Bao giờ cũng áp dụng một khuôn mẫu cứng nhắc chính là yếu tố cản trở đa số các bậc cha mẹ thực hiện những thay đổi lớn. Nhiều ông bố bà mẹ chỉ biết một hoặc hai phương thức giao tiếp với con cái. “Nói chuyện nhẹ nhàng” hoặc “đe dọa” là phương pháp truyền thống. Nếu một trong hai cách hết hiệu nghiệm, họ chỉ còn cách thua cuộc, không biết làm gì hơn nữa.

Một số người thiếu linh hoạt đến nỗi họ cứ “bổn cũ sao lại” một cách thức dạy con duy nhất. Ví dụ, một số ông bố bà mẹ bao giờ cũng tỏ ra xuề xòa dễ dãi và chiều chuộng con hết mức vì sợ rằng, nếu cứng rắn nghiêm khắc với chúng một chút thì hòa khí trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Những người này, dĩ nhiên, thường bị con cái lấn át và không có tiếng nói quyết định trong nhà. Có một câu thành ngữ về việc này, rằng chiều con không đúng cách chỉ khiến bọn trẻ “được đằng chân lân đằng đầu” và được “nước leo lên đầu lên cổ cha mẹ” hay quay lại điều khiển cha mẹ.

Lại có những người trái ngược hẳn với những bậc cha mẹ nói trên, họ lúc nào cũng cứng rắn và xét nét con cái. Họ tin rằng nếu họ mềm lòng, “bầy tiểu quỷ” sẽ được đà lấn lướt, sẽ không tôn trọng “trưởng bối” và họ khó mà “cầm cương” được chúng. Kết quả thì sao? Nhiều đứa trẻ đâm ra sợ bố mẹ không dám ho he điều gì và thường giấu giếm họ mọi việc lớn nhỏ. Đến tuổi vị thành niên, hoặc chúng quay ngoắt 180 độ trở nên bất trị thậm chí có khuynh hướng nổi loạn, hoặc chúng trở thành những kẻ yếm thế run sợ trước mọi người và mọi việc, không dám có ý kiến riêng và không tin vào bản thân mình.

Vậy thì dạy con như thế nào mới là đúng đắn? Cái gì cũng gật đầu hay luôn làm mặt khó đăm đăm? Dễ chấp nhận hay đòi hỏi cao? Phương pháp hay nhất là không bám chặt vào một phương pháp cụ thể nào, hãy linh hoạt, cực kỳ linh hoạt và tùy cơ ứng biến, tức là tùy thuộc vào đối tượng tiếp nhận nên tôi không thể nói chắc với bạn là phải luôn mềm mỏng hay luôn áp dụng kỷ luật sắt. Qua nhiều năm tiếp xúc, tôi thấy rằng những người thành công trong vai trò cha mẹ hay giáo viên là những người biết yêu thương, quan tâm và thoải mái trong các mối quan hệ với trẻ. Nhưng đồng thời, họ cũng có thể trở nên rất cứng rắn và nghiêm khắc khi con trẻ vượt quá giới hạn.

Bí quyết là ở chỗ, bạn hãy làm sao cho việc bạn sắp làm không “lồ lộ giữa ban ngày” để đứa trẻ không thể lường trước được. Ngay lúc bạn tỏ ra cứng nhắc và dễ đoán, đứa nhỏ sẽ là người nắm quyền điều khiển chứ không phải bạn. Tôi phát hiện ra lý do chính giải thích tại sao nhiều đứa trẻ (đặc biệt là trẻ nhỏ) rất giỏi trong việc “quay bố mẹ như quay dế”. Đó là vì ở chúng, độ linh hoạt và tính ứng biến cao gấp nhiều lần so với phụ huynh. Chúng có thể liên tục thay đổi chiêu thức cho đến khi có được điều chúng muốn.

Là cha mẹ, bạn cũng cần phải nghĩ ra nhiều chiến thuật để quản lý con cái. Tôi nhớ trường hợp một người mẹ trở thành “con dế” của đứa con lắm mưu nhiều mẹo của mình như thế nào. Người mẹ dẫn đứa con gái nhỏ đi ngang một cửa hàng bán đồ chơi. Bạn biết trẻ con mà đi ngang cửa hàng đồ chơi thì chuyện gì sẽ xảy ra rồi đó. Chúng háo hức nhìn hết món đồ chơi này đến món khác và đôi mắt thiên thần của chúng vụt sáng lên long lanh khi thấy món đồ mà chúng ưa thích nhất.

Bé gái cầm lên một món đồ chơi, quay sang nhìn mẹ với đôi mắt tròn xoe trong trẻo và nói, “Mẹ ơi, mua cho con món đồ chơi này nha mẹ?”

Người mẹ: Không được. Con đã có quá nhiều đồ chơi rồi. Con thậm chí chưa đụng đến một số món ở nhà. Con cứ vòi mẹ mua hết cái này đến cái khác. Mẹ của con có in ra tiền đâu con.

Cô bé: Mẹ, món đồ này khác hẳn mà. Mấy món ở nhà là để chơi cho vui thôi, còn cái này sẽ giúp con học đấy. Mẹ cũng muốn con học hỏi thêm mà, đúng không mẹ? (và nó mỉm một nụ cười xinh tuyệt).

