng hạn bạn nghĩ khi con mình phạm lỗi, trừng phạt nó tức là yêu thương nó, đưa nó về con đường sáng. Nhưng con bạn không nghĩ vậy, nó chỉ thấy nó bị đánh đòn, bị chửi mắng oan uổng, quá đáng và đem lòng oán trách cha mẹ. Sở dĩ có chuyện ấy là vì chúng có quan niệm và định nghĩa về tình thương yêu khác với bạn.

Dưới đây là một đoạn đối thoại điển hình giữa người mẹ và đứa con trai mới lớn. Cậu ta đi chơi với bạn mà không được phép của mẹ. Cả hai người đều có thiện chí nhưng quan điểm và nhận thức khác nhau về cùng một sự việc (đi chơi) đã làm cho quan hệ mẹ con trở nên căng thẳng và xấu đi.

Mẹ: À, cuối cùng con cũng mò về đến nhà! Mẹ đã nói rất rõ qua điện thoại là con không được đi chơi, thế mà con vẫn đi. Mẹ không cho phép con làm như vậy. Mẹ đã quá căng thẳng và mệt mỏi với công việc ở công ty rồi. Con đừng khiến mẹ thêm căng thẳng nữa.

Con trai: (Im lặng)

Mẹ: Sao? Con không có gì để nói với mẹ sau chuyện này ư? Không biết tại sao con cứ đàn đúm với những đứa bạn vô tích sự ấy?Trước kia con đâu có như vậy. Con ngoan ngoãn, hiểu chuyện và coi trọng gia đình cơ mà. Bây giờ con chỉ thích rong chơi với một lũ tệ hại mà con gọi là bạn. Có phải đối với con, chúng quan trọng hơn gia đình không?

Con trai: Mẹ, đừng nói bạn con là vô tích sự hay tệ hại.

Mẹ: Sao mẹ lại không thể nói là chúng tệ hại được? Nếu không phải vì chúng, con trai mẹ đâu có làm trái ý mẹ như vậy? Hồi còn học tiểu học, con học hành chăm ngoan và đạt nhiều điểm tốt thế kia mà. Bây giờ thì sao? Mẹ đã bao lần khuyên bảo con, học nhiều hơn chơi ít đi, nhưng có lời nào lọt tai con không. Trời ơi, mẹ phải làm gì để con hiểu ra đây?

Con trai: Mẹ, mẹ không hiểu những gì con đang phải trải qua đâu.

Mẹ: Vậy thì nói cho mẹ nghe đi. Làm cho mẹ hiểu xem chuyện gì đang xảy ra đi!

Con trai: Thôi… chẳng có gì. Con không muốn bàn về chuyện này. Con mệt rồi. Con muốn đi ngủ.

Mẹ: Con sẽ không đi đâu hết cho đến khi chúng ta giải quyết xong chuyện này, và ngay bây giờ.

Con trai: Mẹ! Nói chuyện kiểu này thì có ích gì? Mỗi lần nói chuyện với mẹ về đề tài này là y như rằng chúng ta lại cãi nhau. Lúc nào cũng vậy thôi.

Mẹ: Con nói lúc nào cũng vậy nghĩa là thế nào? Tất cả những gì mẹ đòi hỏi ở con chỉ là nói ra cho mẹ biết để mẹ hiểu con hơn.

Con trai: Con đã cố nói chuyện với mẹ trong nhiều năm qua, cố làm cho mẹ nhìn nhận mọi việc theo cách của con nhưng mẹ chỉ biết áp đặt ý kiến của mình, bắt con phải tuân theo. Suy cho cùng, đâu phải là mẹ muốn hiểu con mà là mẹ muốn ra lệnh cho con làm theo ý mẹ đấy chứ.

Mẹ: Này, mẹ áp đặt ý kiến của mình cho con từ lúc nào thế? Ví dụ, mẹ nghĩ chúng ta đã thống nhất với nhau rằng con phải xin phép mẹ trước khi con đi chơi kia mà? Hôm nay con đi chơi mà không được phép của mẹ đúng không? Con thật vô trách nhiệm.

Con trai: À, mẹ muốn nói đến chuyện xảy ra hôm nay? Được thôi! Mỗi lần con xin phép mẹ đi chơi, mười lần thì hết chín lần mẹ nói “không”. Vậy thì còn xin xỏ làm gì khi con biết chắc là có nói gì thì mẹ cũng sẽ không cho con đi chơi. Ít ra hôm nay con đã báo với mẹ là con đi chơi chứ không phải lẳng lặng đi mà không nói gì.

Mẹ: Sở dĩ mẹ không cho phép con đi chơi là vì mẹ lo lắng cho con. Kỳ thi đang đến gần. Chẳng phải con nên tập trung học bài hơn là chơi mấy trò chơi điện tử ngu ngốc ấy sao? Nếu con dành thời gian học cũng nhiều như chơi game, thì kết quả học tập của con sẽ tốt hơn nhiều đấy. Con nghĩ mẹ khoái la mắng con lắm hả? Nếu con tự giác học hành và có ý thức kỷ luật thì mẹ đâu muốn nói đụng đến con làm gì. Nhớ đấy, mẹ sẽ không để con yên cho đến khi con đạt được nhiều điểm tốt hơn.

Con trai: Thôi, con không muốn nói nữa. Con mệt rồi (bắt đầu bước tới cửa phòng riêng).

Mẹ: Con quay lại đây ngay. Con không được đi đâu hết cho đến khi chúng ta giải quyết xong việc này. (Cậu con trai đóng sập cửa phòng lại sau lưng. Người mẹ đi đến cửa phòng con trai). Con làm như thế không có nghĩa là cuộc nói chuyện này chấm dứt đâu. Mở cửa ra ngay, con có nghe mẹ nói không? (Người mẹ đập tay thình thình lên cánh cửa).

Con trai: (Cuối cùng cũng mở cửa) Mẹ có thôi làm lớn chuyện và đối xử con như một đứa con nít không? Con đã 16 tuổi rồi và con biết mình đang làm gì với cuộc đời mình. Mẹ cứ la rầy và áp chế con theo kiểu ấy cũng chẳng được tích sự gì đâu.

Mẹ: Con thì biết cái gì? Nếu con biết làm chuyện nên làm thì con đã không tối ngày đi chơi mà không được mẹ cho phép, thay vào đó mà dành thời gian học thi. Nếu con chăm ngoan giỏi giang như con người ta thì mẹ đâu cần la rầy con.

Con trai: Con chịu hết nổi rồi. Con đi ra ngoài một chút cho thoáng đây. (Cậu đi về hướng cửa chính với chùm chìa khóa trong tay).

Mẹ: Con không được đi đâu hết. Đứng lại đó cho mẹ! (Nhưng cậu con trai đã ra khỏi nhà và sập cửa lại sau lưng).

Hoạt cảnh  trên nghe có quen thuộc với bạn không? Chắc là bạn biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Ý định tốt đẹp của người mẹ là muốn con trai tập trung học, bớt giao du với bạn bè đâm ra  “xôi hỏng bỏng không”. Trái ngược với mong muốn của mình, bà chỉ nhận được những phản ứng tiêu cực, thái độ bất hợp tác của con trai. Chắc chắn đêm ấy bà sẽ buồn lòng khi đứa con trai không những không nghĩ là nó sai (đi chơi mà chưa được phép của mẹ) mà còn phản kháng ra mặt (bỏ ra khỏi nhà). Có lẽ bà cũng đi đến chỗ cho rằng mình thất bại trong vai trò làm mẹ vì đã không thể nói chuyện để mẹ con hiểu nhau hơn.

Trong khi đó, đứa con trai ra khỏi nhà với trạng thái bực dọc, bất mãn vì mẹ cậu không chịu hiểu cho mình, không lắng nghe cảm nghĩ của mình. Cậu cảm thấy mẹ “luôn nhảy xổ” vào đời mình với những lời kêu ca, phàn nàn bất tận, rằng bà không để cho cậu yên phút nào và rằng sứ mệnh duy nhất trong đời bà là trách mắng, rầy la con trai.

Trong chuyện này ai sai, cậu con trai hay người mẹ? Từ góc độ của người làm cha mẹ, chúng ta dễ dàng cho rằng cậu con trai mới là người sai vì đã không xin phép mẹ đi chơi sau đó còn vô lễ với mẹ. Dù điều đó là đúng thì cách tiếp cận như vậy cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Sở dĩ cha mẹ và con cái, tuy sống dưới một nhà, ăn ở và sinh hoạt cùng nhau, nhưng lại có những nhận thức về thế giới khác nhau là vì mỗi người có một “bộ lọc” bên trong tâm trí khác nhau. Chính những bộ lọc khác nhau này tạo ra những cách nhìn khác nhau trong suy nghĩ của mỗi người chúng ta về thế giới xung quanh. Những bộ lọc này được hình thành cùng với năm tháng và cũng thay đổi theo năm tháng bởi các giá trị, niềm tin và thái độ sống của mỗi người.

Vấn đề là ở chỗ đa số phụ huynh nghĩ rằng con cái nhận thức về thế giới cũng giống như mình. Bạn cho rằng suy nghĩ của cha mẹ và con cái nằm trên cùng một phương, nên giao tiếp với chúng từ tọa độ CỦA BẠN (nghĩ rằng chúng cũng tiếp nhận theo phương ấy), vậy thì chắc chắn bạn sẽ nhận lại những phản hồi lệch phương rồi.

Có những bậc cha mẹ khó mà hiểu nổi tại sao điều mình muốn nói đơn giản như vậy mà con cái vẫn không nghe ra. Họ cất tiếng kêu trời, “Tôi thật sự không hiểu chúng có cái gì trong đầu nữa”, “Làm sao chúng có thể làm chuyện ấy?”, “Chúng đang nghĩ gì thế không biết?”. Giống như việc hai đối tượng tham gia vào một cuộc trao đổi, nhưng lại không sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ, cuối cùng chẳng ai hiểu ai và việc giao tiếp như thế là thất bại. Muốn thành công, trước tiên bạn phải hiểu được ngôn ngữ của đối tượng và sau đó nói bằng ngôn ngữ của chúng.

Trong những chương sau, bạn sẽ học được cách “giải mã” để hiểu cách mà con bạn nghĩ về thế giới như thế nào và cách giao tiếp với con cái bằng ngôn ngữ của chúng. Nhưng trước hết, bạn cần lĩnh hội nguyên lý quan trọng đầu tiên rằng: con bạn nhận thức về bản thân và thế giới khách quan (cha mẹ, người xung quanh, những sự việc trong cuộc sống,…) khác với bạn. Sau khi đã nắm được điều này, việc chúng ta cần biết tiếp theo là giao tiếp với chúng như thế nào, tiếp cận với chúng ra sao để chúng tiếp nhận điều chúng ta nói và làm theo. Quan niệm thứ hai sẽ giúp bạn về việc này.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH