Khi Norman Vincent Peale viết The Power of Positive Thinking (Sức Mạnh Của Tư Duy Tích Cực) vào 60 năm trước, ông bị không biết bao nhiêu là nhà xuất bản từ chối phát hành. Thất vọng tràn trề, ông vứt bản thảo vào sọt rác và cấm vợ mình không được lấy ra. Vợ ông không hề lấy ra. Ngày hôm sau, bà mang tập bản thảo còn nằm nguyên trong sọt rác đến gặp nhà xuất bản đồng ý phát hành nó ra công chúng. Quyển sách trở thành nền tảng lót đường cho phong trào phát triển tiềm năng con người, bán được hơn 20 triệu bản và được dịch ra 47 thứ tiếng.

Nhiều lời khuyên giản dị của Peale nghe có vẻ kỳ quặc, thậm chí là buồn cười với chúng ta ngày nay. Thế nhưng quyển sách lại truyền tải được một sự thật cơ bản: Rõ ràng là bạn tạo nên thế giới của mình bằng chính suy nghĩ của bạn. Đa số thành tựu cá nhân đều bắt đầu bằng niềm tin sắt đá rằng mình có thể và sẽ làm được.

Ngay cả khi đạt được mục tiêu, chưa hẳn bạn đã cảm thấy thỏa mãn dài lâu, bởi ham muốn của con người là vô hạn. Hầu như tất cả chúng ta đều rơi vào cái mà các nhà tâm lý học gọi là guồng xoay khoái lạc. Chúng ta làm việc để đạt được những gì mình khao khát. Ta thấy mình thỏa mãn trong một thời gian. Thế nhưng ta sẽ nhanh chóng quen với điều đó và cảm thấy bất mãn trở lại. Vì thế lần sau ta lại đặt ra thử thách cao hơn.

Ta dễ dàng biến cuộc sống của mình thành một bức tranh ghép từ những khát khao bất thành. Chúng ta muốn công việc với mức lương cao hơn, được công nhận nhiều hơn, địa vị xã hội cao hơn, một chiếc xe mới hơn, một căn nhà to hơn, một cơ thể rắn chắc hơn, hay một người bạn đời quyến rũ hơn.

Tất nhiên không phải bất mãn nào cũng xấu. Ham muốn sẽ thúc đẩy chúng ta vươn đến những mục tiêu tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng cảm giác thiếu thốn thường xuyên sẽ dẫn đến lo âu. Nó tàn phá sự thỏa mãn. Và ta không còn bình yên nữa.

May thay, những triết gia Stoic xa xưa biết một kỹ thuật giúp ta vượt qua cảm giác quen thuộc nhàm chán với những gì mình có và lấy lại sự hài lòng mà ta tìm kiếm. Kỹ thuật đó gọi là “hình dung tiêu cực”.

Hình dung tiêu cực là mỗi ngày dành ra một khoảng thời gian ngồi tưởng tượng xem mình sẽ ra sao nếu bỗng dưng mất đi những gì bạn quý nhất. Chẳng hạn như tưởng tượng bạn bị mất việc, nhà bạn – cùng tất cả tài sản – bị cháy ra tro, người bạn đời bỏ bạn đi theo người khác, hay bạn bị mù, điếc hay bị liệt.

Nghe có vẻ thảm quá, tôi biết chứ. Nhưng những người theo chủ nghĩa Stoic có lý của họ.

Họ hiểu rằng tất cả những gì ta đang tận hưởng trên đời này đều do Vận May cho ta “vay mượn”. Bất cứ thứ gì – tất cả những gì thuộc về bạn – đều có nguy cơ bị đòi lại bất cứ lúc nào, không một lời báo trước. Ví dụ như Epictetus nhắc ta rằng con cái là do Trời ban “trong thời điểm hiện tại, chứ không phải bên nhau không rời”. Lời khuyên của ông: Ngay cả khi hôn con, hãy thầm nhủ rằng con mình có thể qua đời vào ngày mai.

Nhà triết học La Mã Seneca khuyên ta hãy sống như ngày cuối cùng được sống, hay chính xác hơn, mỗi phút giây đều sắp đến tận cùng. Không phải ông xúi bạn gạt bỏ trách nhiệm và phung phí từng ngày vào chuyện khoái lạc bồng bột, mà ông khuyến khích bạn thay đổi cách nghĩ.

Hầu hết chúng ta đều theo đuổi ước mơ mà mình từng khao khát. Thế nhưng dọc đường đi, ta trở nên mệt mỏi, chán chường và không còn cảm nhận được những phước lành quanh ta. Mục đích của chủ nghĩa Stoic là đánh thức ta, nhắc ta trân trọng những gì mình đang có.

Một số người sẽ không tán đồng với phương pháp này, họ cho rằng hình dung tiêu cực áp dụng được với những người đang sống hạnh phúc, khỏe mạnh và sung túc, nhưng còn những người đang gặp khó khăn hay kém may mắn thì sao? Hình dung tiêu cực vẫn có tác dụng. Nếu bạn đã bị mất việc, hãy tưởng tượng đến cảnh mất hết tài sản. Nếu tài sản đã tiêu tan, hãy tưởng tượng mất đi những người thân yêu. Nếu những người thân yêu đã qua đời, hãy tưởng tượng mất đi sức khỏe. Nếu không còn khỏe mạnh, hãy tưởng tượng mất đi mạng sống này.

Hiếm có ai hứng chịu tất cả những tình cảnh nguy kịch đến thế. Vậy nên phương pháp này hẳn sẽ hữu ích với tất thảy mọi người. Khả năng thích nghi khiến ta quên đi niềm vui sống. Hình dung tiêu cực sẽ mang nó quay về với bạn. Nó còn giúp bạn chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những khó khăn không tránh khỏi trong cuộc sống. Chẳng hạn như những người từng sống sót qua các trận bão, động đất, gió lốc, hay các thiên tai khác thường phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề. Thế nhưng về sau họ đều cho biết, trước đây họ sống như người mộng du, còn bây giờ họ thật sự vui vẻ, biết ơn vì mình còn giữ được tính mạng.

Không nhất thiết bạn phải trải qua đại họa mới cảm nhận được điều này. Thay vào đó, phương pháp hình dung tiêu cực sẽ giúp bạn. Bạn còn có thể thực hành thường xuyên, và hiệu quả của nó sẽ duy trì mãi mãi, khác hẳn với những tai ương. Hãy thử đi, rồi bạn sẽ thấy. Nó rất thích hợp trong những lúc bạn đang xếp hàng, bị kẹt xe, những lúc thời gian trôi qua lãng phí.

Khi nghiền ngẫm về sự biến thiên của vạn vật, bạn sẽ hành động một cách nhiệt tình, có chủ đích và ý thức cao hơn.

Norman Vincent Peale nói đúng một nửa. Hình dung tích cực giúp bạn có được những gì bạn muốn. Hình dung tiêu cực giúp bạn muốn những gì mình có.

[sach_trencagiauco]