Người mẹ: Mẹ không thể mua cho con. Mà dù có muốn mẹ cũng không dám đâu, ba con không thích việc mẹ con mình mua cả đống đồ chơi về nhà. Nếu ba biết chuyện này, ba sẽ la mẹ mất.

Cô bé: Nếu mẹ không nói thì làm sao ba biết được.

Người mẹ: Không được. Thôi không bàn về chuyện này nữa. Ta đi về thôi. (Người mẹ quay lưng đi tiếp).

Cô bé: (ôm món đồ chơi và đi theo). Mua cho con đi mẹ, mua đi mẹ, mua đi mẹ, mua đi mẹ, mua đi mẹ, mua đi mẹ, mua đi mẹ, mua đi mẹ, mua đi mẹ…

Người mẹ bắt đầu khó chịu và cố lờ đứa con gái đang vòi vĩnh. Chị tiếp tục bước thêm vài bước.

Cô bé: (Ngồi phịch xuống sàn và ăn vạ) Mẹ, con muốn món đồ chơi đó NGAYYYYYYYYYYYYYY! Con ghét mẹ vì mẹ không thương con. Nếu mẹ thương con, mẹ đã mua cho con món đồ chơi đó. CON GHÉT MẸ LẮMMMMMMMMMMMMM!!!!!!!!!!!!!!!!!!!” (Nó ra sức gào thét).

Người mẹ: (bối rối đi lại gần con vì có quá nhiều người hiếu kỳ đang quay sang nhìn hai mẹ con) Thôi được rồi! Được rồi! Con thắng rồi! Nín đi nào! Mẹ sẽ mua cho con món đồ chơi đó. (Chị giật lấy món đồ chơi từ tay con và đến quầy tính tiền).

Cô bé: (lập tức hết khóc) Thật thế hả mẹ? Mẹ mua thật chứ?

Người mẹ: (đưa đồ chơi đã tính tiền cho con và nói) Giờ con hài lòng rồi chứ?

Cô bé: (quay sang mẹ, nắm lấy bàn tay mẹ, ngước đôi mắt mở to vẫn còn long lanh giọt lệ nhìn mẹ và cười thật tươi) Vâng! Cảm ơn mẹ. Con yêu mẹ nhất trần đời.

Bạn đã nhận ra ai là người thắng cuộc trong cuộc “đấu trí” này. Có thể nói đấy là biểu hiện của cuộc đấu tranh “giành quyền lực” và rõ ràng cô bé lắm trò đến mức người mẹ không thể xử lý nổi. Nếu ta làm một cuộc phân tích và đặt những biện pháp của bé gái này vào ngữ cảnh người lớn, ta sẽ thấy đây là những “kỹ thuật bán hàng” mà đứa nhỏ đã áp dụng rất tốt.

1)    Sử dụng cách tiếp cận lịch sự của một nhân viên chăm sóc khách hàng (hỏi xin mẹ mua đồ chơi một cách lễ phép).

2)    Trở thành người bán hàng chuyên nghiệp bằng cách quảng cáo lợi ích của món đồ chơi này so với những món mà nó đã có ở nhà.

3)    Bắt đầu thương lượng bằng cách nói, “Nếu mẹ không nói thì sao ba biết được”.

4)    Sử dụng chiêu thức “gan lỳ” của người tiếp thị/bán hàng kiên trì bằng cách lẽo đẽo đi theo mẹ năn nỉ “mua đi mẹ, mua cho con đi mẹ”.

5)    Tận dụng chiêu thức cuối cùng (cực chẳng đã) là đe dọa “khách hàng”, tức là người mẹ, bằng cách làm cho mẹ nó phải xấu hổ nơi công cộng.

6)    Sau khi đã đạt được mục đích là có món đồ chơi trong tay, cô bé còn biết cách áp dụng chính sách hậu mãi bằng cách nịnh mẹ (“con yêu mẹ nhất trên đời”) để sau này có thể “bán hàng” tiếp.

Người phụ nữ mà tôi đang nói tới tham dự vào chương trình “Những Mô Thức Của Thành Công” và đã nắm được cách thức linh hoạt hơn đứa con gái. Người mẹ quyết định làm một việc thật sự điên rồ và khó đoán khi lần sau con bé đòi mua đồ chơi tiếp. Lần này khi đứa con gái đòi mua đồ chơi mới, người mẹ bắt đầu gào thét và nổi cơn tam bành trước khi nó kịp làm gì. “Tại sao con cứ đòi mua đồ chơi? Tại sao thế? Tại sao thế? Tại sao thế? Tại sao thế?” – người mẹ gào như một người điên. Đứa con gái hoảng hốt và sợ hãi đến nỗi nó vội đặt trả món đồ chơi lên kệ và nói, “Thôi… không cần nữa đâu mẹ”.

Đây là một ví dụ tiêu biểu về sức mạnh của tính linh hoạt trong các biện pháp và khó đoán trước trong hành động. Bạn có thể lấy lại quyền làm chủ bằng cách học để trở nên linh hoạt hơn, ứng biến hơn. Vấn đề nào cũng có giải pháp, điều mà chúng ta cần làm là tìm ra phương án “ĐÚNG ĐẮN” để hóa giải mà thôi.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH